Đặng Tự Do
Vietcatholic.net, 07/Jun/2020
Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo. 25 cuốn sách của ông bao gồm cuốn tiểu sử hai tập về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Chứng Nhân Hy Vọng, là cuốn sách bán chạy nhất của New York Times đã dịch sang 14 ngôn ngữ.
Người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vừa có bài nhận định về sự đàn áp của cộng sản Trung Quốc đối với người Công Giáo tại Hoa Lục và những người đấu tranh cho dân chủ tại Hương Cảng. Ông lo ngại rằng nếu Tòa Thánh yên lặng trước những bách hại này trong cố gắng làm hài lòng Tập Cận Bình, việc truyền giáo của Giáo Hội trong một đất nước Trung Quốc hậu cộng sản sẽ rất khó khăn.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
The Vatican’s Choice: Jimmy Lai or Xi Jinping?
George Weigel
Lựa chọn của Vatican: Jimmy Lai hay Tập Cận Bình?
Vào giữa tháng Năm, đại đế Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiết lộ kế hoạch phớt lờ cơ quan lập pháp Hương Cảng và áp đặt “luật an ninh quốc gia mới” đối với thuộc địa cũ này của Anh. Trên danh nghĩa, luật an ninh mới của Trung Quốc là nhằm bảo vệ Hương Cảng khỏi “những kẻ ly khai”, “những kẻ khủng bố”, và “ảnh hưởng của nước ngoài”. Tuy nhiên, những biện pháp mới này trên thực tế được thiết kế để kiềm chế những người nam nữ dũng cảm trong phong trào dân chủ sôi nổi ở Hương Cảng, những người đã phải gánh chịu ngày càng thê thảm những chính sách độc tài của Bắc Kinh trong một thời gian dài. Với một thế giới đang bị phân tâm bởi virus Vũ Hán – là dịch bệnh đã lây lan khắp thế giới vì sự vụng về và xảo trá của bọn cầm quyền Trung Quốc – chế độ Tập Cận Bình ngày càng tàn bạo rõ ràng nghĩ rằng đây là thời điểm thích hợp để đàn áp những người dân Hương Cảng còn trân trọng tự do và cố gắng bảo vệ nó.
Màn trình diễn mới nhất này về ý định của Bắc Kinh, nhằm thực thi quyền lực cộng sản ở Hương Cảng trùng với cuộc đàn áp gần đây nhất người bạn tôi, là Jimmy Lai.
Jimmy và tôi chỉ mới gặp nhau một lần. Nhưng từ lâu tôi đã cảm thấy có mối quan hệ họ hàng với người Công Giáo này, một người cải đạo, là người trước hết đã đặt khối tài sản đáng kể của mình vào việc hỗ trợ các hoạt động quan trọng của Công Giáo và hiện đang mạo hiểm mọi sự để ủng hộ phong trào dân chủ ở Hương Cảng. Bị bắt vào tháng Hai, và một lần nữa vào tháng Tư, Jimmy Lai đã bị buộc tội giúp tổ chức và lãnh đạo các cuộc biểu tình trái phép. Việc anh ta đứng trong hàng ngũ tiên phong biểu tình ủng hộ dân chủ là đúng. Nhưng vấn đề là, tại sao những người cộng sản Trung Quốc lại coi các cuộc biểu tình ôn hòa ủng hộ các quyền tự do mà Bắc Kinh long trọng hứa hẹn bảo vệ là phản quốc?
Vào cuối tháng 5, những kẻ côn đồ ở Bắc Kinh đã tung ra một loạt các vụ đàn áp khác: vụ án của Jimmy Lai đã được chuyển đến một tòa án có thể đưa ra án tù 5 năm cho người đàn ông 72 tuổi này, hoặc thậm chí là một loạt các bản án liên tiếp. Chúng ta chẳng thể mong đợi điều gì khác hơn từ một chế độ đã cố gắng phá sản tờ báo dân chủ của Jimmy, là tờ Apple Daily, bằng cách gây áp lực cho cả các công ty Trung Quốc lẫn các công ty quốc tế không được quảng cáo trên tờ báo đó. Thật đáng xấu hổ, quá nhiều người đã phải cúi đầu trước những áp lực đó, và một bài báo gần đây của Wall Street Journal đã đưa ra một phúc trình rằng Apple Daily hiện đã bị cắt khỏi 65% thị trường quảng cáo Hương Cảng. Bắc Kinh, một mặt cố gắng trấn an cộng đồng các doanh nhân rằng mọi thứ sẽ ổn, mặt khác lại cảnh báo các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, cũng như các nhà ngoại giao và các nhà báo, không được “tham gia vào lực lượng chống Trung Quốc trong việc chê bai hay bôi nhọ” luật an ninh quốc gia mới.
Chế độ Tập Cận Bình muốn thế giới nghĩ rằng chúng là một chế độ rất ổn định, nhưng thực tế có lẽ không phải như thế. Một chế độ vững như bàn thạch không cần phải tăng cường sự đàn áp, như Bắc Kinh đã làm trong vài năm nay. Hơn nữa, việc chụp mũ tất cả những lời chỉ trích Tập Cận Bình là chống Trung Quốc cho thấy đó không phải là một chế độ tự tin về tính hợp pháp và ổn định của nó. Những chiến thuật như thế có vẻ vụng về; chúng cho thấy sự lo lắng đến mức đổ mồ hôi hột, chứ không phải là một sự bình tĩnh tự tin.
Nỗ lực phá vỡ phong trào dân chủ Hương Cảng là một khía cạnh trong một chiến dịch đàn áp rộng lớn bao gồm cả các cộng đồng tôn giáo Trung Quốc tại Hoa Lục. Một triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ vẫn còn ở trong các trại tập trung ở Tân Cương, nơi họ đang được cải tạo. Nhà thờ Tin lành đang bị đe dọa liên tục. Và các biện pháp đàn áp tiếp tục được thực hiện đối với người Công Giáo và các nhà thờ của họ, bất chấp thỏa thuận gần hai năm – và vẫn còn bí mật – giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh. Thỏa thuận đó, đã cho đảng cộng sản Trung Quốc đóng vai trò lãnh đạo trong việc đề cử các giám mục. Đó là một thỏa thuận mà Vatican đã từ bỏ rất nhiều để đổi lấy những lời hứa hẹn suông. Những người Công Giáo Trung Quốc không theo đường lối do đảng cộng sản Trung Quốc vạch ra vẫn bị đàn áp. Những ảnh hưởng của mối giao hảo đáng tiếc này đối với sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội trong một đất nước Trung Quốc tương lai, hy vọng là một Trung Quốc hậu cộng sản, không cho thấy một dấu hiệu tích cực nào.
Trên khắp thế giới, những tiếng nói đã được gióng lên để ủng hộ những người biểu tình dân chủ dũng cảm ở Hương Cảng. Có ai nghe được tiếng nói của Tòa Thánh chưa? Tôi và nhiều người khác chẳng hề nghe thấy. Phải chăng những tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ tự do tôn giáo và các quyền cơ bản khác của con người đang được thực hiện bởi các quan chức Vatican trong hậu trường ở Bắc Kinh và Rôma? Người ta có thể hy vọng như vậy. Nhưng nếu chính sách hiện tại của Tòa Thánh về Trung Quốc là một sự tái hiện của chính sách Ostpolitik thất bại ở trung và đông Âu trong những năm 1970, thì có nhiều khả năng những quan chức đó đang thờ ơ và hoàn toàn không có hiệu quả.
Với một trong những con cái Công Giáo can đảm nhất hiện đang bị giam cầm và đối mặt với những gì có thể đe dọa đến tính mạng, Vatican giờ đây phải đối diện với một lựa chọn rõ ràng: Jimmy Lai hay Tập Cận Bình?
Source:The First ThingsThe Vatican’s Choice: Jimmy Lai or Xi Jinping?
Views: 0