Hỏi đáp Sống đạo

“Bà thánh buồn là bà thánh đáng buồn!”

Phụ trách: Trần Mỹ Duyệt

 

Hỏi:

Hai cô con gái chúng tôi đã xong đại học và nay đã có việc làm ổn định. Ngoài xã hội chúng khá thành công, đời sống của chúng sung túc, thuận lợi không phải lo lắng gì. Tuy nhiên cái làm cho tôi rất lo buồn là cả hai đứa bây giờ không còn biết gì là nhà thờ nhà thánh là gì cả. Cô con lớn thì bảo Chúa ở khắp mọi nơi, cần gì phải đến nhà thờ. Cô thứ hai thì bảo đi lễ nghe Cha giảng dài dòng chỉ tổ làm mụ mẫn nhức đầu, mất thời giờ chẳng được ơn ích gì. Tôi là mẹ, nghe con nói thế buồn quá sức. Hết la mắng, rồi lại khuyên lơn năn nỉ nhưng cũng chẳng lay chuyển được chúng. Ngay cả cháu ngoại của tôi, chúng cũng không cho đem đi rửa tội nữa. Chúng còn lý sự là chúng vẫn tin rằng có Chúa, nhưng vì tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng nên để khi nào con của chúng nó có trí khôn thì tự quyết định muốn theo đạo nào. Tôi buồn khổ quá, con bỏ nhà thờ, cháu không có đạo, tôi phải làm sao đây? Xin giúp cho tôi cách nào để tôi khuyên bảo con hữu hiệu hơn và nhất là tìm lại được sự bình an cho chính tôi đây?

Bà Cử Lễ                           

 

Trả lời gợi ý:

Thưa bà Cử Lễ,

Tôi rất thông cảm với bà qua những gì bà đang phải đối diện với hai cô gái rượu và đứa cháu ngoại dễ thương của bà. Thật ra, con cái đời nay khó hiểu lắm. Chuyện gì chúng cũng rành rẽ, giỏi giang từ khoa học đến kỹ thuật, từ kinh tế đến chính trị, từ văn chương đến triết lý, nghệ thuật cái gì chúng cũng biết, nhưng nói đến chuyện đạo đức, chuyện đi lễ đi nhà thờ là đứa nào đứa nấy rất lơ là, không thiết tha hoặc chẳng biết một sự gì. Lắm lúc thấy chúng suy nghĩ, nói năng, hành động như không có Chúa, không có linh hồn, không có đời sau mà thấy hết sức lo lắng.

Nhưng nghĩ cho cùng thưa bà, nhiều khi con cháu khô khan, nguội lạnh cũng là do lỗi tại mình: “Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi. Lỗi tại tôi mọi đàng”. Nhiều khi chính mình cũng chỉ “theo đạo” cho có tiếng chứ chưa “hiểu đạo” và “sống đạo”. Ngày nào cũng chăm chỉ đi lễ, đi lậy, nhà thờ nhà thánh, hội họp, tĩnh tâm nắng mưa gì cũng đều tham dự.  Cha hưu dưỡng, Soeur nghèo gì cũng tận tình nấu ăn thăm viếng. Tối nào gia đình cũng kinh sách oang oang, con cái thì nào là ca đoàn, nào là thiếu nhi, Việt ngữ. Nhưng không may nếu có ai đó động đến cái lông chân mà thôi thì chỉ có đường chết. Giận hờn, thù vặt từ tháng này qua tháng khác, từ năm nọ đến năm kia.

Hoặc ngược lại thì giữ đạo đủ điểm lên Thiên Đàng. Mỗi tuần đi lễ một lần. Mỗi năm xin ba lễ: Một lễ cầu cho ông bà tổ tiên nội ngoại còn sống và đã qua đời. Một lễ cầu cho con cái ngoan ngoan, học hành tấn tới. Và một lễ cầu cho gia đình vợ chồng con cái biết thương yêu hòa thuận. Như vậy là đủ, còn tất cả mọi chuyện đều phó mặc cho Chúa, con cái thì khoán trắng cho mấy cha, mấy thầy, mấy souers. Bản thân mình thì không tham gia hoặc sinh hoạt trong bất cứ một hội đoàn nào, tự cho mình là biết nhiều, biết đủ nên cũng chẳng tham dự bất cứ buổi hồi tâm, thuyết trình hoặc hội thảo nào.

Không chỉ những giáo dân mà ngay cả các đấng các bậc cũng vậy. Tôi đồng ý với cô con gái bà là nhiều khi trong các thánh lễ ngồi nghe các cha giảng mà lo ra, chia trí hết sức. Phải nói thẳng một điều là có những bài giảng “vừa dài, vừa giai, lại vừa dở” nữa. Theo tôi, đó cũng là lý do mà những bài giảng vô hồn, thiếu nội tâm và không chuẩn bị ấy chỉ  “làm mụ mẫn nhức đầu, mất thời giờ chẳng được ơn ích gìđối với con bà. Và đó cũng là cái cớ khiến nhiều người trẻ ngày nay “bỏ đạo”, mặc dù những cái cớ ấy không hoàn toàn chính đáng.

Bố mẹ sống đạo như vậy, cha cụ giảng giải như vậy thì nói gì đến tuổi trẻ. Nhất là tuổi trẻ ngày nay khi chúng phải đối diện với trăm ngàn cám dỗ từ tinh thần đến vật chất, từ luân lý đến đạo đức?!

Trở lại vấn đề bà đang mong mỏi lúc này là nhìn thấy hai cô con gái trở lại đi lễ, đi nhà thờ, và đứa cháu gái được rửa tội thì tôi nghĩ thế này:

  1. Không phải là Chúa không nghe lời bà cầu xin đâu, nhưng giả như Chúa cho bà được như ý bà xin lúc này thì phần bà liệu có còn khiêm tốn, siêng năng đọc kinh cầu nguyện, chịu khó đi lễ đi nhà thờ nữa không. Hay lúc đó bà lại tưởng rằng mình tốt lành, thánh thiện, đạo đức, và được Chúa chúc phúc “hơn các phụ nữ” vì các con bà xinh đẹp, khôn ngoan, thành tài và lại đạo đức nữa. Cái nguy hiểm nó nằm ở chỗ đó, do đó, tôi nghĩ là Chúa đã muốn tránh đi cho bà khỏi rơi vào cái tội “kiêu ngạo,” và giữ cho lòng bà được mật thiết với Ngài hơn bằng lời kinh nguyện và hy sinh.
  2. Cầu nguyện thì vẫn phải cầu thưa bà, nhưng chúng ta phải cầu cho “ý cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Kinh Lạy Cha mà đọc oang oang hằng ngày nên Chúa nghe rồi, bây giờ Ngài ở trên Thiên Đàng muốn thấy bà thực hiện điều ấy. Nó cũng có nghĩa là, bà cứ phó thác các con, cháu của bà cho Chúa. Như Monica xưa trong lúc Augustine trác táng, bê tha, bỏ đạo, và như Mẹ Maria xưa khi bị Thánh Giuse “không hiểu” mình. Trong thinh lặng, trong khiêm tốn, và phó thác, bà cứ như vậy kiên nhẫn với lòng tín thác thì Chúa làm sao mà không trả lời bà. Chỉ có điều là Ngài trả lời bà lúc nào và bằng cách nào là tùy nơi Ngài, phần bà không nên tò mò biết tới. Nếu bà bảo Chúa phải làm thế này, thế khác, mấy năm nữa, mấy tháng nữa thì cho con gái bà trở lại đi lễ, đi nhà thờ, hoặc nó mang con đi rửa tội, bằng không bà sẽ buồn khổ lắm, thì chắc chắn là Chúa sẽ để bà buồn khổ dài dài, vì bà không muốn tìm ý Ngài nhưng muốn Ngài làm theo ý bà.
  3. Bà phải khuyên con, cháu bà như thế nào? Nếu bà cứ lúc nào cũng “mặt ủ mày chau”, lảm nhảm là chúng mày không trở lại đi lễ, đi nhà thờ, không đem con chúng mày đi rửa tội thì chúng mày sẽ chết mất linh hồn, sa địa ngục, và tao chết cũng không nhắm mắt. Hoặc, Giêsu Maria Giuse lạy Chúa tôi, cha nói là Chúa nói. Chúng mày bôi bác, cao ngạo chê cha là chống Chúa đấy. Không đi lễ nghe cha giảng mà ăn năn trở lại thì ma quỉ nó sẽ cướp lấy linh hồn chúng mày… Tôi thiết tưởng những lời khuyên răn kiểu này là rất lỗi thời. Con, cháu bà sẽ cho bà là “đạo đức giả”, đạo đức kiểu nhà quê và càng khiến chúng xa tránh tôn giáo.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khi nói đến việc làm gương sáng, ngài nói: “Thế giới ngày nay không cần nhiều thầy dậy, nhưng cần nhiều chứng nhân”. Tin và sống điều mình tin bằng những việc làm cụ thể trước mặt con cháu, là sống chứng nhân, là những bài giảng và lời khuyên răn hữu hiệu, giá trị nhất. Tóm lại, bà cần phải cố gắng tin đạo, sống đạo với tâm hồn đạo đức một cách đơn sơ, với tình yêu mến nhẹ nhàng, vui vẻ, và tin tưởng rồi tìm lời, tìm hoàn cảnh từng chút, từng chút cho các con bà hay thế nào là người công giáo tốt, thế nào là bổn phận và trách nhiệm của chúng nó đối với đức tin của con cái.

“Bà thánh buồn là bà thánh đáng buồn”, Thánh Gioan Bosco nói với bà và tôi như vậy. Là con cái Chúa, lúc nào cũng như lúc nào chúng ta đều phải vui vẻ, tin tưởng, cậy trông và phó thác. “Do your best and God will take care the rest”. Hãy làm tất cả theo khả năng mình, phần còn lại Chúa sẽ lo liệu.

Chúc bà sớm tìm lại được niềm vui và sự bình an trong tâm hồn. Và sớm được đến nhà thờ với các con, các cháu.

Trần Mỹ Duyệt

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.