Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh chuyển ngữ
Cầu nguyện: nơi người công chính
Xin thân ái chào anh chị em,
Bài giáo lý hôm nay chúng ta giành để nói về việc người công chính cầu nguyện.
Dự án của Thiên Chúa giành cho nhân loại thì thiện hảo tốt đẹp, thế nhưng, trong đời sống hằng ngày của mình, chúng ta lại thấy sự dữ xuất hiện: đó là một kinh nghiệm thường ngày. Các đoạn đầu tiên của Sách Khởi Nguyên cho thấy tính chất rộng lan gia tăng của tội lỗi ở nơi các thứ chuyện của con người. Adong và Evà (xem 3:1-7) đã tỏ ra ngờ vực những ý định nhân lành của Thiên Chúa, khi nghĩ rằng họ đang phải đương đầu với một vị thần linh ganh tị, muốn ngăn cản không cho họ hưởng hạnh phúc của họ. Thế nên mới xẩy ra chuyện nổi loạn: họ không còn tin vào một vị Hóa Công quảng đại nữa, Đấng muốn cho họ được hạnh phúc. Lòng của họ, chiều theo chước cám dỗ của tên gian ác, được chấp nhận bởi những thứ ảo tưởng về quyền toàn năng: “Nếu chúng ta ăn trái của cây đó thì chúng ta sẽ trở nên như Thiên Chúa” (câu 5). Chước cám dỗ ấy là ở chỗ tham vọng lọt vào cõi lòng. Thế nhưng, kinh nghiệm lại là những gì nghịch đảo, ở chỗ, mắt của họ mở ra, khiến họ thấy rằng họ trần trụi (câu 7), chẳng có gì hết. Đừng quên điều này: tên cám dỗ là một tên dụ dẫm bậy bạ, hắn dụ dẫm một cách sai quấy.
Sự dữ càng trở nên lũng đoạn hơn nơi thế hệ thứ hai của con người, nó trở nên mãnh liệt hơn, nơi câu chuyện của Cain và Aben (4:1-16). Cain ghen tị với em của mình: một con sâu ghen tị xuất hiện; cho dù hắn là trưởng tử, hắn cũng thấy Aben như là một địch thủ, kẻ muốn ngầm phá vai trò chính yếu của hắn. Sự dữ hiện lên trong lòng hắn, và hắn không thể khống chế nó. Khi sự dữ bắt đầu đột nhập vào tâm can thì bao giờ cũng hiện lên những ý nghĩ xấu về người khác, ngờ vực họ. Trí óc có thể nghĩ rằng: “Đó là một tên bậy bạ, hắn sẽ gây tổn thương đến tôi”. Rồi ý nghĩa ấy lọt vào tâm can… Để rồi câu chuyện về tình huynh đệ đầu tiên đã kết thúc ở một tay sát nhân. Tôi đang nghĩ đến tình huynh đệ nhân loại ngày nay… các thứ chiến tranh xẩy ra ở khắp mọi nơi mọi chốn.
Theo giòng dõi của Cain, thủ công nghệ và nghệ thuật phát triển, nhưng đồng thời bạo lực cũng phát triển nữa, như được bày tỏ trong bài ca nham hiểm của Lamec, một bài ca như là một khúc hát rửa hận: “Vì một vết thương, ta đã giết một người, vì một chút sây sát, ta đã giết một đứa trẻ. Ca-in sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng La-méc thì gấp bảy mươi bảy!” (4:23-24). Rửa hận ở chỗ: “ngươi làm điều ấy thì ngươi có vay có trả”. Thế nhưng quan tòa không nói điều ấy mà là tôi. Tôi phán quyết trường hợp ấy. Nên sự dữ lan ra như trận lửa dại, cho đến khi nó chiếm hết toàn bộ bức tranh: “Chúa đã thấy rằng sự gian ác tồi bại của con người đầy trên mặt đất, và hết mọi ý muốn sâu xa của lòng họ lúc nào cũng toàn là sự dữ” (6:5). Bức họa bao rộng về trận lụt toàn diện (đoạn 6-7), và tháp Babel (đoạn 11) cho thấy rằng cần đến một khởi đầu mới, như cần đến một cuộc tân tạo, một cuộc tân tạo sẽ được nên trọn nơi Đức Giêsu Kitô.
Tuy nhiên, ở những trang Thánh Kinh đầu tiên này, cũng có cả một câu chuyện khác nữa, không lôi cuốn cho lắm, đơn thường hơn nhiều và được mến mộ hơn nhiều, một câu chuyện tiêu biểu cho niềm hy vọng cứu độ. Cho dù là hầu hết mọi người đều tác hành một cách tàn bạo, gây hận thù ghen ghét và thống trị cả một guồng máy lớn lao nơi các sự vụ của con người, vẫn có một số người có khả năng chân thành cầu nguyện cùng Thiên Chúa, có thể viết lên định mạng của con người một cách khác biệt. Abel hiến dâng Thiên Chúa một hy tế của các thứ hoa trái đầu mùa. Sau khi Abel chết, Adong và Eva có được người con thứ ba là Set, cha của Enoc (nghĩa là “tử vong”), và Sách Thánh viết: “Từ lúc ấy dân chúng bắt đầu kêu cầu danh Chúa” (4:26). Sau đó Enoc xuất hiện, một con người “bước đi với Chúa” và được mang đi về trời (5:22,24). Sau cùng là truyện về Noe, một con người công chính “đã bước đi với Chúa” (6:9).
Khi đọc những câu chuyện này, người ta có ấn tượng rằng cầu nguyện vừa là bờ đê vừa là chốn nương náu của con người trước trận lụt sự dữ đang dâng cao trên thế giới này. Nếu nhìn kỹ hơn chúng ta cũng cầu cho chính mình được cứu độ nữa. Cần phải cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi bản thân con, khỏi các tham vọng của con, khỏi các đam mê của con”. Những con người cầu nguyện ở những trang mở đầu của Thánh Kinh đều là những con người hoạt động cho hòa bình: thật vậy, nếu chân thực, việc cầu nguyện hoàn toàn không còn những bản năng bạo lực và là một ánh mắt hướng về Thiên Chúa, nhờ đó Ngài đáp lại bằng việc chăm sóc cho cõi lòng của con người. Sách Giáo Lý dạy rằng: “Tính chất cầu nguyện này được cảm nghiệm bởi nhiều con người công chính nơi tất cả mọi tôn giáo” (2569). Việc cầu nguyện là những gì vun trồng những luống hoa tái sinh ở những chốn lòng hận thù ghen ghét chỉ có thể lan rộng nơi sa mạc khô cằn. Cầu nguyện là những gì mãnh lực, vì nó thu hút quyền năng của Thiên Chúa, và quyền năng của Thiên Chúa lại luôn ban sự sống: bao giờ cũng thế. Ngài là Vị Thiên Chúa của sự sống và làm tái sinh.
Đó là lý do tại sao vai trò làm chúa của Thiên Chúa được tỏ hiện qua một chuỗi những con người nam nữ, thường bị hiểu lầm hay bị loại trừ trên thế gian này. Thế nhưng thế giới lại sống động và tăng trưởng, khi quyền năng của Thiên Chúa bị thu hút bởi những người đầy tớ này. Họ không phải là một bọn om sòm, một chuỗi người ít khi thấy nhẩy vọt lên ở những tin chính, tuy nhiên, họ lại rất quan trọng để phục hồi niềm tin tưởng trên thế giới! Tôi nhớ đến truyện của một người làm đầu trong chính quyền, đóng một vai quan trọng, không phải trong lúc này, mà vào thời đã qua. Một con người vô thần không hề có cảm quan tôn giáo gì trong lòng hết, thế nhưng, từ nhỏ, ông đã thấy được bà của mình cầu nguyện, và điều ấy vẫn lưu lại trong lòng của ông ta. Thế rồi, vào một lúc khó khăn trong cuộc đời của mình, ký ức ấy trở lại với cõi lòng của ông mà nhắc nhở rằng: “Thế nhưng bà của mình đã cầu nguyện…”. Thế là ông bắt đầu cầu nguyện bằng các mẫu thức của bà ông dạy cho, và ông đã gặp được Chúa Giêsu ở đó. Cầu nguyện là một chuỗi đời sống, ở chỗ nhiều con người nam nữ cầu nguyện đều gieo vãi sự sống. Cầu nguyện là việc gieo vãi sự sống, lời cầu nguyện nhỏ nhoi: đó là lý do tại sao cần phải dạy cho trẻ em cầu nguyện. Tôi cảm thấy nhức nhối khi tôi thấy trẻ em không thể làm dấu Thánh Giá. Chúng ta cần phải dạy cho chúng làm dấu Thánh Giá đàng hoàng tử tế, vì nó là lời cầu nguyện đầu tiên. Trẻ em cần phải biết cầu nguyện. Sau đó, có thể các em sẽ bị quên mất, sẽ đi theo con đường khác; tuy nhiên, những lời cầu nguyện đầu tiên các em học được từ nhỏ vẫn còn trong lòng các em, vì chúng như là hạt giống sự sống, hạt giống đối thoại với Chúa.
Đường lối của Thiên Chúa trong giòng lịch sử băng qua họ, qua họ là phần “còn lại” của nhân loại, thành phần không chiều theo luật của những kẻ mạnh nhất, thế nhưng họ xin Thiên Chúa thực hiện các phép lạ của Ngài, nhất là biến đổi con tim chai đá của chúng ta thành con tim bằng thịt (xem Ezekiên 36:26). Đường lối của Thiên Chúa ấy giúp cho cầu nguyện: vì cầu nguyện là việc mở cửa ra cho Thiên Chúa, khi nó biến đổi cõi lòng chai đá nhiều lần của chúng ta thành con tim nhân loại.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề.
Views: 0