Vũ Văn An
Vietcatholic.net, 06/Feb/2020
Cộng đồng Sant’Egidio là một hiệp hội giáo dân Công Giáo chuyên lo dịch vụ xã hội, được thành lập năm 1968, dưới sự lãnh đạo của Andrea Riccardi.
Theo từ điển mở Wikipedia, Nhóm này phát triển nhanh và năm 1973, được cấp trụ sở là đan viện Cátminh cũ và Nhà Thờ Sant’Egidio ở Rôma. Năm 1986, nó được Tòa Thánh công nhận là một hiệp hội quốc tế của các tín hữu. Hoạt động của nó bao gồm cùng nhau cầu nguyện mỗi tối tại nhà thờ như một trợ lực cho việc phục vụ người túng thiếu trong mọi lãnh vực: “người cao niên cô đơn và không tự lực được, di dân và người vô gia cư, người bệnh giai đoạn cuối và các bệnh nhân HIV/AIDS, trẻ em có nguy cơ lầm đường và bị hắt hủi, các người du mục và khuyết tật về thể lý và tinh thần, người ghiền ma túy, nạn nhân chiến tranh, và các tù nhân”. Cộng đồng cũng nổi tiếng trong lãnh vực thương thuyết hòa bình, giải quyết đại dịch AIDS tại Châu Phi và phản đối án tử hình. Phương thức của nó là đại kết trong mọi việc làm.
Riêng trong lãnh vực kiến tạo hòa bình, Cộng đồng đã tham dự nhiều cuộc thương thuyết thành công: tại Albania năm 1987 trong các cuộc bầu cử; tại Mozambique các năm 1989-1992 đưa đến hiệp ước hòa bình; tại Algeria năm 1995, hợp nhất các nhóm chính trị; tại Guatemala năm 1996, trung gian giải quyết nội chiến; tại Kosovo trong các năm 1996-1998, thương thuyết với Serbia; tại Congo năm 1999, đối thoại toàn quốc; tại Burundi trong các năm 1997-2000 đưa đến hiệp ước hòa bình. Nổi tiếng nhất là làm trung gian đưa đến Hiệp Ước Hòa Bình cho Mozambique ngày 4 tháng 10 năm 1992, chấm dứt 6 năm nội chiến tại nước này, khiến tờ Washington Post ca ngợi Cộng đồng là “một trong các nhóm giải quyết tranh chấp gây ảnh hưởng hơn hết trên thế giới”.
Không lạ gì, Cộng đồng nhanh chóng phát triển trên toàn thế giới. Hiện nay, Cộng đồng này có mặt tại 73 quốc gia, nhiều nhất ở Châu Phi (29) và thứ nhì là Âu Châu (23), với tổng số hội viên lên đến 50.000 người năm 2006.
Theo lịch sử, Riccardi, lúc còn là 1 thiếu niên, tụ họp một nhóm học sinh tại Trung Học Virgil ở Rôma và thành lập ở đó cộng đồng Tông Đồ Công Vụ và Thánh Phanxicô Assisi. Khởi đầu, cộng đồng này chuyên dạy trẻ em nghèo sống tại các khu ổ chuột Rôma. Rồi Trường Bình Dân được thành lập, nay gọi là Trường Hòa Bình, có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Thập niên 1990, Xứ Sở Cầu Vồng ra đời, một phong trào dành cho thiếu nhi và người trẻ học biết tôn trọng người khác và thiên nhiên. Nó có thể dẫn tới cam kết sống trọn dời trong Cộng Đồng. Ngoài ra, vụ sát hại một người tị nạn Nam Phi năm 1989 đã thúc đẩy lập ra sáng kiến gọi là Người Của Hòa Bình chủ yếu giúp đỡ các di dân nhưng cũng bao gồm cả người nghèo và người cao niên.
Không ai không lưu ý việc Đức Đương Kim Giáo Hoàng đánh giá cao Cộng đồng này khi, năm 2019, ngài bổ nhiệm Mateo Bruni, một hội viên nổi tiếng của Cộng Đồng, làm Giám đốc Phòng Báo Chí của Tòa Thánh. Và cùng năm ấy, ngài nâng lên hàng Hồng Y Đức Tổng Giám Mục Matteo Zuppi của Bologna, một hội viên chủ chốt của cộng đồng trong các cuộc thương thảo hòa bình trong nội chiến Mozambique đầu thập niên 1992.
Điều đáng lưu ý là nhân dịp ấy, có tin đồn Đức Phanxicô sẽ ban tước Hồng Y cho Andrea Riccardi, người sáng lập ra Cộng đồng, dù ông chỉ là một tín hữu giáo dân. Paolo Gambi của tờ Catholic Herald của Anh, khi thuật lại tin đồn này, cho hay đây là “một dấu chỉ lòng qúy mến cao độ Vatican dành cho ông”. Ông vốn là một giáo sư sử học trong nhiều thập niên, từng giữ chức quốc vụ khanh về hợp tác quốc tế trong chính phủ Monti của Ý trong các năm 2011-2013.
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 23 tháng Giêng năm nay, Riccardi cho Gambi biết nhận định của ông về một số vấn đề thời sự trong Giáo Hội Công Giáo thời Đức Phanxicô.
Được hỏi điều gì đang diễn ra trong Giáo Hội Công Giáo, ông cho rằng hiện đang có sự ngạc nhiên nơi người Công Giáo. Thật ra thì đây là sự ngạc nhiên chung của người ta trước hiện tượng hoàn cầu hóa với các mới mẻ của truyền thông, nối kết, “con người kỹ thuật số”, di dân và nhất là bất trắc. “Thế giới không còn trật tự của quá khứ nữa”.
Được hỏi liệu các ý thức hệ thế tục có đã du nhập vào Giáo Hội hay không, ông bảo chúng đã thẩm thấu mạnh mẽ vào thế giới Công Giáo kể từ sau Thế Chiến II cho tới năm 1989, với chủ nghĩa Mácxít, phong trào duy xã hội ở Châu Mỹ Latinh, Châu Âu, và Châu Phi. Nhưng có thế nào chúng đã tìm được nơi ẩn náu trong Giáo Hội chưa, thì ông bảo chưa. Ông nghĩ chỉ vì tâm trí chúng ta quá thiên về ý thức hệ nên đã “đọc các sự việc diễn ra trong Giáo Hội như thể có liên quan tới ý thức hệ dù chúng không phải thế”.
Ông đơn cử trường hợp chọn người nghèo của Đức Phanxicô: chúng ta thấy mình ở trong luồng suy tư vĩ đại Kitô giáo, lấy người nghèo làm trung tâm; luồng tư duy này khởi đi từ Tin Mừng Mátthêu. Ông tin rằng đạo Công Giáo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang đi tìm một cách khó khăn nhưng đầy sáng tạo một tổng hợp mới mẻ, một viễn kiến mới mẻ trong đó mới liên kết với cũ. Điều không may, theo ông, là “chúng ta đang trong thời hiếm viễn kiến, nên nếu chỉ còn một cây đứng vững, thì sét phải đánh vào nó thôi”.
Đối với tai tiếng ấu dâm, ông cho đây là vấn đề hệ trọng, khiến giảm lòng tin vào hàng giáo sĩ, làm yếu hàng giáo sĩ trong hoạt động của các ngài. Đây có lẽ là một yếu tố đàng sau việc từ chức của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, hoặc ít nhất đàng sau các khó khăn của triều giáo hoàng của ngài dù ngài đã giải quyết vấn đề này một cách rất chính xác từ lúc còn là bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin.
Được hỏi tri nhận về tai tiếng tài chánh, ông cho hay “quản trị tài chánh tồi”, thêm vào đó, các khó khăn trong việc vận hành của hệ thống Vatican, nên được nhìn trong khuôn khổ mới: Vatican đã thay đổi khá nhiều. “Nay là một tổ chức quốc tế và thường có ít từ vựng chung trong việc phán đoán tình hình. Có vấn đề truyền thông, vấn đề từ vựng. Giáo Hội là nhân loại. Trước đây, là một thế giới. Nay, có một sự phức tạp lớn lao. Có câu hỏi việc quản trị trung ương của Giáo Hội có nghĩa gì. Cuộc cải tổ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô mới chỉ bắt đầu, và tôi tin chúng ta phải làm cho Vatican chìm ngập trong Giáo Hội Rôma, Giáo Hội mà Đức Giáo Hoàng là Giám Mục. Vatican không phải là đại bản doanh Liên Hiệp Quốc ở New York”.
Ông cho rằng tuy cộng đồng quốc tế ý thức việc Giáo Hội Công Giáo gặp nhiều khó khăn và một số đang lợi dụng cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội, nhưng Tòa Thánh vẫn còn là một tham chiếu vững chãi, cụ thể là Đức Thánh Cha vẫn được người ta tìm kiếm và mời tới viếng thăm.
Còn về viễn ảnh ly giáo thì sao? Theo ông, rất có thể đang có thứ ly giáo thầm lặng nho nhỏ. Như các “Petites Églises” (Giáo Hội nho nhỏ) sau Cách Mạng Pháp, hay Người Công Giáo Cũ. Có lẽ phong trào của Đức Tổng Giám Mục Lefebre đáng lưu ý hơn vì họ là “cánh ngoài của một điều gì đó vẫn còn trong cơ thể Giáo Hội”.
Về những người Công Giáo có xu hướng bảo thủ, Riccardi nói ta đừng sợ. Lý do, “Trước nhất, người Công Giáo chúng ta luôn tin tưởng Đức Giáo Hoàng, bất kể ngài là ai. Có những vị Giáo Hoàng được chúng ta cảm nhận rất gần gũi với cảm quan của chúng ta, các vị khác ít gần gũi hơn. Nhưng vẻ đẹp của Đạo Công Giáo là “vặn cùng đài” (tune in) với Đức Giáo Hoàng. Điều này làm chúng ta vừa truyền thống vừa hiện đại hơn. Nếu không, liều mình chúng ta bị khô cứng (crystallized) mất. Tôi vốn kinh hoàng bởi những người cấp tiến trong quá khứ vốn bị khô cứng trong các lập trường của họ nhưng nay thấy mình thành người bảo thủ. Tôi nghĩ ta nên tin tưởng Đức Giáo Hoàng và cùng bước đi với ngài. Có thể có cảm tưởng hàm hồ trong Giáo Hội cả đối với quyền tự do tranh luận. Và đừng quên chúng ta đang sống trong kỷ nguyên truyền thông xã hội, chủ nghĩa chủ quan cao độ về truyền thông, vốn cũng là căn bệnh của người Công Giáo. Tôi nghĩ khuôn mặt vĩ đại Newman nói với chúng ta nhiều điều theo chiều hướng này: trung thành với Đức Giáo Hoàng, với truyền thống, trung thành với văn hóa Anh, và cũng trung thành với truyền thống Giáo Hội Anh. Ngài biết cách tạo ra một tổng hợp hiện nay vẫn đáng ca ngợi, một tổng hợp được đánh dấu bằng sự thánh thiện. Không phải thứ thánh thiện trên không khí, anh hùng, không thể thực hiện đối với chúng ta, các Kitô hữu khốn khổ tầm thường; nhưng là một sự thánh thiện kiểu Anh, nối kết với cuộc sống hằng ngày, với tính đương thời, với văn hóa”.
Về thánh lễ cũ mới, Riccardi cho hay: ông rước lễ lần đầu trong Thánh Lễ cũ, giúp Thánh Lễ cũ tại giáo xứ của ông, ông biết “vẻ đẹp của phụng vụ Latinh, sự long trọng của nó, khúc hát bình ca. Tôi không bác bỏ những điều này. Thế rồi, tôi trải nghiệm việc khám phá ra Thánh Lễ hậu Công Đồng của Đức Phaolô VI khi ngài du nhập nó, dù với những bất trắc của nó, các hạ giá của nó, nhưng một cách hân hoan vì được nghe chính ngôn ngữ của tôi vang lên. Tôi không sợ tính đa dạng của nghi lễ – Tại Ý, chúng tôi còn có Nghi Lễ Ambrôsiô và tôi không biết liệu có phải là một ý tưởng tốt hay không khi đức Piô IX bãi bỏ nghi lễ Pháp. Nhưng tính đa dạng của các nghi lễ đề cao sự hợp nhất của Giáo Hội. Nó không phải là con đường dẫn tới óc bè phái”.
Nhưng sao có lần ông nói đến “Đạo Công Giáo quốc gia”. Ông nói: đúng, “tại nhiều quốc gia… đang nổi lên đòi hỏi phải có “một đạo Công Giáo quốc gia”, nặng bản sắc quốc gia. Và ông nhận thấy điều này “lạ lùng vì nó xẩy ra tại các quốc gia rất duy tục, như ở Hung Gia Lợi, nhưng ở cả Ý, Tây Ban Nha hay Ba Tây. Đòi hỏi ‘Đạo Công Giáo Quốc Gia’ này nhắc tôi nhớ đến phong trào ‘Hành Động Pháp Quốc” của Charles Maurras, bị Đức Piô IX kết án là Công Giáo và duy quốc gia hơn, nhưng kém Kitô giáo và duy phổ quát hơn. Mọi vị Giáo Hoàng đều nhắc nhở chúng ta rằng Đạo Công Giáo có tính phổ quát và khuyên chúng ta chống lại cơn cám dỗ duy quốc gia vốn giam hãm Giáo Hội dù các ngài thừa nhận giá trị của quốc gia. Karol Wojtyła gần như đã viết cả một nền thần học về quốc gia, nhưng trong gia đình các quốc gia, ngài khuên quốc gia Ba Lan nên gia nhập Liên Hịệp Âu Châu dù các vị Giám Mục không muốn điều này. Đức Phanxicô không hẳn là người canh tân về chủ đề này… Đức Piô XII từng viết về chủ đề này trong tông hiến Exsul Familia năm 1952, nhưng triệt để hơn. Sử gia nhìn sự vật trong tính liên tục và nhiều lần, điều mới nhưng thực ra không mới như ta nghĩ, dù khoảnh khắc lịch sử có thay đổi”.
Tóm lại, ông nhận định “khi thấy thời hỗn mang của chúng ta, tôi nói rằng nếu Giáo Hội Công Giáo không hiện hữu, chúng ta phải phát minh ra nó! Nó đề cập tới hợp nhất, hoà bình. Nó đem lại cho chúng ta hòa bình trong thế giới đầy lo âu này”.
Views: 0