Giáo hội hoàn vũ

Các nhà lãnh đạo Iraq: Chuyến tông du là một phép lạ. Cảm giác của ĐTC trong chuyến mạo hiểm này

Thế Giới Nhìn Từ Vatican08/Mar/2021

Nguồn: vietcatholic.News

 

  1. Đức Thánh Cha nói về cảm giác của ngài trong chuyến tông du đầy mạo hiểm tại IraqTrên chuyến bay trở lại Rôma từ thủ đô Baghdad vào hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng giáo sĩ Shiite hàng đầu của Iraq là một “người khiêm tốn và khôn ngoan”, và cuộc gặp gỡ ngày 6 tháng 3 của hai vị là một “thông điệp phổ quát” về tầm quan trọng của tình huynh đệ.

    Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng có những người chỉ trích đã buộc tội ngài không can đảm, chỉ là người liều lĩnh, hoặc những người nói rằng ngài đã đi ngược lại giáo lý của Giáo hội rất gần với tội dị giáo. Nhưng ngài nói rằng những lời chỉ trích là một trong những rủi ro của việc cố gắng thúc đẩy đối thoại liên tôn.

    “Nhưng những quyết định này luôn được thực hiện trong cầu nguyện, bàn thảo, đối thoại, xin lời khuyên và suy tư. Chúng không phải là ý thích bất chợt và chúng cũng là đường lối mà Công đồng Vatican II đã dạy chúng ta,” Đức Thánh Cha nhấn mạnh.

    Cuộc gặp mang tính bước ngoặt với Grand Ayatollah Ali al-Sistani diễn ra vào ngày thứ hai trong chuyến công du lịch sử kéo dài ba ngày của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Iraq từ 5-8 tháng Ba.

    Trong cuộc họp báo trên chuyến bay trở về Rome ngày 8 tháng 3, giáo hoàng được hỏi liệu cuộc gặp với al-Sistani có phải là một thông điệp gửi tới các nhà lãnh đạo tôn giáo của Iran hay không.

    “Tôi tin rằng đó là một thông điệp phổ quát”, Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời. “Tôi cảm thấy bổn phận trong cuộc hành hương đức tin và sám hối này là phải đi tìm một vĩ nhân, một người khôn ngoan, một người của Thiên Chúa”.

    Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng những phẩm chất này chỉ có thể được cảm nhận khi lắng nghe al-Sistani.

    Cuộc gặp gỡ này là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và Hồi giáo dòng Shiite.

    Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả cuộc gặp gỡ với al-Sistani là “rất đáng trân trọng”, nói thêm rằng ngài cảm thấy vinh dự khi giáo sĩ Shiite 90 tuổi đứng dậy chào ngài hai lần, điều mà ông thường không làm vì sức khoẻ kém.

    Mô tả nhà lãnh đạo tôn giáo như một người có trí tuệ và sự thận trọng, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét rằng những người khôn ngoan ở khắp mọi nơi, bởi vì “Sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã được truyền bá khắp thế giới.”

    Nói về chuyến viếng thăm Mosul, Đức Thánh Cha nói:

    “Tôi dừng lại trườc ngôi nhà thờ bị phá hủy và tôi nghẹn lời. Đó là một điều gì đó bạn không thể tin được, bạn không thể tin được. Không chỉ có ngôi nhà thờ này mà còn cả những nhà thờ khác và một đền thờ Hồi Giáo cũng bị phá hủy. Các bạn có thể thấy rằng họ, tức là quân khủng bố Hồi Giáo IS, đã không đồng ý với người dân ở địa điểm này. Không thể tưởng tượng được sự tàn ác của nhân loại chúng ta.”

Source:Catholic News AgencyPope Francis: Meeting with Iraq’s top Shiite cleric offered ‘universal message’ of fraternity

2. Các nhà lãnh đạo Kitô Giáo trong vùng Trung Đông cho rằng chuyến tông du đầy mạo hiểm của Đức Thánh Cha Phanxicô là một phép lạ.

Nữ ký giả Inés San Martín của tờ Crux, là người tháp tùng Đức Thánh Cha trên chuyến bay sang Baghdad có bài nhận định sau về dư luận tại Iraq đối với chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Mặc dù tác động của các chuyến tông du của một vị Giáo Hoàng thường khó đánh giá ngay lập tức, nhưng những cảnh báo như vậy có ý nghĩa rất ít đối với nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo địa phương của Iraq. Các vị đã nhanh chóng tuyên bố chuyến thăm từ ngày 5 đến 8 tháng 3 của Đức Thánh Cha Phanxicô tới quốc gia của các ngài là một “phép lạ” vào hôm Chúa Nhật.

“Tâm lý, văn hóa, đã bắt đầu thay đổi”, Đức Hồng Y Louis Raphael Sako nói với các nhà báo hôm Chúa Nhật, khi ngài đang chờ đợi Đức Thánh Cha Phanxicô đến Qaraqosh từ Mosul, hai thành phố bị tàn phá bởi bọn khủng bố Hồi Giáo IS từ năm 2014 đến 2017.

“Đầu tiên, là sự chờ đợi Đức Giáo Hoàng, và sau đó là sự hiện diện của ngài, đã tạo ra một điều kỳ diệu”, Đức Hồng Y Sako nói.

Ngài lập luận rằng tình hình đối với các tín hữu Kitô ở Iraq, nơi bọn khủng bố Hồi Giáo IS gây ra tội ác diệt chủng và nơi những người theo Chúa Giêsu từ lâu đã bị phân biệt đối xử, và thường bị coi là công dân hạng hai, đang thay đổi.

“Tình hình đã thay đổi rồi, bây giờ mọi người đang nói về chúng tôi, về lịch sử của những Kitô hữu ở Iraq và Trung Đông. Họ nói rằng ‘vùng đất này là của họ, chúng ta đến sau’, tức là họ bắt đầu sử dụng một ngôn ngữ hoàn toàn khác thể hiện sự tôn trọng đối với các tín hữu Kitô, khuyến khích các Kitô hữu ở lại, để xây dựng niềm tin tưởng lẫn nhau”, ngài nói.

Đức Tổng Giám Mục Youhanna Jihad Mtanos Battah, Tổng giám mục Công Giáo nghi lễ Syriac của Damascus, cũng đồng ý như thế: Mọi người đều rất vui mừng được chào đón Đức Giáo Hoàng, và “chuyến đi này rất quan trọng trong hành trình đối thoại. Đó là một lá thư cho hòa bình”.

“Iraq đã phải chịu đựng rất nhiều”, ngài nói với các phóng viên. “Họ đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh… Vì vậy, một chút sức mạnh, một chút can đảm là cần thiết cho những người dân đang chờ đợi việc tái thiết Iraq này. Đó là một chuyến thăm rất quan trọng”.

Đức Tổng Giám Mục Battah nói thêm rằng Syria hiện cũng đang chờ đợi Đức Giáo Hoàng, bởi vì “chiến tranh đã gần kết thúc”.

Hai vị giám mục đã nói chuyện riêng với các nhà báo tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, ở Qaraqosh, thành phố Kitô Giáo lớn nhất ở Iraq, nằm ở vùng đồng bằng Ninivê, một dải đất nằm giữa miền bắc Iraq và Kurdistan, là khu vực tự trị phía bắc dành cho người Kurd. Cả hai vị đã vào trong, nhưng cùng nhau rời khỏi nhà thờ, hướng ra sân để chụp ảnh với nhau, rõ ràng là các ngài rất vui khi gặp nhau.

Đức Tổng Giám Mục Mtanos đến Qaraqosh, cách biên giới Syria khoảng 320km, chỉ để được gặp Đức Giáo Hoàng. Ngài cho rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến thành phố này là ngày “Chúa Nhật Lễ Lá đến sớm”.

Khi được hỏi về khả năng Kitô Giáo biến mất khỏi Trung Đông, một ý tưởng thường được các nhà lãnh đạo Kitô đưa ra, đặc biệt là kể từ khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS nổi dậy, vị Tổng Giám Mục người Syria đã bác bỏ ý kiến này một cách dứt khoát.

“Chúng tôi đã ở đây, và chúng tôi sẽ ở lại đây”, ngài nói. “Trung Đông không có Kitô hữu trở nên rất nguy hiểm. Cộng đồng quốc tế cần giúp đỡ các tín hữu Kitô ở lại đất nước của họ. Điều này là rất quan trọng”.

Ngài nhấn mạnh thêm lần nữa rằng: “Chúng tôi đang ở đây. Chúng tôi rất ít, nhưng chúng tôi ở đây. Điều này rất quan trọng”, và lưu ý thêm rằng các Kitô hữu có thể là “cầu nối” với người Hồi giáo, như trong trường hợp của Đức Hồng Y Sako, là người đã “mời Đức Giáo Hoàng, một nhân vật quan trọng, và ngài đã đến Iraq. Và điều này là quan trọng đối với tất cả người dân Iraq”.

Thế giới ngày nay hầu như đã bỏ mặc Iraq cho các cuộc chiến bất tận giữa Hồi Giáo Sunni và Hồi giáo Shiite. Không ai chú ý đến họ, mà nếu có chú ý thì cũng chỉ là mong mỏi cho cảnh huynh đệ tương tàn càng ngày càng trầm trọng hơn để đục nước béo cò. Người dân Iraq nhận ra, cứ tiếp tục chiến tranh họ sẽ đi dần đến chỗ diệt vong. Đức Thánh Cha đến và hô hào hòa bình như một thông lộ duy nhất để thoát ra khỏi tình trạng hiện nay. Báo chí Iraq chạy các hàng tít lớn: “Đức Giáo Hoàng có lý.”

Ngài cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ các tín hữu Kitô ở lại Trung Đông thay vì di cư, và nói đùa rằng điều này “ít tốn kém hơn”.

Liên quan đến chuyến thăm có thể có đến Syria, Đức Tổng Giám Mục Mtanos nói rằng “tất cả chúng tôi đều chờ đợi chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến vào năm 2001. Có thể lắm, tôi không hiểu tại sao lại không”.

Sau khi một phóng viên chỉ ra rằng khi giáo hoàng Ba Lan ở Syria, không có một cuộc chiến nào đang diễn ra – như trường hợp bây giờ, với một cuộc xung đột đã diễn ra trong gần mười năm, vị tổng giám mục lập luận rằng cuộc chiến vẫn chỉ diễn ra ở phía Đông Bắc, nhưng các thành phố như Damascus và Aleppo đều yên bình.

“Chúng tôi gần như kết thúc chiến tranh”, ngài nói. “Và chuyến thăm sẽ mang lại cho chúng tôi sự bình yên hơn nữa. Mọi người đều yêu mến vị giáo hoàng này, bởi vì ngài cởi mở. Ngay cả những người theo đạo Hồi cũng đã chào đón Đức Giáo Hoàng”.

Đức Hồng Y Sako nói tiếp rằng niềm vui cho chuyến thăm lịch sử trong một thời điểm phức tạp như hiện nay có thể cảm nhận được ở khắp Iraq, giữa các tín hữu Kitô, người Hồi giáo và những người theo các tôn giáo khác.

“Ngài đã mang lại cho chúng tôi niềm an ủi, hy vọng, nhưng quan trọng hơn nữa là tình huynh đệ”, ngài nói. “Mọi người đều cảm động”.

Đề cập đến một khoảnh khắc lịch sử khác của chuyến đi, là cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Hồi giáo Shiite Ali al-Sistani, Đức Hồng Y Sako nói rằng vị Đại Giáo Trưởng đã nói với Đức Giáo Hoàng rằng ông chưa thể tiếp đón các chính trị gia tham nhũng ở thành phố Najaf, được coi là thánh địa của Hồi giáo Shiite, nhưng chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng là “lịch sử,” và nhắc lại rằng “tình huynh đệ giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo là cần thiết”, khi ông nghĩ đến tuổi trẻ, “bởi vì họ là tương lai của thế giới”.

Trong cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha vị Đại Giáo Trưởng đã không muốn thấy mặt các chính trị gia trong thành phố Najaf, mặc dù tất cả họ đều là những người Hồi giáo Shiite, vì ông cáo buộc họ tội tham nhũng. Ngoài Đức Thánh Cha, trong cuộc gặp gỡ này chỉ có thêm Đức Hồng Y Louis Sako, Đức Tổng Giám Mục Jean Benjamin Sleiman của tổng giáo phận Công Giáo Latinh Baghdad, và một cha phiên dịch.

Theo Đức Hồng Y, Đức Phanxicô nói đây là một “cuộc hành hương của hòa bình”, rằng chuyế tông du này “cần thiết cho tất cả mọi người để hoán cải hướng về Chúa, và nghĩ đến tình nhân loại chứ không phải chủ nghĩa giáo phái”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc chuyến thăm Iraq ngày 5-8 tháng 3 bằng một thánh lễ ở Erbil, thủ đô của Kurdistan. Với một đám đông ước tính khoảng 10.000 người, hầu như không ai có ý định tôn trọng các biện pháp chống COVID-19. Đức Thánh Cha hứa rằng Iraq “sẽ luôn ở bên tôi, trong trái tim tôi”.

“Tôi yêu cầu tất cả các bạn, anh chị em thân mến, hãy cùng nhau hiệp nhất vì một tương lai hòa bình và thịnh vượng, không bỏ lại ai và không phân biệt đối xử với ai. Tôi xin cam đoan với anh chị em về những lời cầu nguyện của tôi cho đất nước thân yêu này. Đặc biệt, tôi cầu nguyện xin cho các thành viên của các cộng đồng tôn giáo khác nhau, cùng với tất cả những người nam nữ thiện chí, có thể làm việc cùng nhau để xây dựng tình huynh đệ và tình đoàn kết để phục vụ thiện ích chung và hòa bình.”

Source:CruxIraqi Catholic leader calls Pope Francis’s trip a ‘miracle’

Views: 0

Người đăng bài viết

Joe M.D.