SỐNG TIN MỪNG

“Nếu các ngươi hà hiếp các cô nghi quả phụ, Ta sẽ nổi giận các ngươi.”

Dr. Lương Huỳnh Ngân chuyển ngữ

Trích sách Xuất Hành.

20 Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-cập.
21 Mẹ goá con côi, các ngươi không được ức hiếp.
22 Nếu ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta, ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu.
23 Cơn giận Ta sẽ bốc lên, Ta sẽ cho gươm chém giết các ngươi: thế là vợ các ngươi sẽ thành goá bụa, và con các ngươi sẽ thành côi cút.
24 Nếu ngươi cho một người trong dân Ta, một người nghèo ở với ngươi vay tiền, thì ngươi không được xử với nó như chủ nợ, không được bắt nó trả lãi.
25 Nếu ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm, thì ngươi phải trả lại cho nó trước khi mặt trời lặn.
26 Nó chỉ có cái đó để đắp, để làm áo che thân; nó sẽ lấy gì mà ngủ? Nó mà kêu cứu Ta, Ta sẽ nghe nó, vì Ta vốn nhân từ.

Điều nên lưu ý đầu tiên : không nên tin rằng ông Mô-sê truyền lại cho dân chúng cùng một lượt toàn bộ luật sau này được góp lại trong sách Xuất Hành. Trải dài nhiều thế kỷ và theo diễn tiến xã hội Pa-lét-tin, các điều luật của Ít-re-en đã được cập nhật, cũng như bộ luật dân sự hay hình sự chúng ta cũng được thường xuyên thay đổi, bổ túc như vậy nhưng các thay đổi chỉ trong một bộ văn kiện và vẫn giữ nguyên tên. Nhưng những luật mới phản ảnh một văn cảnh mới, lúc luật ấy được ban hành ; những luật này đáp ứng những vấn đề mới, những hình thức mới của tội phạm : tất cả các luật lệ đều luôn luôn liên quan đến hoàn cảnh nhất thời !

Hãy lấy một ví dụ. hãy tưởng tượng bạn đang đi trong hành lang một triển lãm tranh và mắt bạn dừng lại bức tranh vẻ cảnh Truyền Tin. Nếu Đức Trinh Nữ mặc y phục thời Canh Tân, bạn biết ngay người họa sĩ không sống thời Chúa Giê-su, vào thế kỷ thứ nhất vùng Pa-lét-tin …Cũng tương tự như thế, các điều luật được thảo ra thời gian lúc mới về vùng Pa-lét-tin phản ảnh xã hội đương thời chứ không như bối cảnh xã hội thời Xuất Hành. Ví dụ như một điều luật cho trường hợp một : «kẻ trộm bị bắt quả tang đang lúc đào ngạch » (Xh22, 1) chắc chắn không cùng thời với lúc còn sống bằng lều trong sa mạc Si-nai ! Trường hợp bài đọc trong Thánh Lễ chúa nhật hôm nay cũng thế. Ví dụ như điều về người ngoại kiều, sở dĩ bài quan tâm về số phận người ngọai kiều vì dân Ít-re-en đến vùng Pa-lét-tin, họ cho là đất ấy của họ, họ xem ai đến sau là những ngọai kiều. Tất cả những điều kiện ấy không trùng hợp trong sa mạc Si-nai thời Xuất Hành.  Một dân tộc sống về chăn nuôi du cư thì khác, một dân tộc đã định cư thì khác.

Thật ra, tất cả các luật lệ do ông Mô-sê ban hành và các người thế vị ông sau này vào những thời điểm khác nhau, trong điều kiện sống khác nhau, tất cả đều được gom góp lại điều này đến điều khác trong Thập Giới (hay Mười Lời trong sa mạc Sinai) bởi vì các luật ấy là phần tiếp theo lô-gíc xuyên suốt các thế kỷ và sự tiến hóa của lịch sử Ít-re-en .

Điều đáng chú ý thứ hai : Ít-ra-en  không phải là dân tộc đầu tiên và cũng không phải dân tộc duy nhất ban bố đạo luật. Ở Trung đông người ta tìm thấy những bộ luật lâu đời hơn thế nữa : ví dụ như ở Ua, quê quán ông Áp-ra-ham, có một bộ luật từ năm 2050 trước CN ; và bộ luật Hammourabi ( hiện được giữ tại bảo tàng viện Louvre, Paris), có từ khoảng năm 1750 trước CN. Những bộ luật ấy có nhiều điểm giống nhau, ngay cả cách phát biểu gọi là thần học nghi nghĩa ( Acuistique, ghi chú ND : một cách biện luận quá tinh tế ) : ví dụ như : «Nếu ngươi cho một người trong dân Ta, một người nghèo ở với ngươi vay tiền; Nếu ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm…»  (c24.25) Nhưng điều thú vị cho chúng ta là những gì Lề Luật Ít-ra-en  mang lại cho các dân tộc lân cận.

Trong tất cả các nền văn minh, bộ luật nhằm bảo vệ kẻ yếu ; như thế không có gì lạ bộ luật Ít-re-en, như các bộ luật khác, bảo vệ cô nhi quả phụ, người ngoại kiều, kẻ vay nợ. Nhưng điều mới lạ là nền tảng của bộ Luật. Nền tảng của bộ luật Ít-re-en  dựa vào cuộc giải phóng khỏi Ai-cập, hay đúng hơn là hai trải nghiệm, thời nô lệ bên Ai-cập và sự cứu độ của Thiên Chúa. Và bởi  sự mặc khải của Chúa đã nghe lời kêu than của những kẻ bị hạ nhục, trả lại cho họ tự do và nhân phẩm, rất lô-gíc Ngài sẽ tiếp tục qua bộ luật bảo vệ những người bị hạ nhục. Vì thế tất cả các lề luật trong Thánh Kinh đều rải rác có những lời nhắc nhở : nhắc nhở những lúc đau khổ trong cảnh lưu đày, bị nhục mạ… nhắc nhở kỳ công Thiên Chúa cứu độ dân Ngài… Ví dụ như những từ ngữ đầu tiên sách Thập Giới không phải là nột điều răn mà một lời nhắc nhở : «Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ» (Xh20, 2), hay nữa là : «Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai-cập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta» (Xh19, 4).

Sở dĩ Chúa cứu độ dân Ngài là vì Chúa đã nghe tiếng rên siết của những kẻ đau khổ : «Sau những năm dài ấy, vua Ai-cập qua đời. Con cái Ít-ra-en rên siết trong cảnh nô lệ. Họ ta thán, và tiếng họ kêu từ cảnh nô lệ đã thấu tới Thiên Chúa.24 «Thiên Chúa đã nghe tiếng họ than van và Thiên Chúa nhớ lại giao ước của Người với các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp» (Xh2, 23-24) ; trong giai đoạn bụi gai bốc cháy cũng như thế :«ĐỨC CHÚA phán: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng.8 Ta xuống giải thoát chúng» (Xh3, 7, 8a) .

Đấy là nền tảng tất cả luật Ít-re-en  : Thiên Chúa nghe lời kêu than của kẻ khổ cùng, thấu biết những đau khổ của họ và vì thế bảo vệ họ. «vì Ta vốn nhân từ.», đấy là câu cuối của bài hôm nay, theo cách dịch của Pháp ngữ (Compatissant) có nghĩa tuyệt vời, « cùng khổ ».

Đối với dân tộc ấy đã trải nghiệm thế nào là bị hạ nhục, không khó gì nay đặt mình vào vai trò người bị nhục mạ : «Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-cập» (c20), đấy là trong bài hôm nay. Sau đó vài câu, đề tài ấy được lặp lại : « Người ngoại kiều, các ngươi không được áp bức; chính các ngươi đã biết thân phận của người ngoại kiều, vì các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-cập.» (Xh23, 9). Nên hiểu : các ngươi không được áp bức một ai vì các người từng biết thế nào là bị áp bức. Không phải lý luận từ những tình cảm tốt đẹp mà là vấn đề trải nghiệm, đại loại như nói «bạn biết thế nào rồi, hãy đặt mình vào địa vị họ».

Nhân đây xin lưu ý một xác định : người ngoại kiều ở đây là những người cư ngụ lâu dài trong xứ, sinh sống ở đấy, không phải những người ngoại kiều chỉ đi qua, những du khách, được hưởng ân huệ hiếu khách truyền thống Trung Đông.

Vài điều răn trong bài hôm nay nói lên cùng một lô-gíc ấy: hãy đứng vào địa vị, người nghèo, người mang nợ, cô nhi, quả phụ ; đừng ngược đãi họ vì Thiên Chúa nghe lời họ kêu than. Chúng ta còn đang trong giai đoạn đầu của mặc khải Thiên Chúa (ngay các bài này được viết sau ông Mô-sê) nhưng được biết Chúa quan tâm đến những đau khổ loài người, và Ngài đến cứu độ kẻ nghèo hèn và bị hạ nhục.

Nhưng than ôi, lúc bấy giờ còn phải hăm dọa để lề luật được tuân giữ : «Cơn giận Ta sẽ bốc lên, Ta sẽ cho gươm chém giết các ngươi» (c23). Một ngày kia sẽ đến, chúng ta đều biết, con người dần dần được Chúa dạy, không còn cần lời hăm đe, vì con người biết thấy nơi tha nhân là người anh em.

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut

Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions

Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.