Dr. Lương Huỳnh Ngân chuyển ngữ
Trích sách Xuất Hành (Xh 32, 7-11.13-14)
7 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: “Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đã đưa lên từ đất Ai-cập.”
8 Chúng đã vội đi ra ngoài con đường Ta truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một con bê, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói: “Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập.”
9 ĐỨC CHÚA lại phán với ông Mô-sê: “Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ.
10 Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn.”
11 Ông Mô-sê cố làm cho nét mặt ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ông, dịu lại. Ông thưa: “Lạy ĐỨC CHÚA, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai-cập?
13 Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Áp-ra-ham, I-xa-ác và Ít-ra-en; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời.”
14 ĐỨC CHÚA đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe.
Câu truyện xảy ra trong thời Xuất hành, tức cuộc hành trình dân Do Thái trong sa mạc lúc thoát khỏi Ai-cập. Đây là thời điểm quan trọng, khắc sâu vào tâm thức của toàn dân. Đầu tiên, lúc vừa thoát khỏi Ai-cập, được giải phóng khỏi ách nô lệ, dưới sự chỉ đạo của ông Mô-sê, và với sự bảo vệ thần kỳ của Thiên Chúa. Sau khi miêu tả phần đầu cuộc lữ hành, có bài ca vinh thắng bất hủ nằm trong chương 15 của sách Xuất Hành; liền sau đó là những giai đoạn trong sa mạc, đánh dấu biết bao nhiêu thử thách cho sức chịu đựng của dân chúng, và nhất là cho đức tin của họ. Đã lâu rồi, họ không còn quen cuộc sống đời du mục với tình trạng sống bất an trong sa mạc, thiếu nước uống, đói khát… Mỗi lần bị thử thách, họ phẫn nộ chống Mô-sê, trách ông đẩy họ vào cuộc phiêu lưu điên rồ này, và chung cục chống lại Thiên Chúa, Đấng đã hứa bảo trợ, nhưng dường như bỏ rơi họ… Thiên Chúa của Mô-sê có lúc gần gũi, nhưng có lúc không thể nhận ra Ngài được.
Sau khi ra khỏi Ai-cập ba tháng, Thiên Chúa đề nghị cho Mô-sê và dân chúng Giao Ước: «4Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai-cập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta. 5 Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. 6 Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh» (Xh 19, 4-5). Và rồi, lần đầu tiên toàn dân nhất trí chấp thuận Giao Ước, họ đáp: «Mọi điều ĐỨC CHÚA phán bảo, chúng tôi xin làm theo» (Xh 19, 8)
Sau đó, Mô-sê vâng lời Thiên Chúa lên núi Xi-nai, nơi đây toàn dân mắt chói loà, run lẩy bẩy, chứng kiến một cuộc biểu dương kỳ lạ của Thiên Chúa giữa tiếng gầm sét, tia chớp từ trời, lửa và mây mù bao phủ. Khi ông Mô-sê xuống núi, dân chúng nghe vang tiếng công bố những Điều răn và trịnh trọng kết Giao Ước với Thiên Chúa. Dưới chân núi, ông Mô-sê cho dựng một bàn thờ và dâng hy lễ, một lần nữa, dân chúng tuyên xưng: «Mọi điều ĐỨC CHÚA phán bảo, chúng tôi xin làm theo» (Xh 19, 8). Sau đó ông Mô-sê trở lên núi, nhận Bia Lề Luật.
Giai đoạn con bò vàng là lúc ấy. Dân chúng thấy ông Mô-sê ở trên núi quá lâu chưa xuống: mọi người vừa sống một trải nghiệm thiêng liêng phi thường, và rồi lại trở về những lo toan thường nhật. Không nghe gì, không còn thấy gì khác… Chúa ở đâu? Ông Mô-sê ở đâu? Trong lúc ấy bị cám dỗ mãnh liệt như chưa từng thấy bao giờ, họ buộc ông A-a-ron đúc một pho tượng. Sau cùng, khi Mô-sê từ trên núi trở xuống, họ vui mừng đón tiếp và hát những bài ca tạ ơn ngẫu tượng! Thật ra có gì xấu đâu?
Muốn hiểu thật sự tại sao cấm thờ phượng ngẫu tượng, và sự kiện tạc con bò vàng phạm lỗi gì phải đọc các điều răn, còn gọi là Mười Điều Răn Đức Chúa Trời. Chúng ta thường quên, câu đầu không phải là một điều Răn mà là một lời khẳng định: «2 Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ» (Xh 20, 2). Đây là lời khẳng định mở đầu, biện chứng cho những Điều Răn liền sau đó. Chính vì Thiên Chúa đã giải thoát dân của Ngài, từ nay Chúa mới ban cho họ những Điều Răn: những Điều Răn này không có một chủ đích nào khác hơn, chỉ cho họ phương cách gìn giữ luôn là một dân tộc tự do và hạnh phúc.
Điều thứ nhất của các giới răn ấy gồm hai phần. Phần thứ nhất, không có chúa nào khác là Ta; phần thứ hai chớ thờ bụt thần… Rất rõ ràng: «3 Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. 5 Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, ĐỨC CHÚA… » (Xh 20, 3.5). Việc cấm tạc những thần tượng, rất mới lạ đối với dân chúng vừa ra khỏi Ai-cập; trong xứ này có đầy rẫy những thần tượng dưới hình dáng đủ thứ thú vật. Vả lại, sở dĩ những người Do Thái vừa ra khỏi Ai-cập, tạc một thần dưới hình con bê bằng vàng, là vì họ đã thấy như thế! Ví dụ như, người ta tìm thấy một bích họa trong khu mộ cổ thành Thèbes (Ai-cập) hình một con bê vàng tượng trưng mặt trời vừa rạng đông. Đối với họ điều cấm đoán này thật khắt khe: bằng chứng là, không thể cưỡng được, họ bất tuân: vững tin hơn khi có được chúa trong tầm tay: sờ chạm được, thấy được nhưng cũng có thể tránh né được, trốn mặt được …
Nhưng thờ phượng bụt thần chỉ là chọn sai con đường mình đi, Thiên Chúa biết điều đó hơn chúng ta. Trước hết, tất cả mọi nỗ lực muốn tạo một vật gì dù hoàn hảo cách mấy để biểu hiện Thiên Chúa, thế nào cũng dẫn đến thất bại; vì Chúa là Đấng Khác Biệt: không thể đồng nhất hoá Thiên Chúa với một pho tượng, đơn thuần là vì Chúa vượt giới hạn con người. Hơn nữa, điều này còn hệ trọng hơn cả, mọi ý đồ giam hãm Chúa, đặt để Chúa chỗ nào mình muốn, quả quyết con người có một quyền gì trên Ngài, là điều thật sai lầm. Như thế sẽ dẫn đến trò ma thuật, sùng bái một vật gì con người tạo ra, và cùng lúc ban cho các thành viên của giáo quyền một quyền lực lố bịch; vì các tư tế, một cách nào đó là người phục vụ bụt thần… (Xin mở ngoặc, điều này đã xảy ra ở Ai-cập với việc thờ lạy thần A-môn). Vì thế, thờ lạy bụt thần, từ nay bị nghiêm cấm cho dân It-ra-en, dân tộc đầu tiên đã được gặp gỡ Đấng Cứu Độ.
Hơn nữa, cấm tạo nên những bụt thần, còn là một công trình giải thoát dân của Chúa: nói cách khác, việc cấm đoán này có nghĩa tựa như trong lãnh vực giao thông, tạo nên đường một chiều, để báo hướng nào đúng, hướng nào sai, dẫn đến ngõ cụt. Tự do thật sự có cái giá của nó. Sự tự do thật sự đòi hỏi chúng ta chấp nhận sự thật căn bản ấy. Thì lúc bấy giờ, và chỉ trong lúc bấy giờ mà thôi, chúng mới ta có thể hội nhập vào mối tương quan với Thiên Chúa trong Giao Ước Ngài đề nghị với chúng ta.
Câu chuyện trình bày với chúng ta, Thiên Chúa nổi giận và ông Mô-sê bào chữa để làm nguôi. Chúa nói với Mô-sê: «Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ» và ông Mô-sê van xin Chúa: «Lạy ĐỨC CHÚA, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài». Dĩ nhiên đây là một cách nói. Không nên suy ra Thiên Chúa là đấng có thể bừng bừng nổi giận như bất cứ ai trong chúng ta, và Ngài cần những lời an ủi để nguôi. Lúc mới ra khỏi Ai-cập, dân chúng tưởng tượng Thiên Chúa giống loài người, với những tình cảm, những phản ứng giống lòai người. Phải qua nhiều thế kỷ, dân Chúa chọn mới được mặc khải dung nhan thật của Thiên Chúa. Tóm lại, mỗi khi Thánh Kinh nói Thiên Chúa nổi giận, luôn là cách nói biểu tượng Thiên Chúa từ chối không muốn chúng ta lầm lạc.
Về sự tha thứ của Thiên Chúa cũng thế, phải mất hàng ngàn năm để cho tín hữu khám phá ra sự tha thứ của Chúa không hệ tại những lời biện hộ của chúng ta! Sự mặc khải của Thiên Chúa rất tiệm tiến, và vì thế cách chúng ta nói về Ngài cũng thay đổi rất chậm: điều tuyệt vời trong bài này, dân chúng trải nghiệm sự tha thứ của Chúa, một Thiên Chúa không ngừng đề nghị Giao Ước mỗi lần dân bất trung. Sau cùng, dân chúng giữ mãi trong ký ức tấm gương ông Mô-sê: ngài là người được đặc ân của Thiên Chúa – người duy nhất được Thiên Chúa cho gặp tận mặt – nhưng ông không bao giờ phá vỡ tình đoàn kết với dân mình, ngay những lúc Thiên Chúa «nổi giận».
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính: Nguyễn Thế Hoằng
Views: 0