Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền
Người Việt Nam hình như rất thích khoe gia thế của mình. Gần đây tôi có dịp ra Hà Nội nên hay được nghe giới thiệu về gia thế của họ là cháu ông này, em ông kia. . . Thậm chí có anh lái taxi cũng khoe mình là cận vệ của các bác ở trung ương. Anh ấy còn đưa 1 tấm hình đang chụp chung với lãnh đạo và hỏi: anh biết ông này là ai không? Tôi bảo: hình như không. Anh ta nói : lạ nhỉ, tuổi như anh mà không biết lãnh đạo à? Tôi cười cười và bảo mình chỉ bận tâm “kiếm tiền” và những ai giúp đỡ mình thôi.
Phải chăng đây là nguyên do phát sinh câu: “có biết bố mày là ai không?” .
Trang báo tuổi trẻ cười có viết câu chuyện rằng: Bữa nọ, hết tiền, Chí Phèo lục tục đi kiếm cây ATM để rút ăn xài. Trúng ngày phát lương, nên người đi rút tiền xếp hàng dài mấy thước. Mặc kệ, thiên hạ này là cái thá gì, xếp hàng là thứ không có trong từ điển Chí Phèo. Phèo ta ngang nhiên chen vào trụ ATM để được rút tiền đầu tiên. Thấy bộ dạng côn đồ của Phèo, ai nấy đều dạt ra cho yên chuyện. Trừ một chị, chắc xưa nay chưa giao tiếp với giang hồ bao giờ, mới thỏ thẻ lên tiếng: “Anh gì ơi! Làm ơn xếp hàng trật tự dùm em với!”. Nghe câu ấy, Phèo ta giật bắn người như bị điện cao thế giật, liền quắc mắt quay sang người phụ nữ: “Câm mồm! Mày có biết bố mày là ai không?”. Người phụ nữ đáng thương thật thà trả lời như lần đầu đi phỏng vấn tuyển dụng: “Chỉ có con hoang mới không biết bố mình là ai thôi anh ạ”. Thế là Chí Phèo nổi điên lên, xông vào đánh chị kia lên bờ xuống ruộng…
Công an đến tóm cổ hắn về đồn và hỏi hắn: vậy bố mày là ai ? Chí Phèo mới buồn bã nói: thực tình cháu không biết bố cháu là ai, nên cứ đi tìm mãi, mà cái chị kia dám nói tới nỗi đau của cháu là thằng con hoang nên cháu không kềm được liền đánh cho chị ấy một trận.
Chuyện vui thôi nhưng cũng phản ánh hiện thực xã hội. Con người thích kết giao với kẻ giầu có. Thích núp bóng kẻ quyền thế. Thích kết nghĩa anh em với người có tiền, có địa vị trong xã hội. Khi có quyền, có tiền thì ở trong hang, trong rừng vẫn có người lui tới. Khi không có tiền thì dầu ở giữa phố thị cũng chẳng ai thèm thân.
Lời Chúa hôm nay đang hỏi chính chúng ta vậy ai là người thân của bạn? Hay có thể nói rõ hơn là: bạn đang thân cận, kết giao với ai? Ai là kẻ bạn đang tìm đến để kết thân? Hình ảnh Thầy Tư tế và Lê vi dửng dưng với kẻ bị nạn phản ánh cách sống của họ luôn xa lánh kẻ hèn yếu. Không dám kết thân với người bất hạnh. Bởi vì kết thân với kẻ yếu, kẻ bất hạnh thì chẳng được lợi có khi còn phải tốn kém của cải. Đây cũng là điều mà nhiều giáo dân than phiền vì cha xứ chỉ kết thân với người giầu, giao du với người quyền thế nhưng lại thờ ơ trước những đau khổ, bất hạnh của tín hữu trong xứ đạo.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết rằng “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không. Để gió cuốn đi”, là bài hát như nhắc nhở mỗi người chúng ta cần phải biết mở tâm hồn để gió cuốn đi những nghĩa cử yêu thương, những việc làm phúc đức, hãy gieo yêu thương đến với mọi người thì niềm vui mới đến với chúng ta.
Người Samaria đã tìm được niềm vui của cuộc đời phục vụ. Ông đã dừng lại để xoa dịu nỗi đau của kẻ bất hạnh. Cuộc đời ông hạnh phúc biết bao khi ông băng bó nỗi đau của đồng loại. Khi ánh mắt của kẻ chịu ơn đang nhìn ông một cách trìu mến thân thương. Niềm vui của ông càng được nhân lên khi người mà ông giúp đỡ đã coi ông như anh em. Từ một người xa lạ nay trở thành kẻ thân thích. Ông đã biết dùng của cải đời này để mua bạn hữu đời này và cả đời sau. Đó chính là mẫu người mà Chúa đang mời gọi chúng ta hãy làm theo như vậy.
Nguyện xin Chúa là Đấng đã hết lòng yêu thương và phục vụ con người cho đến nỗi bằng lòng chịu chết vì chúng ta, giúp cho chúng ta cũng biết sống yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng ta. Amen
Lm.Jos Tạ duy Tuyền
https://www.youtube.com/watch?v=jBR2m6AVVJw
Views: 0