SỐNG TIN MỪNG

Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh. (Tv 15, 1-2.5.7-11)

Dr. Lương Huỳnh Ngân chuyển ngữ

1 Se sẽ. Của vua Đa-vít
Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con,
vì bên Ngài, con đang ẩn náu.

2 Con thưa cùng CHÚA: “Ngài là Chúa con thờ,
ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc?

5 Lạy CHÚA, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ.

7 Con chúc tụng CHÚA hằng thương chỉ dạy,
ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con.

8 Con luôn nhớ có Ngài trước mặt,
được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.

9 Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan,
thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn.

10 Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,
không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.

11 Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống:
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!

 «Lạy Chúa, Chúa là số phận của lòng con, Ngài là gia nghiệp của con. Nơi Ngài, lạy Chúa con đặt tất cả hạnh phúc của con, Chúa ơi, phần con chỉ có Ngài» hẳn các bạn nhận ra từ phỏng dịch lời một bài hát bất hủ Negro spirituel… đó là bài thánh vịnh 15. Qua những câu  được đọc trong Thánh Lễ hôm nay, tất cả có vẻ đơn giản! «Con thưa cùng CHÚA: “Ngài là Chúa con thờ!… bên Ngài, con đang ẩn náu… trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!». Chúng ta có cảm tưởng như một cuộc hôn nhân hoàn hảo (tôi mạn phép nói như thế). Nhưng thật ra, bài này phải được hiểu với nhiều trình độ.

Trình độ thứ nhất: Ở đây, dân Ít-ra-en được ví như một người Lê-vi, một tư tế «cư ngụ» túc trực trong đền của Chúa, được sống gần gũi với Ngài. Đời sống các tư tế, tận hiến cho Chúa, là hình ảnh cuộc sống sống động của toàn dân. Cũng đừng quên trong các thánh vịnh – ngay cả khi lời  bài xuất phát từ một cá nhân, và trong bối cảnh câu truyện có vẻ của một nhân vật –  rút cục, đó luôn luôn cũng là tiếng nói của toàn dân Ít-ra-en.

Cách phát biểu: «Lạy CHÚA, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ» (c.5) là ngụ ý nói về quy chế đặc biệt những người Lê-vi. Lúc chia phần các chi tộc ở Pa-lét-tin giữa các con cháu ông Gia-cóp – chia theo lối bắt thăm – các thành viên chi tộc Lê-vi không có phần. Phần của họ là Nhà của Chúa, việc phục vụ Chúa; trọn đời họ cống hiến cho phụng tự. Họ không có phần đất, sống nhờ lộc bổng (có thể nói, như nhờ công quỹ của Giáo Hội ngày nay của chúng ta), và một phần hoa màu  cùng thịt cúng ở đền thờ. Có một câu khác trong bài thánh vịnh (chúng ta không được nghe trong Thánh Lễ), ngụ ý rõ ràng về nội quy các người Lê-vi: «Phần tuyệt hảo may mắn đã về con, vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn.» (c.6). Họ giữ Đền ngày đêm, là đó là ý nghĩa câu 7: «ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con.»

Qua đây, chúng ta nhận ra quy chế rất đặc biệt, có nhiều đặc quyền của người Lê-vi được hiểu như hình ảnh đặc quyền của dân Chúa chọn, Ngài chọn để phục vụ Ngài giữa muôn dân.

Cách hiểu theo cấp bậc cao hơn; trong thực tế mọi việc không tốt đẹp như mới nhìn thoáng qua. Không ai biết rõ bài thánh vịnh này được viết vào năm nào; những tình huống hiểu qua các điều, ngụ ý thích hợp với nhiều thời đại. Nhưng dù sao, câu gọi cầu cứu đầu bài: «Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu.», cùng với những lời khẳng định lập lại lòng cậy trông, cho chúng ta giả thiết, chính thời đại đang diễn ra rất cần đến lòng cậy trông. Lời kêu cầu cứu ấy cũng là một cách tuyên xưng đức tin: nó nói lên một cuộc chiến khủng khiếp, cuộc chiến của lòng tin đích thực; đó là cuộc chiến chống thờ phượng bụt thần, cuộc chiến trung thành với Chúa duy nhất.

Có vài câu – không được nghe trong Thánh Lễ hôm nay – nói rõ, Ít-Ra-en đã thỉnh thoảng sa ngã theo bụt thần nhưng quyết tâm không còn sa ngã nữa: xác quyết rằng: «Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu.» (c.1), câu này thể hiện quyết định ấy. Tôi không thêm chi nhiều về các câu ấy, vì không có trong phụng vụ hôm nay. Chỉ nhận xét rằng nhờ những câu ấy, chúng ta hiểu thêm hình ảnh người Lê-vi linh động như thế nào. Đó là cách nói: một khi chọn trung tín với Chúa thật, Ít-ra-en đã có một chọn lựa thật sự; nhờ đó, đem họ vào vòng thân mật với Thiên Chúa.

Lòng cậy trông của người Lê-vi, lòng cậy trông của Ít-ra-en gợi cảm hứng cho những câu tuyệt vời. Đến nỗi, làm cho chúng ta tự hỏi: lúc bài thánh vịnh này được sáng tác, phải chăng đã có những lóe sáng mập mờ đầu tiên của lòng tin vào sự Phục Sinh? Ví dụ như, cách phát biểu như thế này: «Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.» (c.10) Nhưng đấy là nói về dân tộc Ít-ra-en; giống như khi chúng ta đọc về thị kiến những bộ xương khô của tiên tri Ê-dê-ki-en, ngài loan báo sự sống lại của dân chúng chứ chưa phải sự phục sinh cá nhân.

Về sau, khoảng hai thế kỷ trước Chúa Giê-su Ki-tô – khi bắt đầu tin có sự phục sinh cá nhân – câu: «Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ» được đọc và hiểu trong hướng ấy. Có lẽ, lời nguyện của bài thánh vịnh 15 (16) đã góp phần dần dần nảy sinh nơi Ít-ra-en lòng tin vào sự Phục Sinh?

Còn bậc thứ ba hiểu bài này. Sáng ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Thánh Phê-rô đọc bài thánh vịnh này cho các người hành hương Do Thái, đến đông đảo từ Giê-ru-sa-lem để tham dự ngày lễ.  Chứng tỏ rằng Chúa Giê-su chính là Đấng Mê-si-a, Ngài hoàn tất dự án của Thiên Chúa, thánh nhân nói: khi vua Đa-vít viết bài thánh vịnh này, ngài loan báo sự Phục Sinh của Đấng Mê-si-a; thế nhưng, Chúa Giê-su đã phục sinh, đúng là vua Đa-vít đã nói về Ngài, nhưng dĩ nhiên không nêu tên ra.

Thời Chúa Giê-su, các thánh vịnh được cho là từ vua Đa-vít sáng tác, vì thế Thánh Phê-rô nói: «Quả vậy, vua Đa-vít đã nói về Người (Chúa Giê-su)» (Cv 2, 25). Trên thực tế, bây giờ chúng ta biết, nhiều bài thánh vịnh không được viết từ tay vua Đa-vít. Nhưng đó không phải là vấn đề. Ở đây, điều chúng ta quan tâm là Thánh Phê-rô muốn mọi người hiểu như thế nào. Chúng ta nhận ra trong bài này, cách đầu tiên rao giảng cho người Do Thái: có nghĩa là các Thánh Tông đồ hiểu như thế nào qua truyền thống Do Thái giáo, khám phá ra một chiều kích mới, loan báo Chúa Giê-su Ki-tô. Thế rồi, dần dần qua nhiều thế kỷ, bài thánh vịnh này dâng lên lời nguyện Ít-ra-en trong khi chờ đợi Đấng Mê-si-a, và từ từ, nhiều ý tưởng mới làm phong phú hơn… Đó là vai trò những cộng đồng Ki-tô tiên khởi, là mặc khải và loan báo, nhận ra Lời Chúa, nơi Chúa Giê-su Ki-tô, ý nghĩa trọn vẹn nhất.

***

Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions


Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân

Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.