Dr. Lương Huỳnh Ngân chuyển ngữ
– Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời Con của Chúa. – Alleluia.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
1 Một hôm, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa.2 Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới.3 Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.4 Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.”5 Ông Si-môn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.”6 Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới.7 Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.8 Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! “9 Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc.10 Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.”11 Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.
Chúng ta ít khi có thói quen so sánh thánh Phê-rô tông đồ với ngôn sứ I-sa-i-a, thế nhưng, việc đối chiếu các bài đọc trong phụng vụ Chúa nhật thứ năm quanh năm hôm nay, mời gọi chúng ta tìm hiểu song song hai vị, bằng cách đọc lại những bài về ơn gọi của các ngài.
Bối cảnh thật khác nhau: đối với I-sa-i-a là một thị kiến xảy ra trong đền Giê-ru-sa-lem. Đối với Phê-rô là trên biển hồ Ti-bê-ri-a (còn được gọi là hồ Ghen-nê-xa-rét). Cả hai đều bất thình lình đứng trước mặt Chúa: I-sa-i-a trong một thị kiến, Phê-rô vì chứng kiến một phép lạ. Các chi tiết thánh Lu-ca nêu ra không một chút nghi ngờ: «Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả.», đây một nhận xét của người trong nghề. Kế đến là sự thành công bất ngờ, một hành động chắc chắn sẽ thất bại nếu với cái nhìn của con người. Sở dĩ ban đêm đã không bắt được cá thì ban ngày thì sẽ còn tệ hơn, người dân chài nào cũng sẽ nói như thế. Nhưng khi Chúa phán một lời thì phép lạ xảy ra: «6 Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới».
Cả hai, thánh Phê-rô và I-sa-i-a đều cùng có một phản ứng, trước sự xuất hiện đột ngột của Chúa trong đời các Ông: cả hai đều ý thức sự thánh thiện của Chúa, và hố sâu chia cách họ với Ngài. Hai vị phát biểu cũng gần giống nhau: «Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi» Thánh Phê-rô nói; Còn I-sa-i-a thì: «Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là ĐỨC CHÚA các đạo binh!» (Is 6, 5).
Thế nhưng, không phải tội lỗi chúng ta hay vì chúng ta không xứng đáng mà Chúa phải dừng lại! Chỉ cần chúng ta nhìn ra sự thật trước mặt Ngài. Một khi nhìn nhận được sự nghèo hèn, lúc ấy Chúa sẽ đong đầy cho chúng ta. Cả hai, Phê-rô và I-sa-i-a bị chấn động, bởi một cảm tưởng sợ hãi trước sự biểu lộ rõ ràng của Thiên Chúa. Vì thế, trong thị kiến, I-sa-i-a thấy Chúa có một cử chỉ thanh tẩy ông và làm ông được trấn an. Phê-rô được Chúa ban một câu, làm cho ông an tâm: «Đừng sợ». Sau cùng, cả hai đều nhận được ơn gọi, phục vụ cùng một công trình của Thiên Chúa, dĩ nhiên công trình ấy là cứu độ nhân loại. I-sa-i-a sẽ là một ngôn sứ, một tiên tri; Phê-rô được gọi lưới người, một kẻ «cứu độ».
«…từ nay anh sẽ là người thu phục người ta», theo tiếng Hy-lạp cụm chữ thu phục người ta, có nghĩa là bắt sống. Nếu là cá, có nghĩa dùng khi bắt bằng lưới cá; còn khi nói về người, có nghĩa là kéo ra khỏi nước, là cứu vớt ra khỏi nước. Thật vậy, kéo cá ra khỏi nước thì cá chết vì ra khỏi môi trường tự nhiên của chúng…, còn «bắt sống» người ra khỏi biển, tức là cứu họ khỏi chết ngộp, là cứu độ họ. Sau câu sau đây của Chúa Giê-su: «Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta» thánh Phê-rô không đáp lại. Tính cách đơn sơ của câu sau đây thật ấn tượng: «11 Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người».
Thế nhưng, cũng nên hiểu nghĩa của chữ «theo»: các môn đệ không chỉ theo và nghe Chúa rao giảng, mà còn hợp tác với công trình của Ngài, họ trở nên những cộng sự của Chúa. Cho dù nhìn với cặp mắt con người, công trình thế nào cũng sẽ thất bại, nhưng cũng phải quăng lưới. Đứng trước một mầu nhiệm tuyệt vời về sự cộng tác của chúng ta vào công trình của Thiên Chúa. Chúng ta không làm gì được khi không có Chúa, nhưng Ngài cũng không muốn làm gì nếu không có chúng ta. Như thánh Phao-lô nói trong Bài Đọc 2, chính ơn Chúa làm tất cả: «10 Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi» (1Cr 15,10).
Nghĩ cho cùng, sự cộng tác duy nhất Chúa đòi hỏi nơi chúng ta, là lòng cậy trông và trạng thái sẵn sàng. Tất cả bắt đầu bằng lòng cậy trông của Phê-rô: «Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới». Ông tin tưởng nơi thầy, ông vừa nghe giảng cho đám đông, đủ tin tưởng để thử thả lưới một lần nữa. Sau phép lạ, ông không còn gọi là Thầy nữa mà là Chúa – cách gọi này chỉ dành cho Thiên Chúa, và dưới chân Ngài ông quỳ bái lạy. Khi ấy, ông đã sẵn sàng nghe ơn gọi: muốn liều mình «thả lưới» theo kiểu mới này; Chúa đề nghị ông, phải biết nhận ra Ngài là Thiên Chúa.
Chính nhờ nhờ lòng quảng đại, I-sa-i-a chấp nhận trở nên ngôn sứ, Phê-rô và các bạn chài, bỏ hết theo Chúa Giê-su. Nhờ lòng quảng đại của Phao-lô, sau biến cố Đa-mát, dùng thời gian còn lại đời mình để làm chứng nhân cho Chúa Ki-tô Phục sinh… và đến phiên chúng ta, chúng ta ở đây. Lời Đức Ki-tô còn văng vẳng trong tai «Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.»… Đến phiên chúng ta đáp lại: “Nhưng vâng lời Thầy, tôi (chúng con) sẽ thả lưới.“
***
Tác giả: Marie-Noëlle Thabut
Nguồn: Sách L’ intelligence des Ecritures Socéval Editions
Dịch giả: E. Máccô Lương Huỳnh Ngân
Hiệu đính : Khổng Nhuận
Views: 0