Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền
Con người sống bên nhau thường hay bị “quen quá hóa nhàm” hay còn gọi là “gần Chùa gọi Bụt bằng anh”.
Xem thường người bên cạnh và ca tụng người xa lạ. Chê sản phẩm của đồng hương lại đề cao sản phẩm nước ngoài. Đôi khi sự chênh lệch chẳng là bao. Có khi ngược lại hàng Việt Nam lại phẩm chất cao hơn hàng ngoại quốc. Người Việt Nam hơn hẳn người nhiều nước khác.
Có một lần tôi qua Mỹ và vào một siêu thị mua sắm, sau khi tìm kiếm mãi tôi cũng chọn cho mình một cái áo thun phù hợp giữa hàng trăm ngàn cái áo. Người bạn đi cùng bảo tôi : coi chừng lại là Made in Việt Nam! Và quả thật khi nhìn kỹ đúng là hàng Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ.
Đúng là “Bụt nhà không thiêng” hay nói như lời Chúa Giê-su: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.”
Thực vậy, Chúa Giêsu trong thân phận con người cũng chịu sự đời nghiệt ngã ấy. Người ta đánh giá nhau không phải do tài năng mà do thành kiến có sẵn để rồi dè bỉu chê bai. Và người ta cũng đánh giá Chúa với cái nhìn định kiến có sẵn về gia thế của Người. Mặc dù danh tiếng Chúa Giêsu đã vang dội nhiều nơi nhờ những lời rao giảng khôn ngoan, nhờ việc chữa lành nhiều bệnh nhân, thế nhưng khi trở về quê quán, những người đồng hương chỉ nhìn vào gia thế thanh bần của Chúa Giêsu, chỉ nhìn đến anh chị em họ hàng của Người thuộc hàng dân dã, và ngay cả bản thân Người trước đây cũng chỉ là một anh thợ mộc bình dị trong làng, nên họ đã không nhận ra thiên tính nơi Người mà chỉ xì xào bàn tán với nhau: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giô-xết, Giuđa và Simôn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? Và họ vấp ngã vì Người” (Mc 6,3).
Tiếc thay, việc đánh giá Chúa Giêsu dựa vào gia thế, nghề nghiệp mà không dựa vào phẩm chất của Người nên dân làng Na-da-rét đã đánh mất dịp may đón nhận những hồng phúc mà Chúa Giêsu ưu ái dành cho họ.
Và hôm nay chúng ta cũng đánh mất nhiều sự trợ giúp từ những người thân cận chỉ vì chúng ta đã quá xem thường nhau.
Có một lần tôi gặp một bạn trẻ cùng quê với tôi ở Gia Kiệm, anh là một người rất thành đạt. Tôi hỏi:
-Sao không về quê mở mang cho xứ quê nhà?
Anh bạn trẻ ấy nói:
-Có ai tin mình đâu mà có thể làm được gì cho xứ nhà!
Một lần tôi đến thăm và ăn cơm với một gia đình người quen. Cơm nấu rất ngon nên tôi khen thế nhưng cô vợ bảo: “thế mà chồng con ngày nào cũng chê ăn chẳng ra gì!”
Và còn đó những bạn trẻ tài năng vẫn bị cha mẹ xem thường, và vẫn còn đó những người đồng hương bị anh em tẩy chay xem thường, và vẫn còn đó những cặp vợ chồng luôn xem thường nhau bằng những lời khinh khi xúc phạm đến nhau…
Cuộc đòi sẽ đẹp biết bao nếu mỗi người biết nhìn nhận giá trị của nhau, biết nhận ra cái tốt của nhau để khích lệ thay vì chỉ tìm cái xấu để bôi nhọ xem thường. Xin Chúa giúp chúng ta đủ khôn ngoan nhận ra giá trị lớn lao của nhau, để có thái độ tôn trọng và tri ân. Xin Chúa giúp sức để chúng ta đừng bao giờ thất vọng về bản thân mà biết nhận giá ưu điểm của mình để cống hiến cho tha nhân trong khả năng của mình.
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Views: 0