SỐNG TIN MỪNG

“Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp”

Dr. Lương Huỳnh Ngân chuyển ngữ

 

Trích sách Tông Đồ Công Vụ

Có những người từ miền Giu-đê đến dạy anh em rằng: “Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Mô-sê, thì anh em không thể được cứu độ.” Ông Phao-lô và ông Ba-na-ba chống đối và tranh luận khá gay go với họ. Người ta bèn quyết định cử ông Phao-lô, ông Ba-na-ba và một vài người khác lên Giê-ru-sa-lem gặp các Tông Đồ và các kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh luận này. Bấy giờ các Tông Đồ và các kỳ mục, cùng với toàn thể Hội Thánh, quyết định chọn mấy người trong các ông, để phái đi An-ti-ô-khi-a với ông Phao-lô và ông Ba-na-ba. Đó là ông Giu-đa, biệt danh là Ba-sa-ba, và ông Xi-la, những người có uy tín trong Hội Thánh.

Các ông trao cho phái đoàn bức thư sau: Chúng tôi nghe biết có một số người trong chúng tôi, không được chúng tôi uỷ nhiệm, mà lại đi nói những điều gây xáo trộn nơi anh em, làm anh em hoang mang. Vì thế, chúng tôi đã đồng tâm nhất trí quyết định chọn một số đại biểu, và phái họ đến với anh em, cùng với những người anh em thân mến của chúng tôi là ông Ba-na-ba và ông Phao-lô, những người đã cống hiến cuộc đời vì danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

Vậy chúng tôi cử ông Giu-đa và ông Xi-la đến trình bày trực tiếp những điều viết sau đây: Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi. Chúc anh em an mạnh.”

Chúng ta đã nghe nói đến cộng đồng An-ti-ô-khi-a trong những bài đọc các Chúa nhật vừa qua… Hôm nay chúng ta chứng kiến cộng đồng ấy đang đối diện với một cơn khủng hoảng trầm trọng; chúng ta đang ở năm 49 sau Công Nguyên. Ngay từ ban đầu đã có những Ki-tô hữu gốc Do Thái và những Ki-tô hữu từ dân ngoại. Nhưng giữa họ, cuộc chung sống càng ngày càng trở nên khó khăn: cách sống rất khác biệt nhau. Chẳng những người Do Thái có cắt bì, những người kia thì không, mà tất cả đều khác nhau trong đời sống thường nhật; vì lẽ người gốc Do Thái có vô số tập tục mà những Ki-tô hữu gốc dân ngoại không dễ dàng theo được. (Rất nhiều nghi thức thanh tẩy, tắm gội, và nhất là những luật lệ thật nghiêm khắc về các thức ăn). Ví dụ như thịt bán ở chợ, nếu không để ý, thịt ấy do người dân ngoại làm, người Do Thái không có quyền mua; vì làm như thế họ cho là cấu kết với thờ lạy bụt thần. Người dân ngoại khi xưa, nay trở lại đạo Ki-tô mặc dù không còn thờ lạy bụt thần nữa, nhưng họ vẫn cứ ăn các loại thịt ấy… Thành thử ra những Ki-tô hữu gốc Do Thái và Ki-tô hữu gốc dân ngoại có nguy cơ không thể ngồi cùng bàn ăn! Tệ hơn nữa, dần dần họ kết án lẫn nhau, người này cho rằng người kia là Ki-tô hữu không tốt lành.

Không mấy chốc, một vấn nạn được đặt ra như sau: một người dân ngoại xin được rửa tội, người ấy có bị bó buộc vâng theo tất cả những lề luật Do Thái, bắt đầu bằng việc cắt bì hay không? Đàng sau câu hỏi ấy có ẩn ý ba thách đố. Trước hết, có buộc ưu tiên là phải sống giống như nhau? Để sống hiệp nhất với nhau,  phải bắt buộc những tư tưởng giống nhau, những nghi thức phụng vụ như nhau, cách sống đạo như nhau? Thách đố thứ hai về sự trung tín: biết rằng tất cả Ki-tô hữu đều ao ước trung tín với Chúa Giê-su Ki-tô, dĩ nhiên rồi! Nhưng trên thực tế, trung tín với Chúa Giê-su Ki-tô là như thế nào? Theo sách Công Vụ Tông Đồ, lần đầu tiên những tín hữu này được gọi là «Ki-tô hữu», có nghĩa là những người của Chúa Ki-tô, những người thuộc về Chúa Ki-tô. Rắc rối chính ở chỗ này: «thuộc về Chúa Ki-tô» chính xác là làm sao?

Chúa Giê-su cũng là Do Thái và được cắt bì: có phải chăng muốn thành Ki-tô hữu phải trở nên Do Thái và được cắt bì như Ngài? Phải nhìn nhận rằng những Ki-tô hữu tiên khởi là Do Thái, các Tông Đồ do Chúa chọn là Do Thái… và cũng là đồng hương với Chúa xứ Ga-li-lê… Không lẽ vì lý do ấy, giới hạn rao giảng Tin Mừng chỉ nơi người Ga-li-lê?… dĩ nhiên là không! Chẳng lẽ giới hạn cho những người sinh ra gốc Do Thái, điều này đã được làm sáng tỏ tại An-ti-ô-khi-a. Có những Ki-tô hữu gốc dân ngoại, chúng ta đã thấy rồi. Thế nhưng, những Ki-tô hữu này không biết gì về Thánh Kinh, hay đạo Do Thái… hay là bây giờ chúng ta tập cho họ theo đạo Do Thái rồi sau đó cho họ trở nên Ki-tô hữu? Vì thế có người cho rằng, muốn trung tín với Chúa Giê-su Ki-tô, thì chỉ chấp nhận những ai thực hành đạo Do Thái. Trên thực tế, có thể chấp nhận rửa tội người ngoại với điều kiện họ phải theo đạo Do Thái trước và chịu cắt bì, Thế nhưng cũng có thể lý luận khác: Có lúc Chúa Giê-su Ki-tô hành sự theo cách này trong một trường hợp nào đó, nhưng cũng có lúc, trong trường hợp khác Chúa lại có cách hành sự khác. Ví dụ như, Chúa gốc xứ Ga-li-lê, Ngài chọn môn đệ xứ Ga-li-lê, tuy nhiên không phải là điều kiện để trở nên Ki-tô hữu. Cuộc gặp gỡ tại Giê-ru-sa-lem, chúng ta vừa đọc, đưa ra một quyết định chọn giải pháp thứ hai để xử lý: trung thành với Chúa Giê-su Ki-tô không hẳn là lặp lại một mô hình cứng ngắt.Nói khác hơn, trung thành không phải là làm lại giống y như trước: khi nghiên cứu lịch sử Giáo Hội, chúng ta ấn tượng nhất chính là khả năng thích nghi Giáo Hội  triển khai, để luôn trung thành với Chúa suốt lịch sử! Các cặp vợ chồng lâu năm rất biết điều này: sự trung tín không phải ngồi nhìn các ảnh cũ thời những cô dâu, chú rể còn trẻ lúc mới cưới. Trung thành chính là biết thích nghi với đời sống, khi đứng tuổi, hay nay đã là một cụ ông hay cụ bà.

Sau cùng thách đố thứ ba, ơn cứu độ Chúa ban có lệ thuộc điều kiện gì hay không? «Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Mô-sê, thì anh em không thể được cứu độ», đó là điều người ta bắt đầu nghe ở An-ti-ô-khi-a: phải chăng Chúa không thể cứu độ những người không phải Do Thái, hay là đức tin nơi Chúa Ki-tô không đủ? Thế tại sao Chúa lại nói: «16Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ»? (Mc 16, 16). Chúa đâu có nói phải giữ đạo Do Thái và được cắt bì ?… Hơn nữa, đã nói là ơn của Chúa,  bởi định nghĩa, một ơn Chúa, tức là ơn nhưng không. Chúng ta không nên thêm vào những điều kiện của chúng ta vào ơn của Chúa; nguồn ơn của Chúa Thánh Thần thổi vào những nơi Ngài muốn. Phê-rô Tông Đồ đã phải chấp nhận nơi nhà người sĩ quan Rô-ma Co-nê-li-ô tại Xê-da-rê (Cv10). Hơn nữa, những Ki-tô hữu mới, gốc dân ngoại, được rửa tội từ nhiều năm trước, bây giờ phải buộc họ chịu cắt bì sao? Điều này có nghĩa là phép rửa nơi Chúa Giê-su Ki-tô không đủ sao?

Chúng ta biết kết cuộc câu truyện. Các Tông đồ lấy một quyết định với hai điều khoảng: Ki-tô hữu gốc Do Thái không áp đặt các Ki-tô hữu gốc dân ngoại phải cắt bì và tuân giữ luật Do Thái, nhưng Ki-tô hữu gốc dân ngoại cũng không làm gì để phá rối đời sống cộng đồng, đặc biệt trong việc ăn uống. Rất thú vị nhận thấy rằng tất cả những quy tắc dành cho cộng đồng chỉ nhắm đến sự hiệp nhất huynh đệ. Đó chính là cách trung thành với Chúa Giê-su – Ki-tô, Ngài đã phán : «35 Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.» (Ga 13, 35)

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions

Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.