Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh chuyển ngữ
Xin chào anh chị em thân mến,
Được trầm mình trong bầu khí linh thiêng của Tuần Thánh, chúng ta đang ở vào ngày áp Tam Nhật Phục Sinh. Từ ngày mai đến Chúa Nhật, chúng ta sẽ sống những ngày chính yếu của Phụng Niên, bằng việc cử hành mầu nhiệm Khổ Nạn, Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa. Chúng ta sống mầu nhiệm này mỗi khi chúng ta cử hành Thánh Thể. Khi chúng ta đi dự Lễ, chúng ta không chỉ đi cầu nguyện thôi, không, chúng ta đi để lập lại, để hiện thực hóa mầu nhiệm này, mầu nhiệm Vượt Qua. Không được quên điều ấy. Như thể chúng ta đi đến Canvê – tương tự như thế – để lập lại, để tái hiện thực mầu nhiệm Vượt Qua này.
Vào tối Thứ Năm Tuần Thánh, khi chúng ta tiến vào Tam Nhật Phục Sinh, chúng ta sẽ sống lại Thánh Lễ được gọi là in Coena Domini, nghĩa là Thánh Lễ chúng ta tưởng niệm Bữa Tiệc Ly, ở đó, vào lúc ấy. Đó là buổi tối Chúa Kitô lưu lại cho các môn đệ của Người giao ước yêu thương của Người nơi Thánh Thể, không phải như là một cái gì nhớ lại, mà là như một tưởng niệm, như việc hằng hiện diện của Người. Mỗi khi chúng ta cử hành Thánh Thể, như tôi đã nói từ đầu, chúng ta lập lại mầu nhiệm cứu chuộc này. Nơi Bí Tích ấy, Chúa Giêsu đã thay thế nạn nhân hy tế – là con chiên Vượt Qua – bằng chính bản thân của Người: Mình và Máu của Người ban cho chúng ta ơn cứu độ cho khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và sự chết. Ơn cứu độ cho khỏi hết mọi hình thức nô lệ ở đó. Chính vào buổi tối này mà Người xin chúng ta hãy yêu thương nhau bằng việc trở thành tôi tớ cho nhau, như Người đã rửa chân cho các môn đệ, một cử chỉ báo trước hy tế đẫm máu của Người trên thập tự giá. Thật vậy, vị Thày và Vị Chúa này sẽ chết vào ngày hôm sau để thanh tẩy không phải là chân, mà là cõi lòng cùng tất cả đời sống của các môn đệ Người. Đó là một hy hiến phục vụ cho tất cả chúng ta, vì bằng việc phục vụ của hy tế này Người đã cứu chuộc tất cả chúng ta.
Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày thống hối, chay tịnh và nguyện cầu. Qua các bản văn Thánh Kinh cùng với các kinh nguyện phụng vụ, chúng ta sẽ qui tụ lại như thể chúng ta ở trên Đồi Canvê để tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn và Tử Nạn cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô. Bằng tính cách trang trọng của lễ nghi, qua Tác Động Phụng Vụ, Tượng Chuộc Tội sẽ được trưng ra cho chúng ta tôn thờ. Khi tôn thờ Thánh Giá, chúng ta sẽ sống lại hành trình của Con Chiên vô tội được hy hiến cho phần rỗi của chúng ta. Chúng ta sẽ ấp ủ trong lòng trí của chúng ta những khổ đau của thành phần bệnh nhân, của những ai nghèo khổ, của người bị thế giới ruồng bỏ; chúng ta sẽ nhớ đến “các con chiên bị sát tế”, những nạn nhân vô tội bởi chiến tranh, bởi các chế độ độc tài, bởi tình trạng bạo lực hằng ngày, bởi các vụ phá thai… Trong cầu nguyện, chúng ta sẽ mang nhiều người, rất ư là nhiều con người bị đóng đanh trong thời đại của chúng ta, đến trước hình ảnh của Vị Thiên Chúa tử giá, Đấng duy nhất mà ở nơi Người họ mới có thể nhận được niềm an ủi và ý nghĩa ở tình trạng khổ đau của họ. Hiện nay có nhiều con người: đừng quên những con người vị đóng đanh trong thời đại của chúng ta, những con người là hình ảnh của Chúa Giêsu Tử Giá, và Chúa Giêsu ở nơi họ.
Suốt từ khi Chúa Giêsu nhận lấy cho mình các vết thương của nhân loại và chính cái chết, thì tình yêu của Thiên Chúa đã tưới dội những vùng sa mạc này của chúng ta, Ngài đã chiếu soi tình trạng tăm tối của chúng ta. Vì thế giới này ở trong tăm tối. Chúng ta hãy làm một bản liệt kê tất cả mọi cuộc chiến tranh đang xẩy ra vào lúc này đây; tất cả mọi con trẻ bị chết vì đói ăn; các con trẻ bị thất học; toàn bộ thành phần dân chúng bị hủy diệt bởi chiến tranh, bởi khủng bố. Có nhiều người cần thuốc phiện chỉ để cảm thấy sảng khoái hơn một chút, cần một kỹ nghệ thuốc phiện sát hại… Thật là một thảm họa, thật là một hoang địa! Có những “hải đảo” nho nhỏ của dân Chúa, cả Kitô hữu lẫn tất cả những niềm tin khác, đang ấp ủ trong lòng mình ước muốn nên tốt hơn. Thế nhưng chúng ta hãy nói lên sự thật như thế này đó là nơi Đồi Canvê chết chóc này, chính Chúa Giêsu đang chịu khổ dau ở nơi các môn đệ của Người. Trong khi thi hành thứa tác vụ của mình, Người Con Thiên Chúa đã gieo vãi sự sống bằng việc chữa lành, tha thứ, hồi sinh… Lúc ấy, trong giờ khắc Hiến Tế tối hậu của Người trên cây thập tự giá, Người hoàn trọn công việc được Chúa Cha ủy thác cho Người: Người đã xuống tận vực thẳm khổ đau, Người đã tiến vào những thảm họa này của thế giới, để cứu chuộc và biến đổi. Cũng để giải thoát hết mọi người chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, khỏi kiêu hãnh, khỏi thái độ cưỡng lại được Thiên Chúa yêu thương. Chỉ có tình yêu của Thiên Chúa mới có thể làm điều ấy. Bằng các thương tích của Người mà chúng ta đã được chữa lành (cf 1Pt 2:24), tông đồ Phêrô đã nói thế, bằng cái chết của Người, chúng ta đã được tái sinh, tất cả chúng ta. Nhờ Người, Đấng bị bỏ rơi trên thập tự giá, không một ai sẽ còn bao giờ còn lẻ loi cô độc trong bóng tối chết chóc nữa. Không bao giờ, Người luôn ở bên chúng ta: chúng ta chỉ cần mở lòng của chúng ta ra, và hãy để mình được Người đoái nhìn đến.
Thứ Bảy Tuần Thánh là ngày thinh lặng, thời điểm các vị môn đệ tiên khởi đã sống trong than khóc và bối rối, với tâm trạng bàng hoàng trước cái chết đê hèn nhục nhã của Chúa Giêsu. Trong khi Chính Lời thì câm nín, trong khi Sự Sống ở trong mồ, thì những ai đã đặt niềm hy vọng nơi Người đều phải trải qua một cơn thử thách khốn khó, họ cảm thấy họ như là những kẻ mồ côi, thậm chí bị mồ côi bởi Thiên Chúa. Thứ Bảy cũng là ngày của Mẹ Maria: Mẹ cũng đã sống trong châu lệ, thế nhưng lòng Mẹ tràn đầy đức tin, tràn đầy đức cậy và tràn đầy đức mến. Người Mẹ này của Chúa Giêsu đã theo Con Mẹ suốt con đường sầu khổ và ở dưới chân cây thập tự giá, với một linh hồn bị đâm thâu. Thế nhưng, khi tất cả dường như kết thúc thì Mẹ đã thao thức, Mẹ đã canh thức trông mong, vẫn hy vọng vào lời hứa của Thiên Chúa là Đấng làm cho kẻ chết sống lại. Bởi vậy mà trong giờ khắc tối tăm nhất, Mẹ đã trở nên Người Mẹ của các tín hữu, Người Mẹ của Giáo Hội và là dấu hiệu của niềm hy vọng. Chứng từ của Mẹ và lời chuyển cầu của Mẹ là những gì nâng đỡ duy trì chúng ta khi gánh nặng thập giá trở nên quá nặng đối với mỗi một người chúng ta.
Trong bóng tối tăm của Thứ Bảy Tuần Thánh, niềm vui và ánh sáng sẽ phát tỏa ra với các nghi thức của Đêm Vọng Phục Sinh, và vào lúc tối muộn hơn, tiếng hát Alleluia được hân hoan vang lên. Đó sẽ là một cuộc hội ngộ bằng đức tin với Chúa Kitô Phục Sinh, và niềm vui Phục Sinh sẽ tiếp tục kéo dài suốt 50 ngày sau đó, cho đến khi Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Đấng bị đóng đanh đã phục sinh! Tất cả mọi vấn đề và bất ổn, mọi bồn chồn băn khoăn cùng sợ hãi đã bị tan biến trước mạc khải này. Đấng Phục Sinh cống hiến cho chúng ta niềm tin tưởng là sự thiện bao giờ cũng vinh thắng trên sự dữ, sự sống bao giờ cũng chiến thắng sự chết, và cái kết thúc của chúng ta không phải là càng lún xuống sâu hơn, cứ buồn khổ là buồn khổ, mà là vươn lên vao. Đấng Phục Sinh là một khẳng định rằng Chúa Giêsu chân thực trong hết mọi sự: nơi lời hứa cho chúng ta sự sống vượt trên sự chết và tha thứ trên tội lỗi. Các vị môn đệ đã tỏ ra hồ nghi ngờ vực, họ không tin tưởng. Người đầu tiên tin tưởng và được thấy đó là Maria Mai Đệ Liên; chị là vị tông đồ của cuộc phục sinh, người đã đi loan báo rằng chị đã thấy Chúa Giêsu, Đấng đã gọi đích danh chị. Sau đó, tất cả các môn đệ đều đã thấy Người. Thế nhưng, tôi muốn dừng lại ở chỗ này: những kẻ canh gác, những người lính, ở nơi ngôi mộ đã ngăn không cho các môn đệ đến lấy xác của Người đi, họ đã thấy Người; họ đã thấy Người đang sống và phục sinh. Các kẻ thù của Người đã thấy Người, và rồi họ giả bộ như chưa từng thấy Người. Tại sao? Vì họ được mua chuộc. Mầu nhiệm thực sự về những gì Chúa Giêsu từng nói là ở chỗ này: “Có hai chủ tể trên thế gian này, hai thôi, không hơn: hai. Thiên Chúa và tiền bạc. Ai phụng sự tiền của thì chống lại Thiên Chúa”. Và chính tiền bạc ở đây đã làm thay đổi thực tại. Họ đã bàng hoàng về cuộc phục sinh, thế nhưng họ đã bị mua chuộc để giữ im lặng. Hãy nghĩ đến đã có nhiều lần những con người nam nữ Kitô hữu đã bị mua chuộc để trên thực tế không công nhận cuộc phục sinh của Chúa Kitô, và không thực hiện những gì Chúa Kitô muốn chúng ta làm như những Kitô hữu.
Anh chị em thân mến, năm nay, một lần nữa, chúng ta sẽ lại sống với các cử hành Phục Sinh trong bối cảnh dịch bệnh. Trong nhiều trường hợp khổ đau, nhất là khi những trường hợp này xẩy ra cho dân chúng, cho các gia đình và cho các thành phần dân chúng đã chịu đựng nghèo khổ, chịu đựng các thứ tai ương hay các cuộc xung đột, thì Thánh Giá của Chúa Kitô giống như một ngọn hải đăng chỉ cho thấy bến cảng cho các thứ tầu bè vẫn còn đang trôi nổi trên biển cả bão tố. Thánh Giá của Chúa Kitô là dấu hiệu của niềm hy vọng không gây thất vọng; và Thánh Giá nói với chúng ta rằng cho dù một giọt lệ, một thở than cũng không bị mất đi trong dự án của Thiên Chúa. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết phục vụ Ngài và nhận biết Ngài, đừng để mình bị mua chuộc mà quên mất Ngài.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề.
Views: 0