Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền
Có một nhật ký sau khi chết viết rằng: “Vào một ngày, khi người không còn nữa, đứng cạnh thân xác đang nguội lạnh, cứng đờ… Người ghét ta, nhảy múa vui mừng, người thương ta, nước mắt rưng rưng.
– Ngày Động Quan…thân thể ta nằm sâu dưới lòng đất. Người ghét ta, nhìn nấm mộ niềm vui hiện rõ. Người thương ta, chẳng nỡ quay đầu nhìn lần cuối.
– Vài Chục Năm Sau…nấm mộ của ta hoang tàn không người nhang khói, quan tài nơi ta nằm đã mục nát, chỉ còn một mảng hoang vu. Người ghét ta, đã già lú cũng quên ta rồi. Người yêu thương ta, cũng tiếp bước ta đi vào nấm mộ.
– Ta nhận ra sống trên đời này, bất luận là giàu sang phú quý hay bần tiện nghèo nàn. Khi nhắm mắt, xuôi tay phải bỏ lại tất cả, trả hết cho đời. Cái ta mang theo được, chính là cái ta đã cho đi là đạo đức là sự lương thiện. Bất giác ta có chút ân hận, lòng lâng lâng một nỗi buồn khó tả, cứ da diết, da diết mãi không thôi. Bao nhiêu phồn hoa, thoáng qua phút chốc. Trăm năm sau, chỉ còn lại một nấm mộ vô danh. Cuộc đời như nước chảy hoa trôi, lợi danh như bóng mây chìm nổi, chỉ có tình thương ở lại đời.
“Đã biết chốn này là quán trọ…
Hơn thua hờn oán để mà chi…
Thử ra ngồi xuống bên phần mộ.
Hỏi họ mang theo được những gì?”.
Chúa Giêsu trong thân phận con người cũng trải qua những sóng gió thị phi do những người tham lam, ghen ghét, đố kỵ tìm muôn ngàn cách hãm hại. Cuộc sống tranh giành hơn thua, thoáng chốc đã chỉ là cát bụi. Con người đối với nhau lại thường xuyên ganh đua, đấu đá, trong “tình, danh, lợi” mà ngày đêm hao tâm tổn chí, cuối cùng mang theo được những gì?
Bài Thương Khó hôm nay gợi lại cho chúng ta những khuôn mặt góp phần vào cái chết của Chúa Giêsu. Họ là những biệt phái, những Phariseu vì lòng ghen ghét, đố kỵ mà tìm cách kết án người công chính. Họ là những quan lại quyền bính nhưng thỏa hiệp với cái ác để mặc cho công lý bị chà đạp và sự bất công lên ngôi. Họ là đám đông dân chúng thấy lợi thì tung hô, khi thấy không được như ý lại quay đầu kết án người vô tội. Họ là những Thầy cả Lêvi chú tâm vào đền thờ nhưng lại vô cảm trước bất công .. . .
Những con người ấy hôm nay cũng trở về cát bụi nhưng linh hồn về cõi hằng hữu. Liệu họ có vui không khi về cõi đời sau mang theo trong mình một tội danh trực tiếp hay gián tiếp về cái chết của người công chính?
Dầu đứng trước một rừng người vô cớ kết án tử cho mình, Chúa Giê-su vẫn luôn bình tĩnh trước mọi biến cố. Dường như Ngài đã không tìm cách lẩn trốn trước những gì đang diễn ra. Ngài bình thản đi vào tuần thương khó mà Thánh Kinh bảo rằng: “để mọi sự được nên trọn”.
Vâng, Chúa Giêsu Ngài đã bình thản trước mọi biến cố vì Ngài muốn để thánh ý Chúa Cha nên trọn. Ngài biết những cam go trước mắt, thế nhưng, Ngài vẫn mạnh dạn tiến lên Giêrusalem. Ngài biết ở đó bản án đang chờ Ngài, nhưng “Giờ” để biểu lộ tình yêu đã tới. Giờ đã điểm. Ngài phải lên Giêrusalem để thi hành thánh ý Chúa Cha là hiến tế cứu độ gian trần. Đây là động lức khiến Ngài can đảm đối diện khó khăn. Đây cũng là cách nói lên lòng trung thành của Ngài với thiên ý nhiệm màu.
Xin Chúa giúp chúng ta bước vào tuần thương khó với tâm tình sám hối ăn năn, vì có những lần chúng ta cũng thay lòng đổi dạ để kết án Ngài, cũng có những lần chúng ta bỏ rơi Ngài. Nhưng tình yêu của Chúa vẫn mãi dành cho chúng ta. Xin cho chúng ta đừng bao giờ phụ bạc ân tình mà Chúa vẫn dành cho chúng ta. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
https://www.youtube.com/watch?v=rRbWXC0qjww
Views: 0