Vũ Văn An21/Jun/2021
Vietcatholic News
Trong loạt bài của họ về lich sử, mục tiêu và ngân sách của các bộ sở Tòa Thánh, Vatican News vừa tìm hiểu Bộ Phong Thánh, qua cuộc phỏng vấn với Đức Hồng Y Marcello Semeraro, hiện đứng đầu Bộ này.
Theo Vatican News, Có nhiều cách để định nghĩa sự thánh thiện. Một trong số đó là coi sự thánh thiện như một khuôn mẫu, hay đúng hơn như khuôn mẫu, của vẻ đẹp con người. Đây là những gì mà Bộ của Tòa thánh này đã thực hiện kể từ năm 1969, năm thành lập – lục lọi cuộc sống của các ứng viên để tôn vinh các ngài trên bàn thờ, tìm tòi Tin Mừng trong cuộc sống của các ngài để mọi Kitô hữu có thể coi các ngài như các nhân chứng đáng tin cậy và, quan trọng nhất, có thể bắt chước được.
Đằng sau việc tuyên bố rằng ai đó là một vị Thánh, là một sự tận tụy tập thể, tỉ mỉ, mất nhiều năm, có khi hàng chục năm. Diễn trình phức tạp đòi hỏi sự tham gia của những người có nhiều khả năng khác nhau với tổng chi phí khoảng 2 triệu euro vào năm 2021.
Đức Hồng Y Marcelle Semeraro, Bộ trưởng thánh bộ, giải thích cách hoạt động của thánh bộ, nhận định rằng, “Nhà máy tạo các thánh” là một kiểu nói “thậm chí có thể hữu hiệu, nếu được hiểu theo nghĩa tích cực, tức là nơi mà mọi người làm việc để đạt được việc trình bày nghiêm túc và trung thực về những người xứng đáng” được hưởng danh hiệu.
Được hỏi vai trò của bộ Phong Thánh là gì trong diễn trình thừa nhận các nhân chứng gương mẫu và “chính thức” chấp nhận lòng trung thành của các ngài đối với sứ điệp Tin Mừng, Đức Hồng Y cho hay:
Như Công Đồng Vatican II đã nhắc nhở, nên thánh chắc chắn là một ơn gọi phổ quát, cho mỗi người và mọi người. Liên quan đến việc chính thức thừa nhận sự thánh thiện của một Kitô hữu, chúng ta đang nói đến một truyền thống cổ xưa. Thật vậy, ngay từ rất sớm, khi tin tức loan truyền về một số vị tử đạo, hoặc một người nào đó đã sống theo Tin Mừng một cách mẫu mực, các ngài đã được đề nghị lấy làm gương mẫu sống cho mọi người và làm những người cầu bầu trước mặt Thiên Chúa cho những nhu cầu của các tín hữu. Các thủ tục và quy tắc giáo luật khác nhau chi phối việc tuyên bố rằng ai đó là một vị thánh. Nhưng tập chú căn bản là thế này: Giáo hội luôn tin rằng các chi thể của mình có thể đạt đến sự thánh thiện và họ phải được biết đến và đề nghị để công chúng tôn kính.
Bộ Phong Thánh theo lộ trình phong chân phước và phong thánh cho Các Tôi Tớ Chúa, hỗ trợ các giám mục trong diễn trình điều tra liên quan đến việc tử đạo hoặc việc dâng hiến mạng sống của các ngài, và các phép lạ của một tín hữu Công Giáo, người trong khi còn sống, trong khi hấp hối và sau khi chết, được coi là thánh thiện, do phúc tử đạo hoặc do hiến mạng sống của mình. Những tín hữu Công Giáo nào mà việc phong chân phước và phong thánh đã được khởi xướng, thì được gọi là Tôi tớ Chúa. Trong mọi trường hợp, điều cần thiết là luôn có “tiếng tăm về sự thánh thiện” chân chính, được nhiều người biết và lâu dài, hoặc cộng đồng Kitô hữu thường tin rằng họ đã sống một cuộc sống liêm chính, đã thực thi nhân đức Kitô giáo và cuộc sống của họ sinh nhiều hoa trái.
Các con số
Được hỏi về con số những người tham gia vào công việc trên và cách sắp xếp các giai đoạn của công việc này, Đức Hồng Y cho biết: Được đưa vào từ năm 1983, các tiêu chuẩn mới quy định các vụ Phong Thánh đã rút ngắn đáng kể thời gian cần thiết cho một diễn trình phong chân phước và phong thánh. Chẳng hạn chỉ cần nghĩ trong quá khứ, phải đợi 50 năm sau cái chết của Tôi Tớ Chúa mới bắt đầu nghiên cứu về cuộc đời, các nhân đức hoặc phúc tử đạo của ngài. Ngày nay, không còn như vậy nữa. Tuy nhiên, thời gian kéo dài của vụ án phụ thuộc vào nhiều nhân tố: một số nhân tố tự chúng có tính nội tại (sự phức tạp của người, hoặc của giai đoạn lịch sử trong đó người đó sống); các nhân tố khác có tính ngoại tại (sự sẵn lòng, chuẩn bị hoặc sẵn có đó của những người làm việc cho từng vụ án: thỉnh nguyện viên, các cộng tác viên bên ngoài, các nhân chứng, v.v.).
Mỗi vụ án có các con số riêng của nó: các nhân chứng cung cấp lời khai trong các giai đoạn giáo phận có thể lên đến vài chục. Ngoài ra còn có một số lượng lớn những người khác và các chuyên gia tham gia. Liên quan đến thời gian, mỗi diễn trình phong chân phước và phong thánh đều có các bước riêng của nó: điều tra, lấy lời khai, soạn thảo tiểu sử, kiểm tra do các nhà tư vấn thần học tiến hành và tùy theo vụ án còn cần các nhà tư vấn lịch sử. Sau đó, cần có thời gian để tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế khi có thể có phép lạ được khỏi bệnh cần phải kiểm tra. Sau khi hoàn thành tất cả những điều này, và mỗi bước đều tích cực, vụ án sẽ được trình bày trước phiên họp bình thường của các thành viên của thánh bộ, tức là các Hồng Y và giám mục. Một khi toàn bộ diễn trình đã kết thúc, quyết định cuối cùng thuộc về Đức Giáo Hoàng. Bộ trưởng Thánh bộ đệ trình các vụ khác nhau để ngài chấp thuận.
Thực sự có rất nhiều vụ (hiện tại, những vụ đang diễn tiến ở Rôma là gần 1,500, trong khi những vụ ở cấp giáo phận là hơn 600). Sự kiện một số vụ không thành công chứng tỏ sự nghiêm túc của diễn trình. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những người không được đề nghị để các tín hữu tôn kính không phải là những người gương mẫu vì chứng tá cuộc sống của họ.
Được hỏi: Trung bình mỗi năm có bao nhiêu vụ án đi đến kết luận? Đức Hồng Y cho biết: Các kết quả trong 5 thập niên Thánh bộ hoạt động không chỉ tích cực mà còn đáng ngạc nhiên nữa. Việc đơn giản hóa diễn trình đã cho phép số lượng các vị được đề nghị để các tín hữu tôn kính đã tăng lên. Các vị xuất thân từ mọi lục địa và thuộc mọi hạng mục trong dân Chúa.
Những ơn ích thiêng liêng và mục vụ trong năm mươi năm qua kể từ khi thành lập Bộ Phong Thánh (1969) rất độc đáo: tính đến cuối năm 2020, tổng số là 3,003 vụ phong chân phước và 1,479 vụ phong thánh. Thường có hai Phiên thông thường mỗi tháng và bốn vụ được khảo sát trong mỗi phiên. Do đó, số vụ ước tính được đưa ra kết luận mỗi năm là từ 80 đến 90. Dữ kiện này và các dữ kiện khác có thể được truy cập bằng cách vào trang web của Thánh bộ, nơi cung cấp cho mọi người quyền truy cập dễ dàng và đầy đủ mọi thông tin về Thánh bộ và tiến trình phong thánh. Cho đến nay, ngoài các tài liệu và ấn phẩm chính, trang web còn chứa hơn một nghìn mục về các vị chân phước và các vị thánh của bảy triều đại giáo hoàng mới đây nhất, được làm cho phong phú với các hình ảnh, trích dẫn, tiểu sử, bài giảng, liên kết bên ngoài và tài liệu đa phương tiện.
“Nhà máy sản xuất các thánh”
Với câu hỏi về kiểu gọi bình dân “nhà máy sản xuất các thánh”, Đức Hồng Y nghĩ rằng cách gọi này thậm chí có tác dụng, nếu được hiểu theo nghĩa tích cực, tức là nơi mà mọi người làm việc để đạt được việc trình bày nghiêm túc và trung thực về những người đáng được đề nghị là gương mẫu của sự thánh thiện. Mặc dù số lượng ứng viên rất đáng kể, nhưng điều quan trọng cần nói thêm là điều này không làm Thánh bộ sao lãng tính chính xác, sâu sắc và có thế giá của mình.
Bắt đầu với “tiếng tăm thánh thiện và các dấu chỉ” được dân Chúa nhận biết, cuộc điều tra trải qua giai đoạn đầu tiên ở giáo phận (tiến trình được khai mạc, lời khai và tài liệu được thu thập, một tòa án được thành lập với các chuyên gia thần học và lịch sử). Một khi vụ án tới Rôma, một tường trình viên [relator] được chỉ định cho vụ án để hướng dẫn thỉnh nguyện viên [postulator] chuẩn bị một bộ sách trong đó các bằng chứng thu thập ở giáo phận được tổng hợp để tái tạo chính xác cuộc sống của các vị và chứng minh các nhân đức hoặc phúc tử đạo của các vị cũng như tiếng tăm thánh thiện và các dấu hiệu thánh thiện mà Tôi tớ Chúa có được. Đó là cuốn tiểu sử [Positio]; cuốn này sau đó được nghiên cứu bởi một nhóm các nhà thần học và, đối với một “vụ cổ xưa” (liên quan đến một ứng viên sống cách đây rất lâu và không còn nhân chứng trực tiếp), ngay cả bởi một Ủy ban Lịch sử. Nếu họ bỏ phiếu thuận lợi, hồ sơ sẽ được đệ trình để được các Hồng Y và Giám mục của Thánh bộ phán xử tiếp theo. Cuối cùng, nếu những vị này cũng chấp thuận, thì Đức Thánh Cha có thể cho phép ban hành Sắc lệnh về các nhân đức anh hùng hoặc tử đạo hoặc dâng hiến mạng sống của Tôi tớ Chúa, vị sau đó trở nên đáng kính. Vị đó được công nhận là đã thực thi các nhân đức Kitô giáo (đối thần: đức tin, đức cậy và đức ái; các nhân đức chính: khôn ngoan, công bình, dũng cảm và tiết độ; những nhân đức khác: nghèo khó, khiết tịnh, vâng lời, khiêm tốn, v.v.) ở mức độ “anh hùng”, hoặc đã trải qua một cuộc tử đạo đích thực, hoặc đã hiến mạng sống mình theo các yêu cầu được Thánh bộ đưa ra.
Phong chân phước là giai đoạn giữa trong diễn trình phong thánh. Nếu ứng viên được tuyên bố là tử đạo, người đó sẽ trở thành chân phước ngay lập tức, nếu không thì cần phải có một phép lạ được công nhận nhờ sự chuyển cầu của ngài. Nói chung, biến cố lạ lùng này là một vụ chữa lành không thể giải thích được về phương diện khoa học, do một Ủy ban Y tế gồm các bác sĩ chuyên khoa, cả những người tin và không tin, đánh giá. Đầu tiên các nhà tư vấn thần học và sau đó các Hồng Y và Giám mục của Thánh bộ cũng tuyên bố về các phép lạ này và Đức Thánh Cha cho phép ban hành sắc lệnh liên hệ. Để được phong thánh, nghĩa là để một người có thể được tuyên bố là Thánh, thì phép lạ thứ hai xảy ra sau khi được phong chân phước phải được cho là nhờ sự chuyển cầu hữu hiệu của Chân phước.
Không chỉ là một “nhà máy” sản xuất liên tục các vị thánh, Thánh bộ còn là một Bộ của Giáo triều Rôma, với kinh nghiệm hàng thế kỷ, được chuyên môn hóa để nhận ra các vị thánh và với sự siêng năng, chuyên môn và nghiêm ngặt khoa học tiến hành một diễn trình nhằm xác minh xem liệu một thành viên tín hữu có sống mức độ thánh thiện cao, một cách có thể được đề nghị lấy làm kiểu mẫu cho Giáo hội hoàn vũ hay không.
“Ông, bà thánh cạnh nhà”
Trả lời câu hỏi về việc trong Tông huấn Gaudete et exsultate, Đức Phanxicô nói đến “giai cấp trung lưu thánh thiện” hay “các vị thánh cạnh nhà”, Đức Hồng Y nói rằng, Gaudete et exsultate là một tuyên ngôn tuyệt đẹp về lời kêu gọi nên thánh trong thế giới ngày nay vì các thánh cho chúng ta thấy khả năng sống Tin Mừng, không chỉ những người đã được phong chân phước hay phong thánh, mà cả những người được chính Đức Giáo Hoàng gọi là “các thánh cạnh nhà”, những người sống gần chúng ta và “phản ảnh sự hiện diện của Thiên Chúa”: những bậc cha mẹ nuôi dạy con cái của họ bằng tình yêu thương bao la, những người đàn ông và đàn bà làm việc chăm chỉ để hỗ trợ gia đình họ, những người bệnh tật, các tu sĩ già nua nhưng không bao giờ mất nụ cười” (số 7) trong một thế giới không còn biết phải hy vọng ra sao và thờ ơ trước những đau khổ của người khác.
Đối với Giáo Hội, bằng chứng thánh thiện chính là những hành động nhỏ được thực hiện mỗi ngày. Sự thánh thiện của “các thánh cạnh nhà” được các Kitô hữu sống hàng ngày, những người, ở mọi nơi trên thế giới, làm chứng cho tình yêu của Chúa Giêsu và liều mạng sống của mình mà không bao giờ tính đến lợi ích đặc thù của họ.
Các thánh trở thành những hình mẫu thành công và cao đẹp nhất của nhân loại. Trong Tông huấn Gaudete et exsultate, Đức Giáo Hoàng đã viết rằng sự thánh thiện cho thấy “khuôn mặt đẹp nhất của Giáo hội” (số 9). Chúng ta cũng có thể khẳng định rằng, trong những thập niên qua, việc tôn kính các thánh, một lần nữa, đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống của Giáo hội, vì Giáo Hội thừa nhận nhu cầu cần chứng tá của các ngài cho cộng đồng tín hữu. “Tính đồng thời” của một vị thánh không hẳn do sự gần gũi về niên đại của các ngài – mặc dù có nhiều vụ án đã được kết luận hoặc đang trong diễn trình phong chân phước và phong thánh là những người cùng thời với chúng ta – mà là do vị ấy trọn vẹn, giàu say mê nhân bản và Kitô giáo, thèm khát siêu nhiên, khao khát công lý, tình yêu Thiên Chúa và tình liên đới với mỗi anh chị em.
Trả lới câu hỏi về vấn đề quản lý tốt ngân sách như Đức Phanxicô vốn nhấn mạnh từ năm 2016, Đức Hồng Y cho biết, dưới nhiều khía cạnh, các vụ án để được phong chân phước là một diễn trình phức tạp và chi tiết. Do đó, có những chi phí nhất định liên quan đến công việc của các ủy ban, việc in ấn tài liệu, các cuộc họp của các chuyên gia (lịch sử và thần học có nhiệm vụ nghiên cứu tài liệu hoặc các bác sĩ khi nói đến phép lạ). Thánh bộ luôn chú ý đến việc hạn chế các chi phí để yếu tố kinh tế không làm trở ngại cho việc thúc đẩy vụ án tiến triển. Theo nghĩa này, các quy tắc hành chính được Đức Thánh Cha phê chuẩn vào năm 2016 bảo đảm việc quản lý minh bạch và hợp lệ. Được tài trợ bằng nhiều cách khác nhau, một “Quỹ Liên Đới” do Thánh Bộ quản lý đã được thành lập cho những vụ án ít có tài nguyên hơn. Các cách hỗ trợ khác đang được nghiên cứu.
Tính triệt để Tin Mừng và “xã hội lỏng”
Vatican News hỏi Đức Hồng Y làm thế nào để một lần nữa đề cao sự hấp dẫn của việc triệt để sống tin mừng giữa lòng một xã hội “lỏng” (lẻo) theo giả thuyết của Bauman.
Theo Đức Hồng Y, chúng ta đang sống trong “xã hội lỏng” này, ý thức được cả cơ hội lẫn nguy cơ. Giáo hội không lạ lùng gì trước những cạm bẫy này đối với đức tin và khả tín tính của Kitô giáo. Các Kitô hữu thế kỷ thứ hai đã phải đối diện với các phản chứng chống lại đức tin của họ vào Chúa Giêsu, Đấng Mêxia; cùng một điều như thế cũng đã xuất hiện trong cuộc đời công khai của Người như đã được Thánh Justin tường thuật trong Cuộc Đối thoại với Trypho: “Nhưng làm sao có thể có chuyện Đấng Mêxia đã đến nếu mọi thứ không thay đổi, nếu hòa bình chưa được thiết lập, nếu Israel vẫn còn bị nô lệ đối với người La Mã, nếu thế giới vẫn như trước đây?” Các Kitô hữu đã trả lời: “Đúng là như vậy, nhiều điều vẫn như trước đây, chúng không thay đổi. Nhưng, nếu bạn thực sự muốn nhìn vào thực tại, bạn cũng có thể quan sát những điều mới mẻ, những điều phi thường tuyệt vời, chẳng hạn như tình huynh đệ giữa các Kitô hữu, sự chia sẻ của cải, đức tin, lòng can đảm của họ khi bị bách hại, niềm vui trong hoạn nạn. Bạn có thể thấy những điều kỳ diệu. Chắc chắn, vương quốc của Thiên Chúa vẫn chưa đến trong sự viên mãn dứt khoát của nó. Nó đã đến dưới dạng hạt giống, nhưng nó đã đến thực sự và đang lớn lên, nó đang phát triển ở giữa cộng đồng Kitô hữu”. Theo dụ ngôn trong Tin Mừng, các thánh thật sự là những hạt giống đã trưởng thành và sinh nhiều hoa trái.
Về cơ bản, sự thánh thiện luôn luôn y như nhau nhưng nó cũng mới mẻ ở những con người cụ thể như Công đồng Vatican II đã nhắc nhở chúng ta (Lumen gentium, 41). Nó có những biểu thức khác nhau nơi các vị tử đạo, nơi các trinh nữ thánh hiến, nơi các ẩn sĩ, nơi các đan sĩ, nơi các mục tử của Giáo hội, nơi các nhà lãnh đạo các quốc gia, nơi các dòng khất sĩ, nơi các nhà truyền giáo, nơi các nhà chiêm niệm, nơi các nhà giáo dục, nơi các vị thánh bác ái xã hội. Chỉ cần lướt qua danh sách các thánh trong năm mươi năm qua kể từ khi Bộ Phong Thánh được thành lập để xem có bao nhiêu hạt giống đã trưởng thành từ Công đồng, những người đã chỉ cho thấy nên thánh là một ơn gọi phổ quát chứ không phải đặc ân của một ít người được lựa chọn. Có một sự thánh thiện phản chiếu sự thánh thiện của Chúa Kitô, Đấng in nơi mỗi người một dấu ấn bản vị và không thể lặp lại. Nó giống như tình yêu: vô cùng độc đáo và bản vị.
Còn về các thách thức, chúng cũng y như nhau đối với Thánh bộ cũng như đối với Giáo hội và sự hiện diện của Giáo hội trên thế giới. Giáo hội là một phương tiện của niềm tin cả vì do sự thánh thiện khách quan của đức tin, các bí tích, các đặc sủng, lẫn vì do sự thánh thiện chủ quan của các Kitô hữu. Đó là điều đã được tuyên xưng trong Kinh Tin Kính các Thánh Tông đồ: “Tôi tin… các thánh cùng thông công”, có nghĩa sự hiệp thông của các phương tiện nên thánh và của những người nam và người nữ thánh thiện.
Mỗi vị thánh đều thúc đẩy sự phát triển và hiệp nhất của toàn thể Giáo Hội. Mỗi vị thánh đều ý thức rằng nhiệm vụ của mình là sứ mệnh duy nhất của Giáo hội. Các thánh là những con người trọn vẹn, các ngài sống bằng tình yêu nhân bản và Kitô giáo, giàu đam mê nhân bản và Kitô giáo, họ mong muốn siêu nhiên, khao khát công lý, tình yêu Thiên Chúa và tình liên đới với từng anh chị em. Các Kitô hữu tri nhận một cách trực quan khả tín tính của đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, tham chiếu cả các biến cố tiểu sử của chính Người cũng như sự hiện diện liên tục của Người trong Giáo hội, đặc biệt là nơi các thánh.
Views: 0