Giáo huấn Giáo hội

 Những lời của ĐTC Phanxicô dành cho hôn nhân và gia đình

Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ

Tác giả: Kathleen N. Hattrup – ngày 23/06/22

Kính mời theo dõi video  tại đây:

https://bit.ly/3nwQLIJ

 

Xã hội sẽ trở nên lạnh lẽo và không thể chịu đựng được nếu không đón nhận các gia đình.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu cuộc gặp gỡ Gia Đình Thế Giới lần thứ 10 vào tối ngày 22 tháng 6 bằng cách đáp lại những lời chứng của các cặp vợ chồng và gia đình, vốn cho thấy nhiều cuộc đấu tranh xảy ra trong cuộc sống – từ khủng hoảng trong các mối quan hệ đến bệnh tật và cái chết của những người thân yêu.

Bài diễn văn của Đức Thánh Cha đáp lại từng lời chứng một. Dưới đây chúng tôi xin đưa ra những đoạn trích đem lại sự khích lệ và cái nhìn sâu sắc khi chúng ta đối mặt với cuộc sống gia đình của chính mình:

Tiến về phía trước

Hãy bắt đầu từ nơi bạn đang ở, và từ đó, hãy cố gắng bước đi cùng nhau: cùng nhau như những cặp vợ chồng, cùng nhau trong gia đình của bạn, cùng với những gia đình khác, cùng với Giáo Hội.

Hãy tiến lên một bước, dù nhỏ bé.

Đừng bao giờ quên rằng sự gần gũi là “phong cách” của Thiên Chúa, sự gần gũi và tình yêu dịu dàng.

Chúng ta có thể có những ước mơ đáng yêu nhất, những lý tưởng cao cả nhất, nhưng cuối cùng, chúng ta cũng khám phá ra – và đây là sự khôn ngoan – những giới hạn của chính chúng ta, mà chúng ta không thể tự mình vượt qua được, nhưng chỉ có thể vượt qua bằng cách mở lòng ra với Cha, với tình yêu và ân sủng của Ngài.

Món quà

Hôn nhân là một món quà kỳ diệu, chứa đựng sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa: mạnh mẽ, bền bỉ, chung thủy, sẵn sàng làm lại từ đầu sau mọi thất bại hay phút yếu lòng.

Trong hôn nhân, Chúa Kitô tự hiến trao chính mình cho bạn, để bạn có thể tìm thấy sức mạnh để hiến trao bản thân mình cho nhau. Vì vậy, hãy ghi nhớ: cuộc sống gia đình không phải là “nhiệm vụ bất khả thi”!

Gia đình không phải là một lý tưởng cao cả không thể đạt được trong thực tế. Thiên Chúa long trọng hứa hẹn sự hiện diện của Ngài trong hôn nhân và gia đình của bạn, không chỉ vào ngày cưới của bạn, nhưng trong suốt phần đời còn lại của bạn.

Khi khó khăn

Cuộc hôn nhân nào cũng có những lúc khủng hoảng. Chúng ta cần nói ra điều này, không cần phải giấu giếm và thực hiện các bước đi để vượt qua những khủng hoảng đó.

Sự tha thứ chữa lành mọi vết thương. Tha thứ là một món quà tuôn trào từ ân sủng mà Chúa Kitô tuôn đổ xuống trên các cặp vợ chồng và toàn thể gia đình bất cứ khi nào chúng ta để Ngài hành động, bất cứ khi nào chúng ta hướng về Ngài.

Điều quan trọng đối với tất cả chúng ta là không nên tiếp tục chìm đắm trong điều tồi tệ nhất, mà là làm cho điều tốt nhất, cho lòng tốt tuyệt vời mà mọi người, nam cũng như nữ có thể có, trở nên tối đa, và bắt đầu lại từ đó.

Đón nhận và nồng nhiệt

Đón nhận là một “đặc sủng” đích thực của các gia đình, và đặc biệt là các gia đình đông con! Chúng ta có thể nghĩ rằng, trong một gia đình đông con, việc đón nhận thêm những đứa con khác sẽ khó khăn hơn; Tuy nhiên, không phải như vậy, bởi vì các gia đình có nhiều con cái được “đào tạo” để nhường chỗ cho những người con khác. Các gia đình đó luôn có chỗ cho những người con khác. Cuối cùng, đây là tất cả những gì về gia đình. Trong gia đình, chúng ta trải nghiệm cảm giác được đón nhận. Vợ và chồng là những người đầu tiên “đón nhận” và chấp nhận nhau, như họ đã nói trong ngày kết hôn: “Anh nhận em làm vợ… Em nhận anh làm chồng…” Sau này, khi đưa một đứa trẻ vào đời, họ sẽ đón nhận sự sống mới đó. Trong những hoàn cảnh lạnh lùng và không ai biết đến, những người yếu kém thường bị từ chối, thì trong các gia đình, việc đón nhận những người yếu kém là điều đương nhiên: nhận trẻ em khuyết tật, những người già cần chăm sóc, những người trong gia đình đang gặp khó khăn vì không còn ai khác… Điều này đem lại hy vọng. Gia đình là nơi đón nhận, và thật tồi tệ nếu gia đình biến mất! Xã hội sẽ trở nên lạnh lẽo và không thể chịu đựng nổi nếu không đón nhận các gia đình.  Sự đón nhận và các gia đình quảng đại mang lại “sự ấm áp” cho xã hội.

Cho thế giới

Sống trong gia đình cùng những người khác với mình, chúng ta học được cách trở thành anh chị em. Chúng ta học được cách vượt qua sự chia rẽ, thành kiến ​​và sự hẹp hòi, và cùng nhau xây dựng một điều gì đó vĩ đại, một điều gì đó đẹp đẽ, trên cơ sở những điểm chung của chúng ta.

Mỗi gia đình của anh chị em có một sứ mệnh phải thực hiện trong thế giới của chúng ta, một lời chứng cần đưa ra… Lời Chúa muốn nói gì qua cuộc đời của chúng ta với tất cả những người chúng ta gặp gỡ? Hôm nay Chúa đang hỏi gia đình chúng ta, gia đình của tôi có “bước tiến” nào về phía trước?

 

Phêrô Phạm Văn Trung,

Nguồn: Đặc San GIÁO SĨ VIỆT NAM

Số 435 Chúa Nhật 10.07.2022

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.