Dr. Lương Huỳnh Ngân chuyển ngữ
(Tv 97, 5-6.7-9)
5 Đàn lên mừng CHÚA khúc hạc cầm dìu dặt,
nương khúc hạc cầm réo rắt giọng ca.
6 Kèn thổi vang xen tiếng tù và,
tung hô mừng CHÚA, vị Quân Vương!
7 Gầm vang lên, hỡi biển cả cùng muôn hải vật,
địa cầu với toàn thể dân cư!
8 Sông lạch ơi, vỗ tay đi nào,
đồi núi hỡi, reo mừng trước tôn nhan CHÚA.
9 Vì Người ngự đến xét xử trần gian,
Người xét xử địa cầu theo đường công chính,
xét xử muôn dân theo lẽ công bình.
Bài thánh vịnh này đưa tư tưởng chúng ta đến hồi viên mãn: toàn thể tạo vật đổi mới vang lên, tiếng kêu la mừng vui vì triều đại của Chúa nay rồi cũng đã đến. Thật vậy, đây gồm toàn thể tạo vật, vì bài thánh vịnh nói: «biển cả cùng muôn hải vật, địa cầu với toàn thể dân cư!» Thánh Phao-lô cũng nói trong thư gởi tín hữu thành Ê-phê-sô rằng dự án Thiên Chúa từ muôn thuở là «quy tụ muôn loài trong trời đất» (Ep 1, 10): «9 Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô. 10Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô. Cũng trong Đức Ki-tô» (Ep 1, 9-10)
«…quy tụ muôn loài», sự tạo dựng, vũ trụ, các tạo vật; chữ quy tụ phải được hiểu với ý mạnh nhất của sự hiệp nhất. Dự án từ muôn thuở của Thiên Chúa là sự hài hoà của tất cả. Bài thánh vịnh này hát lên để ca ngợi như mọi việc được hoàn tất: biển cả cùng muôn hải vật địa cầu kèn thổi vang, chen tiếng tù và «8 Sông lạch ơi, vỗ tay đi nào, đồi núi hỡi, reo mừng trước tôn nhan CHÚA». Điều này làm chúng ta nhớ đến giấc mơ muôn thuở của I-sa-i-a: «6 Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. 7 Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. 8 Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. 9 Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết ĐỨC CHÚA sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển.» (Is 11, 6-9)
Một giấc mơ khác biệt với thực tế hằng ngày chúng ta: It-ra-en biết rõ nguy cơ của biển cả, Thánh Kinh thường gợi lên tiếng gầm thét của bảo tố và hố sâu của sự chết. Giữa những yếu tố tạo vật với con người, giữa thú vật với nhau hay giữa người với người; có những xung đột bất tận, lắm lúc xảy ra những trận chiến không nhân nhượng. Thế giấc mơ tốt đẹp của ta ở đâu? Nhất là giấc mơ tốt đẹp Thiên Chúa đâu rồi? Song, đó là dự án của Thiên Chúa, người của Thánh Kinh biết rằng một ngày kia giấc mơ ấy sẽ trở nên hiện thực. Vai trò của các tiên tri trong mọi thời đại là làm sống lại lòng cậy trông ấy. Đấy cũng là vai trò các thánh vịnh, không ngừng lặp lại cho chúng ta những lý do của lòng trông cậy. Trong bài thánh vịnh 97 này được hát lên triều đại của Thiên Chúa, tức là tái lập hài hòa cho vũ trụ. Sau bao nhiêu triều đại ê chề của các vua Miền Bắc cũng như Miền Nam, sau bao nhiêu nỗi bất công đủ điều; một triều đại của công minh và cương trực sắp đến. Sở dĩ ngày nay ta hát là để mừng ngày ấy sắp đến. Hát lên bài này, làm cho ta tưởng tượng rằng (vì ta biết thế nào cũng sẽ đến) một ngày Chúa sẽ là vị Vua trên toàn trái đất, tức là mọi người nhìn nhận: «Người ngự đến xét xử trần gian, Người xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo lẽ công bình.»
Lại một lần nữa, tiên tri I-sa-i-a nói về Đấng Mê-si-a: «5 Đai thắt ngang lưng là đức công chính, giải buộc bên sườn là đức tín thành.» (Is 11, 5) I-sa-i-a nói trong thời tương lai, trong lúc bài thánh vịnh hát như chuyện thực tại. Chúng ta đã đọc vài câu trong các tuần vừa qua: «Hát lên mừng CHÚA một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công. Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh, nhờ cánh tay chí thánh của Người.» (Tv 97, 1) Đó là nói về quá khứ, chúng ta còn nhớ đến những kỳ công Thiên Chúa làm cho dân Ngài, giải thoát khỏi Ai-cập, đồng hành giữa những bôn ba suốt chặng dài lịch sử It-ra-en.
Thế nhưng, bài thánh vịnh này dùng thời hiện tại: «6 Kèn thổi vang xen tiếng tù và,
tung hô mừng CHÚA, vị Quân Vương!…Người ngự đến xét xử trần gian, Người xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo lẽ công bình». Chính vì những trải nghiệm trong quá khứ cho phép sống trước tương lai. Chúa đã chứng minh qua những thử thách. Rồi Chúa cũng như trong quá khứ đã giải thoát dân Ngài qua cảnh nô lệ Ai-cập, Chúa sẽ giải thoát toàn nhân loại khỏi mọi xiềng xích của hận thù và bất công. Chúng ta có thể ngay từ nay, ca ngợi triều đại Thiên Chúa như đã hoàn tất vì không thể có một chút do dự nào, tất cả chỉ là vấn đề thời gian.
Thánh vịnh 89 (90) nói rằng: «4 Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi!» Thánh Phê-rô cũng dùng gần như toàn văn ý nghĩa ấy. Trước những tín hữu nóng lòng chờ đợi Nước Trời, ngài nói: «8 Anh em thân mến, một điều duy nhất, xin anh em đừng quên: đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày.9 Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải» (2Pr 3, 8-9)
Chúng ta nhận ra đây như một tiếng vang của ngôn sứ Ma-la-khi trong Bài đọc 1 Chúa nhật hôm nay: «19 Vì này Ngày ấy đến, đốt cháy như hoả lò. Mọi kẻ kiêu ngạo và mọi kẻ làm điều gian ác sẽ như rơm rạ. Ngày ấy đến sẽ thiêu rụi chúng – ĐỨC CHÚA các đạo binh phán – không còn chừa lại cho chúng một rễ hay cành nào20 Nhưng đối với các ngươi là những kẻ kính sợ Danh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh. Các ngươi sẽ đi ra và nhảy chồm lên như bê xổng chuồng» (Ml 3, 19-20). Những người hát bài Thánh vịnh này là những người khiêm nhường, những người nghèo của Chúa, đó chính là những người nhẫn nại chờ «các tia sáng» như Ma-la-khi nói. Trong lúc chờ đợi chỉ có dân Chúa hát trong đền Giê-ru-sa-lem (c.4): «4 Tung hô CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu,mừng vui lên, reo hò đàn hát». Nhưng tới thời viên mãn mọi tạo vật sẽ hát mừng, không chỉ dân Chúa được chọn. Hơn nữa, dùng chữ «hát lên» không đủ nói lên hết ý nghĩa. Trên thực tế, trong bản tiếng Do Thái, bài Thánh Vịnh dùng tiếng kêu la chiến thắng, sau khi vinh thắng tức là tiếng «terrouah».
Thế nhưng, trong trời mới và đất mới Chúa sẽ tạo nên, tiếng kêu chiến thắng ấy cũng sẽ được đổi mới: không còn chiến tranh cũng không còn chiến thắng – một lần nữa, tiên tri I-sa-i-a nói: «đức công chính của Ta sẽ trường tồn mãi mãi và ơn cứu độ của Ta sẽ vạn đại thiên thu» (Is 51, 8). Lúc bấy giờ chúng ta hiểu vì sao Chúa Giê-su dạy chúng ta luôn lặp lại: «Nước Cha trị đến».
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Phêrô Nguyễn Thế Hoằng
Views: 0