SỐNG TIN MỪNG

Ngài cỡi lừa vào Thành

Trần Mỹ Duyệt

Suy Niệm Tuần Thánh – Chúa Nhật Lễ Lá

Truyền thống Công Giáo bắt đầu một tuần lễ cực thánh, chấm dứt 40 ngày chay tịnh bằng việc cử hành tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu vinh quang tiến vào thành Giêrusalem, để rồi sau đó Ngài bị bắt, bị đánh đòn, tra tấn, bị kết tội vác thập giá lên núi Sọ, bị đóng đinh và chết trên thập tự giá, nhưng ngày thứ ba Ngài đã Phục Sinh. Cũng qua Thánh Kinh, Chúa Giêsu vinh quang khải hoàn vào thành thánh không phải ngồi trên một con chiến mã, nhưng là trên lưng một con lừa. Những người tham dự vào cuộc khải hoàn ấy không phải là những đoàn quân anh dũng, khí giới tối tân, nhưng lại là những thường dân, những em nhỏ, những con người đơn sơ và chân thật. Và điều này gợi lên trong ta ý nghĩa gì? Riêng đối với những tâm hồn yêu mến và muốn theo bước chân Ngài, chúng ta suy nghĩ gì qua biến cố rất đặc biệt này?

Suốt 3 năm miệt mài, vất vả rao truyền chân lý, chữa lành bao kẻ tật nguyền, thực hiện bao phép lạ vỹ đại, hôm nay là ngày Chúa Giêsu được vinh hiển nhất, được tôn kính trọng vọng nhất. Dân chúng đứng chật hai vệ đường, người người vui mừng reo hò. Họ tung hô vạn tuế và không ngừng ca tụng: “Hoan hô con Vua Ðavít. Chúc tụng Ðấng nhân danh Thiên Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời” (Mt 21:9). Lòng sùng mộ và yêu kính của dân chúng bấy giờ đã khiến họ hành động một cách hết sức đặc biệt. Họ cởi áo ngoài trải đường như một tấm thảm kéo dài trên đường Ngài đi qua. Và họ cầm trên tay ngành vạn tuế để vẫy chào Ngài khi Ngài đi qua chỗ họ. Thánh Kinh kể lại, số người theo tung hô Ngài mỗi lúc một thêm đông, đến độ khiến các Pharisiêu phải ghen tị.

Nhưng nếu bạn là người đang đứng hai bên đường và quan sát đám rước hôm đó, bạn sẽ thấy một chi tiết có thể khiến bạn phải dừng lại mà suy nghĩ. Ðó là Chúa Giêsu không cỡi trên voi, trên ngựa, hay không ngồi trên kiệu mà tham dự cuộc khải hoàn này, nhưng Ngài lại ngồi trên lưng một con lừa con. Mátthêu ghi: “Chúa Giêsu sai hai môn đệ đi và bảo rằng: “Các anh hãy đến làng trước mặt kia, sẽ gặp ngay một con lừa mẹ cột ở đó với con lừa con. Các anh hãy mở dây và dẫn về đây cho thầy” (Mt 21:2). Ngài làm thế còn để ứng nghiệm lời Thánh Kinh: “Hãy nói với thiếu nữ Sion rằng, này vua các ngươi đang ngự đến, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa con, là con lừa mẹ” (Mt 21:5).

Chúa cỡi lừa con để khải hoàn vào Giêrusalem. Ngài không cỡi voi hay cỡi ngựa, hoặc ngồi trên kiệu vì Ngài không muốn làm các thiếu nữ Sion phải hoảng sợ. Ngài không muốn bất cứ ai nhìn Ngài bằng cái nhìn đầy kinh ngạc, hoảng hốt và trốn tránh. Ngài không muốn tạo hình ảnh một kẻ có quyền, hưởng thụ, và kiêu hãnh. Cỡi voi thì phải có người phục dịch. Ngồi kiệu cũng phải có kẻ khiêng. Ngồi trên lưng ngựa tuy đơn giản hơn ngồi trên mình voi hay trên kiệu, tuy nhiên, ngồi trên lưng ngựa vẫn là hình ảnh của những kẻ anh hùng, những kẻ chiến thắng. Mà đã là anh hùng, chiến thắng tất nhiên có quyền kiêu hãnh, và vì thế cũng khiến nhiều người phải sợ hãi, nể phục.

Chúa Giêsu đã không muốn bất cứ ai phải bắt buộc theo và miễn cưỡng mến Ngài. Ngài cũng không dùng sức mạnh, quyền lực của kẻ chiến thắng để khống chế và thu phục nhân tâm. Chính vì thế những hình ảnh liên quan đến sức mạnh quyền lực đều bị Ngài loại bỏ, từ chối. Ngài chỉ muốn một mình đơn sơ ngồi trên lưng một con lừa con, nhỏ bé để tiến vào thành. Một hình ảnh nói lên vẻ thanh bình, đơn sơ, nhẹ nhàng, và tự nhiên. Và đó chính là Ngài, con chiên Thiên Chúa, Ðấng cứu độ trần gian.

Cũng qua Thánh Kinh bạn và tôi biết rằng Ngài là vua chứ không phải chỉ là con Vua Ðavít như người ta đã chúc tụng Ngài. Danh Ngài đáng được vang vọng chúc tụng trên các tầng trời, vì Ngài còn là Chúa tạo thành vũ trụ. Cả nhân loại phải phủ phục dưới chân Ngài và trước nhan Ngài. Mọi đầu gối, như Thánh Phaolô đã viết, trên trời, dưới đất và trong lòng đất phải quì gối trước mặt Ngài. Do đó, nếu Ngài dùng voi, dùng ngựa, dùng kiệu hay bất cứ phương tiện di chuyển nào khác tối tân và tiện nghi nhất của thời bấy giờ thì vẫn chỉ là những phương tiện tầm thường chưa xứng với Ngài. Tuy nhiên, Ngài đã không làm như thế. Hành động ấy của Ngài như nói trước với chúng ta về những gì mà Ngài sẽ làm kế tiếp như rửa chân cho các môn đệ Ngài. Chấp nhận bị bọn lý hình hành hạ và chế diễu. Chấp nhận bản án bất công. Và nhất là chấp nhận bị đóng đinh chết treo trên thập tự giá.

Làm sao tâm trạng của một người mang trong mình hình ảnh chiến thắng hiển hách, ngồi trên lưng một con chiến mã, ngồi trên lưng một con voi, ngồi trong một cái kiệu sang trọng, hay như phương tiện di chuyển thời nay là phản lực cơ, trực thăng, hoặc limousine đầy đủ tiện nghị tiến lên giữa tiếng tung hô, lại có thể chấp nhận được việc quì gối xuống, bưng chậu nước đến trước mặt các môn đệ của mình để rửa chân cho họ.

Làm sao một vị đại tướng, một hoàng đế, một nữ hoàng, một tổng thống, một thủ tướng uy nghi duyệt qua hàng quân danh dự để tiến lên lễ đài giữa tiếng tung hôn vang dội của một rừng người lại có thể dễ dàng chấp nhận chịu cảnh trao nộp, chịu đánh đòn, chịu khạc nhổ vào mặt, chịu đội mão gai, chịu xét xử bất công, và chịu đóng đinh chết trần truồng trên thập giá mà không một lời than van, trách móc.

Ngồi trên lưng ngựa, lưng voi. Ngồi trong kiệu, trong trực thăng, phản lực cơ hay limousine  thì không dễ cúi mình xuống được. Nhất là trong tư thế của kẻ có quyền, kẻ chiến thắng. Cũng không dễ chấp nhận thua thiệt, không dễ đón nhận nhục nhã, không dễ vâng phục thiên ý. Cứ nhìn bọn Pharisiêu qua thái độ ghen tức của bọn họ với Chúa Giêsu khi thấy Ngài được dân chúng tung hô, chúc tụng. Hoặc cứ nhìn vào những Pharisiêu thời đại mới hiểu rõ ý nghĩa và hành động của Ngài.

Tóm lại, phải đơn sơ, phải nhân từ, và phải hiền hậu thì họa may mới có thể đón nhận được những thử thách, bất công, và nhục nhã. Và có lẽ vì lý do đó, Chúa đã dùng con lừa để làm phương tiện di chuyển hôm đó. Làm như vậy là Chúa muốn nói với mọi người rằng, Ngài xứng đáng với tất cả mọi lời chúc tụng. Ngài chính là vua. Ngài là vua chiến thắng. Nhưng trên hết, Ngài là một vị vua nhân từ. Vua thái bình. Vua của tâm hồn con người. Và vì thế, Ngài đã cỡi lừa con mà không cỡi chiến mã.

Chúa là vua nhân từ, hiền dịu chứ không phải là vua quyền uy, độc tài, và hà khắc. Ngài thương yêu tất cả. Ngài mong mọi người hãy đến với Ngài, để học cùng Ngài, vì Ngài “hiền lành và khiêm nhường”. Làm như vậy, chúng ta mới dễ mở rộng lòng mình đón nhận mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh mà Ngài đã thực hiện vì chúng ta và cho nhân loại chúng ta.

(Suy niệm Lễ Lá 1 tháng 4 năm 2012)

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.