Thế Giới Nhìn Từ Vatican02/Jan/2022
VietCatholic News
Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa sinh ra tại Colli del Tronto, Ý vào ngày 22 tháng 7 năm 1934. Ngài được thụ phong linh mục dòng Phanxicô Capuchin vào năm 1958. Ngài có bằng tiến sĩ về thần học và văn học cổ điển. Trước đây, ngài từng là giáo sư lịch sử Kitô giáo cổ đại và là giám đốc của Khoa Khoa học Tôn giáo tại Đại học Cattolica del Sacro Cuore ở Milan, cho đến khi được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chọn là giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng vào năm 1980. Cha Cantalamessa cũng từng là thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế từ năm 1975 đến năm 1981.
Năm 1980, Cantalamessa được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giảng Thuyết Viên Phủ Giáo Hoàng. Ngài giữ vị trí này suốt 3 triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô. Trong chức vụ này, ngài thuyết giảng các bài suy niệm cho Đức Giáo Hoàng và các vị lãnh đạo cũng như tất cả các viên chức khác trong giáo triều Rôma vào mỗi Thứ Sáu trong Mùa Chay và Mùa Vọng, và là “người duy nhất được phép giảng cho Đức Giáo Hoàng.”
Trong buổi Phụng Vụ tưởng niệm Chúa chịu chết vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh tại Đến thớ Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng chủ sự các nghi lễ, nhưng ngài là người thuyết giảng.
Danh tiếng ngài lừng lẫy đến mức ngày 24 tháng 11, 2015 ngài đã được mời giảng tại Thượng Hội Đồng Anh Giáo.
Trong bầu khí Mùa Giáng Sinh, xin gởi đến quý độc giả một suy tư sâu sắc của ngài đối với câu hỏi “Tại sao Chúa đến trong thế gian?”.
Trong kinh Tin Kính có một câu mà trong Đêm Giáng Sinh khi đọc câu này chúng ta bái quỳ: “Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế”. Đây là câu trả lời căn bản và có giá trị vĩnh cửu cho câu hỏi – “Tại sao Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể?”. Nhưng câu trả lời đó cần được hiểu rõ và hội nhập.
Câu hỏi thực ra có thể nêu ra một cách khác là: “Tại sao Ngài xuống thế làm người ‘để cứu rỗi chúng ta?’”. Có phải chỉ vì chúng ta đã phạm tội và cần được cứu rỗi?
Có một bức màn trong Thần Học đã được vén lên bởi Chân Phước Duns Scotus, một thần học gia dòng Phanxicô, trong đó nới lỏng liên hệ quá độc quyền giữa tội lỗi con người và mầu nhiệm nhập thể; đồng thời xem vinh quang Thiên Chúa như là lý do chính cho mầu nhiệm này. “Thiên Chúa đã đề ra mầu nhiệm nhập thể của Con Ngài để có một người bên ngoài Ngài yêu thương Ngài trong một cách thế cao nhất, một cách thế xứng đáng với Thiên Chúa”.
Câu trả lời này, tuy đẹp, nhưng vẫn không phải là chung cuộc. Đối với Thánh Kinh, điều quan trọng không phải là Thiên Chúa được yêu, như suy tư của các triết gia Hy Lạp; nhưng là Thiên Chúa “yêu” và yêu trước (x 1 Ga 4:10,19). Thiên Chúa muốn có sự nhập thể của Ngôi Con không phải để có một người bên ngoài Ba Ngôi yêu Ngài cách xứng đáng nhưng để có người cho Ngài yêu một cách xứng đáng với Ngài, nghĩa là yêu vô hạn!
Trong ngày Giáng Sinh, khi hài nhi Giêsu giáng trần, Chúa Cha có người để yêu trong một cách thế vô hạn bởi vì Chúa Giêsu gồm cả con người và Thiên Chúa. Nhưng không chỉ Chúa Giêsu mà thôi, nhưng là tất cả chúng ta cùng với Ngài. Chúng ta được bao gồm trong tình yêu này, khi trở thành những thành viên của nhiệm thể Chúa Kitô, “con trong Con”. Lời tựa trong sách Phúc Âm của Thánh Gioan nhắc nhở chúng ta: “Những ai đón nhận Ngài thì Ngài ban cho quyền trở nên con cái Thiên Chúa”.
Do đó, Đức Kitô thực đã từ trời xuống thế “để cứu rỗi” chúng ta, nhưng điều khiến Ngài bỏ trời mà xuống thế gian để cứu rỗi chúng ta là tình yêu, không gì khác hơn là tình yêu.
Lễ Giáng Sinh là bằng chứng tột đỉnh của “lòng nhân hậu” (philanthropy) Chúa như Thánh Kinh đã gọi: (Titô 3:4), nghĩa là, bằng chứng của tình yêu Thiên Chúa (philea) cho con người (anthropos). Thánh Gioan cũng đã trả lời về lý do của mầu nhiệm nhập thể như sau: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3:16)
Vì thế, đáp trả của chúng ta trước sứ điệp Giáng Sinh là gì? Bài hát đón mừng Giáng Sinh “Adeste Fideles” (Hãy đến hỡi mọi tín hữu – Oh come, all ye faithful) có câu: “Sao chúng ta có thể không yêu mến Đấng đã quá yêu chúng ta?”
Có nhiều điều chúng ta có thể làm để long trọng hóa ngày lễ Giáng Sinh, nhưng điều đúng nhất và sâu sắc nhất là điều đã được những lời này đề nghị. Một ý nghĩ chân thành biết ơn, một cảm giác yêu thương dành cho Đấng đã đến sống giữa chúng ta là món quà tốt nhất chúng ta có thể trao cho hài nhi Giêsu, là trang hoàng đẹp nhất trong máng cỏ.
Tuy nhiên, để thành thật, tình yêu cần phải được chuyển dịch thành những cử chỉ cụ thể. Cử chỉ đơn giản nhất và phổ quát nhất – khi nó thuần khuyết và trong sáng – là nụ hôn.
Chúng ta hãy hôn Chúa Giêsu, như chúng ta muốn hôn tất cả những hài nhi mới sinh. Nhưng chúng ta đừng chỉ hôn bức tượng bằng thạch cao hay đất sét, nhưng hãy hôn hài nhi Giêsu bằng xương bằng thịt. Khi chúng ta hôn những ai tan nát và đau khổ, chúng ta đã hôn chính Ngài!
Để hôn một người theo nghĩa này, là giúp họ trong một cách thế thật sự, nhưng cũng gồm cả việc nói những lời hay để khích lệ, thăm viếng, mỉm cười và đôi khi – tại sao không – trao cho họ một chiếc hôn thật sự. Đó là những ánh nến đẹp nhất chúng ta có thể thắp sáng trong hang đá của chúng ta.
Views: 0