Trần Mỹ Duyệt
Trong Tin Mừng của Marcô, Chúa Giêsu nói một câu mà có lẽ thích hợp với thời đại chúng ta hơn bao giờ hết, đặc biệt với hoàn cảnh tiến bộ của xã hội, và quan niệm phò phá thai như hiện nay: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.” (9:37)
Hiển nhiên Chúa Giêsu không chỉ nói về thái độ đón tiếp cá nhân Ngài, nhưng ý nghĩa thần học ở đây là trẻ thơ rất đáng yêu, rất có giá trị vì chính Ngài, Ngôi Hai Thiên Chúa đã trở thành một con trẻ. Trong thế giới cổ đại, thí dụ nền văn hóa Aramaic và Hy Lạp, một đứa trẻ cũng giống như một người đầy tớ; giá trị của trẻ em không được nhìn nhận như ngày nay. Như vậy, không có nghĩa là vì trẻ em đẹp, đơn sơ, dễ thương, dễ mến nên Con Thiên Chúa đã nhập thể dưới hình dạng một đứa trẻ. Ngược lại, Ngài đã trở nên một trẻ nhỏ để thánh hóa tuổi thơ và các trẻ em.
“Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.” (Marcô 9:37). Những lời này đang nhắc nhở thế giới chúng ta về những cái chết của hàng triệu, triệu thai nhi. Những cái chết vô cùng đau đớn, vô cùng tất tưởi do sự độc ác, lòng dạ ích kỷ và hẹp hòi của con người, của chính cha mẹ chúng. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã đứng về phía các em, những thai nhi đã bị giết trước khi nhìn thấy ánh sáng mặt trời, cũng như những trẻ em đã may mắn được sinh vào đời.
Ý nghĩa thần học nơi một em bé là hình ảnh của Chúa Cứu Thế, Con Thiên Chúa giáng trần. Là Thiên Chúa, nhưng Giêsu bé nhỏ chẳng phải là một trẻ thơ dưới sự yêu thương, nâng đỡ, bảo vệ và săn sóc của Mẹ Maria và nghĩa phụ Giuse sao? Mặt khác, Ngài hoàn toàn tùy thuộc bởi vì Ngài rõ ràng nhận mọi sự từ Chúa Cha. Mọi sự Ngài có đều đến từ Chúa Cha – và đó là lý do tại sao tiếp nhận Ngài là tiếp nhận Đấng đã sai Ngài.
Ngoài tính cách lệ thuộc, hình ảnh của Đấng Cứu Thế còn nhắc đến ý nghĩa sát tế khi được nhìn qua việc sát tế những đứa trẻ, một hình thức thông thường trong các nghi thức tế lễ của thế giới cổ xưa. Cũng là hình ảnh sát tế của Ngài sau này hy sinh trên thập giá.
“Khi các ngươi đón tiếp một trẻ trong những trẻ em này, các ngươi đón tiếp Ta.” Điều này còn nhắc nhở những ai khi bước vào đời sống hôn nhân, và qua hành động ân ái mà kết quả là những đứa trẻ được chào đời. Chúng là ân huệ đặc biệt mà Thượng Đế ban cho cha mẹ, và cũng là hoa trái tình yêu mà hai người dành cho nhau. Đón nhận một em nhỏ trong trường hợp này là đón tiếp Chúa Giêsu, là đón tiếp Chúa Cha. Tóm lại là đón tiếp tình yêu mà Thiên Chúa đã chia sẻ với cha mẹ. Và khi cha mẹ đón nhận người con, họ đón nhận Chúa Kitô như Giuse và Maria đã làm khi đón nhận Giêsu.
Tuy vậy, ở một số trường hợp đặc biệt, không phải luôn luôn lúc nào một em bé cũng mang lại những niềm vui và phúc lành cho cha mẹ. Trong những trường hợp như thế, cha mẹ phải đáp lại bằng việc khám phá ra Chúa Giêsu qua con cái của mình. Vì chỉ trong cách này, họ mới đón nhận một người con như đón nhận Chúa Kitô. Nếu không, với tư tưởng cấp tiến, duy vật và hiện sinh của nền văn hóa sự chết hiện nay, điều này sẽ trở nên một thách đố đối với nhiều người, đối với những cha mẹ có con bị khuyết tật, bị mang những hội chứng tâm lý, thể lý và nhất là những đứa con hư hỏng gây đau khổ cho cha mẹ.
Nhưng nếu Chúa Giêsu nhìn những người nghèo khó, rách rưới, bệnh tật kể cả tội lỗi mà Ngài đã gọi họ là “anh chị em hèn mọn nhất” của Ngài (Mat 25:35-40), thì những kẻ làm cha mẹ lại không đón nhận những đứa con dù bất hạnh, và coi chúng như những món quà quý giá mà Ngài ban tặng sao? Nếu đón tiếp một đứa trẻ là đón tiếp Chúa Kitô, vậy nếu trong những trường hợp ấy không đón tiếp một đứa con thì sao? Đây là một câu hỏi quan trọng đối với những người trong văn hóa ủng hộ phá thai. Bằng cách ngăn cản sự xuất hiện một em bé qua những phương pháp ngừa thai, nhưng nếu những phương pháp này thất bại, mà người ta lại tìm cách hủy bỏ những thai nhi đó trước khi chúng chào đời cũng đồng nghĩa với việc, “Không đón rước Đức Kitô!”
Ngừa thai trong văn hóa hiện nay có nghĩa đứa trẻ là một cái gì thuộc về của riêng tôi, như một quyền lợi, và sở hữu của tôi. Phá thai đồng nghĩa là không đón nhận nhưng từ chối hoặc loại bỏ chúng là quyền tự do của tôi. Đây là một quan niệm bệnh hoạn mang tính cách xã hội, kinh tế và chính trị. Nó là một chất độc tinh thần, dùng để giết chết hình ảnh của Thiên Chúa trong chính con cái mình.
Một điều xem như hết sức trái ngược và nghịch lý là khi chúng ta tìm cách giết hại thai nhi, ngăn cản chúng, không cho chúng xuất hiện trên cõi đời này, nhưng lại hết sức quan tâm, lo lắng, và nuông chiều con người chính mình. Chúng ta quên mất mình có mặt ở trần gian này cũng là do tình yêu của Đấng Tạo Hóa, và tình yêu của cha mẹ. Và sự vắng bóng trẻ em, vắng tiếng khóc, tiếng cười trẻ thơ sẽ làm cho thế giới chúng ta trở nên khô cằn, héo úa, và hoang dã. Không có trẻ em là không có tương lại gia đình, tương lai đất nước, và tương lai nhân loại.
Trong một suy tư của ngài về các em nhỏ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói, “Mọi trẻ em, thay vì được ra đời, đã bị từ chối một cách bất công bằng cách phá thai, đều mang khuôn mặt của Chúa Giêsu Cứu Thế, mang khuôn mặt của Chúa, Đấng từ trước khi sinh ra, và sau khi vừa sinh đã cảm nhận được sự từ chối của thế giới”. Những lời mạnh mẽ này có nguồn gốc từ Phúc Âm.
Ai đón tiếp một đứa trẻ như đứa trẻ đây nhân danh Thầy, là tiếp đón Thầy. Những lời mời gọi các cặp vợ chồng, các bậc làm cha mẹ trong việc sinh sản và duy trì nòi giống. Mở cửa đón tiếp một trẻ em đối với nhiều người có thể là một cuộc chiến nội tâm đòi hỏi một sự tin tưởng mạnh mẽ nơi Tạo Hóa. Sự mở rộng cõi lòng và tín thác là một phép lành. Đón tiếp một đứa trẻ là loan báo người Con của Đấng Toàn Năng được đón tiếp trong lòng chúng ta.
Views: 0