J.B. Đặng Minh An dịch
Vietcatholic.net, 01/Aug/2020
Nhóm tin tặc RedDelta do bọn cầm quyền Trung Quốc bảo trợ đã xâm nhập vào các mạng máy tính của Vatican, và cả vào các cơ quan của Giáo Hội Công Giáo tại Hương Cảng. Công ty an ninh mạng của Hoa Kỳ Recorded Future cho biết như trên hôm thứ Tư 29 tháng 7.
Nhận định về biến cố này, Tiến Sĩ Paul Kengor, là giáo sư khoa học chính trị tại Grove City College ở Grove City, Pennsylvania, đã có bài nhận định sau được đăng trên tờ National Catholic Register của Công Giáo Hoa Kỳ.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Tháng 10 năm 1997, khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chuẩn bị cho chuyến thăm lịch sử tới Cuba, một quốc gia Công Giáo sùng đạo mà cộng sản đã dìm trong một cuộc chiến thảm khốc về tôn giáo, các phụ tá của Vatican đã tìm thấy một chiếc microphone giấu trong nhà giáo xứ nơi Đức Giáo Hoàng dự kiến sẽ lưu lại. Nhóm Vatican đã thực hiện khám phá này khi đến Havana trước để giúp lập kế hoạch cho chuyến tông du từ ngày 21 đến 25 tháng Giêng năm 1998 của vị Thánh Giáo Hoàng.
Theo tờ El Pais có trụ sở tại Madrid, các vị phụ tá của Vatican đã phẫn nộ vì sự phản bội này và đe dọa sẽ hủy bỏ chuyến đi. Vị Giáo Hoàng Ba Lan, về phần mình, chắc chắn là không ngạc nhiên. Từ lâu, ngài đã đối phó với các trò còn tồi tệ hơn nhiều từ những người cộng sản ở quê hương Ba Lan. Ngài chắc chắn cũng không ngạc nhiên khi các quan chức Cuba cười ngượng nghịu giải thích rằng cái microphone ấy là một phần còn sót lại không được ai lưu ý từ thời đại Batista mà các cuộc kiểm tra của họ trước đó đã không phát hiện ra.
Lối hành xử như thế là hình thức hoạt động tiêu chuẩn của một chế độ cộng sản.
Tôi đã nghĩ đến biến cố này trước những báo cáo liên quan đến các hoạt động gián điệp của Trung Quốc chống lại Vatican dưới thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
“Tòa Thánh Vatican Được Tường Trình Bị Xâm Nhập Bởi Điện Tặc Từ Trung Quốc Trước Các Cuộc Đàm Phán Với Bắc Kinh, ” đó là hàng tít lớn trên tờ New York Times, lặp lại những gì được tường thuật trên những tờ báo khác. Thông tấn Công Giáo CNA đưa tin:
“Các tin tặc được nhà nước bảo trợ được báo cáo đã nhắm vào các mạng máy tính của Vatican nhằm cố gắng tạo cho Trung Quốc một lợi thế trong các cuộc đàm phán trong việc gia hạn một thỏa thuận tạm thời với Tòa Thánh.”
“Một báo cáo, được công bố ngày 28 tháng 7, nói rằng tin tặc có thể đã sử dụng một thông điệp giả mạo lời chia buồn của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, để đoạt được quyền truy cập vào hệ thống thông tin liên lạc Vatican.”
“Bản báo cáo này được biên soạn bởi nhóm Insikt, bộ phận nghiên cứu của công ty an ninh mạng Recorded Future có trụ sở tại Hoa Kỳ. Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã phát hiện ra ‘một chiến dịch tấn công mạng do một nhóm hoạt động gián điệp trên không gian mạng do nhà nước Trung Quốc bảo trợ’, mà họ gọi là RedDelta.”
Theo các nhà điều tra, bọn RedDelta bắt đầu nhắm mục tiêu đến Vatican và Giáo phận Công Giáo Hương Cảng vào đầu tháng Năm. Các mục tiêu Công Giáo khác bao gồm Phái bộ Nghiên cứu Trung Quốc tại Hương Cảng và Học Viện Giáo Hoàng về Truyền Giáo Hải Ngoại ở Ý. Những cuộc “xâm nhập mạng” này diễn ra trước các cuộc đàm phán nhạy cảm để gia hạn một “thỏa thuận tạm thời” giữa Tòa Thánh và Trung Quốc. Thỏa thuận gây tranh cãi này được ký sơ khởi vào năm 2018, và sẽ hết hạn vào tháng Chín.
Theo báo cáo của nhóm Insikt, sự xâm nhập đáng ngờ này sẽ cung cấp cho RedDelta cái nhìn sâu sắc quan trọng về quan điểm đàm phán của Tòa Thánh trước khi gia hạn thỏa thuận vào tháng 9 năm 2020. Hơn nữa, mục tiêu Phái bộ Nghiên cứu Trung Quốc và giáo phận Công Giáo Hương Cảng cũng có thể cung cấp “một nguồn tin tình báo có giá trị cho cả việc giám sát các mối quan hệ của giáo phận này với Vatican, cũng như quan điểm của giáo phận đối với phong trào dân chủ của Hương Cảng trong bối cảnh các cuộc biểu tình lan rộng và gần đây đã càn quét qua Hương Cảng vì luật an ninh quốc gia.”
Nếu những báo cáo này là chính xác – và không có lý do gì để nghi ngờ tính chính xác của chúng – thì chúng phải được xem là một lời cảnh tỉnh cho Vatican khi theo đuổi một chính sách tương tự như Ostpolitik đối với Trung Quốc cộng sản, giống như những gì vị tiền nhiệm của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, là Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, đã theo đuổi với Liên Sô vào những năm 1970. Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô và Vatican dưới triều đại ngài, những báo cáo này, nếu đúng, sẽ dạy cho họ thực tế phũ phàng về những người họ đang đối thoại ở Bắc Kinh.
Để có thể đối thoại nổi với Bắc Kinh, Vatican không nên chỉ coi đây là một bài học mà còn phải chống lại trò hai mặt của Bắc Kinh bằng lợi thế của mình. Trên thực tế, Vatican nên đọc lại một trang từ chuyến đi của Đức Gioan Phaolô II tới Cuba vào năm 1998, là điều tôi muốn đề cập đến trong phần còn lại của câu chuyện liên quan đến chiếc microphone bí mật được tìm thấy trong ngôi nhà giáo xứ ở Havana vào tháng 10 năm 1997.
Theo các báo cáo từ tháng Giêng năm 1998, Fidel Castro – là người, bất kể vì những lý do gì, rất mong mỏi chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II tới đảo quốc của ông ta – đã tìm cách xoa dịu các vị phụ tá đang tức giận của Vatican bằng cách tuyên bố Ngày Giáng sinh là một ngày lễ quốc gia ở Cuba vào năm đó. Cho đến lúc đó, Giáng sinh đã bị cấm ở Cuba. Sau đó, ngày lễ này đã được công nhận và thậm chí còn được cử mừng long trọng. Người ta nghi ngờ rằng Fidel thực hiện động thái này dưới áp lực từ Vatican của Đức Gioan Phaolô II, khi vị Giáo Hoàng Ba Lan sắc sảo đã đẩy nhà độc tài Cuba đi theo chiều hướng đó. Đức Karol Wojtyla đã rất thành thạo trong các thao tác như thế với các quan chức cộng sản trong biết bao những trận chiến với chúng ở Krakow trong những năm 1960.
Theo sử sách, Vatican dưới thời Đức Gioan Phaolô II đã thúc đẩy việc mừng lễ Giáng sinh vào năm đó. George Weigel, trong tiểu sử kinh điển của mình, Chứng Nhân Hy Vọng, ghi nhận rằng phát ngôn viên Vatican là Tiến Sĩ Joaquin Navarro-Valls cho biết câu chuyện tháng Mười này đã được dùng để đẩy Castro tới mức đó, bất kể tên bạo chúa phản đối rằng sẽ rất khó để ăn mừng Giáng sinh năm ấy “vì thời gian ấy đang giữa mùa thu hoạch mía”.
Một cái gì đó đã thúc đẩy hắn ta phải nhượng bộ. Theo El Pais, hắn ta đã rúng động khi các quan chức Vatican bày tỏ sự phẫn nộ về chiếc microphone bí mật, và quyết liệt đe dọa sẽ hủy chuyến đi. Vatican đã tung một quả bóng rất cứng về ngoại giao.
Điều quan trọng ta phải hiểu là Đức Gioan Phaolô II cũng mong muốn đến Cuba như Fidel và người Cuba muốn ngài đến đó. Ngài thực tâm không muốn gây phương hại cho chuyến đi. Tuy nhiên, một nhà đàm phán giỏi phải biết nắm bắt một lá bài thương lượng khi nó rơi xuống trước mặt mình.
Và điều đó đưa tôi trở lại với sự lãnh đạo của cộng sản Trung Quốc và Đức Thánh Cha Phanxicô ngày hôm nay.
Tòa Thánh dưới thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô nên tận dụng tình huống này để có được sự nhượng bộ nào đó từ các quan chức cộng sản nhằm mang lại lợi ích cho các Kitô hữu ở Trung Quốc và Hương Cảng. Mặc cả là nhằm thương lượng.
Vatican không nên cho phép bản thân mình bị người Trung Quốc cộng sản chơi hết lần này đến lần khác. Những lo ngại về sự ngây thơ của Vatican đối với Trung Quốc đã tồn tại và những báo cáo mới nhất này chỉ đơn thuần làm tăng thêm những nỗi sợ hãi đó. Người Trung Quốc đã phản bội lòng tin của Tòa thánh. Đức Thánh Cha Phanxicô và Vatican không thể để cho Bắc Kinh đối xử với mình như những người khờ khạo.
Tiến Sĩ Paul Kengor là giáo sư khoa học chính trị tại Grove City College ở Grove City, Pennsylvania. Các tác phẩm nổi bật của ông bao gồm cuốn A Pope and a President, The Divine Plan – Một vị Giáo hoàng và một Tổng thống, Kế hoạch của Thiên Chúa, và cuốn The Politically Incorrect Guide to Communism – Sự Hướng Dẫn Lầm Lạc Về Chính Trị Dẫn Đến Chủ Nghĩa Cộng Sản.
Source:National Catholic RegisterThe Vatican and China: Lessons From John Paul II and Cuba
Views: 0