Lm. Nguyễn Văn Khải, CSsR
Anh Phạm Viết Việt nói: “Thưa Cha, giáo dân hiệp dâng Thánh Lễ chứ không phải đi học để nghe giảng. Nhất là các Linh mục miệng còn hôi sữa mà giảng cái gì a! Từ hơn 30 năm ở VN đã gọi là “Bài chia sẻ” thay cho bài giảng”.
TÔI XIN THƯA:
Anh ơi!
Giảng Lễ là một phần quan trọng của Thánh Lễ mà linh mục buộc phải làm trong ngày Chúa Nhật và các lễ trọng, cũng như các dịp quan trọng khi có giáo dân tham dự.
Giảng Lễ chính là Lời Chúa cho con người “ở đây, lúc này”, nghĩa là cho những con người cụ thể trong mỗi hoàn cảnh cụ thể. Lúc ấy giám mục, linh mục hay phó tế giảng lễ đứng vào vị thế đại diện Chúa Giêsu để giảng dạy Lời Chân Lý cho họ.
Một linh mục hay một phó tế, dù mới 25 tuổi, dù không phải là nhà thông thái hay hùng biện, dù mình thích hay mình không thích, thì lời giảng của ngài, nếu nội dung không có gì sai với giáo lý Hội Thánh và với hoàn cảnh thực tế, thì đấy là Lời Hằng Sống cho mình vào lúc thời điểm ấy.
Còn một giáo sư thông thái dạy thần học hay dạy Kinh Thánh trong giảng đường, có già đến 60-70 tuổi đi nữa, thì mình vẫn không buộc phải nghe theo và không buộc phải coi đó như là Lời Chúa đang nói với mình.
Cha Nguyễn Thể Hiện là người anh em cùng tuổi cùng lớp với tôi, bình thường, tôi có thể kính cha hay không kính cha, tôi có thể phản bác hay chấp nhận lời dạy hoặc ý kiến của cha về vấn đề đạo đời nào đấy.
Nhưng khi ngài đứng vào vị trí của linh mục giảng Lễ, thì tôi phải coi ngài là người đang đại diện Chúa Giêsu để nói với tôi và cho tôi. Chúa đang hướng dẫn tôi qua lời giảng của cha Hiện, nhân dịp Chúa gọi bố tôi về với Chúa.
Mỗi người cần và phải được nghe giảng lời Chúa không mỗi ngày thì cũng mỗi tuần. Nhất là trong các dịp đặc biệt, hay trước các quyết định quan trọng của đời mình.
Đức Giáo Hoàng và các giám mục, linh mục cũng cần phải được nghe linh mục giảng, cũng cần phải được nghe linh mục giải tội khuyên bảo trong tòa giải tội, cần phải có linh mục làm linh hướng bên ngoài tòa giải tội.
Những lời khuyên, những lời giảng hoặc những ý kiến của linh mục nói trong toàn giải tội, khi giảng Lễ, khi linh hướng, thì Đức Giáo Hoàng, các giám mục và linh mục đều phải đón nhận trong tinh thần siêu nhiên như là ý Chúa ở mức độ khác nhau.
Tôi đi lễ, tôi nghe linh mục hay phó tế khác giảng chính là tôi thấy Chúa Giêsu một cách sống động đang hiện hữu trước mắt tôi và đang nói cho tôi biết phải quan niệm, phải sống và hành động thế nào trong hoàn cảnh cụ thể của tôi lúc đấy.
Tôi chứ không phải những người khác. Hoàn cảnh của tôi lúc đấy chứ không phải lúc khác. Vì vậy có bài giảng anh hay người khác thấy chả có gì hay, chả có gì quan trọng nhưng với tôi vào lúc đấy thì lại rất quan trọng, lại là Lời Hằng Sống.
Chúa nói với mọi người và từng người trong từng hoàn cảnh cụ thể và mình phải nhạy bén nhận ra bằng cảm quan đức tin.
Coi BÀI GIẢNG trong Thánh Lễ chỉ là “BÀI CHIA SẺ” là sai. Không một giáo huấn nào của Hội Thánh nói như vậy.
Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ, cho nhóm người nhà quê mà Chúa chọn, ĐI GIẢNG DẠY CHO MUÔN DÂN chứ không phải đi “chia sẻ” hay đi nói “bài chia sẻ”. Họ nhận sứ vụ của Chúa, và rao giảng bằng Thánh Thần của Chúa, bằng quyền năng Chúa trao ban.
Đừng coi các linh mục trẻ là “miệng còn hôi sữa”! Vì chân lý thường đến từ miệng trẻ thơ. Bao nhiêu câu chuyện trong Kinh Thánh cho thấy chính các trẻ thơ là những người thấy được sự thật và dám nói và nói ra sự thật. Người lớn có khi vì tính toán quyền lợi quá mà không thấy được chân lý và nếu có thấy thì có khi lại cũng không dám nói.
Chúa Giêsu khi đi giảng cũng chỉ mới là thanh niên khoảng 30 tuổi thôi anh ơi.
Bây giờ mình nhìn một linh mục tuổi 30-33 thì cũng còn “măng sữa” lắm. Nhưng Thánh Phaolô nói với tông đồ Timôtêo: “Chớ gì đừng có ai coi thường anh vì anh còn trẻ!”
Mình là con cái Chúa thì phải sống khiêm nhường, nhưng khiêm nhường là đón nhận sự thật, là nói và làm theo sự thật.
Chúa Giêsu là đấng khiêm nhường sâu thẳm, nhưng Chúa vẫn công khai nói Chúa là Con Đức Chúa Trời, dù có vì thế mà phải bị kết án chết, Chúa vẫn nói.
Đức Mẹ khiêm nhường thẳm sâu Đức Mẹ vẫn nói: “Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.” Một câu nói mà những người kiêu ngạo nhất thế gian cũng không dám nói!
Những kiểu khiêm nhường không đúng làm sai lạc giáo lý Hội Thánh, làm trở ngại việc đón nhận Lời Chúa và ân sủng của Chúa, làm nghèo nàn tâm hồn và tâm linh của mình. Khiêm nhường không đúng thì không phải là khiêm nhường.
Thôi tôi đang có tang, tôi không bàn sâu được. Có thể tôi sẽ nói lúc khác. Nhưng vì tôi thấy lời comment của anh có thể khiến người khác hiểu lầm và gây thiệt hại cho họ nên tôi nói vắn tắt vậy.
Cái cần là mình phải có đức tin và đi liền với đức tin là tinh thần siêu nhiên.
Xin cám ơn anh đã chia sẻ suy nghĩ của mình cho tôi biết để từ đó chúng tôi phải ý thức thân phận mình sống khiêm nhường và thi hành sứ vụ cách đúng đắn.
Xin Chúa chúc lành cho anh và cho mọi người.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải CSSR
N.B 1: Nói thêm với anh Việt. Ai nói gì về anh thì xin anh bỏ qua. Tôi cứ tin anh là người có thiện tâm và có ưu tư về Giáo Hội. Tôi cầu nguyện cho anh và xin anh cũng cầu nguyện cho các linh mục chúng tôi.
N.B 2: Mỗi người có tự do của mình. Nhưng tôi nghĩ đàng sau mỗi cái tên trên FB, tên hiệu, tên giả hay tên thật, thì là đều là người thật. Tôi xin mọi người cố gắng đừng nói viết trong sự nóng giận, ghét bỏ hay thù hận, vì Kinh Thánh dạy: “Nếu cần nói hãy nói những lời tốt đẹp và sinh ơn ích cho người nghe”.
Views: 0