Nguyễn Ngọc Thể
Hồi còn trẻ, tôi biết được bài hát của nhạc sĩ Lam Phương, bài “Kiếp Nghèo”. Ông ta viết bài này vì lý do đơn giản là, ông ta đã “trồng cây si” nơi một người đẹp mang tên Thúy Nga. Không biết Thúy Nga có yêu chàng nhạc sĩ này không, nhưng chàng nhạc sĩ trẻ này lại yêu và say mê Thúy Nga, nhưng không thể cưới được nàng vì chàng nghèo. Sau đó, nàng gặp được một người đàn ông tài hoa, giàu có hơn. Đó là Hoàng Thi Thơ, cũng là một nhạc sĩ. Hai người đã lấy nhau. Đây là một câu chuyện tình nho nhỏ như bao chuyện tình khác xảy ra ở bất cứ nơi nào có con người trên mặt đất.
Vì nghèo, con người đã cảm thấy thua thiệt về mọi mặt: tiền của, danh vọng, tình yêu. Con người, nếu mang lấy “kiếp nghèo” thì cái nghèo cứ mãi luôn đeo đuổi có thể là suốt đời. Câu người xưa có nói:
“Cây khô tưới nước cũng khô,
Người nghèo đi đến xứ mô cũng nghèo.”
Điều này cũng không hẳn là đúng một trăm phần trăm. Bằng chứng có những người thay đổi cách sống hoặc dời nơi ở đến một chỗ khác thì kinh tế gia đình có thể cũng sẽ thay đổi. Nhìn quanh chúng ta, hằng ngày chúng ta cũng bắt gặp được không ít người nghèo, sống không nhà không cửa, ngày ngày đứng nơi các ngả đường, các quán ăn, chợ búa để xin từng miếng ăn độ nhật. Cho nên, những người này cũng có thể thầm trách cho thân phận mình : sống thì không nhà không cửa và đến khi chết thì cũng chưa chắc có được nấm mồ để chôn. “Sinh vô gia cư, tử vô địa táng”, như người đời vẫn thường nói.
Cuộc sống của Chúa Giêsu, nếu xét cho cùng, Ngài cũng là một người nghèo khó, không hơn không kém nếu so với bao người nghèo khác. Xin đan cử vài nét tiêu biểu: lúc sinh ra, giữa tiết trời đông lạnh giá, không có được mái nhà để được sinh hạ, không được tấm chăn để phủ ấm thân người như bao trẻ con khác và lại được sinh ra nơi hang bò lừa, nhờ hơi ấm của mấy con thú trong chuồng. Khi lớn lên, Chúa Giêsu còn phải giúp mẹ trong những công việc vặt vãnh, và giúp cha trong nghề thợ mộc như bào, đục, cưa để kiếm cơm cho thánh gia thất. Tất cả cũng chỉ vì gia cảnh khó nghèo. Ngài đã chấp nhận thân phận con người nên Ngài cũng đành chấp nhận cuộc sống khó khăn như bao gia đình khác đương thời.
Đến khi trưởng thành, vì phải thi hành sứ vụ mà Chúa Cha đã trao phó, ngày ngày Chúa Giê su rảo quanh các làng mạc, đi đến nơi hang cùng ngỏ hẽm để công bố Tin mừng Nước Trời cho bao người đang sống bơ vơ, lạc lõng vì thiếu niềm tin hầu đưa họ về đường ngay nẻo chính. Chúa Giêsu thương xót những người đương thời như đàn chiên bơ vơ không người chăn dắt. Chúa Giêsu chạnh lòng thương xót khi thấy bao người vì đi theo Chúa phải đói khát và Ngài đã làm phép bánh và cá cho hàng ngàn người ăn no nê. Ngài cũng đã đưa tay chữa lành bao người ốm đau, tật nguyền. Vì sứ vụ rao giảng Tin Mừng Nước Trời nên đã bị người đời nghi kỵ, coi khinh và lại còn lên án chết, chết một cách nhục nhã trên cây thập tự.
Nhìn quãng đời ngắn ngủi của Chúa Giêsu trong 33 năm chúng ta nào có thể hình dung được gì khác hơn ngoài cuộc sống khó nghèo. Có lần, Chúa Giê su lên tiếng: “Con cáo có hang, con chim có tổ nhưng Con Người không chỗ tựa đầu”. Ngài còn thua cả con cáo vì nó có hang, thua cả con chim trời vì khi đêm về chúng còn có tổ để ngủ. Khi Ngài chết treo trên thập tự và đã được an táng cũng không phải là chính nơi ngôi mộ đã dành sẵn cho mình mà là ngôi mộ mượn của Joseph thành Arimathea! Nếu đem so sánh cuộc sống của Chúa Giêsu với bao người anh em vô gia cư thì đúng là ngài sống không có nhà, có cửa và chết đi cũng không có một ngôi mộ cho riêng mình! Sách Phúc âm không hề nói đến những sinh hoạt thường nhật, như ngày ngày đi rao giảng Tin Mừng, đêm về thì ngủ nghỉ ở đâu. Thật là đáng thương cho cuộc đời của Chúa Giêsu, một Đấng Cứu Tinh của nhân loại, một vị đến để Cứu thế và Kiến thế. Hơn thế nữa, nếu đem so sánh cuộc đời của Chúa Cứu Thế với cuộc sống của chúng ta, chúng ta hơn hẳn cuộc sống đơn sơ, thanh đạm và khó nghèo của Chúa. Chưa hết, khi Ngài giã từ cõi thế, Ngài không muốn bỏ lại trần gian đầy khổ đau của những đứa con lạc lõng và rồi Ngài muốn lưu lại với con cái loài người qua Bí Tích Thánh Thể, tự giam hãm trong Nhà Tạm bé nhỏ, tối tăm qua bao ngày tháng và còn đoan chăc rằng: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế!” Sao con người còn sống trong tệ bạc, hờ hững, vô ơn mà không mấy khi đến thăm viếng Chúa nơi Nhà Tạm để ủi an Ngài.
Ngày lễ Giáng Sinh mừng Con Chúa giáng trần không phải là dịp để trưng bày bao ánh đèn màu lấp lánh, cũng không phải là dịp để ăn uống vui chơi, rượu chè thỏa thích, áo quần xum xuê mà chính là dịp để hồi tâm suy nghĩ và cảm thông về cuộc sống khó nghèo của Con Chúa, Đấng đã từ trời cao thẳm, nay giáng lâm làm con người bé nhỏ nhất và nghèo hèn nhất trên trần gian. Vậy, chúng ta hãy đến bên Chúa Hài Đồng nơi máng rơm của để học lấy bài học khiêm nhường thẳm sâu: “Hãy học cùng Ta vì Ta là Đấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng.”
-
-
- Hãy đến bên Hài Nhi
Chiêm ngắm gối bái quỳ
Giê su tay bé nhỏ
Như chào đón muôn dân.-
-
-
-
- Hãy đến bên hang lừa
Nhìn Chúa lòng xót xa
Dâng cõi lòng sám hối
Xin Chúa thương thứ tha.-
-
-
-
-
- Lạy Chúa, Chúa Trời con
Xin cứu bao sinh linh
Giữa trần gian u tối
Về sống trong An Bình.-
-
-
-
-
-
- Lạy Chúa, Đấng cứu tinh
Đời con sống hao mòn
Đang mê đường tội lỗi
Xin mau đến cứu con.Nguyễn Ngọc Thể
(GS 2018)
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
Views: 0