Dr. Lương Huỳnh Ngân chuyển ngữ
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
1 Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên.2 Người mở miệng dạy họ rằng:3 “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,vì Nước Trời là của họ.
4 Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
5 Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
7 Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa.
12 Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
(Mt5, 1-12a)
Chúa Giê-su đang trong thời gian rất được hoanh ngênh, đám đông theo Ngài. Đây là lúc thích hợp để loan báo sứ điệp của Chúa. Và thánh sử Mát-thêu dẫn vào Lời Chúa Giê-su theo cách của các ngôn sứ Cựu Ước : “2 Người mở miệng dạy họ rằng”( Mt 5,1) .
Chữ mở miệng là một đặc ngữ long trọng báo trước điều sẽ nói. Mười hai thế kỷ trước, trên một đỉnh núi khác – tại Si-nai – ông Mô-sê truyền lại cho dân chúng những điều răn Thiên Chúa. Trên núi Ga-li-lê, Chúa Giê-su đi xa hơn trong sự mạc khải và đề nghị một phương cách mới xem xét những điều răn này. Ngài trình bày những điều nghịch lý cũng như thánh Phao-lô nói cho các tín hữu thành Cô-rin-tô : Nghịch lý giữa sự khôn ngoan của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của loài người.
Mỗi câu đều bắt đầu bằng chữ “phúc cho ai”. Từ ngữ này thường thấy trong Cựu Ước, luôn vang lên như một lời ca ngợi, một lời ca ngợi thật sự tốt đẹp nhất ta có thể mơ ước. Dịch giả Thánh Kinh André Chouraqui dùng chữ “tiến đến”, có ngụ ý nói : “bạn đi đúng hướng, đang tiến về Nước Trời”.
Tôi nghĩ rằng một trong những phương cách đọc Những Mối Phúc Thật là xem những câu này như vô số nẻo đường dẫn đến Nước Trời : mỗi người trong chúng ta đóng góp vào việc xây dựng Vương Quốc Thiên Chúa bằng những phương tiện nhỏ bé của mình.
Chúa Giê-su nhìn đám đông và nhìn họ với mắt Thiên Chúa. Hãy nhìn kìa, Ngài nói với những môn đệ, ở đây có những kẻ nghèo khó, những kẻ hiền từ, những kẻ đau khổ và khao khát công chính, những kẻ đầy lòng trắc ẩn, những con tim trong trắng, những người xây dựng hoà bình, những người bị bách hại… tất cả những tình cảnh này không tương ứng chút nào với những gì thế gian cho là hạnh phúc.
Thế nhưng, Chúa nói những ai sống những tình trạng đó là những người có cơ may nhận được và xây dựng Vương Quốc. Kiếp sống của con người tiến đến chân trời, chân trời ấy là Vương Quốc Thiên Chúa : tất cả những con đường khiêm hạ của chúng ta đều dẫn đến đó. Bằng cách ấy Chúa Giê-su dạy chúng ta nhận xét kẻ khác và ngay cả chúng ta bằng cách nhìn khác. Ngài dạy chúng ta nhìn như Chúa Giê-su nhìn, và dạy chúng ta luôn biết kinh ngạc thán phục.
Ngài chỉ cho chúng ta sự hiện diện của Nước Trời nơi mà chúng ta không bao giờ chờ đợi : tâm hồn nghèo khó, lòng hiền lành, tâm hồn trong sạch, bị bách hại, vu khống, sỉ vả …
Đối với con người, sự khám phá quá nghịch lý khác thường ấy lại dẫn chúng ta đến những ân sủng tuyệt vời. Sự yếu đuối của chúng ta lại là nguyên liệu cho Vương Quốc. Vì tất cả những Mối Phúc Thật ấy nằm trong câu đầu : “3 Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.”
Ở đây không phải lý tưởng hoá sự nghèo khó vật chất, Thánh Kinh luôn trình bày sự nghèo khó như một điều xấu phải chống lại. Nhưng trước hết cũng phải nói rằng không phải những giai cấp xã hội có thế lực, quan trọng là thành phần đông nhất theo Chúa Giê-su ! Người ta thường trách Chúa hay đi lại với bất cứ những ai !
Điều thứ hai, chữ “nghèo” trong Cựu Ước không liên quan gì với tài khoảng trong ngân hàng :
những người “nghèo” theo Thánh Kinh là những người không có lòng kiêu hãnh, hay có cái nhìn trịnh thượng như trong các thánh vịnh chép.
Người ta còn gọi họ là những người “lưng còm”. Đó là những người nhỏ bé, khiêm nhu trong nước, theo cách nói của các ngôn sứ. Họ không phải những người hưởng thụ, hài lòng, hài lòng với chính họ, nhưng họ thiếu một cái gì. Vì thế Chúa bù lấp cho họ.
Chúng ta tìm thấy nơi đây, dưới ngòi bút của thánh sử Mát-thêu một tiếng vang của dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế : mặc dù người Pha-ri-sêu rất thánh thiện nhưng ông không thể đón nhận Thiên Chúa vì lòng ông đầy tràn về chính mình ; trong lúc đó người thu thuế, ai cũng biết là kẻ tội lỗi, hướng về Chúa và chờ đợi ơn cứu độ đến từ Ngài, anh ta được bù lấp.
Đây chính là chất lượng, “tinh thần nghèo khó”, có nghĩa là phẩm chất của kẻ “tìm nương ẩn nơi Danh Đức Chúa”. ( Xp3,12), như Xô-phô-ni-a nói, kẻ cần đến Chúa, những kẻ nhận tất cả từ Chúa như những món quà. Và tất cả những gì trong các Mối Phúc Thật khác (Có lòng xót thương, tức là biết tha thứ, đói khát lẽ công chính…) , tất cả những thứ ấy đều là quà nhưng không đến từ Thiên Chúa, và chúng ta chỉ có thể có tận dụng mọi khả năng ấy phục vụ cho Nước Trời khi chúng ta lãnh nhận trong tinh thần này.
Thực ra mối Phúc đầu tiên làm cho chúng ta có thể lãnh nhận những Mối Phúc khác : “3 Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó” : hãy đặt tin tưởng nơi Chúa, Ngài sẽ bù lấp bằng những của cải của Ngài, những của cải… “ Phúc thay “ , có nghĩa là sau này mọi người sẽ thèm muốn được như bạn.
Tôi buột miệng muốn nói : đó là bắt chước Chúa Giê-su Ki-tô. Ngài là người nghèo cao cả nhất, hiền từ, khiêm nhu. Thực ra, nếu chúng ta nhìn kỹ bài Tin Mừng này, thì đó là chân dung chính Chúa Giê-su. Chúng ta đã thấy Ngài hiền lành và giàu lòng thương xót, cảm thông với người khổ cùng và tha thứ cả những đao phủ của mình, khóc cho sự đau khổ người này, khóc cho lòng chai đá kẻ khác.
Đói khát công lý và chấp nhận bị bách hại, và nhất là trong mọi tình huống, có tâm hồn nghèo khó, nghĩa là luôn chờ đợi nơi Cha Ngài và tạ ơn Chúa Cha đã “mặc khải cho những người bé mọn” ( Mt 11,25) .
Bài này có thể đọc ngược lại như một bài mô tả Nước Trời : đây là nơi ngự trị sự khiêm nhu, lòng nhân từ, niềm vui, lẽ công chính, lòng xót thương, sự trong sạch và bình an. Nhưng, trên thực tế sở dĩ Cựu Ước rất gắn bó với Thánh Địa, đó là vì nơi đây có thiên chức, ngay từ dưới thế gian này, là hình bóng của Nước Trời, một nơi của tình huynh đệ, của công lý và hoà bình.
Trong lúc chúng ta thường nhắc tới mừng kim khánh, có lẽ chúng ta cũng nên nhớ lại tất cả những nơi chúng ta cư trú đều cũng có ơn gọi là hình bóng của Nước Trời, nơi ấy chúng ta sống những Mối Phúc Thật.
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính : Khổng Nhuận
Nguồn https://tramtubensuoi.blogspot.com/2018/10/vo-so-neo-uong-dan-en-nuoc-troi.html
Views: 0