Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh chuyển ngữ
Các người nữ nghĩ rằng họ thấy thi thể của Chúa để xức dầu, thế nhưng họ lại thấy một ngôi mộ trống. Họ đã khóc thương một người chết, thế nhưng họ đã nghe thấy một lời loan báo về sự sống. Thế nên Phúc Âm nói rằng những người phụ nữ ấy “đầy sợ hãi và ngỡ ngàng” (Mk 16:8), đầy sợ hãi, khiếp đảm và đầy lạ lùng. Tâm trạng bàng hoàng ở trường hợp này là một nỗi sợ hãi lẫn lộn với niềm vui, một niềm vui làm cho lòng họ cảm thấy lạ lùng khi thấy tảng đá lớn chắn cửa mồ bị đẩy ra chỗ khác, và trong đó có một nam nhân trẻ trung mặc chiếc áo khoác trắng. Thật là ngỡ ngàng khi nghe thấy những lời này: “Đừng sợ! Các người đang tìm kiếm Giêsu Nazarét, Đấng tử giá. Ngài đã sống lại rồi” (v.6). Sau đó là lời mời gọi: “Người đi đến Galilêa trước các người, ở đó các người sẽ thấy Người” (v.7). Cả chúng ta cũng đón nhận lời mời gọi này, lời mọi gọi Phục Sinh, đó là chúng ta đến Galilêa, nơi Vị Chúa Phục Sinh đã đến trước chúng ta. Thế nhưng, đâu là ý nghĩa cho việc “đi đến Galilêa”?
Đi đến Galilêa trước hết có nghĩa là bắt đầu lại. Đối với các môn đệ thì nó có nghĩa là hãy trở về nơi mà Chúa đã tìm gặp họ lần đều tiên và đã kêu gọi họ theo Người. Chính là nơi gặp gỡ ban đầu và là mơi của tình yêu ban đầu. Từ lúc ấy, bỏ chài lưới, họ đã theo Chúa Giêsu, lắng nghe lời giảng dạy của Người và chứng kiến thấy những việc lạ lùng Người thực hiện. Tuy nhiên, cho dù luôn ở với Người, họ vẫn không hoàn toàn hiểu được Người, họ thường hiểu lầm lời của Người và tẩu thoát cho khỏi thập giá, bỏ mặc Người một mình. Bất chấp cái thất bại ấy, Vị Chúa Phục Sinh tỏ mình ra như Đấng đến Galilêa trước họ một lần nữa; Người đến trước họ nghĩa là Người đứng trước họ. Người gọi họ và gọi họ theo Người, không hề cảm thấy mệt mỏi. Đấng Phục Sinh đang nói với họ rằng: “Nào chúng ta hãy bắt đầu lại từ nơi chúng ta đã khởi sự. Chúng ta hãy bắt đầu lại. Thày muốn các con ở với Thày một lần nữa, bất chấp và gạt đi tất cả mọi thất bại”. Nơi Galilêa này, chúng ta cảm thấy lạ lùng về tình yêu thương của Chúa, một tình yêu vạch vẽ ra những con đường mới nơi những nẻo đường thua bại của chúng ta. Chúa là như thế đó, Người vạch ra những con đường mới nơi những nẻo đường thua bại của chúng ta. Người là thế đó và Người mời gọi chúng ta đến Galilêa để làm điều ấy.
Đây là lời loan báo Phục Sinh đầu tiên tôi muốn gửi đến anh chị em, đó là bao giờ cũng có thể bắt đầu lại, vì luôn có một sự sống mới là những gì Thiên Chúa có thể hồi sinh nơi chúng ta, vượt qua tất cả mọi thất bại của chúng ta. Thậm chí từ đống gạch vụn của tấm lòng chúng ta – mỗi người chúng ta đều biết, biết được đống gạch vụn của lòng mình – ngay từ đống gạch vụn của cõi lòng chúng ta, Thiên Chúa vẫn có thể kiến thiết lên thành một công trình nghệ thuật, thậm chí từ những mảnh tàn rụi của nhân loại chúng ta Thiên Chúa đang sửa soạn cho một lịch sử mới. Người luôn đi trước chúng ta: nơi thập giá khổ đau, cô độc và chết chóc, cũng như nơi vinh quang của một sự sống được tái sinh, của một lịch sử đang thay đổi, của một niềm hy vọng đang được tái sinh. Trong những tháng ngày tối tăm của dịch bệnh, chúng ta nghe thấy Vị Chúa Phục Sinh mời gọi chúng ta hãy bắt đầu lại, đừng bao giờ mất hy vọng.
Sau nữa, đến Galilêa có nghĩa là theo đuổi những đường lối mới. Đó là di chuyển ngược chiều với ngôi mộ. Những người nữ tìm kiếm Chúa Giêsu ờ mồ, tức là họ nhớ đến những gì họ đã sống với Người và là những gì bấy giờ vĩnh viễn đã bị mất đi. Họ đến để làm bừng lên nỗi buồn khổ của họ. Đó là hình ảnh của một đức tin trở nên tưởng nhớ về một sự kiện tuyệt vời những đã chấm dứt, chỉ còn là ký ức. Nhiều người – chúng ta nữa – đang sống một “đức tin của những thứ hồi niệm”, như thể Chúa Giêsu là một nhân vật của quá khứ, một người bạn thời còn trẻ của họ giờ đây đã xa cách vời vợi, một sự kiện đã xẩy ra một thời gian lâu lắm rồi, khi tôi còn một đứa bé học giáo lý. Một thứ đức tin được làm nên bởi các thói quen, bởi những gì trong quá khứ, của những hồi niệm tốt đẹp thời còn nhỏ, những sự không còn đụng chạm đến tôi nữa, không còn thách thức tôi nữa. Đến Galilêa, trái lại, nghĩa là học biết rằng đức tin muốn sinh động thì phải tái lên đường. Nó cần phải hằng ngày trở lại với khởi điểm của cuộc hành trình, sống lại cái ngỡ ngàng của cuộc gặp gỡ ban đầu. Và rồi lòng tin tưởng, không cho rằng mình đã biết hết mọi sự, mà với sự khiêm nhượng của một kẻ biết ngỡ ngàng trước những đường lối của Thiên Chúa. Chúng ta sợ những việc lạ lùng của Thiên Chúa; chúng ta thường sợ Thiên Chúa làm cho chúng ta bỡ ngỡ lạ lùng. Hôm nay đây Chúa mời gọi chúng ta hãy để mình cảm thấy lạ lùng bỡ ngỡ. Chúng ta đến Galilêa để khám phá ra rằng Thiên Chúa không thể bị để giữa các thứ hồi niệm của thời còn bé mà là vị Thiên Chúa sống động, luôn lạ lùng. Sống lại, Người không thôi khiến chúng ta lạ lùng bỡ ngỡ.
Đây là lời loan báo Phục Sinh thứ hai: đức tin không phải là một cái kho dự trữ của quá khứ, Chúa Giêsu không phải là một nhân vật hủ lậu. Người đang sống, ngay nơi đây và vào lúc này đây. Đang bước đi với anh chị em hằng ngày, nơi tình trạng anh chị em đang trải nghiệm, nơi thử thách anh chị em đang chịu đựng, nơi những mộng mơ anh chị em đang ấp ủ trong lòng. Đức tin này mở ra những con đường mới dường như anh chị em chưa hề biết, nó thúc đẩy anh chị em dám đi ngược triều sóng của những gì là ân hận tiếc xót và của những gì là “biết rồi”. Ngay cả khi anh chị em cảm thấy mình dường như mất hết mọi sự, thì xin anh chị em cứ cởi mở một cách ngỡ ngàng trước tính chất mới mẻ của nó, nó sẽ làm cho anh chị em cảm thấy bàng hoàng sửng sốt.
Đến Galilêa cũng còn có nghĩa là đến tận các nơi biên cương bờ cõi. Vì Galilêa là nơi xa xôi nhất: ở miền ô hợp ấy có những con người sống xa vời nhất với tính chất tinh tuyền về nghi lễ của Giêrusalem. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại bắt đầu sứ vụ của Người từ đó, khi lên tiếng loan báo cho những ai tác hành cuộc sống hằng ngày một cách khó khăn, cho thành phần bị tẩy chay loại trừ, cho những người hèn yếu, cho người nghèo khổ, Người trở thành dung nhan và sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng đi tìm kiếm những ai cảm thấy thất vọng và lạc loài, Đấng di chuyển đến tận những hạn hữu của cuộc sống, không ai là cuối cùng, không ai bị loại trừ. Đấng Phục Sinh đã xin các môn đệ của Người đến đó, ngay cả hôm nay đây, Người xin chúng ta hãy đến Galilê, đến “chốn Galilêa” thực hữu này. Nó là nơi của cuộc sống hằng ngày, là những con đường chúng ta hành trình hằng ngày, là những góc phố, nơi Chúa đã đến trước chúng ta và hiện diện ở đó, ở ngay nơi cuộc sống của những ai qua đường và chia sẻ với chúng ta giờ giấc, nhà cửa, việc làm, nỗ lực và niềm hy vọng. Ở Galilêa chúng ta biết rằng chúng ta có thấy gặp Đấng Phục Sinh, nơi gương mặt của những người anh chị em, nơi lòng nhiệt thành của những ai mơ tưởng, cũng như nơi việc thoái lui của những ai đang thất vọng, nơi những nụ cười của những ai hân hoan, cũng như nơi nước mắt của những ai đau khổ, nhất là nơi người nghèo, và nơi những người bị loại ra ngoài lề xã hội. Chúng ta sẽ bàng hoàng trước cách thức tỏ hiện sự cao cả của Thiên Chúa nơi những gì là nhỏ bé, trước cách thức vẻ đẹp của Ngài chiếu tỏa nơi thành phần thô sơ và nghèo khổ.
Thế rồi lời loan báo Phục Sinh thứ ba ở đây là Chúa Giêsu, Đấng Phục Sinh, yêu thương chúng ta vô biên và đến viếng thăm từng trường hợp của đời sống chúng ta. Người gieo trồng sự hiện diện của Người giữa lòng thế giới, và cũng mời gọi chúng ta hãy thắng vượt các ngãng trở, các thành kiến, tiến đến với những ai ở chung quanh chúng ta hằng ngày, hãy khám phá ra ân sủng của cuộc sống hằng ngày. Chúng ta hãy nhận ra ân sủng này ở Galilêa của chúng ta, ở cuộc sống hằng ngày. Cuộc sống với Người sẽ đổi thay. Đấng Phục Sinh đang sống và đang dẫn dắt lịch sử bất chấp tất cả mọi thua bại, sự dữ và bạo lực, mọi khổ đau và chết chóc.
Anh chị em thân mến, nếu đêm hôm nay anh chị em đang cưu mang trong lòng mình một giờ khắc tối tăm, một ngày chưa tỏ rạng, một thứ ánh sáng bị vùi dập, một mộng mơ tan vỡ, thì hãy đến, hãy mở lòng mình ra một cách ngỡ ngàng trước lời loan báo: “Đừng sợ, Người đã sống lại rồi! Người đang chờ đợi các người ở Galilêa”. Các nỗi trông mong của anh chị em sẽ được thành tựu, các giọt lệ của anh chị em sẽ được lau khô, các nỗi sợ hãi của anh chị em sẽ được khống chế bởi niềm hy vọng. Vì, như anh chị em biết, Chúa luôn đi trước anh chị em, bao giờ cũng bước đi trước anh chị em. Nên, với Người, đời sống luôn được bắt đầu lại.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề.
Views: 0