Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền
Cuộc sống con người luôn đòi phải liên đới với nhau, vì “không ai là một hòn đảo”. Có liên đới cũng đồng nghĩa con người phải có trách nhiệm với nhau đến nỗi như ca dao tục ngữ từng nói: “một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”, “đồng bệnh tương lân” v.v… Không người dân Việt nào mà lại không thuộc nằm lòng những câu ca dao nói về tính cộng đồng, liên đới và đoàn kết với nhau:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Sống liên đới với tha nhân trong vui buồn sướng khổ cũng là cách chúng ta đạt được hạnh phúc Nước Trời như lời Chúa Giê-su đã nói hôm nay. Con đường hạnh phúc của người môn đệ Chúa không phải là con đường trải thảm rộng thênh thang mà là con đường hẹp của sự hy sinh, của quảng đại dấn thân vì lợi ích của tha nhân. Vì phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, ai có tấm lòng hiền hậu, ai dám chấp nhận khổ đau, ai yêu thích sự chính trực, ai thương xót đồng loại, ai giữ lòng trong sạch, và phúc cho ai biết xây dựng hoà bình.
Có một phụ nữ kể rằng chị nằm mơ, thấy mình đang bước vào một cửa hàng mới khai trương. Chị rất ngạc nhiên nhìn thấy Chúa ngồi đằng sau quầy. Chị hỏi:
- “Chúa bán gì ở đây vậy?”Chúa trả lời:
- “Mọi thứ mà lòng người ao ước”.Thú vị quá, người phụ nữ hỏi mua những thứ tốt nhất mà con người có thể ước mơ:
- “Con muốn mua sự bình an trong tâm hồn, hạnh phúc, khôn ngoan, và sự tự do khỏi mọi nỗi sợ hãi. Không chỉ cho con mà cho hết mọi người”.
- Chúa mỉm cười nói:“Chắc con chưa hiểu rồi. Ta không bán hoa quả. Ta chỉ bán hạt giống thôi”.
Hạt giống trong câu chuyện này đòi hỏi chúng ta phải chăm sóc tận tuỵ hy sinh mới có hoa trái mà thưởng thức. Hạt giống ấy được gieo vãi, trồng tỉa, chăm bón, kết quả là do sự quyết tâm và tình yêu của mỗi người. Đây chính là trách nhiệm về chính cuộc đời mình.
Trách nhiệm ở đây là nỗ lực góp phần với Chúa để làm nên cuộc sống của mình như Chúa ước mong và cũng là như mình mong ước. Điều quan trọng ở đây là trung thành, chuyên chăm, cần cù, sáng tạo, tận lực mới có ngày bội thu.
Những hạnh phúc ấy chúng ta vẫn thầy bàn bạc trong cuộc sống chung quanh. Có hạnh phúc của người mẹ vừa sinh con, dù rằng bà phải chịu nhiều đau đớn thể xác. Có hạnh phúc của những người làm cha làm mẹ khi nhìn thấy những đứa con lớn khôn từng ngày, dù phải cơ cực lầm than, hay mưa nắng dãi dầu nơi nương rẫy, phố chợ. Có hạnh phúc của những con người đang quên mình vì tha nhân, họ làm việc mà không mong đền đáp. Có hạnh phúc của những đôi vợ chồng trẻ đang yêu nhau nơi túp lều tranh, dù rằng phải chịu cảnh đói khổ cơ hàn nhưng vẫn tha thiết yêu nhau: “Tay bưng bát muối chấm gừng – Gừng cay muối mặn xin đừng xa nhau”. Thực vậy, có nhiều người vẫn chủ trương rằng: sống có ích cho tha nhân mới là cuộc đời đáng yêu, đáng sống. Có lẽ ở đời, chẳng ai thích đau khổ nhưng nhiều người vẫn chấp nhận bước vào khổ đau, vì đó chính là phương thế để đem lại hạnh phúc cho người mình yêu.
Chúa Giê-su đã sống điều đó khi hết mình phục vụ tha nhân. Ngài rong ruổi suốt dọc dài dải đất Palestina để gieo vãi tình yêu phục vụ cho mọi phận người. Ngài đã sống cho tha nhân và vì tha nhân. Hạnh phúc của Ngài chính là được hiến dâng cuộc đời cho hạnh phúc tha nhân.
Con người chỉ có hạnh phúc khi trao ban tình yêu và lòng quảng đại. Thật hạnh phúc cho ai biết trao ban. Cuộc sống sẽ mãi lan toả và dồi dào sức sống tình yêu và hạnh phúc cho đời. Vì ai có thì được cho thêm, và vì chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Amen
Jos Tạ duy Tuyền
Views: 0