Giáo hội hoàn vũ

Giáo luật & Giáo Hoàng từ chức

Lê Thiên

Conggiaovietnam (17/9/2018)

Khủng hoảng “lạm dụng tình dục” trong Hội Thánh bùng nổ từ đầu thập niên 1980, trước nhất có lẽ là tại Hoa Kỳ. Từ đó đến nay, Giáo Hội liên tục chịu nhiều tai tiếng, nhiều thiệt hại cả tinh thần, danh thơm tiếng tốt cùng tài chánh, mất mát hàng tỉ Mỹ kim cho việc bồi thường. Chẳng phải chỉ tại Hoa Kỳ, mà còn tại nhiều nước khác khắp thế giới.

Gần đây nhất, sau Đức, Úc, Chi lê (Nam Mỹ), tại Hoa Kỳ một đại bồi thẩm đoàn của Tiểu bang Pennsylvania cho biết có đến 300 linh mục trong 6 Giáo phận thuộc Tiểu bang này đã xâm phạm tình dục hơn 1000 trẻ em từ khoảng 40 năm qua! Tai tiếng trầm trọng nhất là vụ Hồng y Theodore McCarrick (nay đã 93 tuổi), nguyên TGM Newark, NJ và Washington, DC, bị tố giác đã từng lạm dụng tình dục với trẻ em, và từ đó bản thân ĐTC Phanxicô đã bị  lên án bao che, tạo bước thăng tiến cho McCarrick..

Cõi lòng nát tan…

Là thành phần giáo dân nhỏ bé, chúng ta tuy chẳng là gì cả, song vẫn có trách nhiệm đóng góp phần mình vào việc củng cố đức tin mình cũng như góp phần làm sạch Giáo Hội, đề cao cảnh giác trước những tranh cãi ồn ào giữa các phe nhóm từ cực hữu tới cực tả.

Cách đây hơn 10 năm, khi vụ lạm dụng tình dục nổ ra gây xôn xao trong Giáo Hội, chúng tôi đã có góp tiếng nói nhỏ mọn của mình qua hai bài báo: 1) Cõi lòng nát tan, Đức tin vững vàng (trước các vụ giáo sĩ lạm dụng tình dục); 2) Thấy gì qua hiện tượng Jeanne Miller (một trong những người đầu tiên lên tiếng về việc giáo sĩ lạm dụng tình dục).

Bài “Cõi lòng nát tan, Đức tin vững vàng” tự nhan đề đã nói lên nỗi lòng người giáo dân quyết giữ lòng trung thành với đức tin của mình dù cõi lòng mình không khỏi nát tan trước cơn bão tố lạm dụng tình dục trong hàng tư tế của Hội Thánh.

Bài thứ hai nêu ra “hiện tượng Jeanne Miller”, thuật lại chuyện một nữ giáo dân “nổi loạn” tố giác giáo sĩ lạm dụng tình dục tại Hoa Kỳ. Rồi những vụ tố cáo khác nổi lên, dồn dập. gia tăng, đụng chạm đến cả cả hàng giáo phẩm cao cấp. Người giáo dân CGVN càng thấy “cõi lòng nát tan”, cho nên không dễ gìn giữ “đức tin vững vàng” như lòng mong muốn. Rất cần được tiếp sức trong cầu nguyện, ngõ hầu sáng suốt sàn lọc những tin tức từ mọi nguồn đang gây nhiễu trong Hội Thánh.

Luật Hội Thánh yêu cầu điều gì?

Việc đầu tiên của chúng ta có lẽ là hãy cùng suy tư về những điều luật trong Hội Thánh và phương thức vận dụng các điều luật đó trong các biến cố đang ập đến.

Ngày nay, tại mọi quốc gia trên thế giới, kể cả những quốc gia độc tài đảng trị, độc tài quân phiệt, độc tài quân chủ hay dân chủ thực sự, việc trị nước cũng đều được tiến hành dựa trên việc thực thi các văn bản pháp luật, pháp chế, pháp trị, dù đó là những văn kiện như sắc luật, sắc lệnh, quy đình, nghị quyết, văn bản luật… dân chủ giả hiệu.

Trong Hội Thánh Công Giáo, chúng ta biết “Đạo Đức Chúa Trời có 10 Điều răn”“Hội Thánh có 6 Điều răn.” Nhưng sự thật, Hội Thánh Công Giáo không phải chỉ có bấy nhiêu thôi. Giáo Hội có cả một Bộ Giáo Luật đồ sộ gồm tới 1752 điều! Chưa kể những Sắc chỉ, Nghị định, Tông thư, Tông huấn, Thông điệp… trải qua nhiều thời Giáo Tông hầu hết đều mang tính PHÁP QUY. Mọi vấn đề, mọi định chế hay cơ chế trong Hội Thánh đều được quy định chặt chẽ trong từng điều khoản. Bộ Giáo Luật đi sâu vào chi tiết việc định hình và điều hành Hội Thánh chỉ rõ từng vai trò, trách nhiệm và vị thế của mọi thành phần dân Chúa từ Giáo Hoàng xuống Hồng Y, Tổng giám mục, Giám mục, linh mục, tu sĩ, Hội Dòng, đoàn thể Công giáo Tiến hành…

Vừa rồi, Tổng Giám mục Carlo Maria Viganò, cựu khâm sứ Tòa thánh tại Washington, DC, tung ra trên truyền thông đại chúng bản “cáo trạng” dài 11 trang tố cáo ĐGH Phanxicô cùng một số thẩm quyền trong Tòa Thánh Vatican bao che cựu Hồng y McCarrick lạm dụng tình dục.  Trong bản “cáo trạng’ cựu Tổng Giám mục Viganò đòi Đức Giáo Hoàng TỪ CHỨC, gây bầu khí ngột ngạt trong toàn Hội Thánh.

Tuy là thành phần giáo dân thấp bé, chúng tôi cũng cảm thấy hoang mang không biết Giáo Hội sẽ đi về đâu nếu lại một Giáo hoàng nữa (ĐTC Phanxicô) phải rời bỏ ngai Giáo Hoàng! Đó là lý do khiến thành phần giáo dân chúng ta cần tìm hiểu, xem Giáo Luật quy định thế nào về việc hệ trọng này.

Về quyền Giáo Hoàng và vấn đề Giáo hoàng từ chức như thế nào, trong trường hợp nào, Giáo Luật đều nêu rõ tại các khoản luật số 332, §2 và số 333, §2 cùng một số điều khoản sau đó. Ngày 07/9/2018, chúng tôi đọc được bài xã luận “Can the pope’s accusers force him to resign?” (Những người tố cáo ĐGH có ép được ngài từ chức không) do Philip Pullella của hãng Thông tấn REUTERS viết. Philip Pullella là một nhà báo, thông tín viên về Vatican, không phải là một thẩm quyền giới chức Công giáo.

Giáo Hoàng từ chức, Giáo luật nói gì?

Mở đầu bài xã luận của mình, Philip Pullella nêu thẳng vấn đề: Calls by Roman Catholic archbishop and his conservative backers for Pope Francis to resign could make it difficult, if not impossible, for him to do so, Church experts say. (Tạm dịch: Những lời kêu gọi của vị tổng giám mục Công giáo Rôma [Vigano] cùng với những phần tử bảo thủ ủng hộ ông đòi Giáo hoàng Phanxicô từ chức có thể làm cho việc từ chức nên khó khăn nếu không nói là không thể làm cho ĐTC từ chức, các nhà chuyên môn trong Giáo Hội nói như vậy).

Tác giả bài báo ghi nhận: “Giáo Luật nói rằng, một vị giáo hoàng CÓ THỂ TỪ CHỨC, nhưng sự từ chức ấy phải do chính Giáo hoàng tự do quyết định”. Bằng chứng: Đức Bênêđictô thoái vị khi ngài ở tuổi 85. Ngài nói ngài không còn sức lực để đảm đương trọng trách điều hành Giáo Hội. Không như bây giờ, hồi đó không một ai công khai đòi Đức Bênêđictô thoái vị, đến nỗi cả các giới chức cao cấp của Vatican cũng ngạc nhiên trước quyết định của ĐGH.

Tác giả bài báo nêu ra hai Điều khoản Giáo Luật về việc một Giáo hoàng từ chức. Đó là điều khoản số 332 và số 1373.

Điều 332, triệt 2 nêu rõ: “Nếu xảy ra trường hợp Đức Thánh Cha từ chức, thì để được hữu hiệu, sự từ chức phải được TỰ DO và được bày tỏ cách HỢP THỨC nhưng không cần được ai chấp nhận”.

Philip Pullella nhấn mạnh yếu tố TỰ DO mà theo ông, hầu hết các nhà chú giải Giáo luật đều đồng thuận về tầm quan trọng tuyệt đối của yếu tố TỰ DO ấy. Ông trưng dẫn nhận định của Giáo sư Nicholas Cafardi, từng dứng đầu Trường Luật Đại học Duquesque, rằng “tôi không thấy làm sao Đức Giáo hoàng có thể TỰ DO từ chức khi mà có nhiều người vận động cho điều đó”, một cách nào đó áp lực ĐGH Phanxicô từ chức.

Theo Philip Pullella, một học giả khác, Kurt Martens, giáo sư Giáo luật Đại học Công giáo Hoa Kỳ tại Washington, DC cũng đồng tình với quan điểm của Gs Cafardi nêu trên khi Martens cho rằng, “nếu áp lực tâm lý cứ đè nặng trên ĐTC, thì có thể ĐTC không còn sức chịu đựng nổi nữa khiến ngài từ chức, thì sự từ chức ấy sẽ mất đi yếu tố TỰ DO mà Giáo luật đòi hỏi”.

Chống đối Vị đứng đầu Hội Thánh

Giáo luật số 1373 đã cảnh báo động thái chống đối này. Điều khoản 1373 của Giáo luật không đề cập tới việc ĐGH từ chức hay không từ chức, mà chỉ lưu ý người tín hữu Công giáo về sự tùng phục quyền bính trong Hội Thánh: “Ai công khai kích thích những người thuộc quyền mình chống đối và thù hận đối với Tòa Thánh hay Bản Quyền [Đức Giáo Hoàng] vì một hành vi của quyền bính hay của giáo vụ, hoặc xúi giục người thuộc quyền bất tuân các Ngài, sẽ bị phạt cấm chế hay những hình phạt xứng đáng khác.”

Về điểm này, cũng chính Gs Nicholas Cafardi nhận định đại để như sau: “Tôi nghĩ rằng những vị ấy (những vị đưa ra những phê bình chỉ trích nặng nề nhằm vào ĐTC Phanxicô) đang vi phạm nghiêm trọng điều khoản GL số 1373 trên đây hay ít ra họ cũng đã đến rất gần hành vi vi phạm ấy, bởi vì một cách nào đó họ đã khuấy động lên tâm trạng thù ghét hay bất tín nhiệm đối với Đức Thánh Cha Phanxicô”. 

Có dịp đọc “bản cáo trạng” dài 11 trang của Tổng Giám mục Carlo Maria Viganò, nguyên sứ thần Tòa Thánh tại Washington, DC, Hoa Kỳ, chúng ta sẽ nhận ra ngay mức độ gây chia rẽ đầy nguy hiểm từ “bản cáo trạng” ấy cũng như từ chính tác giả của nó. Người ta bảo đó là “bản trình bày”, nhưng nhiều người coi đó là một “bản cáo trạng”; chúng tôi đồng tình với cách gọi ấy vì nó nội dung 11 trang giấy của cựu tgm Viganò là thế.

Gs Jim Towey, Chủ tịch HĐQT kiêm Viện trưởng Viện Đại Học Ave Maria, Tiểu bang Florida, phát biểu ngày 29/82018” “Các cuộc tấn công cá nhân chống lại Đấng Đại Diện của Chúa Kitô và kêu gọi ngài từ chức là điều cực kỳ gây chia rẽ và hết sức sai lầm. Những người mệnh danh là người Công Giáo bảo thủ hiện đang thách thức thẩm quyền hợp pháp của Đức Thánh Cha và công khai làm suy yếu triều giáo hoàng của ngài, đang phản bội chính các nguyên tắc của họ và làm tổn thương Giáo hội mà họ cho rằng mình yêu mến.” Giáo sư Jim Towey kết thúc bài phát biểu của ông bằng lời kêu gọi ngắ gọn: “Họ nên dừng lại ngay bây giờ.”

“Họ” là ai? Gs Jim Towey chỉ đích danh “họ” là cựu TGM Viganò, tác giả bức thư dài 11 trang như một bản cáo trạng. Bên cạnh Tổng Giám mục này, Gs Towy còn chỉ ra một vị khác, đó là ĐHY người Mỹ Raymond Burke: “Lời kêu gọi Đức Giáo Hoàng từ chức của Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Vigano không phải là một trong số các điều bất ngờ này. Và thách thức đối với thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng do Đức Hồng Y Raymond Burke đưa ra cũng không phải là một điều bất ngờ nốt; vị giám mục người Mỹ này đã liên tục chống đối đường hướng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong việc dẫn dắt Giáo Hội về một số vấn đề…”

Âm mưu hạ bệ?

Gs Jim Towey tự nhận mình tuộc thành phần bảo thủ, nhưng ông quả quyết ông không bảo thủ theo cung cách hai vị thẩm quyền của GH trên đây cũng như các vị khác đang tán dương hay ủng hộ cách hành xử  bảo thủ của hai vị trên đến nỗi tạo nên một cơn địa chấn mà giới báo chí gọi là “Âm mưu hạ bệ Đức Giáo Hoàng Phanxicô” (The Plot to Bring Down Pope Francis, Barbie Latzar Nadeau https://www.thedailybeast.com/the-plot-to-bring-down-pope-francis?yptr=yahoo 09.07.18). Chúng tôi dịch “bring down”“hạ bệ” thay vì là “truất phế”.

Thực ra, tội phạm lạm dụng tình dục của cựu Hồng y Tổng Giám mục Theodore McCarrick đã lộ ra từ lâu và cần thời gian điều tra để xác nhận tội phạm cũng như để chính McCarrick nhìn nhận tội lỗi của mình. Từ đó và căn cứ vào những bằng chứng cụ thể, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể ban hành biện pháp kỷ luật tương xứng mà không tạo làn sóng phân hóa, chia rẽ trong nội bộ Tòa Thánh và toàn Giáo Hội..

Hành vi phạm tội dâm dục hay phạm tội lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ thật sự là những hành động mang tính cá nhân và hoàn toàn lén lút (dĩ nhiên có dựa vào uy thế và quyền lực). Không ít giáo sĩ “lấy vải thưa che mắt thánh”, thậm chí tìm cách phủ nhận tội lỗi của mình và tìm cách lấy lòng tin ở mọi phía. Dù vậy, khi tội phạm bị phát giác dù sau đó đến hàng chục năm, các đấng thẩm quyền bên trên của những kẻ phạm tội vẫn phải gánh chịu trách nhiệm tội lỗi của các cấp dưới, thậm chí lãnh nhận cả hậu quả mà các nạn nhân lạm dụng phải lãnh chịu!

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người ta nâng trách nhiệm lên tới đẳng cấp cao nhất trong Giáo Hội: Đức Giáo Hoàng! Rõ ràng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng như các Đấng tiền nhiệm của ngài là Đức Bênêđíctô XVI và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đều đấm ngực “quít làm, cam chịu”, thú nhận tội lỗi, tìm cách hỗ trợ cả các mặt tinh thần, vật chất lẫn tâm linh cho các nạn nhân!

Thiết tưởng, đòi ĐTC Phanxicô từ chức trong lúc này có thể hiểu là một hình thái đòi truất phế kiểu phần đời, chống lại Giáo luật, chống lại các quy định, quy chế mang tính pháp lý tôn giáo đã được định hình, tồn tại, cải tiến và cập nhật trải qua nhiều thời kỳ trong Giáo Hội. Phải chăng chính vì vậy, khi được hỏi ngài đáp trả thế nào về lời tố cáo của TGM Vigano chống lại ngài, ĐTC Phanxicô chọn thái độ im lặng để chờ đợi lúc nào phải lên tiếng và lên tiếng như thế nào.

Tin gần đây cho biết, sau khi gặp gỡ các Hồng Y Cố vấn, ĐTC Phanxicô có thể sẽ chính thức lên tiếng về vụ việc. Tuy nhiên, việc chống báng của các giới chức cao cấp trong Hội Thánh nhắm vào Đức Thánh Cha đang tác động tiêu cực đến lòng tin và sự sống đạo của người Công Giáo khắp năm châu, trong đó có người Công Giáo Việt Nam.

Chúng ta nguyện một lòng trung thành với Đức Tin, trung thành với Hội Thánh mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang là vị đại diện Chúa ở trần gian này.

Lời kết.

Trong thời đại nhiễu nhương hiện nay, Hội Thánh Công Giáo có nguy cơ rơi vào hỗn loạn “đẳng cấp” (Phẩm trật Hội Thánh) nếu con cái Hội Thánh thiếu lòng tin vào Chúa hoặc giảm lòng trung thành đối với Đấng cầm đầu Hội Thánh. Chúng ta hãy kiên vững trong Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến và Đức Vâng phục, luôn cầu nguyện cho Đấng cầm đầu Hội Thánh cũng như cho toàn thể dân Chúa khắp hoàn cầu: “Ta hãy cầu xin cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô…. Đừng trao người cho ác tâm quân thù…”

Là giáo dân, dù đang trải qua những biến cố bất an do cuộc khủng hoảng lớn hiện nay trong Hội Thánh, nhưng nhờ ơn Chúa và nhờ noi gương các Thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta quyết mãi kiên trung, cõi lòng nát tan, đức tin vững vàng.

 

Lê Thiên (17/9/2018)

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.