Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Phụng Vụ Lời Chúa được Giáo Hội chọn cho Lễ Thánh Gia, bao gồm cả 3 chu lỳ phụng niên A, B và C, chỉ khác nhau ở bài Phúc Âm, còn các phần khác hoàn toàn giống nhau: Bài Đọc I từ Sách Huấn Ca và Bài Đọc II từ Thư Thánh Phaolô gửi Giáo Đoàn Colose, cả Bài Đáp Ca lẫn câu Alleleuia cũng vậy.
Về chính Bài Phúc Âm, Năm A theo Thánh Mathêu, Năm B theo Thánh Luca và Năm C cũng theo Thánh Luca. Sở dĩ Năm B không theo Thánh Marco là vì Phúc Âm của vị thánh lý này không có đoạn nào bao gồm cả 3 Đấng làm nên Thánh Gia là Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse, và là một bài Phúc Âm liên quan đến 3 Đấng ở trong một biến cố hay sự kiện thuộc thời thơ ấu hay thiếu nhi hoặc thiếu niên Giêsu, khi Người chưa xuất thân tỏ mình ra.
Thật vậy, trong khi Phúc Âm Thánh Luca có 2 bài được chọn đọc cho lễ Thánh Gia: một bài cho chu kỳ phụng niên Năm B về biến cố Hài Nhi Giêsu được cha mẹ hiến dâng cho Thiên Chúa sau khi được hạ sinh 40 ngày, và một bài cho chu kỳ phụng niên Năm C về biến cố cả nhà đi lễ ở Đền Thánh Giêrusalem rồi Người tự động ở lại Giêrusalem cho tới khi Người dược cha mẹ tìm thấy, thì Phúc Âm Thánh Mathêu cho lễ Thánh Gia chu kỳ phụng niên Năm A về biến cố cha mẹ Người mang Người trốn sang Ai Cập để tránh bị sát hại bởi lệnh của quận vương Hêrôđê.
Nếu theo tiến trình thời gian thì biến cố Hài Nhi Giêsu được cha mẹ dâng cho Thiên Chúa khi Người mới được hạ sinh 40 ngày, ở Phúc Âm Thánh Luca Năm B, xẩy ra trước biến cố Hài Nhi Giêsu được cha mẹ Người mang sang Ai Cập lánh nạn ở Phúc Âm Thánh Mathêu Năm A hôm nay. Tuy nhiên, vấn đề chính yếu ở đây không phải là thứ tự thời gian nơi các biến cố của Thánh Gia, mà là mối liên hệ chặt chẽ giữa các biến cố này và ý nghĩa của từng biến cố.
Trước hết, về mối liên hệ chặt chẽ giữa các biến cố của Thánh Gia (theo thứ tự chu kỳ phụng vụ) là giữ con (cho khỏi bị con người sát hại), dâng con (cho Thiên Chúa vì con thuộc về Ngài) và tìm con (của mình là cha mẹ có trách nhiệm phải dưỡng dục). Nếu xét theo vai vế trong gia đình thì Thánh Giuse là gia chủ vừa là chồng vừa là cha, có quyền hạn và trách vụ hơn hết mọi người trong nhà, rồi đến Mẹ Maria, trong vai trò vừa làm vợ vừa làm mẹ, hỗ trợ chồng dưỡng dục con, và sau hết mới tới Chúa Giêsu, trong vai trò làm con đối với cả cha lẫn mẹ của mình.
Tuy nhiên, ở Thánh Gia, vai vế theo tục lệ trần gian này đã bị lật ngược, hay đúng hơn đã được đặt lại cho chính xác với thứ tự của nó. Vai chính của Thánh Gia là Chúa Giêsu, mà nếu không có Người thì cũng chẳng có Thánh Gia, chẳng cần đến Mẹ Maria và Thánh Giuse, những vị chỉ đóng vai phụ, như phương tiện được Thiên Chúa sử dụng để phụng sự Người Con Duy Nhất của Ngài thôi. Thế nhưng, trong hai vai phụ thì Mẹ Maria đứng thứ hai, ngay sau Chúa Giêsu, vì Mẹ có một mối liên hệ mật thiết hơn về cả phương diện thể lý lẫn ân sủng.
Nếu cơ cấu siêu nhiên nơi Kitô hữu giống như cấu trúc của đền thờ Do Thái giáo, một cấu trúc đền thờ bao gồm 3 phần, phần ngoại biên (thân xác), phần thánh (linh hồn) và phần cực thánh (Thánh Sủng), thì Thánh Gia cũng được làm nên bởi 3 Đấng: từ Thánh Giuse (ngoại biên – cha nuôi) qua Mẹ Maria (phần thánh – mẹ ruột) đến Chúa Giêsu (phần cực thánh – Lời nhập thể ở giữa chúng ta như Emmanuel).
Nếu “Thiên Chúa là Thần Linh” (Gioan 4:24) ngự trong linh hồn thiêng liêng của con người, hơn là ở thân xác của con người, dù thân xác của con người, nhờ nên một bản tính của con người, cũng được Ngài ở cùng một cách gián tiếp qua linh hồn, và nếu Thiên Chúa tỏ mình ra, trước hết và trên hết, trong và cho linh hồn của con người, thì mới hiểu được lý do tại sao Thánh Giuse không bao giờ được Thiên Chúa tỏ mình ra một cách thực hữu như Mẹ Maria trong biến cố truyền tin, mà chỉ qua giấc mơ, khi ngài được báo cho biết về sự kiện Mẹ Maria thụ thai bởi Thánh Linh và về sự kiện Hêrôđê tìm sát hại Hài Nhi Giêsu.
Và chính vì linh hồn của con người Kitô hữu là nơi được Thiên Chúa ngự và là tài năng thiêng liêng tương xứng để có thể giao tiếp thần linh với Ngài, mà trong biến cố tìm được Chúa Giêsu trong Đền Thánh sau 3 ngày lạc mất Người, Mẹ Maria mới là người cần phải lên tiếng với Con Mẹ, Người Con ruột của Mẹ, Người Con Mẹ có trách nhiệm hơn ai hết, chứ không phải là Thánh Giuse, người cha nuôi theo pháp lý của Người. Trước mặt thế gian, người ta cũng thấy Mẹ Maria gần với Chúa Giêsu hơn Thánh Giuse: Chẳng hạn khi các mục đồng đến hang Belem thì gặp “Maria và Giuse” (Mẹ Maria trước Thánh Giuse – Luca 2:16), và Ba Vua đến bái thờ Vua Do hái mới sinh chỉ thấy “Maria” (Mathêu 2:11), chứ không thấy Thánh Giuse đâu (có thể bây giờ ngài đang bận lo phục vụ cả 2 Mẹ Con về phần xác).
Thế nhưng, ở ngay biến cố đoàn tụ gia đình duy nhất này mà lần đầu tiên, theo mạc khải thánh kinh, được Phúc Âm Thánh Luca ghi nhận, Thiếu Nhi Giêsu bắt đầu tỏ mình ra, tỏ thần tính của Người ra, trước hết và trên hết cho Mẹ của Người, và cũng cho cả Thánh Giuse bõ nuôi của Người nữa, khi Người trả lời câu hỏi có vẻ trách yêu của Người Mẹ có trách nhiệm chăm sóc Người trên trần gian này, nhất là khi Người chưa đến tuổi trưởng thành.
Câu Thiếu Nhi Giêsu trả lời này không phải để nhắc nhở Mẹ và Thánh Giuse về vai trò làm Con Thiên Chúa là Cha của Người ở trên trời, cho bằng để cùng cha mẹ của Người làm việc của Cha: cha mẹ của Người lần đầu tiên dẫn Người về nhà Cha của Người, nơi cũng chinh là nhà của một Người Con của Cha như Người, nơi Người cần phải ở và làm việc hơn là ở Nazarét, và qua câu trả lời này, Thiếu Nhi Giêsu đã cho thấy Người đầy Thánh Linh và khôn ngoan hơn ai hết, mà ai gần Người, như cha mẹ của Người bấy giờ được thông hưởng.
Nếu trong biến cố đoàn tụ gia đình, Mẹ Maria đóng vai trò chủ động, liên quan đến tinh thần của Thiếu Nhi Giêsu Con của Mẹ, thì ở biến cố lánh nạn sang Ai Cập, liên quan đến mạng sống về thể lý của Hài Nhi Giêsu thì Thánh Giuse gia trưởng đóng vai chủ động, theo mộng báo của Trời Cao, nhưng đáp ứng theo kiểu cách khôn ngoan nhất của loài người, bằng tất cả trách nhiệm của một gia trưởng.
Trước hết, vị gia trưởng Giuse của Thánh Gia đã đáp ứng ngay lập tức, ngay đêm hôm ấy, chứ không chờ đến sáng, kẻo bị lộ ra, nguy hiểm. Và chắc chắn ngài phải tìm một con đường nào, chẳng những ngắn nhất và dễ đi nhất cho cả hai mẹ con mỏng dòn yếu ớt mà còn an toàn nữa, bằng không cũng rất nguy hiểm. Chưa hết, ngài còn phải dự liệu hành lý làm sao cho đủ lương thực trong thời gian từ mảnh đất hứa Do Thái sang đến Ai Cập. Còn nữa, cả một đoạn đường trường xa xôi như thế, chừng 175 dặm hay 282 cây số, mất cả tháng trời, phải đi bộ rất ư là mệt mỏi, ngài phải làm sao kiếm được những chỗ dừng chân dọc đường an toàn, để ăn uống và nghỉ ngơi, nhất là về đêm. Chắc chắn Thánh Gia không đủ tiền để cả nhà 3 người vào quán trọ qua đêm, dù rẻ nhất, kiểu Motel 8 ở Hoa Kỳ.
Phần hai mẹ con được Thánh Giuse dẫn đi, hoàn toàn vâng theo ý nghĩ và tính toán khôn ngoan nhất của ngài, ngoan ngoãn phó mình cho ngài, cho dù Hài Nhi Thần Linh Giêsu và Mẹ Maria Đầy Ơn Phúc có thể biết cách nào hay hơn. Cả hai mẹ con chắc chắn không bao giờ kêu ca hay trách móc Thánh Giuse về những gì khốn khổ hay bất tiện xẩy ra trên đường lánh nạn này. Trái lại, các vị rất biết ơn Thánh Giuse và Mẹ Maria không thể nào không lên tiếng an ủi cùng phấn khích vị thánh nhân gia trưởng này, nhất là khi xẩy ra những trái ý hay bất trắc dọc đường.
Dù là Thiên Chúa, vị Thiên Chúa nhập thể, Hài Nhi Giêsu vẫn có thể tỏ mình ra xứng với phẩm vị và quyền năng của một Người Con Thiên Chúa. Chẳng hạn, Người có thể làm phép lạ cho Thánh Gia, hay ít là đừng để cho bất cứ trục trặc nào xẩy ra cho Thánh Gia, thậm chí Người có thể ngăn chặn ngay cái nguyên khiến Thánh Gia phải di tản, đó là làm cho quận vương Hêrôđê phải gió mà chết.
Phần Mẹ Maria cũng vậy, cũng không hề xin Thiên Chúa can thiệp một cách nào đó để cứu lấy Người Con Thần Linh của Ngài nơi Hài Nhi Giêsu. Hơn ai hết, Mẹ chẳng những biết được dự án cứu độ (plan of salvation) của Thiên Chúa, qua Lời Nhập Thể là Hài Nhi Giêsu Con Mẹ bấy giờ, mà còn biết được cả công cuộc cứu độ (economy of salvation) Con Mẹ cần phải thực hiện, bằng đường lối sống thân phận vô cùng bất hạnh của con người đã vướng mắc nguyên tội và phải chịu hậu quả của nguyên tội, để cứu con người, nơi nhân tính của Người và bằng nhân tính của Người, khỏi tội lỗi và sự chết, nhờ cuộc Vượt Qua của Người, một cuộc Vượt Qua được bắt đầu từ ngay những giây phút đầu tiên nhập thể của Người: khi Người trở thành một bào thai có vấn đề trước mắt bõ nuôi tương lai của Người, khi Người trở thành vô gia cư ở thánh đô Giêrusalem và phải hạ sinh ở một chuồng vật ngoài dồng hoang Bêlem, và khi Người bị quyền lực trần gian ghen ghét tìm giết, phải lánh nạn sang Ai Cập với cha mẹ như thành phần di cư v.v.
Trong biến cố lánh nạn của Thánh Gia như được Thánh ký Mathêu trình thuật ở Bài Phúc Âm cho Lễ Thánh Gia chu kỳ phụng niên Năm A hôm nay, Giáo Hội muốn nêu lên cho chúng ta một tấm gương sống đời hôn nhân gia đình, theo tinh thần và chiều hướng của Bài Đọc I và Bài Đọc II của phần Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Views: 0