Dr. Lương Huỳnh Ngân chuyển ngữ
“Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi «Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa»
(Tv 121, 1-5)
1 Ca khúc lên Đền. Của vua Đa-vít.
Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi:
“Ta cùng trẩy lên đền thánh CHÚA! ”
Và giờ đây, Giê-ru-sa-lem hỡi,
2 cửa nội thành, ta đã dừng chân.
3 Giê-ru-sa-lem khác nào đô thị
được xây nên một khối vẹn toàn.
4 Từng chi tộc, chi tộc của CHÚA,
trẩy hội lên đền ở nơi đây,
để danh CHÚA, họ cùng xưng tụng,
như lệnh đã truyền cho Ít-ra-en.
5 Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử,
ngai vàng của vương triều Đa-vít.
Câu số 2 nói: «cửa nội thành, ta đã dừng chân», đây là lời một người hành hương sau thời gian dài vừa đến ngưỡng cửa thành! Chúng ta đang trong thời kỳ hậu Ba-by-lon: Đền bị phá huỷ, tan nát, bị ô uế do quân của Na-bu-cô-đô-nô-so, và được xây lại vào năm 515 trước CN. Thành phố cũng được xây lại: người hành hương vui mừng nhận thấy: «3 Giê-ru-sa-lem khác nào đô thị được xây nên một khối vẹn toàn». Người ấy nói đến, dĩ nhiên, không chỉ về mọi kiến trúc thành phố mà cả về sự hiệp nhất của dân chúng chung quanh thành phố, để kết lại Giao Ước với Thiên Chúa. Một lời hứa chung, một vận mạng chung cho dân tộc trong hiệp nhất.
Sở dĩ Chúa dạy phải thường xuyên đi hành hương Đền Giê-ru-sa-lem, chính là để gìn giữ dân tộc, trong lòng sùng kính và niềm vui của Giao Ước. Vì lẽ ấy, người hành hương này cũng như mọi người khác vâng lệnh Chúa truyền: «4 Từng chi tộc, chi tộc của CHÚA, trẩy hội lên đền ở nơi đây, để danh CHÚA, họ cùng xưng tụng, như lệnh đã truyền cho Ít-ra-en». Chữ chi tộc nhắc lại thời Xuất Hành, chữ lên đền cũng thế: Thật vậy, Giê-ru-sa-lem ở trên đồi cao, nhưng điều này cũng ám chỉ cuộc giải phóng khỏi Ai-cập. Mỗi lần nói về cuộc giải phóng, họ nói: «Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra (nguyên văn tiếng Pháp: đưa ngươi lên khỏi …) khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ» (Xh 20, 2). Từ nay, đi hành hương lên đền Giê-ru-sa-lem, người ta đi lên dốc thật sự: thường người đi hành hương đi bộ, nhiều khi từ thật xa, mệt mỏi, nắng nóng, khát nước, nhưng với lòng sốt sắng, họ đồng hành sát cánh bên nhau, với những khó nhọc cùng nhau đi lên dốc. (Các cuộc hành hương của chúng ta bằng xe ô-tô ca từ Giê-ri-khô lên Giê-ru-sa-lem không thể đem lại cho chúng ta niềm vui khắng khít, với tình cảm thuộc về một nhóm và lòng sốt sắng của những người hành hương đi bộ). Khi người hành hương thốt lên: «cửa nội thành, ta đã dừng chân», người ấy nói lên niềm vui bất ngờ khám phá vẻ đẹp của thành phố và sự khoan khoái, rốt cuộc rồi cũng đã đến!
Thì đây, họ lên Giê-ru-sa-lem, như các chi tộc đã lên từ Ai Cập dưới sự hướng dẫn của Mô-sê và sau đó của Giô-suê, nhờ sự phù hộ của Thiên Chúa đấng cứu độ.
Trong câu: «4 Từng chi tộc, chi tộc của CHÚA, trẩy hội lên đền ở nơi đây, để danh CHÚA, họ cùng xưng tụng, như lệnh đã truyền cho Ít-ra-en.», cụm chữ chi tộc của Chúa cũng nhắc lại Giao Ước, ít nữa vì hai lý do.
Trước hết, bài thánh vịnh dùng chữ «Chúa», đây là cái Tên bất hủ được mặc khải cho Mô-sê trong bụi gai bốc cháy. Còn chữ «của» (Chi tộc của Chúa), để chỉ sở hữu, đó chính là đặc thù của Giao Ước. Một cách trình bày về Giao Ước – có thể nói là một biểu trưng về Giao Ước là: «22 Các ngươi sẽ là dân Ta chọn, và Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi.» (Gr 30, 22)
Và nếu ta lên Giê-ru-sa-lem mỗi năm vào lúc Lễ Lều, chính là để trầm mình vào lòng sốt sắng của Giao Ước, qua nhiều nghi lễ được diễn ra trong nhiều phương cách. Nhưng trung điểm của các nghi lễ ấy là lòng tạ ơn Thiên Chúa Ít-ra-en, vì Giao Ước và lòng tín trung của Ngài vào Giao Ước. «4 Từng chi tộc, chi tộc của CHÚA, trẩy hội lên đền ở nơi đây, để danh CHÚA, họ cùng xưng tụng, như lệnh đã truyền cho Ít-ra-en.»
Cảm tạ «danh Chúa», đó cũng chính là sứ mạng của Ít-ra-en. Khi toàn nhân loại chưa nhìn nhận Thiên Chúa, đó là vai trò của Ít-ra-en, là dân tộc tạ ơn Chúa giữa muôn dân. Đồng thời, đây cũng như là một mẫu gương trong khi chờ đợi ngày được chúc phúc, ngày ấy muôn dân sẽ tựu về đây. Nên đọc lại bài tuyệt vời sách I-sa-i-a, trong ấy lần lượt được nêu lên Ít-ra-en và muôn dân: một cách nói định mệnh của Ít-ra-en và muôn dân chồng chéo lên nhau. Sở dĩ dân tộc Ít-ra-en được tuyển chọn, không chỉ để riêng cho Ít-ra-en, nhưng để làm chứng cho Thiên Chúa giữa thế gian: «2 Trong tương lai, núi Nhà ĐỨC CHÚA đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, 3 nước nước dập dìu kéo nhau đi. Rằng: “Đến đây, ta cùng lên núi ĐỨC CHÚA, lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ. Vì từ Xi-on, thánh luật ban xuống, từ Giê-ru-sa-lem, lời ĐỨC CHÚA phán truyền.» (Is 2, 2-3)
«5 Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử, ngai vàng của vương triều Đa-vít»: nói lên tất cả kỳ vọng dựa vào gia tộc Đa-vít. Chúng ta còn nhớ lời hứa của tiên tri Na-than cho vua Đa-vít: «Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi – một người do chính ngươi sinh ra -, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền.» (2Sm 7, 12) Từ khi có lời hứa ấy, người ta mong chờ một vị vua lý tưởng, trị vì theo lòng Thiên Chúa, tức là với lòng ngay và công minh. Khi bài Thánh Vịnh này được hát sau Ba-by-lon, Ít-ra-en không còn vua nào trên ngai của Đa-vít, nhưng lời hứa của Thiên Chúa vẫn còn đó, và Ngài không bao giờ thất lời, như Thánh Phao-lô nói sau này. Sở dĩ lời hứa ấy được long trọng nhắc đến trong các nghi lễ chính, để làm sống lại lòng cậy trông: ngày của Chúa sẽ đến. Ngày ấy sẽ có một vị Vua trên ngai của Đa-vít, một tân Vương công minh…
Một vị vua để Giê-ru-sa-lem có thể chu toàn sứ mệnh: «Thành phố của Hoà bình». Vì đây là lời mong ước cho Giê-ru-sa-lem: «Chúc thành đô an lạc.» (Tv 121 (122) 8b). Đây không phải một lời chúc suông, một lời lễ phép khi chào nhau; mà đây là tiếng kêu lên từ cõi lòng: dân tộc Ít-ra-en biết rằng sứ vụ của mình trên trái đất này là chứng nhân của bình an, mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể trao ban. Nhiều thế kỷ về sau, chúng ta mừng Đấng đã khởi sự một vương triều, mọi người hành hương Thành Thánh hằng mong ước, như lời nguyện tiền tụng tuyệt vời Thánh Lễ Ki-tô Vua: «Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Ðức Kitô là người Con Chúa hằng ưu ái, và là Vua toàn thể vũ trụ. Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi biết phụng thờ Chúa là Ðấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng». Đó cũng là lòng cậy trông của những người hành hương xưa kia: «Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi: Ta cùng trẩy lên đền thánh CHÚA!»
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng
Views: 0