Dr. Lương Huỳnh Ngân chuyển ngữ
Trích sách Sáng Thế.
7 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.
Rồi ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra.
ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác.
Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà: “Có thật Thiên Chúa bảo: “Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?
Người đàn bà nói với con rắn: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn.
Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: “Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.”
4 Rắn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì đâu!
5 Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.”
6 Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn.
7 Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân.
(St 2, 7-9.3, 1-7)
Vào thế kỷ thứ X trước CN, trong triều vua Salômon, tại Giê-ru-sa-lem có một nhà thần học bị dồn hỏi với nhiều vấn đề: tại sao có sự dữ, tại sao phải chết? Tại sao có sự bất hoà trong các cặp vợ chồng con người? Tại sao cuộc sống khó khăn? Tại sao lao động quá khó nhọc, thiên nhiên khắt khe, việc ở cữ, sinh đẻ phải đau đớn thể xác và có khi cả tâm lý? Làm sao có thể trả lời tất cả các câu hỏi ấy, khi chỉ là một nhà thần học thế kỷ thứ X trước CN, trong vương triều vua Salômon ở Giê-ru-sa-lem. Dĩ nhiên, là dựa trên đức tin của mình thôi, vào đức tin của những người nghe. Thế nhưng, thế kỷ thứ X; tức là, mới chỉ có 250 năm sau khi thoát ra khỏi Ai-cập, và dân chúng được có 250 năm trải nghiệm tương quan với Thiên Chúa, có thể nói sau 250 năm được Chúa mặc khải.
Chúa muốn dân Ngài tự do: đối với Ít-ra-en không phải là một niềm tin mà là một trải nghiệm. Chỉ có điều: tự do không phải muốn làm gì thì làm, sự tự do phải học. Cùng lúc, Chúa ban tự do cho dân Ngài, Chúa cũng ban cho Lề luật; có thể nói, đây là cách xử dụng tự do. Suốt lịch sử Xuất Hành, bốn mươi năm sống trong sa mạc Si-nai với ông Mô-sê, là lịch sử của một cuộc huấn luyện. Người thần học thế kỷ thứ X của chúng ta cũng biết không phải là chuyện dễ, rất khó giữ Lể Luật và – còn hệ trọng hơn nữa – người ta còn ngờ vực Thiên Chúa, và cả ý định của Chúa cho dân Ngài.
Điều sâu xa của vấn đề là ở chỗ ấy, nhà thần học của chúng ta tự nhủ như thế. Nếu mọi người biết đầy đủ mục đích duy nhất của Thiên Chúa, là sự sống của chúng ta, hạnh phúc của chúng ta, tự do của chúng ta; thì người ta sẽ tin tưởng và sẵn lòng tuân theo lề luật. Trái lại, nếu chúng ta bị cám dỗ, nghĩ rằng Chúa không muốn điều tốt lành cho chúng ta… Và nhiều khi còn tưởng tượng, Ngài muốn sự dữ (chúng ta sẽ thấy điều này trong Chúa nhật thứ ba, Mùa Chay, trong một bài sách Xuất Hành về Ma-xa và Mơ-ri-va)
Tôi vừa nói, người ta bị cám dỗ nghĩ rằng…: đấy, chữ ấy nói ra đúng lắm. Nghĩ như thế, nghĩ rằng, không muốn điều tốt lành cho chúng ta; có lẽ, cũng không cho cuộc sống chúng ta, sự tự do chúng ta, hạnh phúc chúng ta… đó là một «cám dỗ». Cái thảm kịch là, nhà thần học thế kỷ thứ X của chúng ta trả lời, cách nhìn như thế méo mó hết mọi sự. Và ông nói với chúng ta: «đừng tìm chi cho xa, từ thời nào đến bây giờ cũng bấy nhiêu chuyện…, và ông kể cho chúng ta một câu truyện giàu hình ảnh».
Một mảnh vườn huyền diệu được Thiên Chúa tạo ra, và sau đó nhân loại được bàn tay người thợ gốm nhào nặn, nói như ngôn sứ Giê-rê-mi-a (Gr 18, 6)… Trong vườn ấy có mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon. Và hai thứ cây đặc biệt: «cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác» (St 2, 9). Tôi xin lưu ý cây trường sinh ở giữa vườn, còn cây kia, cây cho biết điều thiện điều ác, bài không có nói nó ở đâu.
Và Thiên Chúa giao mảnh vườn ấy cho con người trồng trọt và canh giữ, Chúa nói trong một câu khác. Chúa còn nói thêm: «Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; 17 nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết.» (St 2, 16-17) (Xin lưu ý ở đây, không có chỗ nào nói đến trái táo và trái của cây trường sinh ở giữa vườn, thì được ăn). Thế rồi, con rắn vào cuộc; nó nói với người phụ nữ và làm cho bà hiểu sai đi: «Có thật Thiên Chúa bảo: Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?» Người đàn bà trả lời: «Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn.3 Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết» (St 3, 3)
Các bạn hẳn chú ý, có sự chuyển dịch: rất đơn giản, vì bà nghe tiếng nói của ngờ vực; bấy giờ bà chỉ nói đến cây ấy, và bà nói: «cây ở giữa vườn»: kể từ đây, cây ấy chứ không phải cây trường sinh bà thấy ở giữa vườn. Cái nhìn của bà bị sai lệch đi, vì bà để cho con rắn nói với bà. Lúc bấy giờ con rắn tiếp tục cuộc tấn công: «Chẳng chết chóc gì đâu! 5 Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.» (St 3, 4-5)
Ở đây nữa, người phụ nữ quá nghe những lời tốt đẹp này, và bài gợi ý cho hiểu, cách nhìn của bà càng ngày càng chệch hướng: trong chỉ một câu, có ba từ về cái nhìn, được dùng đến: «Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn».
Con rắn có nói rõ «mắt ông bà sẽ mở ra». Cái sai của người phụ nữ, là tin rằng con rắn nói để bênh vực quyền lợi cho bà, và phát hiện cho bà những ý định xấu của Thiên Chúa. Đó chỉ là lời nói láo: Cái nhìn của bà đã thay đổi, thật vậy, nhưng nó bị sai lệch. Không phải ngẫu nhiên, sự ngờ vực Thiên Chúa được trình bày dưới những nét con rắn; ở Ít-ra-en, họ có kinh nghiệm về những con rắn độc trong sa mạc. Nhà thần học trong vương triều Sa-lô-môn của chúng ta, nhắc lại trải nghiệm thấm thía ấy, và nói: có một lọai nọc độc nghiêm trọng hơn nhiều nọc rắn thật độc; ngờ vực Thiên Chúa, là thứ nọc độc chết người, nó đầu độc đời chúng ta.
Nói rằng cây làm cho biết hạnh phúc và những gì bất hạnh; tức là, chỉ có Chúa mới biết cái gì làm cho ta hạnh phúc và cái gì làm cho ta bất hạnh… Nhưng điều Ngài ước muốn là sự sống của chúng ta, sự tự do của chúng ta: có thể nào tưởng tượng một người thợ gốm rất yêu nghề, lại nắn cho mình một cái hũ bằng đất, để có cái thú là đem đi đập vỡ nó?
Phần thêm
Con rắn. Người ta nói con rắn là loài xảo quyệt nhất các loài thú vật; và thật vậy, nó nói – dĩ nhiên là cố tình – một câu không rõ ràng: «Có thật Thiên Chúa bảo: Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?»: điều này có thể hiểu: «các ngươi có thể ăn mọi thứ trái, chỉ trừ từ một thứ cây, hay là không được ăn thứ từ cây nào hết». Để giản dị hoá, trong bài này, cách dịch của phụng vụ giúp hiểu ngay ý của nó.
Tại sao có sự dữ? Từ đâu đến? Sự dữ đâu phải là định mệnh: đó là điều bài này muốn cho ta hiểu. Sự dữ đến từ con người dùng sai sự tự do của mình; chính con người làm hỏng mọi sự: sự dữ không ghi trong định mệnh con người. Vì thế có một lối thoát: sử dụng đúng sự tự do sẽ thắng sự dữ. Đó là điều chính xác, Thánh Phao-lô sẽ khai triển trong thư gửi tín hữu Rô-ma.
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng
Views: 0