Trần Mỹ Duyệt
Bạn thân mến,
Hôm rồi bạn trích dẫn một câu: “Chúng con được tạo dựng ra là để phụng sự Chúa, tôn vinh Chúa và phục vụ Chúa”, rồi bạn phân vân tự hỏi: “Nếu vậy thì mình mất tự do quá. Hóa ra mục đích tạo dựng cũng lại chỉ cho mình cái thân phận bầy tôi, thân phận một kẻ nô lệ chỉ để phục vụ cho Đấng nào đó đã tạo dựng nên mình.”
Theo tôi, có thể bạn đã đọc hay học thuộc lòng điều này qua sách giáo lý trước đây nói về mục đích tạo dựng con người. Nhưng phải hiểu là 300 năm trước khi các nhà truyền giáo Tây Ban Nha, Pháp và Ý đến Việt Nam, họ đâu biết tiếng Việt (mà tiếng Việt lúc đó cũng chưa có) nên gặp những khó khăn về ngôn ngữ. Lại nữa, theo truyền thống và văn hóa xã hội phong kiến lúc bây giờ “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Phụ xử tử trung, tử bất trung bất hiếu” thì việc con người được tạo ra để phụng sự, tôn vinh, và phục vụ một Đấng toàn năng, hằng hữu, quyền phép vô song, luôn luôn yêu thương con người đó chẳng phải đã là một giáo lý “cách mạng”, một tư tưởng “mới” trong xã hội phong kiến thời bấy giờ sao? Vì ai mà bằng Chúa cả trời đất! Ai được cao vinh quyền năng như Thiên Chúa. Ai thương yêu, che chở và phù hộ con người như Ngài. Do đó mà lối diễn tả mục đích tạo dựng bằng ngôn ngữ bình dân, bằng quan niệm bình dân của xã hội đương thời, tôi cho là không xúc phạm hoặc giới hạn tự do của con người.
Ngày nay, giáo lý ấy phải được trình bày như thế này: “Thiên Chúa dựng nên ta vì sự thánh thiện của Ngài, và để chia sẻ với chúng ta hạnh phúc viên mãn của Ngài trên thiên đàng” (God made us to show forth His goodness and to share with us His everlasting happiness in heaven). *
Và qua đó, vấn đề phải được nhìn dưới 3 khía cạnh: Thiên Chúa tạo dựng con người. Thiên Chúa tạo dựng con người vì sự thánh thiện của Ngài. Và tạo dựng nên con người để con người chia sẻ hạnh phúc viên mãn của Ngài.
-Chúa tạo dựng con người: Việc này thánh Augustine (354-430) đã có câu trả lời rất rõ ràng: “Thiên Chúa không cần hỏi ý kiến ai”. Bởi nguyên một việc đưa ta từ hư vô ra hiện hữu đã là một ân huệ của Ngài. Theo triết học thì có bao giờ cũng hơn không có. Có 1$ chắc chắn hơn không có đồng nào. Không những chỉ tạo dựng, mà theo thánh Thomas Aquinas (1225-1274), “nếu có giây phút nào Thiên Chúa quên không nhớ đến ta, thì lập tức giây phút đó ta trở về hư vô ngay”.
-Tạo dựng con người vì sự thánh thiện của Ngài: Vẫn theo giáo lý vừa trích dẫn, thì Thiên Chúa cần làm thế để tỏ ra vinh quang và sự thánh thiện của Ngài. Ngài không chỉ tạo dựng nên con người mà còn tạo dựng cả trời đất, vũ trụ, trăng sao, muôn loài, muôn vật… Tất cả vì uy danh Ngài. Còn riêng con người, Ngài tạo dựng nên vì tình thương của Ngài. “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Gioan 4:8), một tình yêu viên mãn và chia sẻ.
– Chia sẻ hạnh phúc viên mãn: Hai hành động trên, Thiên Chúa làm vì tình yêu và vì sự thánh thiện tuyệt đối của Ngài. Nhưng đến phần chia sẻ hạnh phúc với Ngài, Ngài mong muốn có sự cộng tác của mỗi chúng ta.
Cũng Thánh Augustine, mặc dù Thiên Chúa không cần hỏi ý kiến ta khi Ngài tạo dựng nên ta, “nhưng để cứu độ ta, Ngài cần có sự cộng tác của ta”. Nói một cách dễ hiểu là để lên Thiên Đàng, để hưởng hạnh phúc đời đời với Ngài, chúng ta cũng cần phải có một cái gì đó gọi là thiện chí, là cố gắng. Trong cái nhìn này, Ngài cũng chứng tỏ rằng Ngài luôn luôn tôn trọng tự do, và công bằng trong sự đóng góp của chúng ta. Ai cố gắng nhiều, thưởng nhiều. Ai cố gắng ít, thưởng ít. Ai không cố gắng, sẽ không có thưởng.
Vì hạnh phúc nước Trời, Thiên Đàng là một phần thưởng chứ không phải của cho không. Thiên Chúa tạo dựng con người, cứu độ con người. Nguồn ơn sủng bao la ấy có sẵn như khí trời, như nước biển, nước sông bao la. Nhưng nếu có ai đó “chán” không muốn thở, hoặc “lười” không muốn uống thì người đó đành phải chết. Chúa là Đấng Công Bằng, Công Minh tuyệt đối nên Ngài sẽ không bao giờ xử bất công với bất cứ ai về bất cứ điều gì. Ngài không tóm cổ Satan, bọn quỉ thần, và những kẻ gian ác rồi bỏ chúng xuống hỏa ngục. Cũng vậy, Ngài không bao giờ cưỡng bức một ai lên Thiên Đàng với Ngài. Tất cả đều là “tự do” chọn lựa. Tự do lên hay tự do xuống. Vì tự do mà Ngài đã ban cho chúng ta, nên Ngài luôn luôn tôn trọng mọi quyết định của chúng ta.
Như vậy việc “phụng sự Chúa, tôn vinh Chúa và phục vụ Chúa” có làm chúng ta mất tự do không? Thiên Chúa có đầy đủ vinh quang từ muôn thuở, tất cả những việc chúng ta làm và mọi thánh nhân, hiền nhân, những người thiện tâm, thiện chí làm đều không thêm bớt gì cho vinh quang và hạnh phúc của Ngài. Nhưng những tạo vật như chúng ta tại sao lại không ca tụng, và tôn vinh một Thượng Đế như Ngài – là Thiên Chúa và cũng là cha chúng ta: “Lạy Cha chúng con ở trên trời” (Kinh Lạy Cha).
Vậy cái mà ta gọi là phục vụ Thiên Chúa thật ra là những hành động bác ái, những cử chỉ yêu thương mà ta cần phải làm đối với cận thân, với anh chị em của chúng ta là những người mang hình ảnh Ngài, là những người cũng như chúng ta được tạo dựng để chia sẻ hạnh phúc trường sinh với Ngài. Trong ngày chung thẩm, quan án chí công (Chúa Giêsu) nói với những người lành: “Khi các con làm những việc ấy cho một người nhỏ nhất trong anh em ta đây, là các con đã làm cho chính ta.” (Mat 25:40)
Đã là những hành động do tình yêu, do tình thương mến thì không thể gọi là những hành động cưỡng bức, mất tự do. Nếu vợ hay chồng chúng ta mà nghe chúng ta nói: “Tôi làm việc này là do ông, do bà muốn, do ông hay bà đòi hỏi, tôi không thích, tôi cảm thấy bị ép buộc, bị cưỡng bức…” Hoặc có người con nào nói với cha mẹ mình: “Ông bà làm phiền tôi quá. Ông bà không biết tôi rất bận rộn không? Tại sao lại đòi hỏi tôi việc này, việc khác?” chắc chắn những người này sẽ không vui.
Tóm lại, ơn được sinh ra làm người. Ơn được làm con Chúa. Và ơn được “phục vụ” Chúa là những ơn mà chúng ta phải cảm tạ hồng ân mọi ngày trong đời sống. Thử hỏi nếu Chúa không thương, không yêu, không nghĩ đến ta thì trước đây 100 năm, 200 năm, hoặc từ rất xa xưa chúng ta ở đâu? Vậy chỉ còn lâng lâng niềm cảm mến để mỗi ngày hát dâng lên Ngài lời ca tri ân:
“Đến muôn đời con cảm tạ ơn Chúa.
Đến muôn đời con ngượi khen danh Chúa.
Muôn muôn đời con ca vang tình thương Chúa.
Và mãi mãi con nhớ công ơn Ngài”.
Trần Mỹ Duyệt
____________
* The New saint Josehph Baltimore Catechism No. 1
Views: 0