Giáo hội hoàn vũ

Vài Suy Nghĩ Về Công Nghị Các Giám Mục Thế Giới sắp tới

Viết từ Đức:

Vài Suy Nghĩ Về Công Nghị Các Giám Mục Thế Giới sắp tới

Phạm Hồng Lam

 

Ngày 20 tháng Sáu vừa qua, Vatican đã phổ biến Tài Liệu Làm Việc cho cuộc công nghị thế giới bước I. được dự trù vào tháng Mười năm 2023. Tháng Mười năm 2024 Công Nghị lại tái nhóm, để đúc kết và biểu quyết theo đa số hai phần ba, sau đó chuyển kết quả cho giáo tông quyết định.

Điều mới mẻ trong Công Nghị lần này là sự có mặt và quyền biểu quyết của đông đảo những tham dự viên không phải là giám mục. Trong số gần 380 tham dự viên chính thức có 275 giám mục, khoảng 50 linh mục và tu sĩ, 45 giáo dân nam nữ; ngoài ra còn có 8 vị khách quan sát viên, cũng như 75 giáo dân nam nữ được mời với tính cách “chuyên viên / cố vấn”. Thành phần quan sát viên và chuyên viên không có quyền biểu quyết. Các tham dự viên chính thức một số do giáo hội địa phương đề cử và một số được chính giáo tông mời. Đây cũng là một cách để tạo thăng bằng quan điểm trong nghị hội.

Chẳng hạn, để cân bằng quan điểm tương đối “tiến bộ” của Đức (ba tham dự viên được đề cử: gm Bätzing, chủ tịch HĐGM Đức; gm. Meier thuộc gp. Augsburg; gm. Overbeck thuộc gp. Essen) giáo tông Phan-sinh đã mời thêm bốn vị “bảo thủ” từ Đức: giáo trụ G.L. Müller, cựu trưởng Bộ Đức Tin, giám mục S. Oster (gp. Passau), giám mục F. Genn (Münster). Hay để cân bằng tiếng nói “bảo thủ” của Mĩ, giáo tông Phan-sinh mời thêm W. Gregory, R. McElroy, B. Cupich, J. Tobin, S.O´Malley, P. Etienne, vốn là những người có quan điểm gần với Giáo Tông; ngoài ra linh mục J. Martin, một người hậu thuẫn LGBTQ và do đó được dân công giáo Mĩ xếp vào loại “rối đạo”, cũng được mời tham dự Công Nghị.

Công Nghị thế giới sắp tới đây, tuy mang tên “Công Nghị Giám Mục”, nhưng xem ra đang dần đi tới một “Công Nghị Dân Chúa”, vì trong đó lần đầu tiên có sự hiện diện chính thức của các thành phần không phải giám mục và họ có quyền biểu quyết. Điểm này là một cuộc cách mạng của Giáo Hội công giáo, sau cuộc cách mạng cũng “long trời lở đất” không kém: sự có mặt của nữ giới trong bộ máy hành chánh quản trị gần như ở mọi cấp trong Giáo Hội. Nhờ ơn Phan-sinh.

Trong tông hiến Loan Báo Tin Mừng giáo tông Phan-sinh chỉ nói tới “Văn Phòng Công Nghị” (Sekretariat der Synode), chứ không dùng từ “Công Nghị Giám Mục” (Bischofssynodale), là vì, thật ra, Công Nghị Giám Mục tháng Mười 2023 và 2024 cũng chỉ là một giai đoạn, một phần trong cuộc Công Nghị chung của dân Chúa đã mở ra từ hai năm nay.

Nhiệm vụ khó khăn của Giáo Tông

Một nhiệm vụ lớn của Phan-sinh là thực hiện việc cải tổ Giáo Hội; một công tác rất khó khăn, vì xưa nay Vatican luôn dị ứng với những gì mới, trước những đổi thay. Với tông hiến Loan Báo Tin Mừng, ngài đã đặt được nền móng khởi đầu cho cuộc cải tổ cơ cấu. Giờ đây là việc cải tổ nội dung.

Phan-sinh muốn đưa Giáo Hội trở về với tinh thần công nghị (Synodalität) của Giáo Hội thủa ban đầu. Thời đó, mọi quyết định quan trọng đều có sự trao đổi rộng rãi của các thành phần trong cộng đoàn dân Chúa. Dù quyết định của các tông đồ rốt cuộc vẫn là chung quyết, nhưng mọi diễn tiến đều minh bạch và qua đối thoại. Tinh thần này sau đó đã mất, khi Giáo Hội mặc lấy mô thức vương quyền của chế độ quân chủ đang hình thành với sự tập trung quyền hành tuyệt đối, thần thánh hoá giáo sĩ, chạy theo hình thức xa hoa hào nhoáng.

Trở về với tinh thần công nghị. Như vậy, một Giáo Hội Công Nghị sẽ phải như thế nào? Theo quan điểm từ các cộng đồng dân Chúa, được tổng kết trong Tài Liệu Làm Việc, thì một “Giáo Hội công nghị được xây dựng trên việc công nhận tất cả những ai đã lãnh nhận phẩm giá phép Rửa đều là thành viên trong một gia đình và như vậy đều là anh chị em trong Chúa Kitô, cùng được đổ đầy bởi một thần khí và cùng được sai đi trong một sứ mạng chung” (số 20).

Nói cách khác, Giáo Hội này phải mang ít ra ba yếu tính: cộng đoàn, tham gia và sứ vụ. Nó phải là một cộng đoàn anh chị em, trong đó có sự tham gia rộng rãi của mọi giới và cùng chia sẻ nhau một sứ vụ truyền giáo. Đấy cũng là ba yếu tố mà giáo tông Phan-sinh đã đề ra trong tiêu đề mà cũng là chủ đề của lần Công Nghị dân Chúa từ hai năm nay: Tiến Tới Một Giáo Hội Công Nghị: Cộng Đoàn, Tham Gia Và Sứ Vụ.

Tài Liệu Làm Việc còn quảng diễn thêm về một số đặc tính chứa đựng trong tính công nghị. Theo đó, một Giáo Hội công nghị phải là nơi của gặp gỡ và đối thoại. Gặp gỡ và đối thoại giữa mình với mình. Trong gặp gỡ đối thoại này, chúng ta không sợ trước những nét đa dạng của nhau, biết chấp nhận những khác biệt, nhưng không nhất thiết phải trở nên đồng dạng với nhau. Gặp gỡ và đối thoại với bên ngoài, qua đó chúng ta học cách đối phó với những căng thẳng, để cùng đi với đời, nhưng không để bị cuốn hút theo đời.

Giáo Hội công giáo xưa nay vẫn tự coi mình là đỉnh cao nhân bản, là ngọn Thái Sơn đạo đức, là kẻ duy nhất nắm giữ chân lí. Từ đó coi thường và loại trừ kẻ khác. Nhưng bên cạnh những cái hay cái đẹp, rõ ràng Giáo Hội này cũng không thiếu những mảng tối. Cụ thể là tội ác lạm dụng tình dục đáng xấu hổ ngày nay của giáo sĩ đã đánh thêm một đòn chí tử vào sự khả tín của Giáo Hội. Ở đây cũng cần nói thêm về quan niệm chân lí. Thiên Chúa Giáo coi tôn giáo là kẻ nắm giữ chân lí; mà chân lí vốn chỉ có một, nên mọi chân lí khác phải bị loại trừ. Đấy là một lối nghĩ thuần tây phương. Trong lúc đó, đông phương không quan niệm như vậy. Họ coi Đạo chỉ là một con đường; tìm Đạo là tìm cho mình một con đường sống phù hợp cho sự thăng tiến bản thân. Thành ra Thiên Chúa Giáo nói chung và Kitô Giáo nói riêng khó đặt chân được trong các vùng đất á châu.

Hệ quả của gặp gỡ và đối thoạimở ra, mời gọi và đón nhận mọi người. Trong nội bộ, chúng ta mở ra, chấp nhận nhau, để từ cái “Tôi” tiến đến cái “Chúng Ta”. Cái Tôi của một tín hữu trong cộng đoàn, của một quốc gia, của một châu lục đi tới cái Chúng Ta của một giáo xứ, của một giáo hội địa phương, của một Giáo Hội hoàn vũ. Điểm này đặt ra một nghi vấn: Tại sao Giáo Hội dễ dàng mở ra và cổ xuý chung sống với những chế độ phi nhân và những lãnh tụ chính trị độc tài vô đạo đức, trong khi lại miệt thị và loại trừ những thành phần thấp cổ bé miệng như li dị tái hôn, đồng tính, lưỡng tính…?

Và điều kiện của gặp gỡ đối thoạibiết khiêm tốn lắng nghe. Giáo sĩ biết khiêm tốn lắng nghe giáo dân và ngược lại, Ki tô hữu biết lắng nghe thế giới, để qua đó nhận ra các dấu chỉ của thời đại.

Rào cản của tính công nghị

Nhưng làm sao có thể gặp gỡ, đối thoại và lắng nghe, nghĩa là làm sao có được tính công nghị, khi Giáo Hội công giáo vốn tổ chức theo mô hình kim tự tháp, mang tính quân chủ chuyên chế, mà đỉnh quyền lực là những linh mục (cấp giáo xứ), giám mục (giáo phận) và giáo tông (hoàn vũ)?

Công đồng Vaticano II. đã nhận ra điểm này, và đã cố gắng giải quyết nó bằng cách lật ngược mô hình tổ chức của Giáo Hội: đưa đáy của kim tự tháp, nghĩa là đưa  “Dân Thiên Chúa”, lên trên và coi đó là nền tảng. Nhưng đấy cũng chỉ là lí thuyết. Từ lí thuyết tới thực hành vẫn còn vời vợi.

Tuy nhiên về mặt thực tế, Công Đồng đã đặt ra “nguyên tắc đồng nghiệp” (Kollegialprinzip) để gián tiếp giới hạn quyền hành của giáo tông: Giáo tông là vị lãnh đạo tối cao, nhưng cũng là một giám mục giữa các giám mục; vì thế ngài cần sự bàn hỏi, góp ý của các anh em giám mục trong việc lấy những quyết định quan trọng liên quan tới Giáo Hội.

Từ đó định chế “Công Nghị Giám Mục Thế Giới” ra đời. Khi giáo tông Phao lô VI. lập ra định chế này vào năm 1965, chủ tâm của ngài là tạo một phương tiện để các giám mục có cơ hội làm việc chung và xây dựng tình liên đới với nhau, như mô hình vốn có trong Giáo Hội chính thống; và có lẽ ngài cũng nghĩ rằng, cơ chế này rồi đây có thể thay thế định chế Công Đồng chung, bởi vì trong tương lai sẽ rất khó tổ chức được những cuộc họp với lượng tham dự viên đông như thế.

Và Phan-sinh đã tạo sinh động cho định chế này, bằng cách một mặt mở ra không gian tự do và khuyến khích các giám mục nói thẳng nói thật quan điểm của mình trong các cuộc thảo luận. và mặt khác giờ đây mở rộng nó ra cho các thành phần dân Chúa khác, trong đó đặc biệt có các giáo dân nam nữ. Đây mới chỉ là bước đầu. Hãy còn rất dè dặt, nhưng hi vọng nó sẽ là lẽ đương nhiên trong Giáo Hội. Một Giáo Hội được định nghĩa là “Dân Thiên Chúa”, là “của tất cả những ai đã lãnh nhận phẩm giá phép rửa” không thể chỉ có các giám mục mà thôi. Không thể vừa là “của nhân dân” lại vừa loại nhân dân. Một Giáo Hội mang tính công nghị không thể chỉ có Công Nghị Các Giám Mục, mà còn phải có Công Nghị của toàn Dân Chúa. Dân Chúa ở cấp giáo xứ, ở cấp giáo phận, ở cấp Giáo Hội hoàn vũ. Vaticano II. đã “tái khám phá” ra sự hiện diện của thành phần Giáo Dân trong Giáo Hội. Từ lúc phát hiện cho tới lúc tiếng nói của họ được lắng nghe đôi chút phải mất hơn nửa thế kỉ!

Đó là ở cấp hoàn vũ: Có Công Nghị Giám Mục để giúp giáo tông tìm chọn quyết định và hạn chế khả thể sai lầm. Còn ở cấp giáo phận và giáo xứ, có định chế nào để giúp các giám mục, linh mục và để hạn chế khả thể lạm dụng và thao túng quyền hành? Người ta sẽ bảo, giáo phận thì đã có Hội Đồng Các Linh MụcHội Đồng Giáo Phận, giáo xứ thì đã có Hội Đồng Giáo Xứ! Đây là những định chế đóng vai trò “cố vấn” cho giám mục giáo phận và linh mục quản xứ. Trên thực tế, đấy cũng chỉ là những bộ phận “giúp việc”, chứ không phải “cộng tác viên”. Tiếng nói của những định chế này nhiều khi chẳng được quan tâm, vì, theo giáo luật hiện hành, nó chẳng có tính cưỡng buộc đối với giám mục và linh mục. Cũng vì thế, ngay nơi các cộng đoàn tín hữu có í thức cao như ở Âu châu, trong đó đa phần các giáo sĩ và giáo dân vốn nhận thức rõ vai trò của mình, sinh hoạt của rất nhiều Hội Đồng Giáo XứHội Đồng Giáo Phận diễn ra như cảnh chợ chiều; người ta chán nản vì sự dấn thân lắm khi vô ích và vô nghĩa của mình. Bàn thảo cho đã, rốt cuộc linh mục chánh sở, giám mục giáo phận thích thì nghe, không thì bỏ. Vậy, đâu là những tiêu chuẩn cụ thể, mà các giám mục giáo phận và các linh mục quản xứ phải theo, khi làm quyết định? Người ta hi vọng công nghị lần này sẽ giải quyết mảng tối này, vì đây là đầu mối của bệnh giáo sĩ trị, một căn bệnh mà giáo tông Phan-sinh muốn loại trừ và nó đã gây ra bao nhiêu thiệt hại cho Giáo Hội.

Nhiệm vụ của lần Công Nghị sắp tới

Giáo tông Phan-sinh đã đề ra những công nghị chuyên đề đi gần với thực tế cuộc sống, như công nghị về giới trẻ, công nghị về gia đình, công nghị về Amazona. Nhưng nội dung của những lần công nghị này ít nhiều vẫn mang tính cách đóng, nghĩa là các nghị viên vẫn chỉ đi theo một hướng đã được vạch sẵn. Công nghị lần này khác hẳn. Tài Liệu Làm Việc nêu ra những câu hỏi mở. Còn trả lời ra sao, hướng thảo luận sẽ về đâu, đâu sẽ là những điểm đồng thuận trong những cải tổ? chẳng ai biết trước được. Có thể cuộc luận bàn do đó sẽ có nhiều cọ xát và tiến trình đi tới đồng thuận sẽ khó khăn. Vì vậy Giáo Tông đã để Công Nghị họp hai lần năm 2023 và 2024.

Ba câu hỏi ưu tiên đặt ra trong Tài Liệu Làm Việc:

  1. Một cộng đoàn sáng toả: Chúng ta còn có thể làm gì nhiều hơn, để trở nên dấu chỉ và dụng cụ kết hợp với Chúa và với toàn thể nhân loại?
  2. Trách nhiệm chung trong sứ mạng truyền giáo: Làm sao chúng ta có thể chia sẻ với nhau các khả năng và bổn phận phục vụ Tin Mừng cách tốt hơn?
  3. Sự tham gia, các nhiệm vụ lãnh đạo và quyền uy: Đâu là những tiến trình, cấu trúc và định chế có thể có trong một Giáo Hội công nghị nhắm tới sứ mạng rao giảng?

 Ba câu hỏi tương đối rộng và mơ hồ này, mỗi câu được cụ thể hoá bằng 5 Văn Bản Làm Việc, trong đó kê ra những chi tiết cụ thể liên quan tới nội dung thảo luận và cầu nguyện, đồng thời cũng tóm tắt những biện pháp đề nghị đúc kết từ các báo cáo khắp các châu lục, tổ chức và hội dòng gởi về trước đây, để các nghị viên dựa vào đó làm việc.

Xưa nay các Tài Liệu Làm Việc trong các Công Nghị thường là những bản văn cao siêu nặng chất thần học ít ai đọc hiểu. Nhưng Tài Liệu Làm Việc (70 trang) của lần Công Nghị này là một bản văn khá bình dị, mang tính chung chung ít có sự chính xác về thần học, gồm nhiều câu hỏi mở ngỏ hơn là trả lời. Nó dễ đọc và rất ích lợi cho các hội đoàn, các nhóm giáo dân hoặc giáo sĩ dùng làm tài liệu thảo luận học hỏi. Bản văn đã được dịch ra các ngôn ngữ chính của thế giới, chưa thấy bản dịch tiếng Việt trên trang thông tin của  HĐGM Việt Nam.

Augsburg, 16.07.2023.

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.