Suy niệm về cái chết của Chúa
Teresa K. L
Thứ Sáu Tuần Thánh. Đồi Golgotha. Cây thập tự. Không gian, thời gian và vật dụng ấy nhắc tôi về cái chết đau thương, đầy nhục nhã của Đức Giêsu Cứu Thế. Ngài bị đóng đanh và chết trên thập giá. Nhưng cái chết của Người thực sự đem lại cho tôi điều gì? Tại sao tôi phải xót xa và thương cảm?
Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Rôma (6:3-11) đã trả lời tôi về những gì mà tôi đang suy tư, khi liên kết cái chết của Chúa Giêsu với cái chết của người Kitô hữu qua Bí Tích Thánh Tẩy: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao?” (3). Thật vậy, tôi tin rằng Bí Tích Thánh Tẩy đối với tôi là một mầu nhiệm tái sinh sự sống. Nhờ được thanh tẩy trong Đức Kitô, con người cũ của tôi được hoàn toàn đổi mới. Nếp sống của tôi chuyển sang một giai đoạn khác…
May mắn cho tôi là được ba má gửi vào trường đạo, và được các soeurs dậy giáo lý, được học kinh, hát thánh ca. Tuy nhiên, như trong câu: “Vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại” (5), Thánh Phaolô đã khơi lên trong tôi một hy vọng về sự sống lại trong ân sủng, và cùng với vinh quang của Đức Kitô.
“Nhờ được chết như Người đã chết”. Khi đọc câu này, tôi đã được tác động và soi sáng rằng, khi chấp nhận trở nên con cái Chúa, không có nghĩa là tôi sẽ trở nên sung sướng, hạnh phúc, thành công, cũng như đạt được những địa vị trần thế. Ngược lại, từ một người con gái vô tư, được cha mẹ yêu chiều, có kẻ hầu, người hạ, sống trong một biệt thự sang trọng, chỉ biết học, vui đùa, sung sướng, tôi bỗng như rơi vào một thế giới khác, tối tăm, đau khổ từ tinh thần đến thân xác. Nhiều lúc khiến tôi rơi vào trầm cảm, ngã lòng trông cậy. Tôi thật sự cảm thấy hoang mang, sợ hãi, và tự hỏi: “Theo Chúa thì phải như vậy sao?” Phải chăng “Đây là cái giá của người theo Chúa?”.
“Nhờ được chết như Người đã chết” – qua Bí Tích Thánh Tẩy – tôi nhìn lại con người của mình, nhìn vào cuộc sống thật sự của tôi trước và sau khi đã theo Chúa. Nhờ ơn thánh, và nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, tôi biết cách chết đi tính kiêu ngạo, nhút nhát, ích kỷ, giận hờn, vô tâm theo con người tự nhiên của mình. Tôi cũng được sống lại như Người đã sống lại. Nhờ được rèn luyện trong thử thách, tôi nghiệm ra rằng tôi cần biết ơn những người và hoàn cảnh đã khiến tôi đau khổ. Tôi không còn phiền trách những người đã gây ra đau khổ cho tôi. Tôi cũng không so sánh, phàn nàn về những hoàn cảnh mà tôi đã trải qua, dù đó là những kỷ niệm buồn, rất buồn! Vì tôi cho rằng chính nhờ những thử thách ấy mà tôi đã tìm gặp được tình yêu của Đức Kitô và Mẹ Maria. Tình yêu đổi mới, giúp tôi biết sống kết hợp với Chúa, biết hy sinh hãm mình, biết chăm chỉ học hỏi Lời Chúa, siêng năng tham dự Thánh Lễ và đón nhận Bí Tích Thánh Thể, cũng như các bí tích khác.
Cũng theo Thánh Phaolô cái chết của Chúa Giêsu còn giải phóng tôi khỏi tình trạng nô lệ cho tội lỗi: “Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị hủy diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa” (6). Nhờ cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, và cái chết của tôi qua Bí Tích Thánh Tẩy, tôi được tự do làm con cái Chúa, được lớn lên trong ân sủng và bình an của Người. Tự do làm con cái Thiên Chúa. Đây là một hồng phúc lớn lao nhất của đời tôi.
Tuần Thánh, Tam Nhật Thánh, đặc biệt ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày đau thương nhất của cuộc đời Chúa Cứu Thế. Nhìn ngắm Chúa chết treo trên thập giá, nhớ lại lời Thánh Phaolô nhắc nhở tôi: “Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô.” Tôi ý thức rằng qua Bí Tích Rửa Tội, giúp tôi luôn biết “coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu.” (11).
Thứ Sáu Tuần Thánh
Mùa Chay 2024
Views: 0