Đặng Tự Do
vietcatholic.net. 26/Oct/2018
Hôm 24 tháng 10, 2018, tờ New York Times đã đăng một bài viết của Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân nói lên những ưu tư của ngài đối với thỏa thuận Vatican – Trung Quốc được ký kết hôm 22 tháng 9 vừa qua.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây “The Pope Doesn’t Understand China” (Đức Giáo Hoàng không hiểu Trung Quốc). Dưới đây là bản dịch toàn văn bài viết sang Việt Ngữ.
Tháng trước Vatican tuyên bố đã ký một thỏa thuận tạm thời với chính phủ Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo. Những người ủng hộ thỏa thuận nói rằng cuối cùng thỏa thuận đã mang lại sự thống nhất sau một thời gian chia rẽ lâu dài – giữa một Giáo hội thầm lặng trung thành với Đức Giáo Hoàng và một Giáo hội chính thức được nhà cầm quyền Trung Quốc chấp thuận – và với thỏa thuận đó, chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên đã công nhận quyền bính của Đức Giáo Hoàng. Trong thực tế, thỏa thuận này là một bước tiến lớn trong việc hủy diệt Giáo Hội chân chính ở Trung Quốc.
Tôi biết rõ Giáo Hội ở Trung Quốc, tôi rành rẽ Cộng sản và tôi biết rõ Tòa Thánh. Tôi là một người Trung Quốc đến từ Thượng Hải. Tôi sống nhiều năm ở Hoa Lục và nhiều năm ở Hương Cảng. Tôi đã dạy trong các chủng viện khắp Trung Quốc – ở Thượng Hải, Tây An, Bắc Kinh, Vũ Hán, Thẩm Dương – từ năm 1989 đến 1996.
Đức Thánh Cha Phanxicô, là một người Á Căn Đình, dường như không hiểu những người Cộng sản. Ngài rất chú tâm về mục vụ, và ngài đến từ Nam Mỹ, nơi theo dòng lịch sử, các chính phủ quân sự và những kẻ giàu có đã hiệp sức cùng nhau đàn áp người nghèo. Và ai lên tiếng bảo vệ người nghèo? Cộng sản. Có lẽ một số cha Dòng Tên cũng lên tiếng, và chính phủ thường gọi những vị này là các linh mục Cộng sản Dòng Tên.
Đức Thánh Cha Phanxicô có thể có cảm tình tự nhiên đối với những người Cộng sản bởi vì đối với ngài, họ là những người bị bách hại. Ngài không biết họ sẽ là những kẻ bách hại người khác tàn bạo ra sao một khi họ nắm được quyền hành, như những người Cộng sản ở Trung Quốc.
Toà Thánh và Bắc Kinh đã cắt đứt quan hệ ngoại giao từ những năm 1950. Người Công Giáo và tín hữu các tôn giáo khác đã bị bắt và bị đưa đến các trại lao động cải tạo. Tôi trở lại Trung Quốc vào năm 1974 giữa lúc đang xảy ra cuộc Cách mạng Văn hóa; tình hình thật khủng khiếp ngoài sức tưởng tượng. Cả một quốc gia sống dưới chế độ nô lệ. Chúng ta đã quên những điều này thật quá dễ dàng. Chúng ta cũng quên rằng không bao giờ có thể có được một thỏa thuận thực sự tốt đẹp với một chế độ độc tài toàn trị.
Trung Quốc đã mở ra với thế giới, vâng đúng là thế, kể từ những năm 1980, nhưng ngay cả cho đến nay mọi thứ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Giáo hội chính thức ở Trung Quốc bị kiểm soát bởi Hội Công Giáo Yêu nước và Hội Đồng Giám Mục, cả hai cơ chế này đều nằm dưới sự chỉ đạo của đảng.
Từ năm 1985 đến năm 2002, Đức Hồng Y Jozef Tomko là tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, là cơ quan giám sát công việc truyền giáo của Giáo hội. Ngài là người Slovak, là người hiểu chủ nghĩa Cộng sản, và ngài thật khôn ngoan.
Theo quan điểm của Đức Hồng Y Tomko, Giáo hội thầm lặng là Giáo hội hợp pháp duy nhất ở Trung Quốc, và Giáo hội chính thức là bất hợp pháp. Nhưng ngài cũng hiểu rằng có nhiều người tốt trong Giáo hội chính thức ấy. Chẳng hạn như giám mục của Tây An, là người trong một thời gian đã là phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Trung Quốc. Hay như giám mục Thượng Hải, Kim Lỗ Hiền (Jin Luxian – 金魯賢), một giáo sĩ Dòng Tên và là một nhà ngôn ngữ học xuất sắc, là người đã bị quản chế trong những năm của thập niên 1950.
Hồi đó, Tòa Thánh đã có một chính sách thận trọng được thực hiện một cách quảng đại. Chính sách này cho phép một sự tương nhượng hợp lý nhưng tới một giới hạn thôi.
Mọi thứ đã thay đổi vào năm 2002, khi Đức Hồng Y Tomko đến tuổi nghỉ hưu. Một người Ý trẻ tuổi không có kinh nghiệm quốc tế đã thay thế ngài và bắt đầu hợp pháp hóa ồ ạt các giám mục chính thức của Trung Quốc quá nhanh, quá dễ dàng, tạo ra ấn tượng rằng bây giờ Vatican sẽ tự động chuẩn y sự lựa chọn của Bắc Kinh.
Hy vọng nhen nhúm trở lại khi Đức Joseph Ratzinger, một người Đức đã sống qua cả chủ nghĩa Phát xít và chủ nghĩa Cộng sản, trở thành Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. Ngài đã đưa Đức Hồng Y Ivan Dias, một người Ấn Độ đã trải qua một thời gian ở Tây Phi và Hàn Quốc, lên lãnh đạo Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, và quốc tế hóa Vatican. Một ủy ban đặc biệt cho Giáo Hội ở Trung Quốc cũng được thành lập. Tôi được bổ nhiệm vào ủy ban đó.
Thật không may, Đức Hồng Y Dias tin tưởng vào chính sách Ostpolitik [1] và chạy theo những lời dạy của một Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh vào những năm 1980, là người đã từng đề xướng sự hòa dịu với các chính phủ do Liên Sô kiểm soát. Và ngài đã áp dụng chính sách này cho Trung Quốc.
Khi Đức Bênêđíctô thứ 16 đưa ra lá thư nổi tiếng của ngài cho Giáo hội Trung Quốc vào năm 2007, kêu gọi hòa giải giữa tất cả những người Công Giáo ở đó, nhiều điều không thể tin được đã xảy ra. Bản dịch ra tiếng Hoa được công bố với nhiều lỗi, bao gồm cả một sai sót quan trọng đến mức không thể bỏ qua được. Trong một đoạn văn tinh tế về việc các linh mục thầm lặng có thể chấp nhận sự công nhận của nhà cầm quyền Trung Quốc mà không buộc phải phản bội đức tin, một cảnh báo quan trọng đã bị bỏ sót liên quan đến cách thức theo đó nhà cầm quyền “hầu như luôn luôn” đưa ra các đòi hỏi “trái với những đòi buộc” lương tâm của người Công Giáo.
Một số người trong chúng ta nêu ra vấn đề và văn bản cuối cùng đã được sửa chữa trên trang web của Vatican. Nhưng lúc đó, bản gốc sai lầm đã được lưu hành rộng rãi ở Trung Quốc, và một số giám mục đã hiểu nhầm bức thư lịch sử của Đức Bênêđíctô thứ 16 là khích lệ họ tham gia vào Giáo hội được nhà nước công nhận.
Hôm nay, chúng ta có Đức Thánh Cha Phanxicô. Lạc quan một cách hồn nhiên về chủ nghĩa Cộng sản, ngài được những người yếm thế xung quanh khích lệ để tin tưởng những người Cộng sản Trung Quốc dù họ biết rõ tình hình hơn.
Ủy ban đặc biệt cho Giáo Hội ở Trung Quốc không còn được triệu tập, mặc dù nó chưa hề bị giải thể. Những người trong chúng tôi đến từ vùng ngoại vi, từ tiền tuyến, đang bị gạt ra ngoài lề.
Tôi là một trong những người hoan nghênh quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Đức Hồng Y Pietro Parolin làm Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh vào năm 2013. Nhưng bây giờ tôi nghĩ rằng Đức Hồng Y Parolin ít quan tâm đến Giáo Hội hơn những thành công về ngoại giao. Mục tiêu cuối cùng của ngài là khôi phục lại các mối quan hệ chính thức giữa Vatican và Bắc Kinh.
Đức Thánh Cha Phanxicô muốn đến Trung Quốc – tất cả các vị Giáo Hoàng đều muốn đến Trung Quốc, bắt đầu với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nhưng chuyến viếng thăm Cuba của Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2015 đã mang lại những gì cho Giáo hội? cho người Cuba? Hầu như chẳng có gì cả. Và ngài có cải đạo được anh em nhà Castro hay không?
Các tín hữu ở Trung Quốc đang đau khổ và hiện đang chịu áp lực ngày càng tăng. Đầu năm nay, nhà cầm quyền thắt chặt các quy định về thực hành tôn giáo. Các linh mục thầm lặng tại Hoa Lục nói với tôi rằng họ không khuyến khích anh chị em giáo dân đến nhà thờ để tránh bị bắt.
Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng cho dù thỏa thuận gần đây – với những điều khoản chưa được tiết lộ – mở ra việc “đối thoại về các ứng viên cuối cùng”, chính Đức Giáo Hoàng mới là người “bổ nhiệm” các giám mục. Nhưng được nói lời sau cùng thì có ích gì khi Trung Quốc giành quyền nói hết tất cả những lời trước đó? Theo lý thuyết, Đức Giáo Hoàng có thể phủ quyết việc đề cử bất kỳ giám mục nào xem ra không xứng đáng. Nhưng ngài có thể làm được điều đó bao nhiêu lần, một cách thực sự?
Ngay sau khi thỏa thuận được công bố, hai giám mục Trung Quốc từ Giáo hội chính thức đã được gửi đến Thành phố Vatican để tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục, một cuộc họp thường xuyên của các giám mục từ khắp nơi trên thế giới. Ai đã chọn họ? Cả hai người ấy đều khét tiếng là thân cận với chính phủ Trung Quốc. Như tôi đã nói, sự hiện diện của họ tại cuộc họp này là một sự sỉ nhục đối với các giám mục tốt lành của Trung Quốc.
Sự hiện diện của họ cũng làm nảy sinh câu hỏi đau đớn về việc liệu Vatican có hợp pháp hóa bảy giám mục chính thức đến nay vẫn còn tiếm quyền bất hợp pháp hay không? Đức Giáo Hoàng đã dỡ bỏ vạ tuyệt thông của họ, mở đường cho họ được chính thức lãnh đạo các giáo phận. Giáo hội chính thức có khoảng 70 giám mục; Giáo hội thầm lặng chỉ có khoảng 30. Các nhà chức trách Trung Quốc nói: Bạn công nhận bảy người của chúng tôi đi rồi chúng tôi sẽ công nhận 30 người của bạn. Điều đó xem ra có vẻ là một mối giao dịch tốt đấy. Nhưng liệu 30 vị đó có được phép làm giám mục thầm lặng không? Chắc chắn là không.
Họ sẽ bị buộc phải tham gia Hội Đồng Giám Mục. Họ sẽ bị buộc phải tham gia vào cảnh chim lồng cá chậu với những người khác, và sẽ trở thành một thiểu số trong đó. Thỏa thuận của Vatican, nhân danh sự thống nhất Giáo hội ở Trung Quốc, chỉ có nghĩa là sự hủy diệt Giáo hội thực sự ở Trung Quốc.
Nếu tôi là một người vẽ tranh biếm họa, tôi sẽ vẽ Đức Thánh Cha đang quỳ gối dâng chìa khóa Nước Trời cho Đại Đế Tập Cận Bình và nói: “Xin hãy công nhận tôi là giáo hoàng.”
Tuy nhiên, với các giám mục và linh mục thầm lặng của Trung Quốc, tôi chỉ có thể nói điều này với anh em: Xin đừng nổi loạn. Họ lấy đi các nơi thờ tự của anh em chăng? Anh em không còn thừa tác vụ nào để thi hành nữa chăng? Hãy về nhà, và cầu nguyện với gia đình của anh em đi. Chuẩn bị chờ thời. Đợi đến lúc thuận lợi hơn. Hãy quay trở lại các hang toại đạo. Cộng sản không tồn tại đến muôn đời đâu.
Chú thích:
[1] Chính sách Ostpolitik theo nhận định của tiến sĩ George Weigel:
Chính sách Ostpolitik của Đức Tổng Giám Mục Casaroli, được bắt đầu trong triều đại của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục (1963-1978), nhằm mục đích tìm ra một modus non moriendi, một “con đường để không chết” (là cụm từ Đức Tổng Giám Mục Casaroli thường nói) cho Giáo Hội Công Giáo sau bức màn sắt. Để có thể bổ nhiệm các giám mục, là những vị có thể truyền chức linh mục và do đó duy trì đời sống bí tích hay đời sống thiêng liêng của Giáo hội dưới các chế độ vô thần, Vatican đã kết thúc những luận điệu chống lại Cộng sản tiêu biểu cho chính sách ngoại giao trong những năm 1950, loại bỏ các giáo sĩ cao cấp từ chối không nhượng bộ bất cứ điều gì đối với các chế độ Cộng sản (như Đức Hồng Y Jozsef Mindszenty của Hung Gia Lợi và Đức Hồng Y Joseph Beran của Tiệp Khắc), dập tắt bất kỳ vai trò công khai nào của các nhà lãnh đạo Công Giáo lưu vong như Đức Hồng Y Josyf Slipyj, kêu gọi các giáo sĩ và giáo dân hầm trú ngừng các hoạt động chống lại các chế độ Cộng sản tại địa phương, tập chú vào việc tìm kiếm các hiệp định với các chính phủ Cộng sản. Một tiền đề hình thành nên sự trở mặt đáng kể này là luận cứ cho rằng những luận điệu chống lại Cộng sản của Vatican trước đó đã khiến cho các chế độ Cộng sản khủng bố Giáo hội; người ta giả định rằng nếu Vatican tỏ ra thân thiện hơn (từ thông dụng là “đối thoại”), thì một sự dịu giọng như thế sẽ được [Cộng sản] hồi đáp.
Tình hình đã không xảy ra như thế. Và dưới bất kỳ một đánh giá khách quan nào, chính sách Ostpolitik của Casaroli là một thất bại – và trong một số trường hợp là một đại thảm hoạ.
Source: New York Times The Pope Doesn’t Understand China”
Views: 0