Lm. Trịnh Ngọc Danh
CN V sau PS / B
Bài đọc 1 : (Cv 9:26-31) Bài đọc 2 : ( 1Ga 3:18-24) Tin Mừng ( Ga 15:1-8)
Có lẽ để tránh hiểu lầm, Đức Giêsu đã nói: “Thầy là cây nho thật” chứ không là một tiên tri giả. Cây nho Giêsu được Chúa Cha trồng. Rồi sau đó, Ngài lại bảo: “Thầy là cây nho, anh em là cành.” Đây là hình ảnh minh họa một cộng đoàn mà Đức Giêsu thiết lập ban đầu và về sau là Hội Thánh. Đây cũng là hình ảnh minh họa Đức Giêsu là đầu của một thân thể và các cành nho là những chi thể của thân thể ấy. Hình ảnh cây nho với những cành của nó là một sự minh họa đơn giản nhưng sâu xa về sự hiệp nhất, thân thiện và lệ thuộc vào nhau. Nhưng thân cây nho và các cành nho phải liên kết với nhau thế nào.
Tùy mức độ liên kết, có hai loại cành nho: cành sinh hoa trái và cành không sinh hoa trái. Gắn liền hay ở lại nơi thân nho là điều kiện để cành nho sinh hoa trái. Cành sinh hoa trái lại được cắt tỉa để có nhiều hoa trái hơn. Đức Giêsu đã cho chúng ta biết: “Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái thì người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.”Từ hình ảnh cụ thể ấy, Đức Giêsu lại áp dụng về mặt thiêng liêng: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm được gì.” ( Ga 15: 5) Chịu cắt tỉa là chịu bỏ đi những gì không thích hợp với việc phát triển của cây, là vác thánh giá của mình, là vượt qua những khó khăn, trở ngại vì Chúa vì anh em. Các tông đồ xưa kia là những cành nho sinh nhiều hoa trái và được cắt tỉa để có hoa trái nhiều hơn như thánh Phaolô, và cành nho bị chặt đi vì không gắn liền thân nho như Giuđa.
Hoa trái mà cành nho có được còn tùy thuộc năng khiếu khả năng của mỗi người. Chúng ta trổ sinh hoa quả bằng cách phát triển, sử dụng và chia sẻ năng khiếu ấy cho nhau, đặc biệt là tình yêu Thiên Chúa đã chia sẻ với chúng ta bằng đời sống bác ái và yêu thương anh em.
Giữa cây nho và những cành nho phải được gắn liền với nhau. Cây nho không thể sinh hoa trái nếu không có cành. Những cành nho không thể sinh trái tốt nếu không nhựa tốt của cây. Cũng vậy giữa Đức Giêsu và chúng ta không phải chỉ là một sự đồng hội đồng thuyền, nhưng còn phải có một sự thống nhất về đời sống, nghĩa là chúng ta sống với nhau trong Đức Kitô như thánh Phaolô đã nói: Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi. Công trình , kế hoạch của Đức Giêsu được tồn tại, lớn lên và phát triển nhờ chúng ta. Có lẽ Chúa cũng nói với chúng ta: Ta cần các con hành động; Ta cần con tim và đôi tay các con để yêu thương và giúp đỡ người khác; Ta cần những nỗ lực, sức mạnh của các con để tiếp tục những công việc mà Cha Ta đã giao phó cho Ta.
Sống đời sống Kitô hữu là hiểu rằng Đức Giêsu quan tâm đến chúng ta để tiếp tục công việc của ánh sáng và yêu thương trong thế giới hôm nay. Muốn được như thế chúng ta phải ở trong Đức Giêsu để Ngài ở trong chúng ta, phải sống kết hợp làm một với Ngài như những cành nho và thân cho chỉ một. Thánh Phaolô trong thư gửi tin hữu Côrintô đã viết: “Tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được tràn đầy một Thần Khí duy nhất.” ( 1 cr 12:13)
Những cành nho gắn liền với thân nho là những người đã nhận được Chúa Thánh Thần và trở nên con cái Thiên Chúa, là những chi thể của một thân thể là Đức Kitô, là những thành phần của Giáo Hội. Ở lại và gắn liền với thân nho bằng đức tin và trở thành con thiên Chúa qua Phép rửa, là sống Tin Mừng, là sống kết hợp với Đức Kitô qua phép Thánh Thể và sống kế hợp với Chúa bằng cầu nguyện.“ Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, nhưng tất cả anh em chỉ là là một trong Đức Kitô.”( Gl 3:27-28)
Views: 0