Trần Mỹ Duyệt
Thánh Luca trong trích đoạn Tin Mừng của ông đã tả về nỗi đau lạc mất Chúa và niềm vui khi tìm lại Ngài qua biến cố Thánh Gia cùng về Giêrusalem mừng lễ. (2:41-52) Thánh ký ghi lại: “Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người.” (2:43-45)
Đau khổ, lo lắng, hồi hộp, và hối hận là tâm trạng của các cha mẹ khi lạc mất con mình. Mẹ Maria và Thánh Giuse cũng đã trải qua kinh nghiệm này, và đã được chính Mẹ nói ra. “Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người nói với Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”. (2:48) Chúng ta ai có thể tưởng tượng là trong những ngày quay lại Giêrusalem tìm con, chắc hai ông bà đã ăn không ngon, và ngủ không yên giấc. Chúng ta cũng tin rằng, Đức Maria và Thánh Giuse thật sự không quan tâm đến việc thấy con mình được nổi nang ở giữa những bậc thông thái, những tiến sỹ, mà chỉ vui mừng, hạnh phúc vì đã tìm lại được con.
Qua câu truyện này, chúng ta tìm được ý nghĩa gì? Tại sao một biến cố như vậy lại có thể xảy ra cho Thánh Gia trong một dịp đặc biệt như thế? Phải chăng đây là một bài học rất thâm sâu mà Chúa Thánh Thần đã dùng ngòi bút của Thánh Luca để kể lại. Đặc biệt trong những ngày chúng ta mừng đại lễ kính Thánh Gia. Một gia đình với những kinh nghiệm đời thường như bao gia đình khác cũng đã trải qua những băn khoăn, lo lắng và đau khổ khi phải quan tâm, chăm sóc và giáo dục con cái, nhất là thời gian con bước vào tuổi dậy thì.
Câu chuyện do chính trẻ Giêsu gây ra. Ngài thật sự muốn gì và làm gì khi một mình ở lại Giêrusalem mà không nói với cha mẹ một tiếng? Qua biến cố này, có phải Ngài muốn cho những người làm cha mẹ không nên lơ là, coi nhẹ trách nhiệm quan tâm, lo lắng, hướng dẫn và giáo dục con cái. Ngài cũng muốn cho những đứa con mới lớn, những đứa con bỏ nhà đi hoang, những đứa con không vâng lời cha mẹ, biết nghĩ đến những thống khổ, vất vả và tình thương yêu của cha mẹ qua những gì mà mẹ và cha Ngài trong lúc đau khổ để tìm kiếm Ngài. Những tình cảm mà bất cứ cha mẹ nào trong những tình huống như vậy đều phải trải qua.
Dưới con mắt bình thường, trong biến cố này cả Đức Maria và Thánh Giuse đều xem như đã lơ là, ỷ lại vào nhau nên mới xảy ra chuyện lạc mất con. Thánh Luca còn ghi lại một câu khiến chúng ta phải để tâm suy nghĩ về cách thức cha mẹ đối với con cái, và con cái đối với cha mẹ: “Hai ông bà không hiểu lời Người nói.” (2:50) Điều này cho thấy trong nhiều trường hợp cha mẹ phải biết lắng nghe con cái. Lắng nghe là một nghệ thuật cần thiết của cha mẹ trong đường lối giáo dục. Nhẫn nại và chịu đựng là thái độ của vợ chồng khi giải quyết những chuyện bất ngờ xảy đến cho gia đình. Như Maria, Giuse đã im lặng, nhẫn nại trên đường tìm kiếm con.
Nhưng thâm sâu hơn về mặt nội tâm, đây không phải chỉ là bài học giáo dục, mà hơn thế nữa là một cơ hội để con người suy niệm về tình yêu của Thiên Chúa. Bài học tâm linh này sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về tình yêu và sự quan phòng của Ngài dành cho mỗi người chúng ta. Tình thương yêu chan hòa ấy được phản ảnh qua tâm tình của người cha ngóng chờ đứa con hoang đàng trở về, nỗi vui mừng của bà góa tìm lại đồng tiền đã mất, của người chăn chiên tìm được con chiên đi lạc, hay niềm hạnh phúc trào dâng khi Ngài tha thứ cho người phụ nữ bị bắt vì tội ngoại tình. Trong những trường hợp ấy, Chúa Giêsu cũng lặp lại một cách tương tự những lời mà Ngài đã cảm nhận khi mẹ Ngài tìm thấy và nói với Ngài: “Con ơi, sao Con làm cho Cha như thế? Kìa! Cha đã đau khổ tìm Con!” (Luca 2:48)
Đức Maria, Thánh Giuse đã cảm nhận được nỗi đau khi lạc mất con, cũng như hạnh phúc khi tìm lại được Ngài. Những đau khổ của các ngài được đền đáp khi Chúa Giêsu “theo hai ông bà trở về Nagiarét, và Người vâng phục hai ông bà”. (Luca 2:51)
Lạc mất và tìm thấy. Dưới cái nhìn tâm linh hay thực tế trong đời sống, thì đây vẫn là một kinh nghiệm hết sức đặc biệt đối với một tâm hồn hay với một người. Bỏ Chúa, xa rời tình yêu của Ngài hay đi hoang, trốn chạy tình thương cha mẹ, chúng ta cũng nên biết rằng ở đâu đó trái tim Ngài, trái tim của cha mẹ đang đập những nhịp đập thổn thức, đang băn khoăn, lo lắng và thao thức tìm kiếm chúng ta.
Là con cái, dưới hình thức này hay hình thức khác, chúng ta đều đã có kinh nghiệm làm cho cha mẹ buồn rầu và đau khổ. Là Kitô hữu nhiều lần chúng ta cũng xa rời tình Chúa, lẩn trốn ánh mắt yêu thương của Ngài. Chúng ta có muốn bắt chước trẻ Giêsu, trở về và vâng lời cha mẹ, trở về với vòng tay yêu thương của Thiên Chúa? Hay ngược lại, cố chấp, ương ngạnh, chà đạp lên nỗi đau của cha mẹ, cũng là nỗi đau của chính Chúa để sống trong vòng tội lỗi, lạc xa tình Ngài.
Hãy quay về với vòng tay dịu hiền, với tình yêu bao la của Ngài.
Hãy quay về để cảm nghiệm sự ngọt ngào, ấm áp của tình thương cha mẹ và gia đình.
Lễ Thánh Gia
29 December 2024
Views: 0