SỐNG TIN MỪNG

Khôn Ngoan và Công Chính

KHÔN NGOAN VÀ CÔNG CHÍNH

(Thư Thánh Giacôbê Tông Đồ 3:16-18;4:1-3)

Trần Mỹ Duyệt

 

Lời Chúa hôm nay đem chúng ta về với nguồn ơn khôn khoan và đức công chính theo ánh sáng Tin Mừng trong trích đoạn Thư Thánh Giacôbê Tông Đồ. Trước khi suy niệm những gì ngài viết, chúng ta hãy ôn lại đôi chút về tiểu sử của vị thánh đặc biệt này.

Thánh Giacôbê là con của ông Zêbêđê và là anh của Thánh Gioan. Cả hai xuất thân từ nghề chài lưới, và cả hai cùng được Chúa Giêsu mời gọi theo Ngài khi Chúa bắt đầu sứ vụ rao giảng của Ngài.

Trong số 12 Tông Đồ có hai người cùng tên Giacôbê nên theo truyền thống, ngài được gọi là Giacôbê Cả hay Giacôbê Tiền để phân biệt với Thánh Giacôbê sau là Giacôbê Hậu, con ông Alphaeus. Đây là lối gọi theo thứ tự 12 Tông Đồ được ghi trong Phúc Âm. Tiền có nghĩa là trước, và hậu có nghĩa là sau.

Cũng theo truyền thống của Giáo Hội bắt đầu từ sơ khai, ngài được cho là đã sang tới tận Tây Ban Nha rao giảng Tin Mừng, nhưng sau lại trở về Giuđêa làm Giám Mục Giêrusalem. Ngài là vị Tông Đồ đầu tiên hiến dâng mạng sống mình vì Phúc Âm. Ngài bị Hêrôđê Agrippa đệ nhất chém đầu vào khoảng năm 44 sau khi Chúa về trời. Ngài đã để lại cho Giáo Hội một bức thư mà chúng ta suy niệm hôm nay. Thư của Ngài được liệt vào sổ bộ Phúc Âm với 2 thư của Thánh Phêrô, 3 thư của Thánh Gioan, 1 thư của Thánh Giuđa, cùng 13 thư của Thánh Phaolô, và thư gửi người Do Thái không rõ tác giả.

Bước vào phần suy niệm. Thánh Giacôbê muốn cho chúng ta chú trọng vào sự khôn ngoan và công chính đích thực là đức khiêm nhường. Ngài dùng từ ngữ thông thường giải thích bằng thái độ ghen tương, mà trước đó Ngài đã lưu ý chúng ta về cái lưỡi. Cái lưỡi thường nói những lời mà khiến chúng ta “sẽ bị xét xử khiêm khắc.” (3:1)

Tại sao cái lưỡi và tính ghen tỵ đã làm cho con người mất đi sự khôn ngoan và công chính đích thực? Ngài đã giải thích: “Trong anh em, ai là người khôn ngoan hiểu biết? Người ấy hãy dùng lối sống tốt đẹp mà chứng tỏ rằng: những hành động của họ phát xuất từ lòng hiền hậu và đức khôn ngoan.” (3:13) Như vậy theo ngài thì sự ghen tương, chua chát và tranh chấp phát xuất từ lòng trí gian ác, mưu mô, khôn khoan của thế gian đi ngược lại với đức khiêm nhường và sự công chính. Ngài viết: “Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình.” (3:17) Và “Người xây dựng hòa bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hòa bình, là cuộc đời công chính.” (3:18)

Theo tự nhiên, ghen tỵ thường phát sinh tính do kiêu ngạo không muốn nhận mình thua kém ai, và cũng không muốn ai hơn mình. Không những là kiêu căng đối với con người mà còn ghen tỵ với cả Thiên Chúa nữa. Do đó, thánh nhân mới lý giải thêm: “Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý…” (4:2-4)

Suy niệm trích đoạn thư này, chúng ta có cảm tưởng là Thánh nhân đang trải lòng mình với chúng ta, và đang nói với chúng ta bằng chính kinh nghiệm của bản thân mình. Nhớ lại lần được mẹ dẫn hai anh em đến gặp Chúa Giêsu để xin Ngài cho được ngồi hai bên tả hữu trong nước Chúa. Mẹ ngài làm như vậy vì tưởng rằng Chúa Giêsu sẽ thiết lập nước trần gian, và được ngồi hai bên tả hữu Chúa là một địa vị danh giá, một chức vụ hết sức lớn lao. Nào ngờ Chúa không cho mà còn dạy cho một bài học khiêm nhường. Đó là việc ngồi hai bên tả hữu do Chúa Cha xếp đặt, còn muốn theo Ngài chỉ có chén đắng mà thôi. Muốn uống thì uống. Dĩ nhiên là hai ông đã đáp “muốn”. Tuy vậy mà cũng không ổn. Việc này làm cho nhóm Tông Đồ ghen tỵ. Có thể là các Tông Đồ khác đã cười nhạo, nói bóng gió, xỏ xiên, chọc tức tạo nên không khí tranh chấp, chia rẽ đến nỗi khiến Chúa phải đích thân giải hòa và hàn gắn.

Bài học kinh nghiệm này là một bài học đau đớn đối với Thánh nhân, và có lẽ là bài học nhớ đời. Vì vậy ngài rất sợ tư tưởng, lời nói và hành động kiêu căng, tự phụ mà ngài cho là thiếu khôn ngoan và không khiêm tốn. Và cũng vì vậy nên khi thấy những người anh chị em mà ngài coi sóc, rơi vào tình trạng tranh chấp, ghen tương, rồi nảy sinh hận thù, chia rẽ, đố kỵ, chua chát, phỉ báng nhau thì ngài dạy họ một bài học, muốn họ tìm kiếm sự khôn ngoan và công chính trong đức khiêm nhường.

Đây cũng chính là bài học cho mỗi người chúng ta. Khi đọc và suy niệm trích đoạn thánh thư này,  có lẽ nhiều người cho rằng thánh Giacôbê chỉ nói và giải thích về tính ghen tỵ thường thấy trong cuộc sống người Kitô hữu, hoặc những lời nói hành tỏi mà chúng ta dùng để phê phán, chê bai hơn thua với nhau. Nhưng suy niệm sâu hơn, chúng ta mới nhận ra rằng ghen tỵ chỉ là cái thân, nói hành tỏi, phê bình là các cành và lá nhưng gốc rễ của nó chính là kiêu ngạo. Từ đây mới nảy sinh ý tưởng muốn hơn người và không muốn ai hơn mình. Mới khó chịu, nhức mắt, ngứa miệng khi thấy ai hơn mình. Muốn được mọi thứ bất chấp phải năn nỷ, van xin với Chúa như mẹ Thánh Giacôbê đã làm. Và do kiêu căng, tự phụ, bằng hình thức này, hình thức khác, bằng lời nói, bằng thái độ, và bằng việc làm, đôi lúc chúng ta cũng rơi vào những tình huống ghen tương, và muốn vươn mình lên trên những người khác.

Lạy thánh Giacôbê, xin cầu cho chúng con. Xin cho chúng con biết hết lòng theo Chúa và phục vụ Ngài như thánh nhân đã làm dù phải hy sinh chính mạng sống mình. Xin giúp chúng con luôn khiêm tốn, tìm cho mình chỗ thấp, chỗ rốt bét mà không bao giờ dám mơ ước dù là ngồi hai bên tả hữu Chúa. Amen.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.

Góp ý kiến