Dr. Lương Huỳnh Ngân chuyển ngữ
Tin Mừng Chúa Giê-su-Ki-tô theo Thánh Gio-an.
Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!”
20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.
21 Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.”
22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.
23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến.
25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”
26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.”
27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.”
28 Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!“
29 Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!“
30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này.
31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.
«Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần» (c.19), tức là ngày Chúa nhật ấy, không phải là một chi tiết về thời điểm Thánh Gio-an có ý xác định trong câu này. Đúng hơn là một nháy mắt. Khi ngài viết bài Tin Mừng này, thì đã gần 50 năm sự việc đã xảy ra… 50 năm mỗi Chúa nhật, những tín hữu tựu tập hợp nhau để mừng Chúa Giê-su phục sinh… cái nháy mắt như muốn nói «các bạn có thấy không, tại sao chúng ta tập hợp nơi đây mỗi Chúa nhật?»
Đối với người Do Thái, ngày Chúa nhật là ngày đầu tuần, một ngày làm việc như mọi ngày… ngày thứ bảy, (ngày Sa-bát) mới là ngày lễ , ngày nghỉ, ngày tập hợp nhau, ngày cầu nguyện. Sau ngày Sa-bát, Chúa Giê-su mới hiện ra, và, nhiều lần Ngài hiện ra, còn sống trước các Tông Đồ sau khi phục sinh, mỗi lần như thế đều là ngày đầu tuần: vì lẽ ấy, đối với các Ki-tô hữu, ngày này có một ý nghĩa đặc biệt. Ngày đầu tuần này là «ngày đầu của thời đại mới»: như đối với người Do Thái, bảy ngày trong tuần là bảy ngày Chúa Tạo Dựng trời đất muôn vật, tuần lễ mới do sự Phục Sinh Chúa Ki-tô, mở ra những Ki-tô hữu được xem là những ngày đầu tiên của cuộc Tạo Dựng mới.
«nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông» (c.19), các môn đệ đóng kín các cửa vì các ông sợ, về mặt con người thì dễ hiểu! Họ vừa mới giết Thầy, rất có thể họ cũng sẽ giết cả các môn đệ. Điều này chỉ làm rõ thêm sự tự do của Chúa Ki-tô. Tất cả cửa đều đóng kín, nhưng không là vấn đề với Ngài! Chúa không biết các ổ khóa là gì, nhất là không biết sợ! Chính vì thế, câu đầu tiên của Chúa là: «Bình an cho anh em!»… Đây là lời chào thông thường người Do Thái, nhưng cũng thật đáng ngạc nhiên sau những gì họ vừa mới sống! Sự sợ hãi, lo lắng những tháng sau cùng trước khi Chúa Giê-su bị bắt, cuộc Thương Khó và cái chết ghê rợn của Chúa, đêm Thứ Năm, ngày thứ Sáu, và sự thinh lặng ngày Thứ Bảy, một khi Chúa Giê-su được đặt vào mồ,.. Làm sao có thể bình an như không có gì xảy ra? Thế nhưng, cùng lúc thật điên rồ, thật sự: Ngài vẫn sống… và để minh chứng, Chúa cho xem các vết thương, dấu vết của sự đóng đinh trên thập giá. Nhân dịp này, tôi xin lưu ý các dấu thương tích vẫn còn đó ở chân tay Chúa, cạnh sườn Ngài: sự Phục Sinh không xóa bỏ sự chết.
Thế nhưng, điều này có vẻ điên rồ, Thánh Gio-an nói với chúng ta: «Các môn đệ vui mừng!» (c.20). Thật lạ, kỳ điều xảy ra cho họ! Trong lúc ấy, Thánh Gio-an nói tiếp: «Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em!” (c.21). Lúc bấy giờ, họ mới thật sự bình an, không phải bình an như không có gì xảy ra, nhưng bình an, mặc dù những gì đã xảy ra: bởi vì bình an của Đấng Phục Sinh cao hơn cả những gì đã xảy ra!
«Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ» (c.22-23). Thật ngạc nhiên mối liên hệ giữa ân sủng của Thần Khí và sứ vụ hoà giải: trong Thánh Kinh, Thần Khí luôn được ban cho mỗi sứ vụ, và rốt cuộc, không có một sứ vụ nào khác hơn là hoà giải con người với Thiên Chúa. Mọi sự đều phát sinh từ đó.
Đây là một lệnh truyền, một giới răn Của Chúa Giê-su: «Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.» (c.21) Hãy ra đi loan truyền các tội được hoàn lại, tức là được tha thứ; anh em hãy là sứ giả của sự hoà giải hoàn vũ. Và nếu anh em không ra đi, Tin Mừng Hoà Giải sẽ không được loan truyền: Chúa Cha cần anh em vào việc này. «Như Chúa Cha đã sai Thầy»: chúng ta có ở đây, từ lời Chúa Giê-su Ki-tô, tóm lược toàn sứ mạng của Ngài; cũng như Chúa nói: Chúa Cha gởi Thầy loan báo sự hoà giải hoàn vũ, loan báo tội lỗi được tha, rằng Chúa không chấp tội con người; loan báo chỉ một điều: Chúa là tình yêu và tha thứ… vì vậy, Thầy cũng gởi anh em đi cùng một sứ vụ. Tội duy nhất, là cội rễ của mọi tội lỗi khác, đó là không tin vào tình yêu của Thiên Chúa: còn anh em, Thầy gởi anh em ra đi, hãy ra đi loan báo cho mọi người tình yêu Thiên Chúa.
Còn câu: «anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ». Bị cầm giữ trong tội lỗi là không biết tình yêu Thiên Chúa. Tất cả tuỳ thuộc anh em, Chúa Giê-su nói, người anh em của anh em biết tình yêu Thiên Chúa và nhờ đó được sống… Sứ vụ của Chúa chỉ thật sự hoàn tất, một khi đến phiên anh em hoàn tất sứ vụ của anh em. «Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em».
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng
Views: 0