Dr. Lương Huỳnh Ngân chuyển ngữ
2 Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi!
Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo!
3 Vì ĐỨC CHÚA là Đấng Tối Cao, Đấng khả uý,
là Vua Cả thống trị khắp địa cầu.
6 Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo,
CHÚA ngự lên, vang dội tiếng tù và.
7 Hãy đàn ca, đàn ca lên mừng Thiên Chúa,
đàn ca lên nào, đàn ca nữa kính Vua ta!
8 Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu,
hãy dâng Người khúc đàn ca tuyệt mỹ.
9 Thiên Chúa là Vua thống trị chư dân,
Thiên Chúa ngự trên toà uy linh cao cả.
(Thánh Vịnh 2-3.6-9)
Để hiểu thánh vịnh này, có thể phải đọc lại bài tường thuật tấn phong vua Sa-lô-môn: Vị tân vương đang «tiến lên» đài chiến thắng từ giếng nước Gi-hôn tới đền vua trên đỉnh đồi: «Tư tế Xa-đốc lấy sừng đựng dầu từ Nhà Lều và xức cho Sa-lô-môn. Người ta đã rúc tù và; toàn dân hô: “Vua Sa-lô-môn muôn năm! “Toàn dân tiến lên theo sau vua. Dân chúng thổi sáo và reo vui đến nỗi đất cũng chuyển động vì tiếng hò la của họ.» (1V 1, 39-40)
Nhưng lúc bấy giờ không có vua It-ra-en, những hình ảnh và từ ngữ dành cho vua là để chỉ Thiên Chúa. Nhưng không phải Ngài là vua thật, vua duy nhất của It-ra-en sao? Cũng thừa dịp này, toàn dân khơi bùng lên trong lòng mọi người về đấng Mê-si-a mà Thiên Chúa hứa sẽ gửi đến, Ngài đã hứa như thế. Đấng Ki-tô Vua còn rất kín đáo; theo các thánh sử, chưa có những buổi lễ trao vương mão nào thật sự để kể lại. Thêm một lý do để trao vinh dự cho bài ca thần phục tuyệt vời này. Biết rằng đây chỉ là một bài ca tụng trước hạn của ngày cuối cùng, ngày mà các con cái Thiên Chúa được sum vầy với nhau: «2 Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi! Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo!»
Chúng ta đang tưởng tượng sống trước hạn: Bài Thánh Vịnh này chuyển chúng ta đến ngày tận thế, ngày được chúc phúc, ngày mà muôn dân không trừ một ai nhận biết Thiên Chúa là Chúa duy nhất. Ngày mà tất cả nhân loại đặt niềm hy vọng nơi Chúa và chỉ nơi Ngài mà thôi. Bấy giờ chúng ta hãy tưởng tượng cảnh phông bài thánh vịnh đang miêu tả.
Chúng ta đang trong thành Giê-ru-sa-lem, chính xác hơn là trong Đền Thánh. Tất cả mọi dân tộc, mọi quốc gia, mọi giống dân chen lấn nhau bên bờ Đền Thờ, bãi trước điện lúc nhúc người, các bậc thang cũng đầy người, thành Giê-ru-sa-lem không còn đủ chỗ nữa, nhìn khỏi tầm mắt vẫn thấy đông đảo dân đang tiến đến, đến từ mọi nơi, từ tận cùng trái đất. Tất cả đám đông hát thật to, kết thành một bản hoà tấu. Họ hát gì? «Thiên Chúa trị đến» tiếng gào thét vang dội, tuyệt vời, vĩ đại…Như tiếng hoan hô lúc phong vương một vị vua mới. Nhưng lần này không phải chỉ dân It-ra-en tung hô một vị vua trần thế mà cả nhân loại hoan hô vị vua hoàn vũ.
Dân It-ra-en được may mắn vô cùng, một vinh dự lớn lao, hạnh phúc được biết Thiên Chúa, được trao sứ vụ loan truyền Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, Chúa đời đời là Thiên Chúa duy nhất, là MỘT. Kinh Tin Kính của người Do Thái đọc «Hãy nghe đây It-ra-en, Chúa là Thiên Chúa của ngươi, Ngài chỉ là MỘT» Đó là mầu nhiệm sứ vụ của It-ra-en mà chúng ta không ngớt thán phục. Như sách Đệ Nhị Luật nói: «35 Chính anh (em) đã được cho thấy những điều đó, để biết rằng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa và ngoài Người ra không có thần nào khác nữa» (Đnl 4, 35) Dân được chọn không bao giờ quên, họ được thấy là để họ làm cho mọi người biết.
Cuối cùng Tin Mừng được nghe thấy cho đến tận cùng trái đất…Và tất cả vội vã tiến về Nhà Cha. Chúng ta đang tưởng tượng sống trước hạn! Trong lúc chờ đợi giấc mơ ấy được thực hiện, dân It-ra-en làm vang dội bài thánh vịnh để làm đổi mới đức tin và lòng cậy trông, hầu múc lấy nghị lực để chu toàn ơn gọi loan báo tin mừng cho muôn dân.
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng
Views: 0