SỐNG TIN MỪNG

Kế hoạch hoàn vũ của Thiên Chúa

 

Dr. Lương Huỳnh Ngân chuyển ngữ

 

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

2 Hẳn anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em. 3 Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Ki-tô . 5 Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người. 6 Mầu nhiệm đó là: trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.

Bài này chép từ Thư Thánh Phao-lô viết cho tín hữu thành Ê-phê-sô, chương 3. Thế nhưng, từ chương 1 thánh Phao-lô đã dùng cụm chữ bất hủ: «kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa». Ở đây ngài cũng khai triển đề tài ấy. Tôi xin chép lại vài câu chương 1: «9 Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: Thiên ý này là kế hoạch yêu thương, Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. 10 Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn; là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô. Cũng trong Đức Ki-tô» (Ep 1 , 9-10).

Đoạn chúng ta đọc ngày hôm nay cũng nằm trong bối cảnh ấy. Hơn nữa câu đầu nói: «2 Hẳn anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi… » Cụm chữ kế hoạch của Thiên Chúa được dùng rất thường trong Thánh Kinh. Chương trình Thiên Chúa hay Kế hoạch yêu thương Thiên Chúa đều đồng nghĩa với nhau. Chúng ta nhận ra chữ mầu nhiệm được nêu lên ba lần trong đoạn được đọc hôm nay. Đối với thánh Phao-lô, mầu nhiệm không phải là một bí mật từ Chúa, ngài giữ riêng cho mình. Trái lại, ngài muốn chia sẻ cho chúng ta những điều trong nội tâm của ngài. Thánh nhân nói ở câu đầu: «3 Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Ki-tô». Mầu nhiệm ấy, là kế hoạch yêu thương của Chúa.

Trải dài suốt lịch sử Thánh Kinh, Chúa mặc khải một cách tiệm tiến, bằng một phương pháp lâu dài, chậm rãi và đầy nhẫn nại để đưa dân Ngài chọn vào mầu nhiệm tình yêu ấy. Chúng ta có trải nghiệm điều này khi giáo dục một đứa trẻ: không thể một ngày, một buổi dạy nó được tất cả mọi sự: phải nhẫn nại giáo dục nó, ngày qua ngày, tùy cơ hội. Không thể nào dạy ngay cho đứa trẻ những bài học lý thuyết về sự sống, sự chết, sự kết hôn, khái niệm gia đình… Hay các mùa trong năm, các thứ hoa: nó sẽ khám phá ra thế nào là gia đình, khi sống những lúc vui lúc buồn trong một gia đình thật sự: nó tự khám phá ra từng thứ hoa, khi sống với chúng ta mùa này sang mùa khác…

Khi gia đình có một đám cưới hay một đám tang hay một em bé vừa được sinh nở. Đứa trẻ sống với chúng ta qua các biến cố đó, và dần dần chúng ta đồng hành với nó để khám phá đời sống. Chúa cũng đã dùng phương pháp sư phạm ấy, đồng hành với dân Ngài và từ từ mặc khải cho họ. Đối với thánh Phao-lô, sự mặc khải ấy bước qua một giai đoạn quyết định với Chúa Ki-tô. Lịch sử loài người chia ra làm hai giai đoạn, trước Chúa Ki-tô và sau Chúa Ki-tô. «5 Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người». Điều này làm cho chúng ta vui mừng, nhận thấy các lịch Tây phương đếm những năm trước Chúa Giê-su Ki-tô và sau Chúa Giê-su Ki-tô.

Mầu nhiệm ấy, ở đây thánh Phao-lô gọi một cách đơn sơ là «Mầu nhiệm Chúa Ki-tô». Ngài nói như thế có nghĩa là, biết rằng Chúa là trung tâm điểm của thế gian, toàn vũ trụ một ngày sẽ được qui tụ về Ngài, cũng như tứ chi qui về đầu. Hơn nữa trong câu: «10 Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô.» (Ep 1, 10) Trong bản tiếng Hy-lạp chữ thủ lãnh, có nghĩa là «đầu». Đúng là liên quan với «muôn loài trong trời đất», vì thánh Phao-lô nói rõ trong câu 6: «…các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa».

Có thể nói khác hơn:

Gia nghiệp là Chúa Ki-tô…

Lời hứa là Chúa Giê-su Ki-tô…

Thân thể là Chúa Giê-su Ki-tô,

kế hoạch yêu thương là Chúa Giê-su Ki-tô,

chính vì Chúa Giê-su Ki-tô là trung tâm vũ trụ, và muôn loài trong trời đất quy tụ chung quanh Ngài.

Trong Kinh Lạy Cha, khi chúng ta đọc «ý cha thể hiện», là chúng ta nói đến kế hoạch ấy của Chúa, và cứ lặp đi lặp lại câu này, dần dần chúng ta được thấm nhuần lòng ao ước ấy cho đến ngày viên mãn, kế hoạch ấy được hoàn tất.

Thực vậy, kế hoạch Thiên Chúa bao gồm tất cả nhân loại, chứ không chỉ dân Do Thái. Vì thế có thể gọi là kế hoạch hoàn vũ của Thiên Chúa. Đó là niềm xác tín của dân tộc It-ra-en vì lời hứa chúc phúc cho cả nhân loại được biết từ thời ông Áp-ra-ham: «Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.» (St 12, 3) Các ngôn sứ cũng không ngớt nhắc lại: đoạn sách I-sa-i-a trong Bài Đọc 1 ngày Lễ Hiển Linh hôm nay cũng trong chiều hướng ấy. Sở dĩ các ngôn sứ thường nhắc đến, chính vì mọi người có khuynh hướng quên điều ấy. Cũng vì lẽ đó, vào thời Chúa Ki-tô, sở dĩ thánh Phao-lô phải nói rõ trong câu 6, là vì không phải tự nhiên ai cũng nghĩ tới: « trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa».

Tới đây chúng ta phải cố gắng tưởng tượng, vì chúng ta không ở cùng một hoàn cảnh với những người đồng thời với thánh Phao-lô. Thật vậy, chúng ta đang ở trong thế kỷ XXI; dĩ nhiên, chúng ta không phải người gốc Do Thái, nhưng chúng ta cũng không ngạc nhiên lắm được hưởng phần cứu độ của Đấng Mê-si-a. Thậm chí sau 2000 năm Ki-tô giáo, chúng ta có khuynh hướng đã quên It-ra-en là dân Chúa chọn, vì như thánh Phao-lô nói: «… vì Người không thể nào chối bỏ chính mình. (2 Tm 2, 13) .

Ngày hôm nay chúng ta có chút khuynh hướng tin rằng, chúng ta là những chứng nhân duy nhất của Chúa trong nhân loại. Nhưng vào thời Chúa Ki-tô thì ngược lại. Chính dân Do Thái đầu tiên nhận được sự mặc khải của đấng Mê-si-a: Chúa Giê-su được sinh ra ngay trong lòng dân Do Thái. Đó là điều lô-gíc của kế hoạch Thiên Chúa và sự kiện dân It-ra-en được chọn. Người Do Thái là dân được chọn, họ được Chúa chọn làm những tông đồ, những chứng nhân và là công cụ của sự cứu độ toàn nhân loại.

Chúng ta cũng biết những người Do-Thái đã trở lại đạo Ki-tô, lắm khi khó chấp nhận những người ngoại xưa kia này gia nhập cộng đồng của họ. Thánh Phao-lô đến nói với họ: «Hãy coi chừng… Những người ngoại, kể từ dây có thể trở thành tông đồ và chứng nhân ơn cứu độ.» Nhân đây, tôi xin lưu ý thánh Mát-thêu trong Phúc Âm về Ba Vua – được đọc trong Lễ Hiển Linh – nói với chúng ta rõ những điều ấy.

Những chữ sau cùng của bài này là lời kêu gọi: «trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.»

Nếu tôi không lầm, kế hoạch yêu thương của Chúa có liên quan mật thiết với chúng ta, Chúa cho chúng ta «cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái»: các nhà chiêm tinh thấy một ngôi sao lạ và lên đường đi về hướng đó. Đối với nhiều người thời đại chúng ta không có ngôi sao lạ trên trời, phải có những chứng nhân của Tin Mừng.

PHÚC ÂM LỄ HIỂN LINH – C (Mt 2, 1-12) 06/ 01/2019

Alleluia, alleluia!

 Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đã đến để triều bái Người. – Alleluia.

—————–

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

1 Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem 2 và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” 3 Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao.4 Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu.5 Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng:6 “Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.”7 Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện.8 Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.”9 Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại.10 Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng.11 Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến.12 Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

Tất cả chúng ta đều tưởng biết truyện  Ba vua – chiêm tinh, nhưng nếu phải kể truyện này cho trẻ em, thì chúng ta nên đọc lại trước. Chúng ta sẽ thấy không phải là các vua, và họ không phải chỉ có ba và không ai biết màu da của họ là gì. Tất cả những chi tiết ấy đều được tưởng tượng sau này, do các hoạ sĩ dần dần muốn minh họa cảnh ấy. Vì thế, chúng ta nên đọc bài tường thuật trong Tin Mừng theo thánh Mat-thêu, chứ không theo các truyền thuyết. Khi đọc lại đoạn Phúc Âm này, tôi thầm nghĩ, chúng ta không còn thấy câu truyện này lạ kỳ nữa! Hay ít nữa, chúng ta thấy lạ kỳ ở chỗ khác, không như trước kia chúng ta nghĩ.

Đối với chúng ta chuyện kỳ lạ là ở ngôi sao và cuộc lữ hành các nhà đạo sĩ. Nhưng thực ra, đối với những nhà chiêm tinh đi theo một ngôi sao lạ, vừa xuất hiện trên trời không có gì là lạ: khoa chiêm tinh và tử vi thời nào cũng có!

Điều lạ thường không ở đó; hơn nữa, vua Hê-rô-đê Đại Đế, vốn tính hay lo lắng, xem ngôi sao lạ là một điều quan trọng… Hơn nữa, ở Pa-lét-tin, qua lời tiên tri của Ba-la-an (Ds 24, 17) mọi người chờ đợi vương triều của Đấng Mê-si-a, được báo bởi một ngôi sao hiện ra. Ba-la-an nói một cách trịnh trọng: «17 Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc, tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên; một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp, một vương trượng trổi dậy từ Ít-ra-en» (Ds 24, 17). Nói tới vương trượng trước mặt Hê-rô-đê… là làm cho ông ta sợ ngay!

Tình thế không phải tầm thường và đáng cho Hê-rô-đê lắng tai nghe ngóng. Chúng ta hãy đứng vào địa vị của ông. Là người Do Thái, ông là vua Do Thái, nhưng chỉ được công nhận là vua do chánh quyền Rô-ma, và chỉ do chánh quyền này mà thôi… Ông ta rất hãnh diện với chức vị này và rất mực ghen tức bất cứ những gì che bóng lên ông: đừng quên, ông đã từng ám sát vợ, các anh vợ và gia đình vợ mình. Ông còn cho sát hại chính những đứa con trai mình, và bất cứ ai được một chút lòng dân; ông giết người ấy vì ganh tị. Trong bối cảnh đó, có tiếng đồn trong thành: các nhà chiêm tinh nước ngoài đến từ phương xa và hình như họ nói: chúng tôi thấy một ngôi sao lạ, ngôi sao này báo hiệu một vị hài nhi – vua mới được sinh ra… cũng rất lạ kỳ… vua Do Thái thật vừa mới ra đời! Chúng ta có thể đoán cơn thịnh nộ, và sự lo lắng tột độ của Hê-rô-đê!

Hơn nữa, rất có thể thánh sử Mát-thêu cho chúng ta thấy ở đây, một tóm lược cuộc đời Chúa Giê-su, vì Ngài sẽ gặp suốt đời những đố kỵ và những cơn thịnh nộ của các giới chính quyền chính trị và tôn giáo. Khi thánh Mát-thêu nói cho chúng ta: «vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao», hẳn thánh sử muốn miêu tả mọi sự nhẹ đi! Dĩ nhiên, Hê-rô-đê không tỏ ra cơn giận dữ của mình; phải lèo lái: ông phải thu gom các tin tức về hài nhi, người địch thủ tương lai có thể… vì thế ông ta tìm hiểu.Trước tiên, ông ta tìm hiểu xảy ra nơi đâu. Thánh Mát-thêu nói cho chúng ta, Hê-rô-đê cho gọi về các kinh sư và đạo sĩ, hỏi đấng Mê-si-a sẽ được sinh ra ở đâu?

Câu trả lời rõ ràng… trong Thánh Kinh. Tiên tri Mi-kha nói: Đấng Mê-si-a sẽ được sinh ra tại Bê-lem…

Đây rồi, nơi chốn được biết. Sau đó ông ta tìm hiểu tuổi hài nhi, vì ông ta đã có kế hoạch trong đầu để loại trừ. Ông ta mời các nhà chiêm tinh đến để biết ngôi sao lạ xuất hiện khi nào. Chúng ta không có câu trả lời, nhưng đoạn sau giúp chúng ta đoán ra: vì để khỏi sai, Hê-rô-đê cho giết tất cả hài nhi dưới hai tuổi; ông đã lấy quyết định như thế rồi. Lúc bấy giờ ông tỏ ra dịu dàng và hướng các nhà chiêm tinh về Bê-lem. Hi vọng họ sẽ trở lại báo cho ông ta xem có điều gì đáng lo ngại.

Xin thông báo, đây là một dấu hiệu hiếm có, cho chúng ta biết ngày sanh chính xác của Chúa Giê-su! Ngày chết của Hê-rô-đê Đại Đế được biết: năm thứ 4 trước CN (Ông ta sinh năm 73 trước CN). Trong lúc ông cho giết tất cả hài nhi dưới 2 tuổi: tức là những đứa trẻ sinh ra giữa năm -6 đến năm -4 trước CN. Từ đó suy ra Chúa sinh ra giữa năm -6 và -4 trước CN, có lẽ năm -6 hay -5… Cho tới thế kỷ thứ VI, người ta mới đếm lịch từ ngày Chúa Giê-su sinh ra (thay vì trước kia từ triều đại Rô-ma được thành lập), lúc ấy mới có sự nhầm lẫn, đếm không đúng.

Tôi xin trở lại lời tiên tri Mi-kha. Thánh Mát-thêu kể lại lời tiên tri Mi-kha, điều đó không có chi lạ: ngài thường làm như thế. Điều rất khác thường là khi kể câu ấy, thánh nhân biến đổi đi.

Chúng ta đều biết, người Do Thái rất tôn trọng các bài trong Thánh Kinh, họ luôn luôn chú ý không biến đổi, chắc chắn ở đây là cố tình. Mi-kha nói: «1 Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en». (Mk 5, 1) Thánh Mát-thêu nói ngược lại: «Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời» (Mt 2, 6)

Làm như thế để nhấn mạnh, sự kiện hài nhi – vua được sinh ra làm cho Bê-lem có một hào quang mới. Tôi xin trở về Bê-lem: thế giới đảo ngược, điều lạ kỳ của bài này là ở đây.

Trước hết, vị vua Do Thái thật không phải như người ta nghĩ: có một vị vua ở Giê-ru-sa-lem nhưng không phải trước mặt vua ấy các nhà chiêm tinh bái lạy. Chúng ta chứng kiến một cuộc đối diện lạ thường: một bên là các nhà chiêm tinh, những người dân ngoại, bên kia là những người đại diện cho giáo quyền dân Do Thái, họ biết những việc về Thiên Chúa, họ biết về lời hứa của Chúa và có thể đọc thuộc lòng những lời tiên tri… Thế nhưng, chính những người ngoại biết nhận ra đấng Mê-si-a và tìm đến Ngài. Thánh Mát-thêu nhấn mạnh: Chúa hứa cho dân Do Thái, và tất cả các ngôn sứ đều chuẩn bị điều ấy; thế nhưng, khi đấng Mê-si-a đến họ không nhận ra. Thật ra bài tường thuật, các đạo sĩ minh họa câu thánh Gio-an viết trong phần mở đầu:

«10 Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người.» (Ga 1, 10)

Còn hay hơn nữa, những món quà các đạo sĩ biếu cho Chúa, mặc khải mầu nhiệm chính đấng Mê-si-a. Thật vậy, vàng nói lên Ngài là vua. Vàng là kim loại quý thường dâng lên cho vua. Nhũ hương nói lên Ngài là Thiên Chúa. Người ta đốt nhũ hương trước bàn thờ. Một dược để ướp xác nói lên Ngài là Con Người, rồi cũng phải chết. Chúng ta thường nói sự thật thoát ra từ những đứa bé. Thánh Mat-thêu nói với chúng ta, sự thật thoát ra từ miệng người ngoại đạo!

Tác giả:  Marie-Noëlle Thabut

Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures  Socéval Editions

Dịch giả: E. Máccô  Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính : Khổng Nhuận

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.