Dr. Lương Huỳnh Ngân chuyển ngữ
Trích sách tiên tri I-sa-i-a.
4 ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng
đã cho tôi nói năng như một người môn đệ,
để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức.
Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi
để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ.
5 ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã mở tai tôi,
còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.
6 Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn,
giơ má cho người ta giật râu.
Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.
7 Có ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi,
vì thế, tôi đã không hổ thẹn,
vì thế, tôi trơ mặt ra như đá.
Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.
Chúng ta đã gặp, cách đây vài tuần, vào Chúa nhật thứ hai thường niên, một bài trích sách tiên tri I-sa-i-a mô tả dung nhan Người Tôi Trung Thiên Chúa. Trong bài này, tiên tri I-sa-i-a vạch ra mối quan hệ tuyệt vời giữa Người Tôi Trung với Thiên Chúa của Ngài. Đặc tính chính yếu, hẳn là sự tín nhiệm: «lắng tai nghe như một người môn đệ», đó là thái độ hoàn toàn tin tưởng: «ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ… ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã mở tai tôi».
Thái độ này hoàn toàn trái ngược với thái độ của A-đam, A-đam người ngờ vực, ông ngờ ý định của Thiên Chúa, và tưởng mình đã hiểu khi nghe tiếng xì xào rằng Chúa ganh với tạo vật của Ngài… Tác giả viết bài tường thuật lỗi lầm A-đam, chính xác muốn cho thấy sự ngờ vực từ sâu thẳm đáy lòng; là nguồn gốc dẫn chúng ta lầm đường và những đau khổ của chúng ta, đưa chúng ta đến cái chết; vì nó chia cách ta với Thiên Chúa, là nguồn mạch sự sống: chúng ta được dựng nên để sống bằng hơi thở của Chúa (hẳn các bạn còn nhớ, Chúa nhào nắn con người bằng bụi đất, rồi thổi vào mũi chúng ta hơi thở hằng sống): ngờ vực, tức là cắt lìa chúng ta với mối quan hệ sống còn ấy.
«Lắng tai nghe» hiểu theo Thánh Kinh, là ngược lại với thái độ xì xào, phản đối như ở Ma-xa và Mơ-ri-va. Nơi ấy, dân chúng vừa mới được Thiên Chúa giải thoát – thoát khỏi nhà nô lệ, như họ nói – tức là kiếp nô lệ bên Ai Cập; dân chúng vừa mới trải nghiệm từ xương máu, hành động cứu độ của Thiên Chúa, lại mở lòng ngờ vực Chúa của họ khi phải đối đầu với những thử thách của sa mạc (ở đây là sự khát). Và từ nay, chúng ta quen đặt cạnh nhau hai thái độ mẫu, đời chúng ta không ngừng dao động giữa hai thái độ ấy: trông cậy, tin tưởng vào Thiên Chúa, phó thác, bình tâm theo thánh ý Ngài; vì ta biết qua trải nghiệm, ý Chúa chỉ có thể tốt đẹp… hoặc nghi kỵ, ngờ vực những ý định Thiên Chúa và phản kháng trước thử thách. Một sự phản kháng có thể đưa đến tình trạng, chúng ta tin rằng Chúa bỏ rơi chúng ta, hay, tệ hơn, Ngài tìm thấy một sự thoả mãn nào đó khi ta đau khổ. Các ngôn sứ, lần lượt hết người này đến người khác lặp lại «hỡi It-ra-en, hãy nghe đây» hay là «hãy nghe lời ĐỨC CHÚA phán.» (Is 1, 10) và từ miệng các vị «nghe», có nghĩa là «luôn luôn tin tưởng vào Thiên chúa bất cứ trong tình huống nào». Thánh Phao-lô giải thích tại sao: tại vì: «Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định» (Rm 8, 28). Từ bất cứ sự dữ nào, khó khăn nào hay thử thách nào, Chúa đều làm nảy ra sự lành; từ hận thù, Ngài chống đỡ lại bằng một tình thương còn mãnh liệt hơn nữa; trong mọi bách hại, Ngài ban sức mạnh để tha thứ; từ sự chết, Ngài cho nảy sinh sự sống, sự Phục Sinh.
Chính nhờ lòng cậy trông ấy, Người Tôi Trung chấp nhận sứ vụ được trao phó. Khi chúng ta có cơ hội thật sự phục vụ tha nhân một cách thực tế; có thể nói, chúng ta nghe theo lệnh và khi ấy – chúng ta biết qua trải nghiệm – chúng ta có nghị lực, có tiềm năng cần thiết để thực hiện. Như bài này nói: «ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi,» (c.7).
Tôi cố tình nói «sứ vụ được trao phó». Không phải để chơi chữ, nhưng để thể hiện một sự tin tưởng lẫn nhau. Chúa tin tưởng nơi người tôi trung của Mình, Ngài trao một sứ vụ; để đáp lại, người tôi trung tin tưởng chấp nhận. Và chính vì chính lòng tin tưởng như thế, mới mang lại nghị lực cần thiết, để chịu đựng những đối kháng phải gặp tất nhiên trên đường. Trong bài này là sứ vụ của người ngôn sứ: «để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức.» (c.4). Nhân dịp này, tôi xin lưu ý một lần nữa, mọi sứ vụ đều để phục vụ người khác. Một khi trao sứ vụ ấy, Chúa ban nghị lực cần thiết, Ngài cho lời cần thiết: «ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ» (c.4). Chính Ngài nuôi dưỡng lòng tin tưởng ấy, là suối nguồn mọi khả năng táo bạo phục vụ tha nhân: «ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã mở tai tôi,» (c.5), có nghĩa là khả năng «nghe» (theo Thánh Kinh là tin tưởng, cậy trông ) đều là ơn ban nhưng không từ Thiên Chúa. Tất cà là quà tặng của Ngài: sứ vụ, và cả sức mạnh cùng cả lòng tin tưởng, giúp không lay chuyển. Đặc điểm người tín hữu nhìn nhận đó là quà từ Thiên Chúa trao ban.
Và kẻ sống trong ơn thường xuyên sức mạnh từ Thiên Chúa, có thể đương đầu dũng cảm với mọi sự: «tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.» (c.5). Trung thành với sứ vụ đòi hỏi bắt buộc phải bị bách hại: những ngôn sứ thật sự, tức là những người thật sự nói nhân danh Thiên Chúa ít khi chết trên giường bệnh… Vì trung thành với Lời của Chúa, tất nhiên đưa đến Người Tôi Trung phải làm điều cá biệt, làm mất lòng. Nếu thật sự «nghe» Lời Chúa- tức là đem ra thực hành – thì sẽ nhanh chóng làm xáo trộn. Sự hoán cải của người Tôi Trung mời gọi người khác hoán cải. Có người nghe theo, có người bác bỏ và nhân danh lý lẽ của họ, quay ra bách hại Người Tôi Trung (Đó là chính xác những gì xảy ra cho Chúa Giê-su thành Na-da-rét).
Vì thế mỗi buổi sáng, người Tôi Trung phải múc lấy nghị lực từ nơi Đấng ban cho khả năng đối đầu, dũng cảm với mọi sự: «Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ… vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.» (c.4…7). Ở đây, tiên tri I-sa-ia dùng một ngôn từ có vẻ lạ lùng trong tiếng Pháp, nhưng rất thông thường trong Do Thái ngữ: «tôi trơ mặt ra như đá». Đây là cách phát biểu sự quả quyết và lòng dũng cảm. Tiếng Pháp đôi khi người ta nói «mặt rã rời», thế thì ở đây, Người Tôi Trung quả quyết «không có gì có thể đè bẹp tôi, tôi sẽ đứng vững dù gì đi nữa, các bạn sẽ không thấy mặt tôi rã rời». Đây không phải lòng tự kiêu hay tự tin thái quá; chỉ đơn giản là lòng tin, vì người Tôi Trung biết nghị lực của mình từ đâu đến: «Có ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phù trợ tôi… Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.»
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng
Views: 0