SỐNG TIN MỪNG

Chúa tỏ mình cho dân ngoại

Trần Mỹ Duyệt

Hôm nay kỷ niệm ngày Ba Vua theo ánh sao dẫn đường tìm đến Belem để thờ kính Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần. Giáo Hội Công Giáo gọi đây là biến cố Chúa tỏ mình cho dân ngoại, Chúa hiển linh, hay Lễ Ba Vua.

Ba Vua đây là những ai? Theo truyền thống các ngài thuộc trong sáu giai cấp của xứ Ba Tư cổ xưa. Vừa là tư tế, nhà thiên văn và chiêm tinh, có học thức cao, có kiến thức về khoa học, thông thạo thiên văn. Họ còn là cố vấn trong các triều đình. Theo những gì được Thánh sử Mátthêu miêu tả (2:1-12), thì các ngài như những người hành hương quyền quý, danh giá từ Phương Đông theo một ngôi sao lạ dẫn đường đến để triều bái Chúa Cứu Thế mới sinh tại Belem: “Khi Đức Giêsu ra đời tại Belem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem, và hỏi: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.”” (2:1-2) Các ngài còn được biết đến như Ba Vua, Ba Nhà Đạo Sỹ, hay Ba Nhà Chiêm Tinh.

Gọi các ngài là Đạo Sỹ hay Chiêm Tinh Gia, vì các ngài được kính trọng như những hiền triết khôn ngoan, những nhà thiên văn nghiên cứu bầu trời. Do khám phá ra ngôi sao lạ xuất hiện và đi theo sự hướng dẫn của ngôi sao, các ngài đã đến Belem để bái lạy Vua dân Do Thái mới hạ sinh,

Gọi các ngài là Ba Vua, cũng theo Thánh Mátthêu diễn tả, căn cứ vào lễ vật các ngài dâng Chúa Hài Nhi là những đồ dùng thuộc hàng vua chúa, quan quyền gồm: Vàng, nhũ hương, và mộc dược (2:11). Trong ý nghĩa cứu độ, thì ba lễ vật các ngài dâng cũng nói lên vai trò và mục đích giáng trần của Đấng Cứu Thế, là Vua muôn loài, và là Đấng dâng mình cho Thiên Chúa như lễ vật thơm tho chịu thiêu đốt bằng cực hình thập giá và mai táng trong mồ.

Truyền thống Đông Phương tin rằng có đến 12 vị, trong khi Tây Phương thì nói là ba vị vì căn cứ trên ba lễ vật mà Thánh Mátthêu ghi lại. Tên của các ngài là Balthasar, Melchior, và Gaspar (Casper). Cũng theo truyền thống của giáo hội Tây Phương, Balthasar đại diện như một vị vua của Arabia hoặc đôi khi là Ethiopia, Melchior là vua của Persia, và Gaspar là vua của Ấn Độ.

Ý nghĩa của ngôi sao lạ.

Do những gì được Thánh ký ghi lại, thì hành trình của Ba Vua đi tìm Chúa cũng là hành trình của toàn thể nhân loại trên đường tìm kiếm Thiên Chúa, và gặp gỡ ơn cứu độ. Và do sự soi dẫn của sao sáng Ba Vua đã tìm được Chúa Hài Nhi thế nào, sự hiển linh của Ngài cũng đã tỏ mình ra cho nhân loại qua Ngôi Hai Nhập Thể và giáng trần như vậy. Lần thứ nhất qua các mục đồng trong đêm Ngài giáng sinh (Luca 2:10-11), và đây là lần thứ hai mang tính cách vượt không gian, thời gian, vươn tới mọi miền đất nước.

Chúa Kitô Hiển Linh.

Cùng với việc Chúa Giêsu tỏ mình khi chịu phép rửa ở sông Jordan và trong tiệc cưới Cana, việc Ba Vua từ phương Đông đến thờ lạy Chúa cũng mang ý nghĩa Hiển Linh của Ngài như vậy. Các vị là đại diện cho các tôn giáo, các dân tộc đón nhận Tin Mừng cứu độ nhờ mầu nhiệm Nhập Thể. Các ngài đến Belem để bái lạy Vua dân Do Thái cho thấy dưới ánh sáng tiên báo Đấng Messia của ngôi sao Đavid, Đấng Cứu Thế là vua của các dân tộc đã xuất hiện. Việc các ngài đến Belem đồng nghĩa là các dân ngoại có thể gặp và thờ lạy Người là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu độ trần gian, như đã được ghi chép trong Cựu Ước. Ý nghĩa của Hiển Linh cho thấy đông đảo dân ngoại được gia nhập vào gia đình dân Chúa và được hưởng “ơn cứu độ.”

Vai trò Mẹ Maria.

“Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người.” (2:11) Một điều rất đáng lưu ý mà Thánh Luca đã ghi lại ở đây là Chúa tuy tỏ mình ra, nhưng để nhận ra Ngài, chúng ta phải nhờ đến Đức Mẹ. Tại sao? Vì “Per Mariam ad Jesum” (Nhờ Mẹ đến với Chúa). Đây là mấu chốt của đời sống ân sủng, và cũng là mấu chốt của việc tìm kiếm Chúa. Chúng ta không thể đến với Chúa một cách dễ dàng, nhanh chóng, và an toàn nếu chúng ta bỏ qua cây cầu Maria. Cũng như Ba Vua, chúng ta phải hiểu là chính Mẹ Maria đã trao Chúa Giêsu Bé Thơ cho các ngài thờ lạy.

“Ánh sáng đã đến trong thế gian, nhưng nhân loại yêu tối tăm hơn Ánh Sáng.” (Gioan 3:19) Chúa chính là “ánh sáng” đã tỏ mình ra cho dân ngoại hay cho nhân loại qua Ba Vua hơn 2000 năm trước, nhưng nhân loại vẫn thờ ơ, vẫn chưa nhận ra Ngài. Bởi vì “Những ai làm điều xấu thì ghét Ánh Sáng.” (Gioan 3:20) Oán thù, ghen ghét, bạo loạn, kiêu căng, ích kỷ và các thú vui trần thế như những áng mây đen che khuất ánh sao xưa dẫn đưa nhân loại về với Chúa.

“Lạy Chúa, hôm nay Chúa đã khiến ngôi sao chỉ đường mà mặc khải cho muôn dân nhận biết Con Một Chúa. Phần chúng con đã nhận biết Chúa nhờ đức tin dẫn lối đưa đường, xin dủ lòng thương đưa chúng con về chiêm ngưỡng Thánh Nhan vinh hiển.” [1]

Lễ Hiển Linh

6 Jan 2025

__________

  1. Lời nguyện Nhập Lễ

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.

Góp ý kiến