Dr. Lương Huỳnh Ngân chuyển ngữ
Trích thư gửi tín hữu Do-thái. 11 Vị tư tế nào cũng phải đứng trong Đền Thờ lo việc phụng tự mỗi ngày và dâng đi dâng lại cũng ngần ấy thứ lễ tế; mà những lễ tế đó chẳng bao giờ xoá bỏ được tội lỗi. 12 Còn Đức Ki-tô, sau khi dâng lễ tế duy nhất để đền tội cho nhân loại, Người đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời. 13 Và từ khi đó, Người chờ đợi ngày các kẻ thù bị đặt làm bệ dưới chân. 14 Quả thật, Người chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hoá được nên hoàn hảo. 18 Mà nơi nào đã có ơn tha tội, thì đâu cần lễ đền tội nữa. ( Dt10, 11-14.18)
Một lần nữa, chúng ta có thể chép Thư Do Thái thành hai cột trên các trang giấy: một bên là những gì xảy ra trước, trong Giao Ước thứ nhất. Bên kia là những điều chúng ta có thể gọi «Chế Độ Mới» với Chúa Giê-su-Ki-tô.
Trong đoạn được đọc hôm nay, tác giả triển khai sự so sánh ấy trên hai điểm: Phụng vụ trong Đền Thánh và những thứ tế lễ.
Điểm thứ nhất gồm phụng vụ trong Đền.
Các tư tế (số nhiều) đứng trong Đền Giê-ru-sa-lem và dâng lễ mỗi ngày – còn có khi nhiều lần trong ngày – và họ ao ước làm như thế là xoá bỏ được tội lỗi. Trong Giao Ước Mới, thì khác hẳn: Một tư tế duy nhất, Chúa Giê-su Kitô, ngự trị muôn đời, sau khi dâng một phụng vụ duy nhất, chỉ một lần cho mãi mãi.
Và lần này các tội lỗi được xoá sạch « Người chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hoá được nên hoàn hảo ». Có vài thành ngữ trong bài hôm nay không nói lên nhiều rõ ràng cho chúng ta. Ví dụ như : «Người đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời. 13 Và từ khi đó, Người chờ đợi ngày các kẻ thù bị đặt làm bệ dưới chân». Nhưng đối với những Kitô hữu tiên khởi, những việc này gợi lên trong ký ức họ, những điều rút từ trong Thánh Kinh: Chúng ta nên tìm hiểu những ngụ ý đó.
Ví dụ như cụm chữ : « ngự bên hữu Thiên Chúa », đó là một danh chức vương giả. Trên thực tế, nếu chúng ta nhìn về hướng Đông, đền vua tại Giê-ru-sa-lem nằm thật sự bên phải của Đền Thánh, điều này có nghĩa là ngai vua nằm bên phải của đền thời ấy gọi là Ngai Thiên Chúa.
Theo sát nghĩa, ngày được phong vương, khi chiếm hữu ngai của mình, vị tân vương sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa. Bất chợt chúng ta hiểu nghĩa câu sau đây : « Người đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời »
Vỏn vẹn xác định rằng, Chúa Giê-su chính là Vua Mê-si-a mà mọi người trông đợi. Câu sau cũng chỉ nói lên điều ấy: «13 Và từ khi đó, Người chờ đợi ngày các kẻ thù bị đặt làm bệ dưới chân ».
Đây là câu trích từ Thánh Vịnh 109 (110): « Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA ngỏ cùng Chúa Thượng tôi: Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con »
Ở đây cũng thế, tác giả dùng hình ảnh miêu tả một cách trừu tượng nói lên rằng, Chúa Giê-su Ki-tô chính là Đấng Mê-si-a, đấng mọi người mong chờ, vua vĩnh cửu, dòng họ Đa-vít. Nói rõ ra, tác giả quả quyết rằng Chúa Giê-su chính là Đấng Mê-si-a, và kể từ đây thế giới cũ đã qua đi rồi.
Điểm thứ hai của sự so sánh: Những của lễ tế.
Đối với tác giả Thư Do Thái, tóm lại của lễ của Chúa Ki-tô, hiến dâng một lần cho mãi mãi thay thế vĩnh viễn những của lễ trong Đền. Những của lễ này lập đi lập lại mỗi ngày nhưng vô hiệu. Trái lại, của lễ duy nhất của Chúa Kitô hoà giải vĩnh viễn Thiên Chúa với loài người. Tại sao bất chợt lại có sự thay đổi toàn diện ấy?
Lý do là giữa hai thái độ, các tư tế thời Cựu Ước và của vị Tư Tế mới, Đức Giê-su Kitô, có sự thay đổi Lô-gíc! Hai trường hợp đều nói đến «của lễ», cùng một từ ngữ, nhưng để chỉ hai thực tế hoàn toàn khác nhau.
Trong Cựu Ước người ta tế lễ để chuộc tội. Hoạt động theo một lô-gíc bù trừ: Tôi đã lỗi phạm với lề luật, tôi mang lại của lễ để xin được tha thứ. Nhưng nếu suy nghĩ cho tường tận, cái lô-gíc bù trừ ấy hoàn toàn xa lạ với Thiên Chúa, Ngài chỉ là tình yêu và dịu dàng, rồi người ta dần dần khám phá ra như thế, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, suốt lịch sử It-ra-en.
Còn Đấng Giê-su, vì Ngài là Thiên Chúa, Ngài biết lô-gíc của tình yêu và vì thế mọi sự đều khác. Đối với Ngài, «tế lễ» không có nghĩa là phá huỷ, giết một hay hàng nghìn con súc vật, nhưng là sống trong tình yêu và làm cho anh em mình được sống.
Như Ngài nói trong Tin Mừng theo thánh Gio-an: «Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào» (Ga 10, 10).
Đề giải thích điều này, tác giả trích thánh vịnh 39 (40), trong thư này, trước các câu trong bài đọc của chúng ta:
«7 Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi,
8 con liền thưa: “Này con xin đến! Trong sách có lời chép về con
9 rằng: con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con »
Và Ngài tiếp trong thư Do Thái:
“Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới.10 Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ » (Dt 10, 9-10)
Đối với tác giả, rõ ràng điều đáng giá trong tế lễ không phải việc máu tuôn ra mà là tình yêu cho đi.
Thư Do Thái còn xác định rằng, trọn đời sống của Đấng Kitô là của lễ tế, chứ không chỉ những giờ phút trong Cuộc Thương Khó và Thánh Giá. Toàn thân Ngài, tất cả cuộc sống của Ngài là tác phẩm của tình yêu và vì thế «tế lễ» còn có nghĩa «làm việc thần thiêng». Ngài đã nói như thế trong (Dt 10, 9): «9 Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài ».
Nếu hiểu rõ, sự hoán cải đòi hỏi nơi chúng ta hai phương diện. Thứ nhất, thoát khỏi cái lô-gíc bù trừ; Thứ hai là hiến đời sống chúng ta cho tha nhân. Phải ngưng tự hỏi, ta phải làm gì đây để làm hài lòng Chúa? để xứng đáng với sự tha thứ của Ngài? Hay chỉ cố gắng yêu thương. Ngôn sứ Mi-kha không nói gì khác hơn: Khi các tín đồ hỏi ngài phải làm gì đây để làm vừa lòng Chúa và để được tha thứ tội lỗi :
« [Dân tự hỏi mình rằng: ] “Tôi sẽ mang gì vào chầu ĐỨC CHÚA và cúi mình trước Thiên Chúa tối cao? Phải chăng tôi sẽ mang những lễ toàn thiêu, những con bê một tuổi vào chầu Đức Chúa?
7 Phải chăng ĐỨC CHÚA ưa thích từng ngàn dê đực, và hằng vạn suối dầu? Phải chăng tôi sẽ dâng con trai đầu lòng để chuộc lỗi cho tôi, dâng con ruột để đền tội cho chính mình? » (Mk 6, 6-7)
Mi-kha trả lời với họ rằng : (Mk 6, 8)
« Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt, điều nào ĐỨC CHÚA đòi hỏi bạn: đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn. ».
Và những lời của Tiên Tri Hô Sê không bao giờ thừa (Hs 6, 6) : «6 Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu »
Bấy giờ chúng ta hiểu hơn những gì thánh Phaolô muốn nói trong thư gửi cho tín hữu Rô-ma, khi ngài viết : «1 Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người » (Rm 12, 1)
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính : Khổng Nhuận
Views: 0