Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền
“Con người có tổ có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn.”
Đúng như câu thành ngữ đã lưu truyền từ ngàn đời nay, Giáo hội Công giáo cũng mời gọi con cái mình sống thảo hiếu mẹ cha qua việc đọc kinh dâng lễ trong tháng 11 để cầu cho ông bà tổ tiên, cách riêng vào ngày 02/11 hằng năm chúng ta lại có dịp quy tụ nhau nơi chốn an nghĩ của ông bà cha mẹ để cùng hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho các ngài.
Đứng trước phần mộ của người quá cố có lẽ trong ký ức chúng ta lại hiện về biết bao nhiêu kỷ niệm về người thân. Có em bé nói rằng: mỗi lần ra thăm mộ bà là ký ức con lại ùa về biết bao hình ảnh đẹp của bà. Con nhớ hình bóng của bà lắm! Nhớ vòng tay ôm ấp, nhớ nụ cười hiền từ của bà. Con cũng không quên được những lần có lỗi với bà, khiến trong khoé mắt con lại thấy ân hận xót xa.
Bản thân tôi khi nhớ về mẹ tôi vẫn thấy sao mình vô tâm quá khi mẹ vẫn còn sống. Vô tâm hay vì quá ngây thơ mà tôi vẫn thường tin những câu nói dối của mẹ: “Mẹ không sao”, “Con không cần mua quà gì cho mẹ đâu”, “Mẹ đủ rồi con” . . .
Hồi sau năm 75 dường như gia đình chúng tôi cũng như bao gia đình khác đều nghèo đến nỗi cơm còn chẳng đủ để ăn. Cứ tới bữa, mẹ lại nhường bát cơm vốn đã chẳng nhiều nhặn gì cho tôi rồi nói “Con ăn đi, mẹ không đói”. Trẻ con như tôi có biết gì đâu, cứ ăn được là ăn chứ nghĩ ngợi gì. Thế là hồn nhiên ăn bát cơm mẹ nhường mà chẳng hề biết đó là lời nói dối đầu tiên của mẹ…
Có những lần cơm cá rất ngon nhưng mẹ chỉ ăn đầu, chúng tôi bảo sao mẹ không ăn thịt, mẹ bảo ăn đầu cá bùi hơn. Thế mà tôi vẫn tin, và vẫn ăn mà chẳng để dành cho mẹ.
Rồi khi tôi đã lớn và tự làm ra tiền để phụ giúp mẹ, tôi nói mẹ đừng đi làm nữa ở nhà cho khoẻ mẹ ạ. Nhưng bà đâu có nghe, sáng sớm nào bà cũng ra chợ để bán dăm ba thứ rau trồng được trong vườn, hay một ít trái cây buôn đi bán lại. Lần nào tôi đưa cho mẹ ít tiền, bà cũng đều trả lại. “Mẹ không thiếu tiền, con trai!”.
Thời gian trôi qua, mẹ ngày càng già yếu. Bác sĩ phát hiện bà đã mắc ung thư và buộc phải vào viện chữa trị. Khi đó tôi đã là cha xứ về với bà, thật không kìm được lòng thì thấy người phụ nữ héo hon, gầy gò nằm đó quặn đau khắp người. Xạ trị đau đớn là vậy, mà mẹ vẫn gượng cười cho tôi an tâm rồi thều thảo:“Đừng lo, mẹ không đau đâu”. Đau xót làm sao, đây là lời nói dối cuối cùng của mẹ! Mẹ tôi ra đi sau khi cơn bạo bệnh hành hạ, nhưng vẫn mỉm cười nói mẹ chẳng sao để tôi thấy yên lòng…
Vâng, mẹ tôi là vậy, luôn có câu:
“Mẹ vẫn khoẻ, con cứ đi đi, chăm học hành!
Mẹ không sao, con ở nơi xa, đừng lo lắng!”
Con khôn lớn, mẹ mừng vui,
Dù vất vả, mẹ vẫn cười
Mẹ nói dối cũng chỉ là vì con thôi!
Kính thưa quí vị!
Hằng năm, cứ mỗi độ thu về, khi ra thăm mộ dẫm lên những lá vàng xào xạc khiến chúng tangậm ngùi tưởng niệm ân đức cao dày của mẹ cha:
“Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”
Bổn phận làm con, chúng con hằng nhắn nhủ với nhau rằng phải:
“Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
Thật hạnh phúc khi đạo hiếu Việt Nam lại thật gần với giáo lý Công Giáo. Luật của Chúa cũng đòi buộc chúng ta phải thảo kính cha mẹ. Người biết thảo kính cha mẹ còn được Chúa chúc phúc cho sống lâu trên mặt đất. Thảo kính cha mẹ khi các ngài còn sống là yêu mến vâng lời, và khi các ngài qua đời thì đọc kinh, dâng lễ, cầu nguyện.
Hôm nay chúng ta đang quây quần bên ngôi mộ của những người thân, lòng chúng ta cũng dạt dào lòng tri ân đối với các ngài, và chắc chắc cũng muốn làm điều gì đó cho các ngài. Vậy họ cần gì nơi chúng ta?
Thưa, họ cần ơn Chúa. Họ cần ân sủng của Chúa Kitô để được thanh luyện khỏi những vấn vương của bụi trần; linh hồn nơi luyện tội cần ơn thánh Chúa Kitô để được thứ tha những tội lỗi và hình phạt; và nhờ đó họ được tái sinh trong Vương Quốc Hằng Sống.
Nhưng ơn thánh Chúa ban qua cách thức nào? Ơn thánh Chúa ban cho người quá cố, qua thái độ lúc còn sinh thời, người đó hằng tin tưởng gắn bó với Chúa và tha thiết cậy trông. Ơn thánh Chúa ban qua lời cầu nguyện của những người thân đang còn sống nơi trần thế. Nhất là các thánh lễ misa và những việc lành phúc đức mà các ngài khi còn sống đã không có điều kiện để làm và hôm nay họ đang cần công đức ấy trước toà Chúa của chúng ta.
Trong tâm tình đó giờ đây, chúng ta cùng hiệp dâng hy tế cứu độ của Đức Ky-tô để cầu nguyện cách đặc biệt cho những linh hồn thân yêu của chúng ta.
Xin vì công nghiệp của Chúa tha thứ những yếu đuối trong thân phận con người khi còn sống các ngài có thể vướng mắc. Nguyện xin Chúa đón nhận các linh hồn tiên nhân vào hưởng nhan thánh Chúa muôn đời. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Views: 0