Dr. Lương Huỳnh Ngân chuyển ngữ
Trích sách Tiên tri Isaia.
1 Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi.
Vinh quang của ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả trên ngươi.
2 Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân;
còn trên ngươi ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả,
vinh quang Người xuất hiện trên ngươi.
3 Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi,
vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.
4 Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem,
tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi:
con trai ngươi từ phương xa tới,
con gái ngươi được ẵm bên hông.
5 Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ,
lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ,
vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả,
của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi.
6 Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha:
tất cả những người từ Sơ-va kéo đến,
đều mang theo vàng với trầm hương,
và loan truyền lời ca tụng ĐỨC CHÚA.
Đọc bài này, chúng ta có cảm tưởng I-sa-i-a đã tiên tri về Ba Vua tại Bê-lem! Ngày lễ Hiển Linh chúng ta có khuynh hướng nghĩ như thế, nhưng không, I-sa-i-a luôn luôn nói cho dân cùng thời với ông. Hơn nữa ông nói 1 Đứng lên, bừng sáng lên Giê-ru-sa-lem hỡi! Chứ không phải Bê-lem hỡi (Chú thích người dịch: bản dịch Thánh Kinh được dùng bỏ đi cụm chữ «Giê-ru-sa-lem hỡi»).
Để dự kiến sau này sẽ có một tương lai vinh quang, chữ vinh quang tôi dùng không mấy quá đáng.
Các bạn hẳn nhận thấy chữ ánh sáng được lập đi lập lại suốt bài đọc này 1 Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Còn trên ngươi ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi… 3 Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi. Từ đó có thể suy ra bầu khí lúc đó tối tăm lắm! Tôi không muốn nói các Tiên tri thời đó thích thể văn nghịch lý! Không! Không phải thế, các ngài rèn luyện lòng cậy trông.
Nhưng, điều thứ nhất chúng ta suy nghĩ, tại sao bầu khí lúc đó tối tăm? Sau đó, chúng ta xét xem với những lý do gì mà nhà tiên tri mời gọi cậy trông? Về bầu khí, tôi xin nhắc lại bối cảnh thời ấy: bài này thuộc phần sau cùng của sách I-sa-i-a; chúng ta đang ở năm 525-520 trước CN, tức là 15 hay 25 năm, khi được hồi hương sau cuộc lưu đày Ba-by-lon. Dân chúng về đến quê hương chờ đợi được hạnh phúc ngay. Tuy nhiên, trên thực tế ngày về hằng mong đợi này không mang lại những gì ước mong.
Trước hết gặp những người đã ở lại, sống thời chiến tranh và bị đô hộ; sau đó, có những người đã bị lưu đày, trông chờ tìm lại những gì đã mất. Nhưng cuộc lưu đày đã trải qua 50 năm, tức là những người ra đi nay đã chết nơi lưu đày… Phần lớn người trở lại đây: là các con, các cháu của những người đã ra đi… Việc hội ngộ không đơn giản chút nào; hơn nữa, những người trở lại không thể đòi hỏi hưởng gia tài cha ông trước kia để lại: của cải người ra đi đã bị chiếm, việc này là điều không thể tránh được, tôi xin lập lại cuộc lưu đày này đã kéo dài 50 năm!
Sau cùng, có những người ngoại quốc đã đến định cư tại Giê-ru-sa-lem; trong thời gian đất nước xáo trộn, nhiều tập tục, nhiều tôn giáo được du nhập vào trong cả xứ. Tất cả những điều đó làm cho sự chung sống không đơn giản.
Mối bất hoà lớn nhất đến từ việc xây lại đền thờ: ngay lúc trở về, do vua Ky-rô ban bố năm 538, những người mới về (chúng ta gọi là cộng đồng hồi hương) lập lại Đền thờ Giê-ru-sa-lem và bắt đầu hành lễ như trong quá khứ, cùng một lúc bắt dầu xây lại Đền thờ.
Thế nhưng, những người họ cho là lạc giáo, bắt đầu xen vào việc xây Đền thánh; đó là dân ở Giê-ru-sa-lem trong thời dân Do Thái bị lưu đày: đó là những người Do Thái đã ở lại và những người nước ngoài, tức là những người ngoại đạo do quân chiếm đóng du nhập; dĩ nhiên, có một sự trà trộn giữa hai loại dân và ngay cả, có những cuộc hôn nhân khác đạo, mọi người sống với những thói quen mà cộng đồng hồi hương cho là lạc đạo.
Vì những lẽ đó, cộng đồng hồi hương từ chối sự giúp đỡ của nhóm khác, cho rằng, đó là điều hiểm nguy cho đức tin: Đền thờ của Chúa Duy Nhất, không thể nào để cho những người khác xây, để sau này đến đó cử hành các lễ thờ theo đạo của họ! Đúng như điều tiên đoán, sự từ chối đó bị phản đối và những người bị từ chối làm mọi điều để cản trở việc xây lại Đền thờ. Các công trình phải chấm dứt, không còn giấc mơ xây lại Đền thờ!
Năm này sang năm khác, mối thất vọng tràn trề. Thế nhưng, nếu cứ ảm đạm, buồn phiền và buông xuôi, không xứng đáng với dân được Chúa hứa. Trong bối cảnh này, I-sa-i-a và một Tiên tri nữa, tên A-gê quyết định lay chuyển lòng dân của mình: Trước hết về chủ đề: Ngưng than vãn, bắt đầu vén tay áo lên, xây lại Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Như thế, mới có bài chúng ta đọc ngày hôm nay.
Ý thức được bối cảnh rất khó khăn, chúng ta ngạc nhiên về thể văn vinh thắng của vị Tiên tri; đó là cách nói của các Tiên tri; chúng ta biết, hứa nhiều về ánh sáng là không sợ ánh sáng đó làm loà mắt… Nhưng về tâm lý, mọi người còn đang trong đêm u tối. Chính trong đêm tối, người ta mới chờ loé lên ánh sáng của bình minh. Chính vai trò của Tiên tri là mang lại sự can đảm, nhắc lại một ngày rồi sẽ đến. Cách nói này không phải thể hiện sự cao hứng của dân chúng; nhưng, trái lại lòng ảm đạm u buồn của họ: Vì lẽ đó mà I-sa-i-a nói thật nhiều về ánh sáng.
Để nâng cao tâm lý quân của mình, hai vị Tiên tri chỉ dùng một lý lẽ, nhưng là một lý lẽ rất có tính thuyết phục: Giê-ru-sa-lem là Thành Thánh, thành được Chúa chọn, nơi đó ngự dấu chỉ của sự hiện diện của Chúa. Chính Chúa đã hứa với vua Sa-lô-mon «Đây là Tên Ta». Vì thế, Tiên tri I-sa-i-a nhiều thế kỷ sau, mới dám nói cho dân mình «Hãy đứng lên Giê-ru-sa-lem, hãy chiếu sáng».
Sứ điệp của Tiên tri I-sa-i-a hôm nay là «các người có cảm tưởng như trong đường hầm, nhưng cuối đường hầm là ánh sáng. Hãy nhớ Lời Hứa: NGÀY mà mọi người sẽ nhận ra Giê-ru-sa-lem là Thành Thánh». Kết luận: đừng buông xuôi, hãy bắt tay làm việc, hãy dùng mọi công sức xây lại Đền thờ như đã hứa.»
Tôi xin nói thêm ba điều nên chú ý :
1- Tiên tri I-sa-i- a cho ta bài học, khi có đức tin thì sự sáng suốt của chúng ta, không thể nào bóp nghẹt được lòng cây trông.
2- Lời hứa của Chúa không nhằm sự vinh thắng chính trị… Sự chiến thắng, đây là chiến thắng của Chúa, và nhân loại một ngày kia sẽ được hiệp nhất trong sự hài hoà toàn diện trong Thành Thánh. Chúng ta đọc lại câu đầu: nếu Giêrusalem chiếu sáng, đó là ánh sáng và vinh quang của Chúa.
«Hãy đứng lên Giêrusalem! Hãy chiếu sáng và vinh quang của Chúa sẽ chiếu rọi nơi con… Chúa sẽ ở trong con và vinh quang của Ngài sẽ chiếu sáng cho con… »
3- Khi Isaia nói tới Giê-ru-sa-lem, ngay từ thời đó, tên này chỉ dân chúng , chứ không phải thành Giêrusalem. Và chúng ta biết rằng, chương trình của Chúa vượt khỏi mọi thành trì; dù lớn dù đẹp cách mấy, hay một dân chúng xứ nào, mà đó là gồm cả nhân loại.
THÁNH VỊNH LỄ HIỂN LINH (Tv 71, 2.7-8.10-11a.12-13) 06/01/2019
Chương trình của Chúa là hạnh phúc cho nhân loại
2 để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,
và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.
7 Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.
8 Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ,
từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.
10 Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm,
hàng vương giả sẽ về triều cống.
Cả những vua Ả-rập, Xơ-va, (và saba)
cũng đều tới tiến dâng lễ vật.
11 Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng,
muôn dân nước thảy đều phụng sự.
12 Người giải thoát bần dân kêu khổ
và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương,
13 chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo.
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ,
Cho ngày Lễ Hiển Linh, phụng vụ đề nghị chúng ta chỉ đọc vài câu của Thánh vịnh 71 (72), nhưng để hiểu, chúng ta nên đọc cả bài.
Hãy tưởng tượng chúng ta đang tham dự lễ tấn phong cho một tân vương. Các vị tư tế dâng lên những lời cầu nguyện, tất cả là những lời chúc mà thần dân các xứ dâng lên mỗi lần mở đầu một triều đại: những lời chúc cho một thời chính trị vĩ đại cho vua, nhất là nhũng lời chúc hoà bình và công lý cho toàn dân…
Những «ngày đầu phấn chấn»!
Đó là một đề tài không chỉ nghe ở thời nay. Từ muôn thuở người ta vẫn mơ như thế; của cải, phồn vinh cho mọi người… công lý và hòa bình… và như thế cho toàn dân… cho đến tận cùng trái đất…
Nhưng Dân Chúa được vinh dự biết rằng, giấc mơ đó cũng chính là chương trình của Thiên Chúa. Rất tiếc câu sau cùng của bài Thánh vịnh hôm nay không được đọc trong phụng vụ, câu này thay đổi, không nói vua ở dưới thế này mà là chính Thiên Chúa:
«18 Chúc tụng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa Ít-ra-en,
chỉ có Ngài làm nên những công trình kỳ diệu.
19 Muôn muôn đời xin chúc tụng danh Chúa hiển vinh,
ước gì vinh quang Chúa chiếu toả khắp hoàn cầu!
A-men. A-men.»
Chính câu chót của bài cho chúng ta chìa khoá để hiểu bài thánh vịnh:
bài này được viết và đọc sau những năm lưu đày ở Ba-Bi-Lon (giữa năm 500 và 100 trước CN), tức là lúc không còn vị vua Do Thái nào; có nghĩa là những lời chúc, những lời nguyện không dành cho vị vua thế gian nào… Nhưng đây là vị Vua mà mọi người mong đợi, chính Chúa đã hứa, đó là đấng Mê-si-a. Và vì đó lời hứa của Chúa, thì thế nào cũng sẽ được thực hiện. Suốt tất cả Thánh Kinh đều miêu tả nguồn cậy trông bất diệt đó. Lịch sử loài người có một chủ đích, một ý nghĩa, nhắm vào một hướng. Chúa có một chương trình, chương trình của Ngài linh ứng suốt Thánh Kinh. Cựu ước cũng như Tân ước. Chương trình này mang nhiều danh biểu tùy mỗi tác giả.
Ví dụ như «Ngày của Chúa» nơi các tiên tri; “Nước Trời” của thánh Ma Thêu; «ý định nhân từ» theo thánh Phao-lô, nhưng tất cả đều chỉ định chương trình ấy của Thiên Chúa. Cũng như một tình nhân cứ lập đi lập lại không nhàm chán lời tỏ tình của mình, Chúa luôn luôn đề nghị một chương trình hạnh phúc cho nhân loại.
Chương trình đó sẽ được thực hiện bởi đấng Mê-si-a, mà đấng ấy là đấng, mọi tín hữu dâng tất cả lời chúc qua các Thánh vịnh trong đền thờ Giê-ru-sa-lem. Đặc biệt thánh vịnh 72 này là để miêu tả vị vua lý tưởng, vị vua mà dân It-ra-en chờ đợi từ hằng bao thế kỷ: khi Chúa Giê-su sinh ra, 1000 năm sau khi tiên tri Na-than tới loan báo cho vua Đa-vít lời hứa sau đây: «12 Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền.13 Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi.14 Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Khi nó phạm lỗi, Ta sẽ sửa phạt nó bằng roi của người phàm, bằng đòn của con người.15 Tình thương của Ta sẽ không rời khỏi nó, như Ta đã cho rời khỏi Sa-un, kẻ Ta đã bắt rời khỏi mặt ngươi.16 Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi» (2 Sm 7, 12-16)
Từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, lời hứa đó được lập đi lập lại, loan đi và xác định lại. Sự xác tín về lòng trung tín vào lời hứa của Chúa, làm cho mọi người khám phá ra mọi hoa trái tốt đẹp và những hậu quả của những lời hứa đó; nếu vì vua đó là Con Thiên Chúa, thì vua ấy là hình ảnh của Thiên Chúa, một vị vua của công lý và hoà bình.
Mỗi lần tuyên dương một tân vương, lời hứa đó được dâng lên cho vua và mọi người lại mơ ước. Từ thời vua Đa-vít, người ta chờ đợi và dân Do Thái vẫn chờ… Nhưng cũng phải công nhận rằng một triều đại lý tưởng đó chưa hề thấy trên trái đất này, có thể chỉ là một ảo tưởng… Nhưng người có đức tin không cho là một ảo tưởng: đây là một lời hứa của Chúa, tức là một xác tín. Và suốt Thánh Kinh, niềm xác tín đó được nêu ra, một niềm cậy trông bất diệt: chương trình của Chúa sẽ được thực hiện, chúng ta tiến tới từ từ, nhưng chắc chắn nó sẽ đến. Đó là phép lạ của đức tin: đứng trước lời hứa, mỗi lần thất vọng, có hai thái độ có thể có: người không có đức tin nói «Đấy, tôi đã nói, chuyện không bao giờ có» nhưng người có đức tin sẽ nói “hãy kiên nhẫn”, vì Chúa đã hứa, Ngài không bao giờ nói dối, như thánh Phao lô nói. (x 2 Cr 1, 18.21).
Thánh vịnh này nói lên vài khía cạnh của lòng cậy trông nơi một vị vua lý tưởng: ví dụ như «quyền bính» và «công lý», rồi sẽ đồng nghĩa với nhau; đó là cả một chương trình: nhiều chính quyền trần thế đã cố gắng đem lại công lý và xoá bỏ bần cùng, nhưng chưa đạt được; nhưng đáng thương thay những nơi khác, chính quyền đi đôi với tư lợi; bởi vì chúng ta chỉ là con người mà thôi!
Chỉ có nơi Chúa, quyền lực là ở tình yêu: thánh vịnh chúng ta xác định như thế: «Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương, trao công lý Ngài vào tay Thái Tử».
Và khi vua chúng ta có quyền lực của Thiên Chúa, quyền lực chỉ là tình yêu và công lý, thì không còn người đau khổ ở vương quốc nữa. «7 Triều đại Người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nào tuế nguyệt chẳng còn. 8 Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ, từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.»
Nhưng ngày nay khi hát thánh vịnh này, những «tận cùng trái đất» là xứ Ả Rập và Ai cập, vì thế ở đây nói tới các vua Saba và Sơ-va: Saba là phía Nam Ả rập và Sơ-va là phía Nam của Aicập… Còn Tác-sít là một xứ trong tưởng tượng, có nghĩa là «tận cùng trái đất».
Ngày nay dân Do thái hát thánh vịnh này để chờ đợi Đấng «Mê-si-a 2»; chúng ta là người Kitô hữu, chúng ta tin vua ấy là Đức Giêsu, và hình như Ba Vua đến từ Phương Đông đã thể hiện lời hứa năm nao:
10 Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm, hàng vương giả sẽ về triều cống. Cả những vua Ả-rập, Xơ-va, (và saba) cũng đều tới tiến dâng lễ vật.
11 Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng, muôn dân nước thảy đều phụng sự
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính : Khổng Nhuận
Views: 0