SỐNG TIN MỪNG

Chúa Giêsu là Bánh bởi trời

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Anh

CN 18 B

Tôi có dịp hành hương sang Aicập, đi qua sa mạc mênh mông, lên đỉnh núi Sinai cao vời vợi và đã đọc đâu đó câu này: “Cần một ngày để đưa dân Do thái ra khỏi Ai cập, nhưng cần bốn mươi năm để đưa Ai cập ra khỏi người Do thái”.

Tại sao phải mất 40 năm để đưa Ai cập ra khỏi người Do thái? Bài đọc 1 hôm nay nêu lý do. Dân Do thái than vãn với Môsê: “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!” (Xh 16,3). 

Dân Do thái đã buông ra những lời trách móc nặng nề ông Môsê và ông Aharon. Nhiều lần dân đã trách móc, xỉa xói và tỏ thái độ vô ơn bạc nghĩa đối với ông Môsê, vị đại ân nhân của họ:  “Bên Ai cập không có đủ mồ chôn hay sao, mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc? … Cứ để mặc chúng tôi làm nô lệ Ai cập! Thà làm nô lệ Ai cập còn hơn chết trong sa mạc!” (Xh 14,11-12);“(Thà) chúng tôi chết … trên đất Ai cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê … (còn hơn là) vào sa mạc này, để … phải chết đói cả lũ ở đây!” (Xh 16,2-3);“Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai cập để làm gì? Có phải là để cho (chúng) tôi, con cái (chúng) tôi, và súc vật của (chúng) tôi bị chết khát hay không?” (Xh 17,3); “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai cập … Chúng tôi đã chán ngấy (manna) thứ đồ ăn vô vị này (rồi)” (Ds 21,5); “Phải chi chúng tôi chết ở bên đất Ai cập, hoặc phải chi chúng tôi chết trong sa mạc này cho xong!  Sao Đức Chúa lại đem chúng tôi vào đất này để chúng tôi ngã gục dưới lưỡi gươm, để vợ con chúng tôi bị giặc bắt? Chúng tôi trở về Ai cập có tốt hơn không?” (Ds 14,2-4).

Hành trình sa mạc với nhiều thử thách là dịp thanh luyện dân tuyển chọn khỏi nổi nhớ “thịt béo, củ hành củ tỏi Ai cập”. Suốt 40 năm, họ được thử thách, tinh luyện để vào đất hứa. Đó là thời gian giáo dục để trở thành một dân tộc, một cuộc giáo dục từ từ, dạy họ tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa bằng cách thi thố những phép lạ, dạy họ tín nhiệm vào sự quan phòng của Thiên Chúa bằng cách ban manna, chim cút và nước vọt ra từ tảng đá. Sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người trong sa mạc là một sự hiện diện đầy yêu thương. Môsê vị lãnh đạo là khuôn mặt nổi bật nhất suốt chặng đường gian truân này.

Môsê, người của Thiên Chúa luôn sống liên đới với dân.

Môsê nhà lãnh đạo đã dành cả đời lo cho dân. Ông đã trải qua biết bao đau khổ, sợ hãi và lo lắng để chăm sóc cho dân. Nhưng dân lại trách móc, than phiền và mắng nhiếc ông. Dân đối xử tệ bạc với Môsê. Họ xem ông như chính là thủ phạm gây ra những đau khổ và bất hạnh cho họ và gia đình họ vậy. Thật bất công!

Vậy mà cả đời Môsê vẫn một mực yêu thương liên đới với dân, sống chết với dân trong lời táo bạo với Chúa mà thấm đượm lòng thương dân:“Tôi không muốn một mình sống hạnh phúc bên cạnh Chúa, nếu ở đó tôi không có Dân của tôi!”.

Từ ngày được Thiên Chúa gọi để lãnh đạo Dân Chúa (Xh 3,10), Môsê dần dần thấu hiểu và thâm tín rằng: vị tư tế ở giữa dân Chúa không những phải sống hoàn toàn liên đới với Thiên Chúa, mà còn phải hoàn toàn liên đới với dân Chúa.

Môsê luôn là người tôi tớ trung thành của Thiên Chúa và là vị lãnh đạo quảng đại, đầy lòng xót thương, liên đới với dân cho dù dân ‘cứng cổ’, tội lỗi, bất trung.

Môsê, người của Thiên Chúa.

Là tư tế, Môsê tường trình mọi việc của dân chúng ‘lên Thiên Chúa’ (Xh 18,19). Ông đàm đạo và nhận chỉ thị của Thiên Chúa trong Trướng tao phùng (Xh 33,9); ông thể hiện vai trò trung gian của vị tư tế, môi giới giữa Thiên Chúa và dân, nối kết hai bên bằng máu giao ước (Xh 24,6-8); ông còn chọn Aharôn và con cái Aharôn để sung vào chức tư tế (Xh 28,1), cũng như thay mặt Thiên Chúa để tác thánh họ (Xh 29,1-46). Chính việc tiếp xúc thường xuyên với ‘lãnh vực thánh’ đã dần dần khiến ông đi sâu về phía Thiên Chúa, đến độ Kinh Thánh đã không ngần ngại gọi ông là ‘người của Thiên Chúa’ (Tl 33,1; Yôs 14,6).

Môsê có những lúc tiếp xúc tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa, được chan hoà sự hiện diện của Người, mặt ông đã rạng sáng lên, dọi chiếu lại vinh quang của Thiên Chúa, vinh quang mà không một người phàm nào có thể nhìn thẳng được: “Aharon và toàn thể con cái Israel trông thấy Môsê và này da mặt ông chói lọi và họ sợ không dám tiến lại với ông” (Xh 34,30). Khi ông vào Trướng tao phùng đàm đạo với Thiên Chúa, toàn dân phủ phục (Xh 33,7-11). Ở đó, Thiên Chúa nói chuyện với ông như nói chuyện với một người bạn thân ‘diện đối diện’ (Xh 33,11). Ông thật sự trở nên con người mà Thiên Chúa ‘biết’ đích danh và không ngần ngại đồng hành với ông (Xh 33,12-17). Môsê táo bạo thỉnh cầu được nhìn thấy dung nhan Thiên Chúa (Xh 33,18-23).Thiên Chúa đã nhượng bộ cho ông nhìn thấy Người… Nhưng từ phía sau lưng: “… Ta sẽ cất bàn tay Ta đi và Ngươi sẽ nhìn thấy phía sau Ta, nhưng Nhan Ta, người ta sẽ không nhìn thấy được” (Xh 33,23).

Môsê, người liên đới với dân Chúa.

Môsê được sống bên cạnh, thân mật với Thiên Chúa, và tâm trí ông luôn hướng về dân Chúa: “Nếu quả tôi được nghĩa với Người, xin Chúa tôi khấng đi làm một với chúng tôi, vì đó là một dân cứng cổ và Người sẽ tha thứ tội lỗi chúng tôi và cho chúng tôi làm cơ nghiệp của Người” (Xh 34,9).Từ ngữ ‘chúng tôi’ ở đây thật cảm động! Môsê đã không đặt mình trên dân, cũng không ở ngoài dân; nhưng hoàn toàn liên đới đến đồng hoá với dân, ngay cả nhận lãnh trách nhiệm về tội lỗi của dân.

Môsê bị phạt vì chính tội của dân, vì ông muốn liên đới với tội của dân: “Giavê đã phẫn nộ với cả ta nữa vì cớ các ngươi, mà rằng: cả ngươi nữa, ngươi cũng sẽ không vào!” (Tl 1,37). Hình phạt này đối với Môsê thật nặng nề và đau khổ. Môsê đã phải nằm xuống trên núi Nêbô, tại vùng đất Môab. Môsê chia sẻ hoàn toàn số phận của dân và dường như ông còn muốn ôm vào lòng cả thế hệ xuất Ai cập, thế hệ mà ông đã lãnh đạo, đã cầm tay đưa đến gặp gỡ Thiên Chúa tại Sinai, đã yêu thương cũng như đã chịu đựng… Thế hệ đó đã nằm xuống trong sa mạc. Môsê vì thế cũng ‘không muốn’ vào Hứa Địa một mình khi vắng bóng dân!

Môsê đã đau khổ cùng dân và cho dân! Môsê đã chết với dân và cho dân! Khuôn mặt và đời sống của Môsê đã in đậm nét trong lịch sử dân Chúa.

Môsê luôn luôn bênh đỡ, cầu bầu cho dân trước mặt Thiên Chúa: “Phải! Dân này đã phạm một tội rất lớn… Nhưng bây giờ, ước gì Người miễn chấp tội chúng; bằng không, xin Người hãy xoá tôi đi khỏi sách Người đã viết…” (Xh 32,30-32).

Lòng yêu thương, tình liên đới, thái độ bầu chữa, bênh vực dân của Môsê xuyên suốt trong quá trình ông lãnh đạo dân. Môsê gắn bó cả cuộc đời và mạng sống mình với dân tộc Israel.

Môsê là hình bóng của Đức Giêsu Kitô.

Môsê là vị cứu tinh, là vị trung gian giữa Thiên Chúa và dân. Môsê là ngôn sứ nói với dân về Đấng Cứu Độ một lời danh tiếng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Đó là: Đức Chúa sẽ cho xuất hiện “một ngôn sứ như tôi, anh em hãy nghe lời vị ấy” (Tl 18,15). Sau này, Têphanô vị tử đạo đầu tiên đã nhắc lại lời tiên tri đó (Cv 7,37); thánh Phêrô đã thấy thực hiện nơi Đức Kitô (Cv 3,22). Chính Môsê đã làm chứng về “Vị Tiên Tri” đó (Lc 24,27; Ga 5,46).

Là trung gian làm nhịp cầu giao ước giữa Thiên Chúa và dân Israel, Môsê tiên báo Đức Kitô, Đấng trung gian cho một Giao Ước mới hoàn hảo hơn. Dọc dài lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã thiết lập hai giao ước chính thức. Giao ước thứ nhất với Môsê trên núi Sinai. Giao ước thứ hai với Đức Kitô trên núi bát phúc và được bảo chứng trên Núi Sọ. Đây là Giao Ước Mới và là Giao Ước Vĩnh Cửu.

Đức Kitô, là Môsê mới đã hoàn thành tất cả những điều đã được ghi chép trong Lề Luật: “Những lời này, Ta đã nói cùng các ngươi, khi Ta còn ở với các ngươi, là phải nên trọn mọi điều đã viết về Ta trong luật của Môsê và các tiên tri cùng Thánh Vịnh”. (Lc 24,44).

Môsê đã đưa dân Israel nô lệ ở Ai cập, xuyên qua sa mạc về Đất Hứa. Đó là hình bóng và là tiên báo Chúa Cứu Thế, Đấng là Đường, là Ánh Sáng đưa Israel mới đi qua cuộc đời trần thế mà tiến về Đất Hứa, là thành Giêrusalem trên trời.

Đức Kitô là Môsê mới của Dân Chúa. Tác giả thư Do thái quả quyết: “Trong mọi sự, Ngài đã nên giống các anh em Ngài, để trở thành vị Thượng tế lo việc Thiên Chúa, vừa biết xót thương, vừa trung tín, cốt để lo tạ tội cho dân” (Dt 2,17). Chính Người đã đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa để trở nên Vị Thượng Tế tuyệt đối trung tín với Thiên Chúa, đứng về phía Thiên Chúa (Dt 5,5-6), đồng thời Người cũng đã thể hiện một cách trọn vẹn sự liên đới với mọi người, đầy lòng xót thương đối với mọi người (Dt 5,9) qua hành động tự nguyện dâng hiến con người của mình làm lễ tế để kéo tình thương tha thứ của Thiên Chúa cho dân Chúa (Dt 5,8). Để đền tội cho dân và đem ơn cứu độ đến cho mọi người, Đức Giêsu Nazaret đã dùng chính máu mình để thiết lập Giao Ước Mới, một lần nữa nối kết Thiên Chúa với con người (Mc 14,24; Mt 26,28; Lc 22,20; 1C 11,25; cf Xh 24,8) và dùng cái chết tự nguyện đau thương trên thập giá, bị liệt vào hàng tội nhân (Mc 15,22-37; Mt 27,39-50; Lc 23,33-46; Yn 19,17-30; Rm 8,3; cf Tl 34,5-6) để đáp lại lời thách đố của Môsê? Từ đó, qua Đức Giêsu Kitô Cứu Thế, chắc hẳn Môsê sẽ được chứng kiến và nghe lại lời này: “Tôi muốn sống hạnh phúc bên cạnh Đức Chúa, và ở đó có cả dân của tôi nữa!” (x.Môsê, vị lãnh đạo của Dân Chúa: trung tín và liên đới, ĐGM Giuse Võ Đức Minh, WHĐ).

Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống đem lại sự sống đời đời.

Sau phép lạ bánh hoá nhiều, Chúa Giêsu “đã lánh mặt đi lên núi một mình”. “Chiều đến“, các môn đệ xuống thuyền đi sang “bên kia Biển hồ”; còn Chúa Giêsu lát sau đó “đi trên mặt biển” mà đến với các ông. Hôm sau, đám đông cũng xuống thuyền vượt qua Biển hồ về hướng Capharnaum để tìm kiếm Người. Dân chúng sắp được Chúa mời gọi sống một cuộc “vượt qua” khác, sâu xa hơn nhiều. Đó là cuộc vượt qua từ bánh hóa nhiều đến với Đấng ban bánh ấy, vượt qua từ dấu chỉ là bánh đến với Đấng chính là Bánh Trường Sinh.

Chúa Giêsu biết dân chúng đi tìm mình chỉ vì đã được ăn bánh no nê. Có lẽ họ hy vọng sẽ được những bữa ăn tương tự. Chúa Giêsu muốn họ tìm đến lương thực thường tồn: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại hạnh phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”. Chúa Giêsu nhắc cho họ, không phải Môsê đã cho họ manna, mà là Thiên Chúa. Người bảo họ manna không phải là bánh thật của Thiên Chúa, manna chỉ là biểu tượng cho bánh của Thiên Chúa. Bánh của Thiên Chúa chính là Đấng từ trời xuống và ban cho loài người, không chỉ sự no đủ về phương diện thể lý mà còn là sự sống đời đời: “Chính tôi là Bánh Hằng Sống. Ai đến với Tôi, không hề phải đói; Ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ”.

Chính Tôi là Bánh Hằng Sống”. Khẳng định long trọng của Chúa Giêsu không một chút mông lung, mơ hồ. Một ý tưởng, một lý tưởng hay một lý thuyết thì có thể mơ hồ, nhưng một con người có danh xưng cụ thể thì không. Bánh sự sống, lương thực đem lại sự sống và là sự sống vĩnh cửu, bất hoại, chính là bản thân Chúa Giêsu. Và để đón lấy một con người, một Đấng làm sự sống và lẽ sống cho mình, thì “công việc” phải làm là “đến với” và “tin vào” Người.

Liên tiếp trong 4 tuần lễ kể từ Chúa nhật hôm nay, phụng vụ Lời Chúa đọc lại gần như toàn bộ chương 6 Phúc âm Thánh Gioan về Bánh Hằng Sống. Đây là cơ hội để khám phá ý nghĩa của Mầu Nhiệm Thánh Thể. Mỗi Chúa Nhật một khía cạnh khác nhau. Tuần 1: Chúa Giêsu là Bánh Bởi Trời; Tuần 2: Bánh Ban Sự Sống; Tuần 3: Tấm Bánh Thánh Thể và Tuần 4: Tấm Bánh Lời Chúa.

Chúa Giêsu là Bánh Bởi Trời, không phải là đã  “rớt xuống ” như mana trong sa mạc. Người là lương thực chân thật cho những kẻ đói khát. Lời của Chúa Giêsu, sứ vụ của Chúa Giêsu, cuộc sống của Chúa Giêsu đều là bánh nuôi dưỡng linh hồn nhân loại đang đói khát thiêng liêng. Chúa Giêsu là sự khôn ngoan của Thiên Chúa và là Bánh Hằng Sống. Chúa Giêsu chính là Môsê mới cung cấp bánh ăn và giáo huấn khôn ngoan cho nhân loại. Chỉ có Chúa Giêsu mới làm thỏa mãn cơn đói đời đời. Người được Thiên Chúa đóng ấn, là chân lý của Thiên Chúa nhập thể.

Để được sống trường sinh, Thánh Phaolô khuyên tín hữu Êphêsô : “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện”. (Bài đọc 2).

Sự công chính và thánh thiện chủ yếu là chết đi con người cũ để sống yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương. Không ai có thể đến với Thiên Chúa Hằng Sống để được sống trường sinh mà không qua Con Đường Giêsu, vì đây là Con Đường Thật, Con Đường dẫn đến Sự Sống.

“Đến với” và “tin vào”, khao khát và no thoả. Đó là hành trình của tình yêu, một hành trình vô giới hạn, không cùng, là sự cất cánh của tình yêu càng lên cao, càng lên cao mãi trong huyền nhiệm Thiên Chúa.

Mỗi lần rước lấy Thánh Thể,Tấm Bánh Bởi Trời, chúng ta phải cảm nghiệm được Chúa Giêsu như tâm điểm luôn thu hút chúng ta đến với Người và đến với nhau, làm cho tất cả nên một, một tấm bánh duy nhất: Bánh của tình thương.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.