Dr. Lường Huỳnh Ngân chuyển ngữ
12 Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan. 13 Lạy CHÚA, xin trở lại! Ngài đợi đến bao giờ? Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây. 14 Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca. 15 Xin ban tặng chúng con niềm hoan hỷ, bù lại những tháng năm Ngài đã bắt nếm nhục nuốt sầu. 16 Ước gì chúng con là tôi tớ Chúa được thấy công trình Ngài thực hiện, và con cháu chúng con được thấy vinh hiển Ngài. 17 Xin cho chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con. Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố, xin củng cố việc tay chúng con làm. ( Tv 89-90, 12-17)
Rất có thể chúng ta đang ở trong khuôn khổ của nghi lễ sám hối trong Đền Giê-ru-sa-lem, sau cuộc lưu đày Ba-by-lon. Lời nguyện: « 13 Lạy CHÚA, xin trở lại! Ngài đợi đến bao giờ, Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây.? », là đặc trưng của nghi lễ phụng vụ sám hối. Câu « đợi đến bao giờ » được dịch rất sát nghĩa, ngụ ý nói rằng, bây giờ chúng con thật đau khổ, bị trừng phạt vì những lỗi lầm của chúng con ; xin Ngài tha thứ và cất đi hình phạt này.
Dấu hiệu thứ hai cũng đi cùng hướng ấy, câu : « 15 Xin ban tặng chúng con niềm hoan hỷ, bù lại những tháng năm Ngài đã bắt nếm nhục nuốt sầu ». Trong Thánh Kinh cụm chữ « những tháng năm Ngài đã bắt nếm nhục nuốt sầu » là ám chỉ năm mươi năm lưu đày Ba-by-lon. Đó là cách hiểu Thánh Kinh như sự trừng phạt lỗi phạm Ít-ra-en đối với Giao Ước.
Cho nên bài thánh vịnh này là lời nguyện xin ơn trở lại : « 12 Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan ». Ơn trở lại tức là sống theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, để cuối cùng biết « đếm tháng ngày mình sống». Không phải ngẫu nhiên mà bài thánh vịnh này được đề nghị cho chúng ta đọc như một tiếng vang của Bài Đọc 1 chúa nhật hôm nay, trích từ sách Khôn Ngoan. Bài TV đến để cho chúng ta một định nghĩa tuyệt vời của sự khôn ngoan : biết đếm tháng ngày mình sống.
Trong bài này người viết thánh vịnh cho chúng ta suy niệm về sự khác biệt giữa A-đam và Sa-lô-mon. Cả hai được sinh ra để làm vua : Sách Sáng Thế nói rằng A-đam được gọi làm bá chủ các tạo vật ; còn Sa-lô-mon được gọi trị vì dân Chúa. Một đàng thì phồng căng tính kiêu ngạo, trong lúc Sa-lô-mon không bao giờ quên mình là một sinh vật nhỏ bé.
Những tín hữu biết rằng chỉ có Thiên Chúa mới biết điều thiện điều ác, trong lúc sự kiêu ngạo làm cho A-đam trong vườn địa đàng khẳng định rằng mình có thể tự cho mình sự hiểu biết ấy. « ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác » ( St3,4), con rắn hứa như thế.
Sa-lô-mon thì biết sự khôn ngoan không thể tự nhiên mà có nơi con người và ông cầu nguyện để xin điều đó. Sách Sáng Thế có ghi lời nguyện ấy của vua Sa-lô-mon :
« 1 “Lạy Thượng Đế của bậc tổ tiên, lạy Đức Chúa từ bi lân tuất, Chúa dùng lời Chúa mà tác thành vạn vật, 2 dùng sự khôn ngoan Chúa mà cấu tạo con người, để con người làm chủ mọi loài Chúa dựng nên, 3 và sống sao cho thánh thiện công chính mà chỉ huy cả vũ trụ này, cùng được một tâm hồn ngay thẳng mà phân biệt phải trái. 4 Xin rộng ban cho con Đức Khôn Ngoan hằng ngự bên toà Chúa. Xin đừng đuổi con đi mà chẳng nhận làm con. 5 Vì thân này là tôi tớ, con của nữ tỳ Ngài, số phận mỏng manh, cuộc đời vắn vỏi, việc pháp đình lề luật, con bé bỏng hiểu chi ! 6 Quả thế, con người ta dẫu thập toàn đi nữa mà chẳng có Đức Khôn Ngoan của Ngài, thì cũng kể bằng không vậy » ( St 9,1-6)
Đấy là một người biết đếm tháng ngày mình sống ! Một người biết nhìn ra vẻ huy hoàng công trình của Thiên Chúa : « 16 Ước gì chúng con là tôi tớ Chúa được thấy công trình Ngài thực hiện, và con cháu chúng con được thấy vinh hiển Ngài ». Đó cũng là bí quyết của niềm hạnh phúc của Sa-lô-mon. Sự khôn ngoan thật sự là ở vị trí của mình, nhỏ bé đối với Thiên Chúa ; trước mặt Ngài chúng ta chẳng là gì … chỉ là hạt bụi trong tay Ngài.
Khi con người nhận ra mình là thế nào, lúc ấy mới có thể hạnh phúc, có thể no đầy tình yêu Thiên Chúa mỗi buổi sáng, có thể có cuộc sống trong niềm vui và « 14 Từ buổi mai … no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca ».
Trong Thánh Kinh, con người ý thức mình nhỏ bé, không phải là điều nhục nhã, vì ở trong tay Chúa : đó là một sự nhỏ bé, đầy lòng tin tưởng như con đối với cha. Tình Cha con đậm đà đến nổi có thể vững tin xin Ngài : « 17 Xin cho chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con. Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố, xin củng cố việc tay chúng con làm. »
Tác giả thánh vịnh viết bài này lúc từ Ba-by-lon trở về và để dâng tặng cho Mô-sê. Nếu chúng ta lật Thánh Kinh ra sẽ thấy câu đầu bài thánh vịnh « 1 Lời cầu nguyện của ông Mô-sê, người của Thiên Chúa ».
Thật vậy, chúng ta có thể tưởng tượng ông Mô-sê cũng không thiếu gì cơ hội để suy ngẫm về những cơ hội thiếu khôn ngoan của dân này, trên đường Si-na-i.
Một ngày, chán nản ông nói : « 7 Anh (em) phải nhớ, đừng quên rằng anh (em) đã chọc giận ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), trong sa mạc. Từ ngày anh (em) ra khỏi đất Ai-cập cho đến khi tới đây, anh em đã phản nghịch chống lại ĐỨC CHÚA » ( Đnl 9,7)
Chúng ta nên biết rằng có một nguyên do chung giữa ba trường hợp :
lỗi phạm của A-đam trong vườn địa đàng,
trải nghiệm dân Ít-ra-en trong sa mạc
và sự cám dỗ luôn luôn rình rập chúng ta là quên sự vĩ đại của Thiên Chúa và không biết nhận ra sự nhỏ bé của chúng ta.
Câu chót của bài thánh vịnh thật tuyệt vời : « xin Ngài củng cố, xin củng cố việc tay chúng con làm ».
Có lẽ công trình Ít-ra-en vừa mới khởi sự đầy khó khăn khi lưu đày mới trở về, tức là việc xây lại Đền Thờ Giê-ru-sa-lem giữa những phản đối tứ bề.
Nhưng một cách tổng quát hơn, bài này nói về công trình của Chúa và loài người : Con người hành động thật sự, cộng tác vào công trình tạo dựng, nhưng chính Chúa ban cho sự vững chắc và hiệu quả.
Ngược lại, hệ quả của tội lỗi A-đam làm cho công việc vừa nặng nhọc vừa bạc bẽo …
Vì thế chúng ta có thể tự hỏi : mỗi lần chúng ta cố gắng làm cho Nước Trời tiến lên có vẻ quá vất vả, phải chăng vì chúng ta quên không « biết đếm những ngày mình sống » như trong bài thánh vịnh này, có nghĩa là chúng ta quên không đặt sự bé nhỏ của chúng ta trong bàn tay Thiên Chúa.
***
Tác giả: bà Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đỉnh: Khổng Nhuận
Nguồn https://tramtubensuoi.blogspot.com/2018/10/tu-buoi-mai-no-say-tinh-chua.html
Views: 0