Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền
Một câu chuyện dạy con xin lỗi với bà lão bán vé số lan nhanh như “virus” trên mạng xã hội Facebook trong những ngày gần đây. Câu chuyện chỉ xảy ra trong một thời gian rất ngắn, xoay quanh 3 nhân vật: đứa con trai, bà mẹ và bà lão bán vé số nhưng chứa đựng trong đó rất nhiều triết lý nhân sinh về lòng thương người, biết nói lời xin lỗi, và đặc biệt là cách giáo dục con của bà mẹ Việt khiến mọi người đầy ngưỡng mộ.
Câu chuyện được diễn ra vào buổi tối hôm ấy trong quán ăn có bà mẹ và đứa con trai đang ngồi ăn sáng. Chợt có bà cụ bán vé số tới mời mua, bà mẹ nhẹ nhàng mỉm cười và mua cho bà 2 tờ. Bà thấy thằng nhóc kế bên bà nựng nó tí. Thế là nó la lên và hất bà cụ ra tỏ vẻ khó chịu. Bà mẹ thấy thế xin lỗi bà cụ rối rít. Bà cụ gật đầu và lủi thủi đi trong sự im lặng. Có 1 điều làm tôi khá bất ngờ, nếu đứng ở khía cạnh khác, người mẹ đã la đứa con hay tỏ vẻ khó chịu. Nhưng không, bà mẹ nói với con trai: “Nếu sau này mẹ già mẹ ra ngoài đường bán vé số, bị người ta làm như vậy con sẽ làm gì?”. Cậu con trai bối rối im lặng và thủ thỉ xin lỗi mẹ, mai mốt cậu không làm như vậy nữa. Hai mẹ con mỉm cười và tiếp tục ăn tiếp.
Có thể nói cách giáo dục của bà mẹ này rất hay, không la con, nói từ tốn nhẹ nhàng nhưng làm cho cậu nhóc đau, và hiểu được những gì mình đã gây ra. Đôi khi những lời nhắc nhẹ nhàng của cha mẹ, thầy cô, bạn bè lại giúp chúng ta sửa đổi nhiều hơn là những lời răn đe roi vọt. Từ những chuyện nhỏ nhặt cho đến chuyện lớn lời dạy của mọi người đã làm cho chúng ta thay đổi rất nhiều.
Đúng là không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện nhỏ được chia sẻ trên mạng xã hội này lại khiến nhiều người phải suy ngẫm đến thế! Mỗi người khi đọc câu chuyện này đều có những suy nghĩ khác nhau… Có thể là một bài học về cách giáo dục con, hay là về lời xin lỗi của bà lão, và cũng có thể là lời xin lỗi đầy hối hận như cậu bé.
Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta đã “đóng vai” cậu con bé ích kỷ đó. Dè bỉu, coi thường, thậm chí là có những lời nói hoặc hành động xúc phạm đến những người ăn xin, người bán hàng rong,… Có bao giờ sau mỗi lần như thế, về nhà chúng ta ngẫm nghĩ lại: Họ là những người không may mắn như chúng ta, không được đến trường, không có một công việc ổn định, “cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm”, nên chúng ta chí ít cũng phải tỏ ra cảm thông với những người mảnh đời lầm than đó!
Hôm nay, ngày khởi đầu cho mùa chay thánh,với hành vi xức tro trên đầu như nhắc nhở chúng ta: “Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro”. Tro bụi là biểu tượng của sự dòn mỏng của con người, nay còn mai mất, nên khi nhận một ít tro, người tín hữu phải nhớ mình là kiếp phù du. Hãy biết sống đẹp trước mặt mọi người khi ta đang có cơ hội sống bên hau. Hành vi này cũng nhắc nhở các tín hữu về nguồn gốc của mình “Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở nên một sinh vật”.
Nghi thức xức tro cũng là khởi đầu của mùa thống hối, gợi nhớ cho tín hữu về một thời điểm quan trọng đang bắt đầu liên hệ tới ơn cứu rỗi của họ, đó là Mùa Chay. Tro là dấu chỉ để mỗi người chúng ta đều nhìn nhận mình là tội nhân. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa sẽ tha tội cho chúng ta và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính.Với điều kiện chúng ta phải biết nhìn nhận tội lỗi của mình để xin lỗi Chúa và với anh em mà mình đã lỗi phạm.
Tóm lại, mặc dù nguồn gốc của con người hèn kém như tro, như bụi đất nhưng con người được Thiên Chúa yêu thương, cứu chuộc và sau này sẽ được sống lại để hưởng phúc đời đời. Vì vậy, hãy cố gắng ăn năn đền tội, lập công phúc để được hạnh phúc muôn đời.
Ước gì người ky-tô hữu chúng ta luôn có một lương tâm ngay chính để có thể nhận ra lỗi lầm của mình mà sám hối ăn năn trước mặt Chúa, mà xin lỗi tha nhân. Ước gì đời sống của chúng ta luôn nhận ra sự bất toàn của mình để trông cậy vào ơn Chúa để thắng vượt những cám dỗ của ma quỷ, để luôn trung tín với Chúa. Amen
Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền
Views: 0