Lm. Dominic Trần Quốc Bảo
Trình thuật Phúc âm về 2 môn đệ trên đường về làng Emmau là câu chuyện trứ danh liên quan đến biến cố sống lại và các cuộc hiện ra của Đức Kitô. Có lẽ dựa trên một truyền thuật cổ xưa, câu chuyện này được viết lại duy nhất bởi tác giả Luca, vào khoảng từ năm 80 đến 90. Luca đã viết trình thuật này vì nhu cầu mục vụ của giáo đoàn người Siria tại Antiôkia. Trên dưới 5 thập niên từ khi Chúa sống lại và lên trời, các tín hữu giáo đoàn ấy thao thức muốn biết làm sao và ở đâu họ có thể ‘gặp gỡ’ Đấng phục sinh. Qua câu chuyện 2 môn đệ làng Emmau, Luca nhắm trả lời cho những băn khoan này rằng: Tuy không nhìn thấy Đấng sống lại bằng xương thịt, giáo đoàn vẫn có thể tiếp cận Ngài qua việc lắng nghe Lời Ngài và cùng nhau bẻ bánh. Câu trả lời này cũng dành cho cộng đoàn Kitô hữu mọi thế hệ. Đối với tín hữu ngày nay, suy niệm câu chuyện Phúc âm này, ngoài việc giúp ý thức giá trị của việc cử hành bí tích Thánh thể, còn mời gọi khám phá ý nghĩa sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh thể qua các thực tại hằng ngày trong hành trình Đức tin.
Bữa ăn biến đổi tâm hồn
Biến cố Chúa phục sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường và kết thúc nơi bàn ăn tại làng Emmau có thể được gọi là ‘bữa ăn biến đổi tâm hồn’. Đó là một ‘bữa ăn’ dài về không gian và thời gian. ‘Emmau cách Giêrusalem 60 chặng’(khoảng 30km) (câu 12b). Họ đã đi cả ngày cho đến khi ‘trời xế chiều và ngày sắp tàn’ (c.29). Nhưng quả là một bữa ăn ‘làm lòng bừng cháy lên’(c.32) và biến đổi tâm hồn. Các chi tiết sau đây cho thấy ý nghĩa đó.
Tâm trạng của hai lữ khách trên đường về Emmau là tâm trạng chán chường cùng cực. Họ không phải là người dưng kẻ lạ mà là ‘hai môn đệ’ (c.13), nghĩa là những người đã từng theo Chúa Giêsu. Có lẽ trước đây họ đã lên kinh thành Giêrusalem với tâm tư hồ hởi để nghe và chứng kiến những gì Đấng Thiên Sai làm. Bây giờ họ trở về làng quê nhỏ bé như rút về nỗi buồn sâu kín trong lòng vì ‘mộng vàng đã tan’. Không chỉ với ‘vẻ mặt buồn rầu’ (c. 17b), nhưng chính lời các ông cũng cho thấy điều đó.
-‘Phần chúng tôi, trước đây cũng hy vọng’ (c. 21). Ở câu này, Luca tóm tắt tâm trạng thất vọng và hoang mang của hai môn đệ. Thất vọng vì các nhà lãnh đạo Do thái đã kết án tử hình người mà họ tin là Đấng Giải phóng Israel. Hoang mang vì sự im lìm của Thiên Chúa, mãi cho tới ‘hôm nay là ngày thứ ba rồi’ (21b). Theo phong tục tang chế người Do thái xưa, ngày thứ ba là ngày cuối trước khi người quá cố được chính thức ‘chứng tử’ (vào ngày thứ tư), nếu không có gì khác thường.
Tâm trạng thất vọng và hoang mang đó nặng nề đến nỗi không ai trong thế giới con người có thể vực hai môn đệ dậy. Lời kể của các người thân cận như ‘mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi’ (c.22) hay ‘vài người trong nhóm chúng tôi’ (c.24), chỉ làm hai người thêm ‘kinh ngạc’ chứ không an tâm chút nào.
Bối cảnh u ám đó trong tâm tư hai môn đệ Emmau ‘tối dạ và chậm tin’ (c. 25) được tác giả Luca ghi nhận cách chi tiết. Mục đích là để có thể cho thấy rõ ánh sáng Chúa phục sinh sẽ tác động thế nào trên bóng tối. Tác động kỳ diệu đó là sự biến đổi cách toàn diện tinh thần hai môn đệ.
Là một nhà tư vấn tâm linh tuyệt vời, Chúa Giêsu đã lắng nghe những nỗi niềm u uẩn của hai môn đệ trước. Ngài còn giúp họ bộc bạch hết mọi tâm tư sâu kín trước khi Ngài mở lời. Người ta có hai tai để nghe và một miệng để nói. Đấng phục sinh đã để tâm nghe nỗi đau đớn của con người. Và khi Ngài nói thì quả là ơn ban chữa lành.
-‘Bắt đầu từ ông Môisê và tất cả các ngôn sứ, Ngài giải thích cho các ông những gì liên quan đến Ngài trong tất cả Kinh Thánh” (c.27) : Lời thứ nhất của Ngài là mời gọi hai môn đệ vào bàn tiệc Lời Chúa. Nơi đó, Ngài sẽ giúp trí tuệ họ được no thỏa với sự hiểu biết rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình như thế rồi mới vào trong vinh quang của Người (c.26). Thiên Chúa đã vẽ nên đường thẳng từ những đường cong.
-‘Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra trao cho họ’ (c.30): Lời thứ hai của Ngài, cùng với hành động, mời họ tiến đến bàn tiệc Thánh thể. Nơi đây, qua lời chúc tụng thánh hóa bánh rồi bẻ ra trao cho họ, Chúa Giêsu đã làm cho tâm hồn họ no thỏa khi nhận ra sự hiện diện thực của Ngài, Đấng đã sống lại từ cõi chết.
Theo các nhà chú giải, khi tường thuật biến cố hiện ra này trong bối cảnh của một tiến trình tiệm tiến (mở dần), tác giả Luca muốn nhấn mạnh với cộng đoàn Đức tin của mình và mọi tín hữu rằng: Việc lắng nghe Lời Chúa và cùng nhau bẻ bánh (như tác giả đã tường trình trong Sách Công vụ Tông đồ 2:42-47) chính là cử hành tiệc Thánh thể của Chúa. Chính qua Ánh sáng Lời Chúa và Bánh Thánh thể mà tín hữu được nuôi dưỡng trong Đức tin. Nhờ có Đức tin vững mạnh mà tín hữu có thể đứng vững trong các cơn thử thách. Những thử thách này, Luca đã bàng bạc cho thấy qua yếu tố ‘trời xế chiều, và ngày sắp tàn’.
-‘Trời xế chiều, và ngày sắp tàn’(c. 29): Trời chiều và ngày tàn là dấu chỉ của bóng tối gần kề. Vào những năm 80, lúc phúc âm Luca được viết ra, bóng tối ấy ngụ ý là những cuộc bách hại đạo đẫm máu của hoàng đế Domitianus. Ông hoàng này là người trung thành cách cực đoan với các vị thần của người Roma. Ông ra sức tiêu diệt mọi tôn giáo mà ông cho là phạm húy các vị thần Roma hay đối nghịch với hoàng tước ông tự phong ‘Chúa và Thượng đế của chúng ta’ (Deus et dominus noster). Tài liệu của sử gia Eusebio thế kỷ thứ 4 cho biết: vào cuối thời hoàng đế Domitianus, các tín hữu Do thái giáo và Kitô giáo đã bị sát hại rất nhiều. Sách Khải huyền có thể đã xuất hiện giữa thời kỳ này.
Dù sao, trong câu chuyện Tin mừng này, sự biến đổi nơi tâm hồn hai môn đệ là cao điểm tác giả nhắm trình bày. Đó là sự biến đổi từ trong tâm tư đến hành động bên ngoài. Trước nhất, ta hãy xét về sự biến đổi trong tâm tư:
-“Mắt họ liền mở ra”(c.31a): Câu này đánh dấu sự bắt đầu chuyển biến trong tâm hồn hai môn đệ, như cánh cửa vừa được mở ra để xua tan nỗi u ám cố hữu. ‘Mắt mở ra’ là cụm từ được đề cập 8 lần trong Tân ước. Cũng như 6 lần khác trong Công vụ Tông đồ, Luca dùng thuật ngữ này để nói về sự ý thức sâu xa và đón nhận chân thành mạc khải của Thiên Chúa. Trong bối cảnh tại bàn ăn Emmau chiều hôm đó, “mắt họ liền mở ra” mang ý nghĩa thiêng liêng quan trọng: họ nhận biết tỏ tường Đức Kitô sống lại và đang hiện diện. Tin mừng cả thể đó không do hai môn đệ ‘hoa mắt’, mà càng không vì cảm xúc quá độ. Nó được bảo chứng bởi chính Kinh thánh.
-“Dọc đường khi Ngài nói chuyện và giải thích Kinh thánh cho chúng ta, lòng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (c. 32): Câu này ở nghi vấn cách, nhưng là một kiểu nói của Luca để củng cố cách chắc chắn cho đọc giả điều mà hai môn đệ đã nhận thức và xác tín. Không những ‘mắt các ông liền mở ra và họ nhận ra Ngài’ qua hành động bẻ bánh, lòng các ông cũng đã ‘bừng cháy lên’ bởi Kinh thánh. Kinh thánh mà Đức Kitô đã nói với hai ông chính là mạc khải truyền thống về Đấng Cứu Thế cùng sự chết và sống lại của Ngài. Mạc khải đó khả tín vì được xây dựng trên chính giáo huấn thế giá của Môsê và các tiên tri.
…Và hành động
Sự biến đổi sâu xa trong tâm tư hai môn đệ mạnh mẽ và hiệu quả đến nỗi đã dẫn họ đến sự biến đổi trong hành động. Với sự sống lại của Chúa, với ánh sáng và nghị lực mới, Luca đã cho thấy hai ông đã làm điều rất cụ thể: “Ngay lúc đó, họ đứng dậy quay trở lại Giêrusalem gặp Nhóm Mười Một…Còn 2 ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi người bẻ bánh” (cc.33-35). Đoạn kết của câu chuyện Tin mừng này chứa đựng những ý nghĩa phong phú. Ở đây, ta có thể gợi ra 3 chi tiết đáng suy tư.
-“Ngay lúc đó”: Không phải là ngày hôm sau; các ông đã lên đường ‘ngay lúc đó’. ‘Lúc đó’ trời đã chiều, bóng tối đã phủ. Hai môn đệ vừa từ bàn ăn với Đức Giêsu bước ra ngay, đi vào trời tối. Hình ảnh này gợi nhớ cũng đã có một môn đệ khác từ bàn ăn với Đức Kitô bước ra và đi vào trời tối. Hai hình ảnh xem ra giống nhau, nhưng ý nghĩa thì khác rất xa. Giuđa đi vào trời tối, và bóng tối của bội phản và tuyệt vọng đã dập tắt trong ông mọi ánh sáng Tình yêu Đức Kitô đã thắp lên trong đời ông suốt 3 năm dài. Đường Giuđa đi đầy tăm tối. Điểm Giuđa đến, do đó, chỉ còn là cái chết cô đơn. Hai môn đệ làng Emmau đi vào trời tối mà lòng no đầy Tình yêu với sự Hiện Diện Thực của Đức Kitô sống lại, và tâm hồn chan hòa ánh sáng Lời Chúa dẫn lối. Đường về Giêrusalem của các ông tuy đêm mà sáng, tuy dài mà mau. Điểm đến của các ông là cộng đoàn giáo hội tràn đầy sự sống mới của Chúa phục sinh.
-“Họ đứng dậy quay trở lại Giêrusalem”. Dưới nhãn quan của Luca, Giêrusalem là trung tâm và cao điểm của Ơn Cứu Độ. Tất cả cuộc đời của Đức Kitô là một hành trình dài tiến về Giêrusalem nơi Ngài sẽ hoàn tất chương trình cứu độ. Sau này, cũng từ Giêrusalem, các tông đồ sẽ mang Ơn Cứu Độ đến tận cùng trái đất. Hướng về Giêrusalem chính là hướng về trung tâm của Ơn Cứu Độ. Và để làm việc đó, cần có hành động cụ thể: ‘Đứng dậy quay trở lại Giêrusalem”.
‘Đứng dậy’ và ‘Quay trở lại’: đây là những thuật ngữ thường gặp trong Phúc âm và mang ý nghĩa tâm linh. Các hành động này gợi ý về việc hoán cải và biến đổi tâm hồn. Người con hoang đàng đã ‘đứng lên đi về lại’ cùng cha (Lc.15:11-24). Trong Phúc âm, việc hoán cải hay biến đổi tâm hồn như thế được diễn ta với từ metanoia (Mt. 1:14). Metanoia là một sự thay tâm đổi ý. Đó là một biến đổi tận căn trong tâm tư và cách nghĩ. Với hai môn đệ Emmau, gặp gỡ Đức Kitô sống lại là một kinh nghiệm metanoia. Trong tâm trí các ông, đã có một biến đổi quan trọng: nỗi buồn nản, thất vọng cũ được thay thế bằng niềm hân hoan, hy vọng mới. Các ông đã đứng dậy từ bóng tối sự chết do yếu tin và trở lại với ánh sáng, nhờ xác tín nơi quyền lực sự sống của Đấng phục sinh.
-‘Hai ông đã thuật lại…” : Hoa quả tất yếu của tình yêu nơi sự sống là thông chia tin mừng sự sống. Hoa quả cụ thể của niềm tin nơi sự sống của Đức Kitô là chia sẻ và làm chứng cho Tin mừng Phục sinh của Ngài. Hai môn đệ Emmau đã nghe được chứng từ của Nhóm Mười Một. Và chính hai ông cũng làm chứng cho anh em mình bằng kinh nghiệm sống động của bản thân hai ông. Kết quả, lời chứng của những con người diễm phúc ấy khởi đi từ Giêrusalem gần 2000 ngàn năm trước đã trở thành Phúc âm cho nhân loại mọi thế hệ.
***
Cách đây ít năm tôi có dịp đi hành hương Đất Thánh. Chuyến bay dài đã đưa tôi đến với quê hương của Chúa vào buổi trưa đứng bóng. Chúng tôi khởi đầu cuộc hành hương với thánh lễ tại một nhà nguyện lộ thiên và đơn sơ tại Emmau. Nơi đó được coi là địa điểm đã diễn ra bữa ăn chiều giữa Đấng phục sinh và hai môn đệ gần 20 thế kỷ trước. Trên một nền đất trống trải, cạnh một bức tường cổ kính không mái che giữa mùa hè nắng gắt, tôi đã dâng thánh lễ …nóng bức nhất trong đời linh mục.
Cái nóng thiêu đốt trên đầu làm tôi không thể không nhớ đến đoạn Tin mừng với chi tiết thánh Luca đã cẩn thận ghi nhận “lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” Bất chợt, tôi tự hỏi mình: “Chẳng lẽ chất đốt khiến cháy bừng lòng hai môn đệ năm xưa vẫn còn đốt bừng con người hôm nay sao?” Và tôi miên man suy nghĩ: Có thể lắm chứ! Đức Kitô phục sinh vẫn hiển hiện cách sống động hôm nay cũng như hôm qua và mãi mãi. Có thể lắm chứ! Khi ta biết mở mắt trái tim để lòng mình bừng cháy lên với chất đốt của Ngài từ những con người gặp gỡ, qua mọi biến cố xảy ra hằng ngày trên hành trình Emmau cuộc đời.
Disciples at Emmaus (by Hendrick Bloemaert 1625 )
Views: 0