SỐNG TIN MỪNG

Lễ trọng Thăng Thiên

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh

Phụng vụ Lời Chúa của Lễ Trọng Thăng Thiên này, bao gồm bài đọc 1 cho cả 3 chu kỳ A-B-C được trích từ 11 câu đầu tiên của Sách Tông Vụ: 1:1-11, và ba bài Phúc Âm cho từng chu kỳ A, B và C được trích từ 3 3 Phúc Âm khác nhau, Thánh Mathêu (những câu sau hết trong đoạn cuối cùng 28:16-20) cho Năm A, Thánh Marco (cũng những câu sau hết trong đoạn cuối cùng 16:15-20) cho Năm B, và Thánh Luca (cũng vậy, ở những cầu sau hết trong đoạn cuối cùng 24:46-53).

Nếu căn cứ vào ý nghĩa của biến cố Chúa Giêsu Thăng Thiên thì chỉ có Thánh ký Luca, trong cả Sách Tông Vụ (bài đọc 1) và Phúc Âm (chu kỳ Năm C), là diễn tả rõ ràng nhất, như sau:

“… ‘Các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất’. Nói xong, Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông. Ðang khi các ông còn ngước mắt lên trời nhìn theo Người đang xa đi, thì bỗng có hai người mặc áo trắng đứng gần các ông và nói rằng: ‘Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời? Ðức Giêsu, Ðấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời‘”. (Tông Vụ 1:8-11).

“‘Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống’ Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Luca 24:49-53).

Căn cứ vào những chi tiết được Thánh ký Luca thuật lại trong Sách Tông Vụ và Phúc Âm của ngài trên đây thì biến cố Thăng Thiên xẩy ra, về địa điểm: ở “gần Bêtania” (Luca 24:50), về hình thức và thể lý như sau: “đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời” (Luca 24:51), bằng cách: “Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông” (Tông Vụ 1:9). 

Như thế, các tông đồ, cho dù không được tận mắt chứng kiến thấy giây phút Chúa Giêsu sống lại từ trong cõi chết, cũng vẫn được đích thân thấy “trước mắt các ông” Người Thăng Thiên về cùng Cha của Người là Đấng đã sai Người, cho đến khi có “một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông”.  

Đám mây bao phủ Người” đây ám chỉ Thánh Thần, như đã xẩy ra ở biến cố biến hình trên núi của Người nơi sự kiện “có tiếng phán ra từ đám mây” (Mathêu 17:5; Marco 9:7; Luca 9:35). “Một đám mây bao phủ Người khuất mắt các ông” phải chăng bao gồm mấy ý nghĩa sau đây:

1- Các tông đồ không còn được thấy Thày của mình bằng con mắt thể lý nữa, vì Người đã về cùng Cha trong mối hiệp thông thần linh đời đời với Cha trong Thánh Thần;

2- Sứ vụ trần thế của Người đã hoàn toàn thật sự hoàn tất sau 40 ngày Người sống lại, khoảng thời gian 40 ngày Người hiện diện một cách linh thiêng giữa các vị để “nói với các vị về triều đại Thiên Chúa” (Tông Vụ 1:3); 

3- Các vị cần phải tiếp tục sứ vụ của Người “cho đến tận cùng trái đất” (Tông Vụ 1:8) bằng “quyền năng của Thánh Thần” (Tông Vụ 1:8; xem Luca 24:49) là Đấng Người sẽ từ Cha sai đến và cũng là Đấng đến để làm chứng về Người với họ và qua họ (xem Gioan 15:26-27). 

Thật ra, sau khi tắt thở trên Thánh Giá, linh hồn của Chúa Kitô đã về cùng Cha của Người ngay lúc ấy rồi, chứ không phải đợi cho tới khi Người Thăng Thiên. Và thật ra, trước khi “hóa thành nhục thể” (Gioan 1:14), Người đã đời đời hiệp nhất nên một với Cha trong Thánh Thần rồi, chứ không phải cho tới khi Người Thăng Thiên.

Thế nhưng, từ đời đời Người chỉ hiệp nhất nên một với Cha trong Thánh Thần về phương diện “đồng bản thể với Cha” (Kinh Tin Kính), nhưng một khi “đã hóa thành nhục thể“, bản tính nhân loại của Người chỉ đạt tới tầm mức hoàn toàn hiệp thông thần linh với Cha hay hiệp nhất nên một với Cha trong Thánh Thần khi Người Thăng Thiên mà thôi.

Nhờ Mầu Nhiệm Ngôi Hiệp xẩy ra ngay sau lời “Xin Vâng” (Luca 1:38) của Trinh Nữ Maria trong Biến Cố Truyền Tin, bản tính nhân loại của Lời Nhập Thể đã được hiệp thông thần linh với bản tính Thiên Chúa của Người rồi, tới độ, thân xác của Người đã trở thành bất tử và bất diệt, không thể nào chết được, ngoại trừ Người tự bỏ sự sống (thể lý) của Người đi (xem Gioan 10:17-18) “để làm giá chuộc cho nhiều người” (Mathêu 20:28).

Tuy nhiên, tự bản chất là tạo vật hữu hạn và hữu hình, bản tính nhân loại (nhân tính) của Lời Nhập Thể và nơi Lời Nhập Thể, theo tiến trình phát triển tự nhiên, cũng cần phải từ từ tiến tới độ hiệp thông thần linh hoàn trọn nhất, ở chỗ, bản tính Thiên Chúa của Người (Thiên Tính) càng ngày càng tỏ hiện một cách hết cỡ, nhờ đó “ai thấy Thày là thấy Cha” (Gioan 14:9), nhất là nơi Biến Cố Vượt Qua của Người từ Tử Giá đến Phục Sinh.   

Vấn đề ở đây là cái gì được sinh ra, cái gì chịu khổ giá, cái gì đã sống lại và cái gì đã lên trời, nếu không phải chính yếu là thân xác của Lời Nhập Thể nói riêng. Chính thân xác của Người, sau khi sống lại từ trong kẻ chết, đã tràn đầy Thánh Thần đến độ có thể thông Thánh Thần sang cho các tông đồ từ thân xác phục sinh của Người: “Đoạn Người thở hơi trên các vị mà nói: ‘Các con hãy nhận lấy Thánh Linh'” (Gioan 20:22). 

Thế nhưng, cho dù các tông đồ đã lãnh nhận Thánh Thần từ thân xác phục sinh của Chúa Kitô Lời Nhập Thể như thế, các ngài, để có thể làm chứng cho Chúa Kitô, có thể hiệp nhất nên một với Người, “như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha” (Gioan 17:21), trở thành một Alter Christus – Chúa Kitô Khác, vẫn còn phải chờ đợi để “được mặc lấy quyền lực từ trên cao” (Luca 24:49), “khi Thánh Thần xuống trên các con” (Tông Vụ 1:8), Đấng được Người hứa (xem Tông Vụ 1:4) “từ Cha sai đến” (Gioan 15:26) với các vị sau khi Người Thăng Thiên về cùng Cha, ở thực tại thần linh hiệp thông với Cha trong Thánh Thần bao gồm cả bản tính nhân loại của Người nữa.

Tóm lại, Mầu Nhiệm Thăng Thiên, về không gian, là biến cố Chúa Kitô đã hoàn toàn chấm dứt sứ vụ trần gian của mình do đích thân Người thực hiện theo đúng như ý Cha là Đấng đã sai Người, nhưng về thời gian, Người vẫn tiếp tục sứ vụ cứu độ trần gian qua vai trò thừa tác của Giáo Hội “cho đến tận cùng trái đất” (Tông Vụ 1:8), một Giáo Hội Người “ở cùng cho đến tận thế” (Mathêu 28:20), bằng Thánh Thần là Đấng “bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra” (Kinh Tin Kính Giáo Hội Công Giáo), Đấng đến để truyền đạt cho các tông đồ và Giáo Hội tất cả những gì của Cha nơi Chúa Kitô (xem Gioan 15:26), nhờ đó, “Con sống trong họ, Cha sống trong Con, để sự hiệp nhất của họ được nên trọn. Cho thế gian nhận biết rằng Cha đã sai Con và Cha đã yêu thương họ như Cha đã yêu mến Con” (Gioan 17:23).

Nếu Chúa Kitô phục sinh chiến thắng tội lỗi và sự chết thì Người thăng thiên về trời “ngự bên hữu Thiên Chúa” có hai nghĩa: Người cai trị Vương Quốc của Thiên Chúa đã qua Người được thiết lập trên trần gian, bao gồm cả việc thống trị quyền lực hỏa ngục và báo hiệu Người sẽ trở lại để canh tân đổi mới tất cả mọi sự; và ý nghĩa thứ hai đó là nhân tính của loài người nơi Người đã đạt tới tột đỉnh hiệp thông thần linh, và nhân loại nhờ Người hay nhớ nhân tính của Người mà được Thiên Chúa yêu thương hơn tất cả được tạo vật, hơn cả các thần thiêng, loài có thể nói là ở bên trái Thiên Chúa, căn cứ vào ý nghĩa của Bài Đọc II: “Chúa đã làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này lẫn đời sau”.

Ôi, con người cao cả biết là chừng nào trước nhan Thiên Chúa nơi Chúa Kitô Nhập Thể và Thăng Thiên!

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.